Nông dân gặt lúa ở ngoại thành Hà Nội hồi giữa tháng 6, 2016. Lạm phát
tại Việt Nam tăng liên tiếp 5 tháng qua, theo Tổng Cục Thống Kê. (Hình:
Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)
Lạm phát tăng liên tục 5 tháng qua vì “giá cả nhiều loại hàng hóa,
dịch vụ có xu hướng tăng cao hơn cùng kỳ nhiều năm trước gây áp lực trực
tiếp đến khả năng kiềm chế lạm phát.”
Báo điện tử VietNamNet thuật những dữ liệu và những lời phân tích
trong cuộc hội thảo “diễn biến giá cả thị trường ở Việt Nam 6 tháng đầu
năm và dự báo cả năm 2016 do Học Viện Tài Chính tổ chức ngày 7 tháng 7,
2016.” Nhiều chuyên gia tham dự cuộc hội thảo, theo VietNamNet, “đều
nhận định lạm phát đang trên đà tăng tốc.”
Theo nguồn tin vừa kể “nhóm dịch vụ y tế khi tăng tới hơn 25% do tác
động của việc điều chỉnh giá hồi tháng 3. Tiếp đến là nhóm lương thực
thực phẩm, giáo dục…” Giới chuyên viên cho rằng, theo chiều hướng này,
lạm phát tại Việt Nam khó kềm giữ được bên dưới 5% như chế độ mong muốn.
Tháng trước, các con số do Tổng Cục Thống Kê Việt Nam công bố ngày 24
tháng 6, 2016 cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6, 2016 tăng
0.46% so với tháng trước. Đây là mức tăng cao nhất trong 5 năm trở lại
đây. So với tháng 12 năm trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2.35%,
trong khi chỉ tiêu mà quốc hội chế độ đặt ra cho năm 2016 là dưới 5%.
Vì lạm phát gia tăng và phát triển kinh tế không mấy thuận lợi, một
chức sắc nhà nước thuộc Bộ Công Thương CSVN nhìn nhận với hãng thông tấn
quốc tế Reuters rằng kinh tế Việt Nam năm nay chỉ có thể tăng khoảng
6.2% đến 6.3%, thấp hơn chỉ tiêu chế độ đặt ra 6.7% từ đầu năm.
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2016 khoảng
5.52%, thấp hơn mức tăng trưởng 6.32% của năm ngoái. Xuất cảng của Việt
Nam chỉ hy vọng gia tăng 7%, một tỉ lệ gia tăng thấp hơn nhiều so với
chỉ tiêu 8% mà nhà cầm quyền trung ương đề ra.
Nền kinh tế Việt Nam hướng về xuất cảng nhờ hàng ngàn công ty ngoại
quốc lớn nhỏ đầu tư sản xuất tại Việt Nam để lợi dụng giá thuê mướn nhân
công rẻ như bèo. Tuy Việt Nam là nước xuất cảng hạt cà phê, hạt tiêu và
hạt điều nhiều nhất thế giới, hạng ba xuất cảng gạo sau Thái Lan và Ấn
Độ, con số đô la mang về làm đẹp thống kê xuất cảng một phần lớn nhờ các
nhà sản xuất ngoại quốc.
SSI Securities, một công ty đầu tư chứng khoán tại Việt Nam, cho hay
trong một bản thông tin hàng tuần rằng việc nền kinh tế của Việt Nam
tăng trưởng chậm lại 6 tháng đầu năm nay là tiến trình kinh tế ổn định
lại sau khi đã tăng trưởng mạnh hơn (6.68%) hồi năm ngoái.
TN-Người Việt
0 nhận xét:
Đăng nhận xét