Sự cố vỡ
đường ống dẫn xút Nhà máy Alumin Nhân Cơ (huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông)
cảnh báo
thảm hoạ môi trường ngang tầm Formosa.
Tạ Vĩnh Yên
Chính quyền chưa báo
cáo?
Sáng 23/7, sự cố đường ống Nhà máy Alumin
Nhân Cơ (do nhà thầu Chalieco, Trung Quốc phụ trách) khiến hóa chất kiềm
tràn ra bên ngoài, một phần kiềm thẩm thấu xuống lòng đất trong phạm vi 600m2,
phần còn lại chảy theo đường ống đổ về suối Đắk Dao. Khi thấy cá trên suối Đắk
Dao chết, nhiều người dân, trong đó có cả trẻ em đã lội xuống dòng suối này vớt
cá về ăn.
Ông Phan Diệu Anh, một trong những người phát
hiện sự việc đầu tiên cho biết: “Khi đó, dòng nước có nhiều biểu hiện lạ so với
bình thường, nước đục, có màu sẫm đen, trên bề mặt nổi váng loang lổ…; Tiếp xúc
thấy có chất nhờn như nước bọt xà bông. Sau khoảng 10 phút tiếp xúc với nước,
chân tôi bị ngứa, da khô cứng, căng ra; Những vùng da non bị đau rát, có chỗ rộp
lên như bỏng nước sôi”.
Theo khảo sát của PV Báo Giao
thông, đến ngày 31/7, đã có hàng chục người dân ở dọc suối Đắk Dao
bị ảnh hưởng bởi sự cố. Tuy nhiên, trao đổi với PV, ông Trương Thanh Tùng, Phó
chủ tịch tỉnh Đắk Nông cho hay, hiện vẫn chưa nhận được báo cáo sự việc của
chính quyền huyện Đắk R’lấp.
“Hiện, vẫn đang rà soát lại toàn bộ vụ việc để
có phương án cụ thể. Còn đền bù hay không thì hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân và
ảnh hưởng như thế nào. Thời gian khắc phục sự cố cũng chưa xác định là bao lâu”,
ông Tùng cho hay. Vị Phó chủ tịch tỉnh cũng khẳng định: Nhà
máy Alumin Nhân Cơ đã được đánh giá tác động môi trường một các đầy
đủ. Ngoài ra, việc giám sát đều được thực hiện cẩn trọng.
Về hướng khắc phục sự cố, Sở TN&MT Đắk Nông
cho biết, Công ty Nhôm Đắk Nông đã cho máy móc, công nhân thu gom lượng hóa chất
bị thoát ra bên ngoài; Đào xúc phần đất bị kiềm tràn ra ngoài để đổ vào hồ chứa
bùn đỏ, đồng thời dùng hóa chất pha loãng trung hòa lượng kiềm. Được biết, công
ty cũng đã yêu cầu nhà thầu Chalieco kiểm tra lại toàn bộ thiết kế, thiết bị và
quá trình thi công lắp đặt Nhà máy Alumin Nhân Cơ. Theo đó,
Chalieco buộc phải lập báo cáo đánh giá chi tiết về sự cố để đưa ra giải pháp
khắc phục, không để xảy ra sự cố tương tự ở các điểm bơm kiềm tại các phân khu
khác.
Ông Đỗ Thanh Bái, Hội Hóa học Việt Nam bày tỏ sự
lo lắng khi biết thông tin vụ việc. “Một khi người dân bị bỏng và cá
chết thì rõ ràng nồng độ phải lớn mới gây ra hậu quả như vậy. Cách
xử lý là đổ axit để trung hòa chất xút. Xút là một chất cực độc hòa vào nguồn
nước là một điều rất đáng sợ. Theo tôi, đây là một cảnh báo cho việc khai thác
boxit”, ông Bái nhấn mạnh.
Không cẩn trọng sẽ có Formosa thứ
hai
Trao đổi với Báo Giao thông, PGS. TS. Nguyễn Văn
Phổ, Viện Công nghệ địa chất và Khoáng sản, (Hội Địa chất Việt Nam) cho biết,
nếu không cẩn trọng trong khai thác boxit ở Nhân
Cơ sẽ có nguy cơ thảm họa môi trường giống Formosa ở Tây
Nguyên.
PGS. TS. Nguyễn Văn Phổ bày tỏ lo lắng khi mới
đây Nhà máy Alumin Nhân Cơ vỡ ống xút và tràn ra ngoài. “Quả thực đây là điều
báo động cực kỳ nguy hiểm đối với quá trình sản xuất alumin ở khu vực Nhân Cơ.
Về nguy hại lâu dài sẽ vô cùng khủng khiếp”.
Được biết, năm 1984 PGS. Phổ đã bảo vệ luận án
liên quan đến boxit ở Việt Nam. “Hiện nay, trên thế giới người ta sợ nhất là bùn
đỏ trong sản xuất nhôm từ boxit. Bùn đỏ này có độ kiềm rất cao lên đến 12 PH
(nước ở mức trung tính độ PH= 7-PV). Trong khi đó, công nghệ của thế giới hiện
nay vẫn chưa xử lý được loại xút trong bùn đỏ. Xút này xả ra ngoài thì mức độ
phá hủy quá kinh khủng, mọi thứ nó đi qua đều bị tiêu diệt hết”, vị chuyên gia
phân tích.
Theo PGS. Phổ, ngay Trung Quốc cũng đã cấm hơn
100 nhà máy sản xuất nhôm theo hình thức chiết quặng boxit. “Tây Nguyên là khu
vực nằm ở vị trí đầu nguồn các con sông, suối chảy về Nam Trung bộ, Nam bộ. Nếu
để xảy ra ô nhiễm môi trường liên quan đến boxit thì hậu họa sẽ khôn lường. Công
nghệ xử lý bùn đỏ trên thế giới chưa nước nào chế ngự được xút. Nếu mà vỡ ra thì
nguy hại toàn vùng, ảnh hưởng đến dòng chảy, môi trường sống của sinh vật ở các
dòng sông, con suối trong khu vực… Tôi nghĩ ở góc độ tác hại môi trường chẳng
khác gì Formosa”, PGS. Phổ lo ngại.
Tương tự, ông Đỗ Thanh Bái cho biết, xử lý được
vấn đề bùn đỏ phải tốn chi phí rất cao nên người ta chủ yếu sử dụng các hồ chứa
để trữ lại lượng bùn này nhằm vào một số việc khác. “Tuy nhiên, hiện nay thời
tiết tiêu cực, diễn biến thất thường do biến đổi khí hậu, thế nên trong trường
hợp xấu, lượng bùn đỏ này có thể tràn xuống lưu vực các con sông. Khi đó, nó
thực sự như một “quả bom” môi trường ở thượng nguồn”, ông Bái đặt vấn
đề.
Tạ Vĩnh Yên
0 nhận xét:
Đăng nhận xét