Ads 468x60px

Thứ Hai, 4 tháng 7, 2016

TÍNH KHOA HỌC VÀ MỨC ĐỘ CHÍNH XÁC CỦA NGUYÊN NHÂN CÁ CHẾT Ở MIỀN TRUNG DO CHÁNH PHỦ VIỆT NAM CÔNG BỐ

Chính phủ họp ngày 30-6-2016. Nguồn: internet
Nguyễn Minh Quang, P.E.
PHẦN DẪN NHẬP
Gần 3 tháng sau khi xảy ra việc cá chết hàng loạt ở miền Trung, Chính phủ Việt Nam đã chính thức công bố nguyên nhân, vào ngày 30 tháng 6 năm 2016, trong một cuộc họp báo tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.  “Theo chỉ đạo, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam [HLKH&CN], các bộ ngành liên quan, huy động trên 100 chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành từ 30 cơ quan trong và ngoài nước đã tổ chức thu thập, phân tích dữ liệu, có sự phản biện độc lập của các chuyên gia quốc tế, đã xác định có nguồn thải lớn xuất phát từ khu vực Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh, chứa độc tố như phenol [C6H5OH], xyanua [cyanide (CN)],… kết hợp với hydroxit sắt [iron hydroxide (Fe(OH)2)], tạo thành một dạng phức hỗn hợp (Mixel), có tỷ trọng lớn hơn nước biển, theo dòng hải lưu di chuyển theo hướng Bắc-Nam từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên- Huế là nguyên nhân làm hải sản và sinh vật biển chết hàng loạt, nhất là ở tầng đáy.
Bộ Tài nguyên và Môi trường [TN&MT] đã chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương liên quan tổ chức rà soát các nguồn thải; thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước với sự tham gia của các cán bộ, chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành và đã phát hiện Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà tĩnh (FHS) có một số hành vi vi phạm; xác định những sự cố xảy ra trong quá trình vận hành thử nghiệm của FHS đã dẫn đến nước thải từ Công ty xả ra biển có chứa các độc tố phenol, xyanua, hydroxit sắt vượt quá mức cho phép.” [1]
Những gì được công bố trong cuộc họp báo dường như không khác gì mấy so với “Thông cáo báo chí về nguyên nhân sự cố môi trường gây hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh ven biển miền Trung” của Văn phòng Chính phủ được đưa ra cùng ngày [2].  Mặc dù nguyên nhân của việc cá chết được xác định bởi các cơ quan chuyên môn của Việt Nam với sự đóng góp của “… 100 chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành từ 30 cơ quan trong và ngoài nước”  “… có sự phản biện độc lập của các chuyên gia quốc tế;” không có một phúc trình khoa học, kết quả nghiên cứu/phân tích khoa học, dữ kiện khoa học, hay tài liệu nghiên cứu để dùng làm cơ sở.  Chính điều nầy đã nảy sinh ra những nghi vấn về tính khoa học và mức độ chính xác của nguyên nhân cá chết do Chính phủ Việt Nam công bố.  Bài viết nầy có mục đích tìm hiểu về những nghi vấn đó dựa trên các sự kiện biết được từ trước cho đến nay.
TÍNH KHOA HỌC
Theo nguyên nhân do Chính phủ Việt Nam công bố, các độc tố như phenol và xyanua trong nước thải từ nhà máy Formosa đã kết hợp với hydroxit sắt để tạo thành một dạng phức hỗn hợp (mixel) có tỉ trọng lớn hơn nước biển.  Cái mixel nầy là nguyên nhân khiến hải sản và sinh vật biển chết hàng loạt, nhất là ở tầng đáy.  Đây là một kết luận liên quan đến hóa học và độc tố học tạo ra nhiều câu hỏi về tính khoa học của nó.  Các câu hỏi nầy có thể gồm:
Hydroxit sắt ở đâu ra?
Dạng phức hỗn hợp (mixel) là gì?
Công thức hóa học của mixel ra sao?
Phenol, xyanua và hydroxit sắt ở nồng độ nào mới kết hợp thành mixel?
Tỉ trọng của mixel là bao nhiêu?
Độc tố của mixel như thế nào?
Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà giải thích thêm là “…nghiên cứu này khẳng định hợp chất theo dòng hải lưu từ Hà Tĩnh đến Huế. Nó như tấm đệm, hấp thụ chất kim loại tiếp nếu có trong biển, đặc biệt nó chứa phenol, Xyanua nó có nhu cầu oxy, lấy oxy và có độc tố nên gây cái chết của hải sản. Đáy biển hiện vẫn có dấu vết.” [3]  Một lần nữa, tính khoa học của lời giải thích nầy rất đáng nghi ngờ vì kết quả nghiên cứu và “dấu vết hiện còn ở đáy biển” cũng không được công bố.
(Bảng 1 – Kết quả phân tích mẫu nước thu ngày 15/4/2016 [4])
Nhưng kết quả phân tích các mẫu nước thu thập trong khu vực đầm Lập An, thị trấn Lăng Cô vào ngày 15 tháng 4 năm 2016 (Bảng 1), trong khi có hiện tượng cá chết hàng loạt ở đây, đã bác bỏ lập luận của Chính phủ Việt Nam cũng như lời giải thích của Bộ trưởng Trần Hồng Hà vì cả hai chất phenol và xyanua đều không được phát hiện trong tất cả các mẫu nước.  Ngược lại, 5 trong 6 mẫu nước thu thập được có chứa ammonium (NH4) cao hơn tiêu chuẩn nuôi trồng thủy sản và bảo tồn thủy sinh của Việt Nam là 0,1 milligrams per Liter (mg/L).  Năm mẫu nước nầy có nồng độ từ 0,154 đến 0,416 mg/L.  Với nồng độ NH4 nầy, cá biển có thể chết ngay lập tức vì nồng độ an toàn của ammonia/ammonium cho cá nước mặn là zero [5].
Ammonia/ammonium làm cho các phiến mô của mang cá sưng lên và dính vào nhau khiến cho cá không thở được mà chết [6].  Do đó, không có một độc tố nào hiện diện trong cá chết vì ammonia/ammonium.
MỨC ĐỘ CHÍNH XÁC
Khi được hỏi “… đâu là mấu chốt để đi đến khẳng định Formosa là nguyên nhân trực tiếp gây ra cá chết”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời: “Thứ nhất, kết quả xét nghiệm của các nhà khoa học cho thấy hơn 50% mẫu cá chết thu được có chứa phenol, xyanua.  Thứ hai, trong vùng chỉ có nhà máy luyện cốc của Formosa Hà Tĩnh thải ra phenol, xyanua.” [7]  Giả sử hơn 50% mẫu cá chết thu được thật sự chết vì phenol và xyanua, như lời tuyên bố của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, thì mức độ chính xác là 50% và gián tiếp thừa nhận rằng có một “yếu tố cực độc” khác đã giết số mẫu cá chết còn lại.  Về kết quả phân tích các mẫu cá chết, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: “Chúng tôi đã gửi cho Bộ TN&MT, Bộ KH&CN [Khoa học và Công nghệ]. Các mẫu tất nhiên có cả kim loại nặng, còn về số lượng thế nào thì bộ không được công bố.” [8] Và nếu kết quả phân tích không được công bố, thì bất cứ ai cũng có thể giả sử rằng chính cái “yếu tố cực độc” khác đã giết hàng loạt cá biển ở miền Trung; và lập luận nầy có cơ sở khoa học vững chắc vì ammonia/ammonium được phát hiện trong nước biển ở nồng độ có thể giết chết cá, mặc dù ở cách nguồn nước thải trên 250 km.  Nếu giả sử nầy đúng thì mức độ chính xác của nguyên nhân cá chết do Chính phủ Việt Nam công bố chỉ là “con số không!”
Hình 2 – Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Nguồn: internet
Ngoài việc xác định mức độ chính xác của nguyên nhân cá chết do Chính phủ Việt Nam công bố, lời tuyên bố của Bộ trưởng Trần Hồng Hà còn tạo thêm nghi vấn về vụ cá chết hàng loạt ở miền Trung.  Thật vậy, nếu việc khẳng định Formosa là nguyên nhân trực tiếp gây ra cá chết rất đơn giản theo như lời của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, tại sao phải huy động tất cả cơ quan chuyên môn và khoa học gia trong nước cùng với sự phản biện “độc lập” của chuyên viên quốc tế và mất gần 3 tháng để đi đến kết luận?
MỘT VÀI ĐỀ NGHỊ
Nguyên nhân cá chết hàng loạt ở miền Trung trong tháng 4/2016 do Chính phủ Việt Nam vừa công bố dường như không giải đáp thỏa đáng những gì đang được người dân mong đợi.  Ngược lại, nó còn đặt ra nhiều nghi vấn về tính khoa học và mức độ chính xác của nguyên nhân do Chính phủ Việt Nam công bố.  Để làm sáng tỏ những nghi vấn đó, Chính phủ Việt Nam nên cứu xét những việc sau đây:
1.  Công bố rộng rãi tất cả các tài liệu, hồ sơ, nghiên cứu, phản biện liên quan đến việc khẳng định nguyên nhân cá chết hàng loạt ở miền Trung, kể cả kết quả phân tích mẫu cá chết và nước dùng cho việc truy tìm nguyên nhân.
2.  Duyệt xét lại giấy phép xả thải của Formosa để lấp tất cả “kẽ hở pháp luật,” vì theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà: “Có thể nói ta chưa tiên liệu được các chất thải của Formosa. Cái cần giám sát nhất là từ luyện cốc, cần có hệ thống kiểm soát đạt các tiêu chuẩn 52 nhưng đang trong giai đoạn thử, do đó chưa cơ quan nào được gọi vào, khi họ nói tôi đã vận hành thì mới vào.
Đây là kẽ hở pháp luật. Ta chưa kiểm soát được, đáng ra phải đáp ứng tiêu chuẩn 52. Hệ thông quan trắc cũng chưa quan trắc được phenol, xyanua do pháp luật còn lỗ hổng, không có giám sát trong quá trình giám sát, thử nghiệm.” [9]  Cách tốt nhất là nước thải từ Formosa nên được giữ lại ở hồ chứa tạm và chỉ được xả ra môi trường khi hội đủ tiêu chuẩn được ghi trong giấy phép qua kết quả phân tích.
3.  Công bố rộng rãi bản thảo giấy phép xả thải mới của Formosa để ghi nhận ý kiến của người dân và chuyên viên khoa học rồi điều chỉnh thích đáng, nếu cần, trước khi chính thức cấp phép cho Formosa.
KẾT LUẬN
Cuối cùng thì Chính phủ Việt Nam cũng đã chính thức công bố nguyên nhân cá chết hàng loạt ở miền Trung vào tháng 4 vừa qua.  Sau gần 3 tháng làm việc, Bộ KH&CN phối hợp với Viện HLKH&CN và các bộ ngành liên quan, huy động trên 100 chuyên gia và khoa học gia đầu ngành từ 30 cơ quan trong và ngoài nước, cùng với sự phản biện độc lập của các chuyên gia quốc tế, đã xác định nước thải từ Formosa, Vũng Áng – có chứa độc tố như phenol, xyanua,… – kết hợp với hydroxit sắt tạo thành một dạng phức hỗn hợp (mixel), có tỷ trọng lớn hơn nước biển, theo dòng hải lưu di chuyển theo hướng Bắc-Nam, là nguyên nhân làm hải sản và sinh vật biển chết hàng loạt, nhất là ở tầng đáy.
Những gì được công bố trong cuộc họp báo dường như không khác gì mấy so với thông cáo báo chí của Văn phòng Chính phủ được đưa ra cùng ngày.  Mặc dù nguyên nhân của việc cá chết được xác định bởi nhiều cơ quan chuyên môn và chuyên gia của Việt Nam với sự phản biện độc lập của các chuyên gia quốc tế; không có một phúc trình khoa học, kết quả nghiên cứu/phân tích khoa học, dữ kiện khoa học, hay tài liệu nghiên cứu để dùng làm cơ sở cho việc xác định nguyên nhân được công bố.  Chính điều nầy đã nảy sinh ra những nghi vấn về tính khoa học và mức độ chính xác của nguyên nhân việc cá chết do Chính phủ Việt Nam công bố.
Kết luận của Chính phủ Việt Nam liên quan đến hóa học và độc tố học tạo ra nhiều câu hỏi về tính khoa học của nó.  Hơn thế nữa, kết quả phân tích các mẫu nước thu thập trong khu vực Lăng Cô vào ngày 15/4/2016, trong khi có hiện tượng cá chết hàng loạt ở đây, đã bác bỏ lập luận của Chính phủ Việt Nam vì cả hai chất phenol và xyanua đều không được phát hiện trong tất cả các mẫu nước.  Ngược lại, 5 trong 6 mẫu nước thu thập được có chứa NH4 với nồng độ từ 0,154 đến 0,416 mg/L.  Với nồng độ NH4 nầy, cá biển có thể chết ngay lập tức vì nồng độ an toàn của ammonia/ammonium cho cá nước mặn là zero.
Giả sử hơn 50% mẫu cá chết thu được thật sự chết vì phenol và xyanua, như lời tuyên bố của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, thì mức độ chính xác của nguyên nhân chỉ là 50% và gián tiếp thừa nhận rằng có một “yếu tố cực độc” khác đã giết số mẫu cá chết còn lại.  Và nếu kết quả phân tích mẫu cá không được công bố, bất cứ ai cũng có thể giả sử rằng chính cái “yếu tố cực độc” khác đã giết hàng loạt cá biển ở miền Trung; và lập luận nầy có cơ sở khoa học vững chắc vì ammonia/ammonium được phát hiện trong nước biển ở nồng độ có thể giết chết cá, mặc dù ở cách nguồn nước thải trên 250 km.  Nếu giả sử nầy đúng thì mức độ chính xác của nguyên nhân cá chết do Chính phủ Việt Nam công bố chỉ là “con số không!”
Để làm sáng tỏ những nghi vấn về tính khoa học và mức độ chính xác của nguyên nhân cá chết, Chính phủ Việt Nam nên công bố rộng rãi tất cả các tài liệu, hồ sơ, nghiên cứu, phản biện liên quan đến việc khẳng định nguyên nhân cá chết hàng loạt ở miền Trung, kể cả kết quả phân tích mẫu cá chết và nước; duyệt xét lại giấy phép xả thải của Formosa để lấp tất cả “kẽ hở pháp luật” mà Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu ra; và công bố rộng rãi bản thảo giấy phép xả thải mới của Formosa để ghi nhận ý kiến của người dân và chuyên viên khoa học rồi điều chỉnh thích đáng, nếu cần, trước khi chính thức cấp phép xả thải cho Formosa.
Nguyễn Minh Quang, P.E.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]  Vũ Lan. 30 tháng 6 năm 2016. “Công bố nguyên nhân cá chết: Formosa xin lỗi từ trái tim.”  Đất Việt. http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/cong-bo-nguyen-nhan-ca-chet-formosa-xin-loi-tu-trai-tim-3312646/
[2]   Chinhphu.vn. 30 tháng 6 năm 2016. “Thông cáo báo chí về nguyên nhân sự cố môi trường gây hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh ven biển miền Trung” Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Thong-cao-bao-chi-ve-nguyen-nhan-su-co-moi-truong-gay-hai-san-chet-bat-thuong-tai-4-tinh-ven-bien-mien-Trung/280262.vgp
[3]  Mạnh Nguyễn. 30 tháng 6 năm 2016. “Formosa cam kết bồi thường 500 triệu USD vì gây ra vụ cá chết hàng loạt.” BizLive.http://bizlive.vn/chinh-tri-xa-hoi/formosa-cam-ket-boi-thuong-500-trieu-usd-vi-gay-ra-vu-ca-chet-hang-loat-1758358.html
[4]  Đại Dương. 27 tháng 4 năm 2016. ”Bước đầu nguyên nhân cá chết hàng loạt tại Huế.”  VNTinnhanh. http://vntinnhanh.info/buoc-dau-ket-luan-nguyen-nhan-ca-chet-hang-loat-tai-hue.html
[5]  Robert Boumis. Accessed June 30, 2016. “How does ammonia affect my saltwater aquarium?” Demand Media.http://pets.thenest.com/ammonia-affect-saltwater-aquarium-12090.html
[6]  Brian Oram. Acessed June 30, 2016. “Ammonia in Groundwater, Runoff, and Streams.”  Water Research Center. http://www.water-research.net/index.php/ammonia-in-groundwater-runoff-and-streams
[7]  Phạm Hiếu – Võ Văn Thành. 30 tháng 6 năm 2016. “Bộ trưởng Trần Hồng Hà: ‘Tôi vừa trải qua 84 ngày căng thẳng nặng trĩu’.” VNExpress.http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/bo-truong-tran-hong-ha-toi-vua-trai-qua-84-ngay-cang-thang-nang-triu-3428300.html
[8]  N.Khánh – H.Nam – H.Thành – N.Văn. 6 tháng 5 năm 2016. “Bộ NN&PTNT có kết quả phân tích mẫu cá chết.” Tiền Phong.http://www.tienphong.vn/xa-hoi/bo-nnptnt-co-ket-qua-phan-tich-mau-ca-chet-1000865.tpo
[9]  Vũ Lan. 1 tháng 7 năm 2016. “Công bố nguyên nhân cá chết: Hỏi khó, trả lời thẳng.” Đất Việt. http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/cong-bo-nguyen-nhan-ca-chet-hoi-kho-tra-loi-thang-3312648/

0 nhận xét:

Đăng nhận xét