Người phụ nữ bán xôi dạo ở Sài Gòn. (Hình: Duy Thức/Người Việt) |
Duy Thức
Sài
Gòn như bị nung trong lò lửa. Vài cơn mưa đầu mùa chưa bớt hạ hỏa.
Người ta vội vã vào trường, vào lớp, vào siêu thị máy lạnh... tìm chỗ
tránh nóng.
Thế nhưng miệt mài ngoài đường phơi mình trong cái nắng khô khốc, không ngơi nghỉ vẫn là hàng rong muôn vẻ.
Nào ve chai, rau quả, thịt cá... Dạo này từ khi cá chết trắng dọc bờ
biển miền Trung thì cá biển ít hẳn đi. Người ta e ngại hóa chất độc hại
vẫn còn nằm trong con cá đi lạc nên không ai dám mua bất kỳ hải sản nào
về ăn dù được người bán bảo đàm nguồn gốc an toàn.
Khoảng 3 đến 4 giờ trở đi là thức ăn chiều. Nhiều nhất là người Bắc,
sau này người Trung mở đầu cho kiểu bán hàng rong thượng vàng hạ cám vào
tận hang cùng ngõ hẻm suốt từ sáng đến tận đêm khuya.
Trưa quá, dù nắng còn gắt đã bắt đầu nườm nượp hàng chiều, thường là
quà vặt. Cô gái đẩy xe bắp xào đi vào xóm trước, rồi bắp luộc, bò bía,
bánh bò, cháo huyết...
Cả tuần nay cứ đến năm sáu giờ chiều thì người ta nghe tiếng rao vang vang đặc biệt của món hàng mới:
-Xôi bắp, xôi khúc, xôi gà nóng hổi, xôi đậu xanh, đậu phộng...
Bữa cơm tối thường có khi đến sáu, bảy giờ khi mọi người trong nhà đi
học đi làm về đầy đủ còn lâu mới tới. Tiếng rao cả tràng dài đó khiến
mấy chị, mấy em nhỏ và cô bác lập tức gọi lại mua mỗi người vài gói.
Chị bán xôi trạc bốn mươi ngoài, đội nón lá. Mặc dầu nóng như lửa chị
vẫn khoác thêm chiếc áo chống nắng, không thì bỏng cả da chứ chẳng
chơi. Chiếc xe đạp cũ kĩ chở phía sau nồi chõ lớn đặt gọn trong giỏ lưới
kẽm. Chung quanh chõ và giỏ xe đằng trước đựng lắt nhắt nào bao nylon,
hộp xốp, hũ đường, hũ muối, đậu phộng, dừa nạo...
Hàng xôi của chị dường quen thuộc với bà con ăn vặt buổi chiều rồi.
Mỗi gói xôi tùy mặn hay ngọt mà bán từ bảy đến mười ngàn, chỉ trong thời
gian ngắn đã mau chóng tăng giá thay vì trung bình chỉ năm ngàn như
trước kia.
Chị ta nhanh nhảu chào mời:
-Hôm nay có xôi gà còn nóng hổi.
Tôi mua xôi đây là lần thứ hai. Chị ta thường đến khoảng 5 giờ lúc
tôi đang đứng trước cửa dò mấy tờ vé số mua hoài chẳng bao giờ trúng thì
tiếng rao vọng đến.
Chị bán xôi cho biết các thứ nguyên liệu: Nếp, đậu, đường... ngoài
chợ giao sỉ cho chị mỗi lần hàng tạ. Cứ dùng hết đến đâu, gọi điện thoại
lại có người chở đến tận nhà. Mặt xôi ngày nào chị cũng thay đổi một
chút. Hôm nay xôi khúc, mai xôi đậu đen... luôn đổi vị cho khách hàng.
Cứ buổi sáng chị dậy từ bốn giờ nấu năm ký nếp đến sáu giờ mang ra
đứng bán đầu chợ nơi có nhiều người và xe đi làm đi học ngang qua. Chiều
hai giờ bắt đầu nấu bảy ký nếp đến bốn giờ thì đi rong phố phường.
Tôi nhận xét:
-Thế thì buổi chiều người ta mua nhiều hơn sáng à?
Chị đáp:
-Buổi sáng người ta có nhiều thứ ăn để chọn lựa. Có người uống cafe,
ăn phở, bánh canh, bánh cuốn... hoặc ổ bánh mì thịt bỏ vào cốp xe đi làm
sớm. Mọi người cứ tưởng trưa xế, trời nóng nực ít ai ăn nếp đầy bụng
nhưng ngược lại, xôi chiều lại bán chạy hơn buổi sáng. Có lẽ trời quá
nóng gây uể oải nên người ta làm biếng nấu cơm ăn, chỉ cần gói xôi mười
ngàn là đủ no rồi.
Công nhân về ca chiều muốn dành thời giờ nghỉ ngơi hay làm việc gì đó
thì đem gói xôi về nhà trọ cũng qua bữa. Nếp chắc bụng hơn cơm tẻ lại
chẳng mất công chiên xào nấu nướng thêm thức ăn để ăn cùng. Thành thử
gói xôi tưởng quà vặt lại tiện dụng hơn các bất kỳ món nào khác.
Ngoài các thứ xôi ngọt ăn với đường và rắc muối mè, chị ta còn xôi gà
mặn có thể no bụng mà giá lại rẻ chỉ mười lăm ngàn thay vì bánh xèo,
nui, bún... bây giờ phải hai, ba chục ngàn trở lên. Vả lại xôi nấu quen
cũng dễ vì không cần phải chia ra thành nhiều nồi. Trong chiếc chõ lớn,
chị ta nấu cùng lúc năm loại xôi chia thành năm góc. Khi xôi chín, lại
bê nguyên chiếc chõ ấy bọc bao kín để giữ hơi nóng, đặt gọn vào giỏ lồng
chở đi. Nhờ thế đến mấy tiếng đồng hồ sau, xôi vẫn ấm.
Chị ta chỉ vào chõ xôi, nói:
-Xôi mềm rất ngon. Đó là do nấu bằng củi chứ nấu bằng bếp ga hay điện thì không ngon bằng.
Vì thế thay vì thuê nhà gần trung tâm thành phố cho tiện việc buôn
bán thì chị ta phải mướn phòng trọ tận chợ Xóm Mới. Ở đó giá thuê phòng
rẻ hơn, lại có sân rộng rãi thuận tiện cho việc nấu nướng. Hơn nữa, một
số phụ nữ từ miền Bắc vào cùng thuê phòng ở đó. Dân nhập cư có thói quen
đồng hương tìm đến gần nhau. Họ sống quây quần đùm bọc, giúp đỡ nhau
khi cần. Trong thành phố, giá trọ mắc, chỗ ở lại rất chật chội tới nỗi
chỉ có thể ngủ và tắm giặt, nhiều người phải mua cơm hộp bên ngoài chứ
chủ nhà không cho nấu ăn.
Vì thế không riêng xôi mà bất cứ hàng nào cần bắc bếp nổi lửa, xong
chảo nấu nướng như bắp luộc, khoai luộc, mì gõ, bánh bông lan... đều
phải thuê trọ ở khu vực ven đô mới có chỗ rộng rãi để sửa soạn làm hàng.
Bỗng tiếng chuông điện thoại trong túi chị bán xôi vang lên. Dù mồ
hôi mồ kê đổ ra nhễ nhại nhưng nét mặt sáng hẳn lên, chị ta lấy máy điện
thoại ra bấm, kẹp vào giữa cằm và vai để vừa xới xôi vừa kề tai nghe.
Hồi sau nói chuyện xong, chị quay sang tôi hãnh diện xòe ra tấm ảnh một
cậu thanh niên trên màn hình điện thoại:
-Con trai tôi học năm thứ ba đại học còn hơn một năm nữa ra trường.
Mỗi tháng tôi gửi về cho cháu ba triệu tiền ăn và thuê nhà. Ngoài ra
cháu cũng đi làm lặt vặt kiếm thêm tiền sách vở.
Tôi hỏi:
-Còn chồng chị thì sao?
Chị bán xôi trả lời:
-Chồng tôi và con gái út ở Vĩnh Phúc có vài sào ruộng, nuôi gà heo
vịt và trồng vài thứ rau cỏ ở nhà tự cung tự cấp đủ sống hai cha con.
Xem như hai vợ chồng chia nhau, mỗi người nuôi một đứa con. Vợ nuôi con
trai lớn, chồng nuôi con gái nhỏ. Mỗi năm tôi chỉ về quê một lần vào dịp
Tết. Ăn Tết độ một, hai tháng lại tất tả vào Nam buôn bán, không dám
nghỉ lâu hơn. Ngoài ra chỉ khi nào dưới quê có giỗ chạp lớn, việc cần
thiết lắm mới về kẻo tốn tiền xe.
Tôi thắc mắc:
-Sao chị không kiếm cách buôn bán gần nhà để gia đinh được sum họp.
Một năm dài đằng đẵng, vợ chồng chỉ gặp nhau một lần thì tội quá.
Chị bán xôi lắc đầu:
-Trước kia lúc trẻ, tôi theo người quen vào Nam bán rau quả. Sau này
lấy chồng, từng mở cửa hàng buôn bán nhì nhằng ở quê nhưng ế quá, chẳng
mấy khách mua, dần dần cụt cả vốn. Nhất là khi có con, ngày càng khó
khăn. Đất ruộng ở quê ít quá, công sức vốn liếng bỏ ra làm lúa chỉ đủ
gạo ăn trong nhà. Tôi để chồng con ở quê, lại quay vào Nam tìm đường mưu
sinh. Một người quen mách cho nghề nấu xôi chở xe đạp đi bán. Thế mà
thấm thoát đã hai chục năm.
Chị ta nói thêm:
-Với lại miền Nam chẳng những dễ sống mà người Nam tính tình dễ dãi
thật tình. Việc làm ăn buôn bán nhờ vậy mà nhẹ nhõm. Tôi chẳng những
nuôi con ăn học mà còn dành dụm để khi không còn sức khỏe nữa, quay về
quê thì cũng có được số vốn dưỡng già. Mỗi tháng trừ đi mọi chi phí ăn
ở, gửi cho con trai thì tôi cũng còn dư khoảng bốn, năm triệu.
Hoàn cảnh của chị bán xôi cũng giống như mọi người nhập cư kiếm sống ở
Sài Gòn, Từ miền Bắc, miền Trung lặn lội đổ vào miền Nam. Gia đình vợ
chồng, cha mẹ con cái chia cắt, mỗi năm chỉ gặp nhau một lần.
Tình thương và nỗi lo cơm áo gạo tiền cho gia đình khiến cho chị quên
đi nỗi nhọc nhằn và khí hậu đầy nắng gió giữa chợ đời trong những buổi
chiều hạn hán như thế này. Nồi xôi chỉ còn độ ba gói nữa thì hết. Trời
chiều không có gió, nắng càng gay gắt, không khí khô rang gây cảm giác
khó thở. Chị bán xôi lau mồ hôi ròng ròng trên trán, lại đạp xe đi tiếp.
Tiếng rao của thức ăn chiều đang hòa cùng nhịp sống hối hả buổi tan
tầm trong đó có người đi bán bánh tét bánh chưng, bán há cảo, bán chuối
nấu, dưa hành bắp cải và đậu bắp có cả chiếc xe vừa đẩy tới của anh sinh
viên nghèo đi bán hủ tiếu gõ về đêm...
Tất cả đều đang thở làn khói bụi của buổi hoàng hôn cũng có biết bao
nỗi lo cho gia đình chia cắt, nỗi nhớ nhà, nhớ gia đình miền quê đang
nóng lòng dõi về họ.
Duy Thức/Người Việt
0 nhận xét:
Đăng nhận xét