Đồng minh trung thành của
Trung Quốc là Campuchia đang ngăn khối ASEAN đạt đồng thuận về vấn đề Biển Đông
sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague bác yêu sách chủ quyển của
Bắc Kinh đối với vùng biển này, hãng tin AFP dẫn nguồn tin ngoại giao nói hôm
thứ Bảy.
ASEAN đang có kỳ họp đầu tiên tại Lào kể
từ khi PCA ra phán quyết hồi đầu tháng, theo đó nói Trung Quốc không có quyền
lịch sử đối với vùng biển chiến lược, hiện đang có tranh chấp giữa một số quốc
gia trong khu vực.
Phép thử ngoại giao quan trọng sẽ bắt đầu
vào Chủ Nhật tại Lào, trong kỳ họp kéo dài ba ngày của các ngoại trưởng ASEAN,
trong đó có những phiên họp có sự hiện diện của cả ngoại trưởng Trung Quốc và
Hoa Kỳ.
Chủ đề Biển Đông được trông đợi là sẽ phủ
bóng lên cuộc họp thượng đỉnh của khối.
Một số trong 10 thành viên ASEAN cũng
tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, trong đó có Việt Nam, Philippines, Malaysia và
Brunei.
Trung Quốc đã đầu tư mạnh tay trên toàn
ASEAN, nhưng bị cáo buộc là đang tìm cách chia rẽ khối này với việc chào mời
các khoản viện trợ, các khoản vay ưu đãi và các hỗ trợ ngoại giao cho các đồng
minh then chốt là Lào và Campuchia.
'Campuchia cản
đường'
Một viên chức ngoại giao Đông Nam Á nói
với AFP hôm thứ Bảy rằng chỉ duy nhất Campuchia hiện đang cản đường trong việc
ra tuyên bố chung về Biển Đông.
"Rất u ám. Campuchia phản đối hầu như là
mọi thứ, kể cả việc nhắc tới chuyện tôn trọng tiến trình pháp lý và ngoại giao
vốn đã được nêu trong các tuyên bố trước," viên chức ngoại giao này
nói.
AFP nói rằng theo nội dung một bản dự
thảo thông cáo chung mà họ có được thì phần có tiêu đề "Biển Nam Hải" (tức Biển
Đông) hiện đang bỏ trống.
Lào cũng có những mối quan hệ thân cận
với Bắc Kinh và bị cáo buộc đã ngăn cản việc tạo khối ASEAN thống nhất trong
vấn đề Biển Đông.
Tuy nhiên, các nhân viên ngoại giao nói
rằng trong vai trò chủ tịch ASEAN trong năm nay, Lào đang tìm cách đưa ra được
một tuyên bố chung.
"Vấn đề không cần phải theo phe nào, bởi
chỉ cần một nước phản đối là sẽ không có sự đồng thuận," viên chức ngoại giao
nói với AFP.
Một nhà ngoại giao khu vực khác hôm thứ
Sáu nói rằng các cuộc thương thuyết có vẻ như đang đi vào thế bế
tắc.
"Campuchia có quan điểm cứng rắn. Lào thì
né, dựa vào vai trò chủ tịch ASEAN để không nói gì, nhưng đồng thời lại rất
thận trọng không muốn đụng chạm gì tới Trung Quốc," nhà ngoại giao này
nói.
Trung Quốc hồi tháng trước đã gây áp lực
khiến ASEAN phải rút lại thông cáo chung về Biển Đông có lời lẽ cứng rắn, do
Malaysia đưa ra sau kỳ họp ASEAN-Trung Quốc.
Thông cáo của khối Asean khi đó viết:
"Chúng tôi bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về các diễn biến gần đây cũng như đang
xảy ra, vốn gây xói mòn lòng tin, tăng căng thẳng và có nguy cơ gây cản trở cho
hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông".
Thông cáo được đưa ra tối thứ Ba 14/6 sau
cuộc họp ở tại Ngọc Khê, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, nhưng rồi bị rút lại chỉ ba
giờ sau đó.
Hồi 2012, các ngoại trưởng ASEAN đã lần
đầu tiên không ra được tuyên bố chung sau khi kết thúc kỳ họp thường niên;
Philippines quy trách nhiệm cho nước chủ nhà năm đó, Campuchia, là đã ngăn
chặn, không cho các nước chỉ trích Trung Quốc.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét