Phạm Nhật Bình
Nhìn qua những biến cố chính trị quan trọng trên thế giới trong những
năm gần đây, không ai có thể phủ nhận bên cạnh các tầng lớp nhân dân
khác, thanh niên là những người cống hiến từ sức lực, tài năng và kiến
thức nhiều nhất. Lịch sử cận đại Việt Nam cũng cho thấy vai trò của
thanh niên luôn nổi bật trong mọi thay đổi đời sống chính trị, nhất là
trong những năm tháng đấu tranh để cởi bỏ ách thống trị của chủ nghĩa
thực dân.
Đặc biệt trong tình hình chính trị Việt Nam từ những năm 2007 trở đi,
do hành động bành trướng ngang ngược của Trung Cộng trên Biển Đông,
chính thanh niên là những người khởi xướng những cuộc biểu tình yêu nước
đầu tiên, khẳng định Hoàng Sa – Trường Sa là lãnh thổ Việt Nam.
Năm 2011, do thái độ của những người cầm quyền cộng sản ngày càng hèn
yếu trước Bắc Kinh, một loạt các cuộc biểu tình đã nổ ra mà thanh niên
đóng vai trò chính. Cho tới những ngày vừa qua, trong các cuộc xuống
đường bảo vệ môi trường, đòi hỏi chính quyền phải minh bạch trong vụ cá
chết, những gương mặt trẻ xuất hiện ngày càng đông.
Bên cạnh đó trên các trang mạng xã hội, thanh niên bao giờ cũng là
những tiếng nói phản biện đi đầu trong hàng loạt vấn đề từ nhận thức
chính trị, đến bất công xã hội.
Điều vui hơn nữa là trong dịp Tổng thống Obama đến thăm Việt Nam vào
tháng 5 vừa qua, hơn 800 bạn trẻ tại Sài Gòn đã có dịp đối thoại về
hướng phát triển xã hội dân chủ với ông Obama do cơ quan YSEALI tổ chức.
Tổng thống Obama nói chuyện với giới trẻ thuộc YSEALI ngày 25-5-2016. Hình: zing.vn
Điều này đã nằm ngoài khả năng kiểm soát của đảng CSVN, vốn coi thanh
niên như cục bột tha hồ nhào nắn. Chính sách rèn luyện thanh niên từ
trước đến nay xuyên suốt qua một quá trình từ thấp đến cao, để cuối cùng
tạo cho được một con người mới xã hội chủ nghĩa theo ý đảng.
Từ Đội Thiếu Nhi qua Thiếu Niên Tiền Phong đến Đoàn TNCS và Hội Liên
Hiệp Thanh Niên, đảng tin chắc rằng mình đã nắm được toàn bộ cuộc đời
của con người từ lúc trẻ đến khi trưởng thành trong lò luyện tư tưởng
cộng sản.
Nhưng thế giới đã đổi thay sâu sắc từ sau những cuộc cách mạng ở Đông
Âu cuối thập niên 80, rồi ngọn gió Mùa Xuân Ả-Rập đã làm bùng lên những
thay đổi chính trị chưa từng có.
Không xa Việt Nam, cuộc cải cách dân chủ của Miến Điện mở ra một chân
trời mới tràn đầy ước vọng cho những người trẻ muốn có một sự thay đổi
cho đất nước. Thanh niên Việt Nam đã thật sự có cơ hội nhìn ra thế giới
dân chủ chung quanh với nhãn quan tiến bộ và không còn là những người để
cho đảng dễ nhào nắn nữa.
Vô cùng lo lắng trước tình trạng này, các nhà tuyên giáo đảng đã đua
nhau xào nấu lại bài bản cũ, lên tiếng kêu gào thanh niên đừng để các
thế lực thù địch, phản động mua chuộc, lôi kéo, kích động nhằm mục đích
chống phá sự nghiệp cách mạng của đảng. Bế tắc trong lý luận, họ không
có cách gì khác hơn là núp sau những con “ngáo ộp” tưởng tượng để đe dọa
thanh niên.
Mới đây trên tờ Quân Đội Nhân Dân, cơ quan của Quân Ủy Trung Ương đã
tung ra bài báo “Để thanh niên luôn vững vàng trước những chiêu trò lôi
kéo, kích động chống phá” trong mục đích ấy.
Dựa vào một câu nói được cho là của ông Hồ Chí Minh nhằm tán dương và
thúc đẩy thanh niên hăng say phục vụ đảng, tác giả bài báo tiếp tục
chiêu bài cũ rích, đưa ra những luận điểm lỗi thời để ru ngủ thanh niên.
Áp phích nhân kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đoàn Thanh Niên Cộng Sản HCM
vào tháng 3/2016. Hình: Internet.
Cố tình làm ngơ trước những biến đổi chính trị chung quanh, báo Quân
Đội Nhân Dân vẫn muốn thanh niên phải chui vào trong đoàn, trong đảng để
trở thành những con cừu non phụng sự và tuyệt đối trung thành với đảng.
Trong khi ngày càng nhiều thanh niên trong xã hội không còn coi việc
vào đảng là con đường tiến thân duy nhất, bài báo cứ theo con đường mòn
kêu gọi thanh niên đừng nghe theo thế lực thù địch chống lại sự nghiệp
của đảng.
Trong con mắt của các bồi bút tuyên giáo đảng, họ chỉ thấy một điều
duy nhất rằng hiện nay thanh niên bị các thế lực thù địch lôi kéo vào
con đường… sai lầm vì không theo sự chỉ bảo của đảng. Họ lý luận rất cục
bộ và ngô nghê rằng thanh niên yêu thích tự do, ham tiếp cận những điều
mới khám phá, nhưng thiếu nhận thức chính trị hay vốn sống trong xã hội
còn quá ít… nên dễ bị dụ dỗ đi đến chống đối chính quyền.
Nhưng khi nói như thế, nhà nước cộng sản đã thừa nhận một hiện tượng
làm đảng phải lo sợ. Bởi lẽ đông đảo thanh niên ngày nay không còn ngoan
ngoãn như trước đây trong chiếc lồng son của Đoàn và Đảng. Có thể coi
hiện tượng này như một làn sóng tư duy mới, phù hợp với trào lưu tiến bộ
trên thế giới. Nó đã trở thành một vấn đề lớn mà chế độ phải rất khó
khăn khi đối phó.
Do tư duy vướng mắc trong sự trung thành tuyệt đối với những giáo
điều của chủ nghĩa Mác-Lê, lãnh đạo CSVN không nhìn thấy trào lưu tư
tưởng cộng sản đã bị vượt qua như bao nhiêu trào lưu tư tưởng đã từng
thịnh hành khác. Những người cộng sản già nua với những nhận thức đã lỗi
thời cũng không hiểu được bản chất thanh niên ngày nay.
Đó là thành phần đang thực sự làm chủ xã hội, đang trăn trở với những
vấn nạn của một xã hội mất dân chủ trầm trọng. Với bầu nhiệt huyết sẵn
có, thanh niên luôn luôn muốn lao vào hành động để thay đổi xã hội.
Trong khi đó đảng như người mù dẫn đường thanh niên đi trên con đường
hẹp, lúc nào cũng tìm cách kiềm chế và nhét vào đầu thanh niên tư tưởng
muốn sống yên, sống sung sướng, sống giàu sang phải theo đảng. Để được
thăng tiến trong bộ máy cai trị, thanh niên phải học tập chủ nghĩa
Mác-Lê và chỉ cần tuyệt đối trung thành với đảng.
Những điều này ngày nay không những không còn phù hợp mà còn ngăn
chặn đà tiến lên tự nhiên của những người trẻ. Nó cũng cho thấy những
người cộng sản quyền uy vẫn tiếp tục não trạng "trồng người" cho thiên
đường xã hội chủ nghĩa mai sau.
Đã hơn 8 thập niên từ khi ra đời, đảng CSVN tuyên truyền nhồi nhét và
dẫn dắt thanh niên Việt Nam nhắm mắt lao vào ít nhất 3 cuộc tàn sát đẫm
máu. Hàng triệu thanh niên ngã gục nơi chiến trường để chỉ củng cố
quyền lực cho một nhóm người đam mê sự thống trị độc tài. Biết bao sinh
lực dân tộc bị thiêu đốt trong lò lửa chiến tranh thay vì dành để xây
dựng đất nước.
Là những người luôn luôn nhạy bén trước các vấn đề của xã hội, thanh
niên luôn luôn là lực đi đầu dỡ bỏ những rào cản để tạo ra những thay
đổi mà không cần ai kích động như nhà nước gán ghép.
Một cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc tại Hà Nội năm 2014. Hình: VOA
Trong thực tế, nếu nhìn vào những cuộc biểu tình chống Trung Cộng hay
bảo vệ mội trường rầm rộ vừa qua, đa số người tham gia đều là thành
phần trẻ, những thanh niên sinh viên đầy nhiệt huyết.
Nếu không bị đàn áp, đe dọa đuổi học, hay ngăn chận công ăn việc làm,
thanh niên còn tham gia đông hơn nữa. Là những người được trang bị kiến
thức và nhận thức mới mẻ họ không thể bị ai xúi dục mà chỉ đứng lên từ
lòng yêu nước và chống bất công.
Do đó, chế độ đừng hạ thấp nhiệt huyết của thanh niên và đứng núp
dưới cái gọi là bị lôi kéo bởi "lực lượng phản động" để làm thui chột
lòng yêu nước của thanh niên Việt Nam ngày nay.
Phạm Nhật Bình
0 nhận xét:
Đăng nhận xét