Ads 468x60px

Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013

Ngày Bão Loạn - Văn Học và Chứng Liệu Lịch Sử

Hình bìa hợp tuyển Ngày Bão Loạn
của tác giả Hương Giang
Song Nhị
Qua một trung gian, bản thảo “Ngày Bão Loạn” đến với Cội Nguồn như một gặp gỡ tình cờ và cũng là một tình cờ Cội Nguồn đón nhận một tác phẩm đã ẩn mình ở một nơi nào đó từ rất lâu, áng chừng non phần tư thế kỷ. Tác giả, trong non phần tư thế kỷ ẩn danh nấp mình bên dòng thời gian, men theo hình bóng và đường đi của những con người tuổi trẻ hiến thân đi làm lịch sử để hình thành tác phẩm này. 
“Ngày Bão Loạn” là một hợp tuyển thơ văn, trong đó nguồn cảm hứng của tác giả là những bài viết, những đoạn văn rải rác trên hành trình “kháng chiến” của những Kinh Kha thời đại.    
Trong lời mở đầu tác giả đã khiêm tốn nói rằng cô “không phải là người thuộc giới văn chương, mà chỉ đem tấm lòng diễn đạt bằng thơ gởi lại trong tác phẩm đôi nét chấm phá đánh dấu sự có mặt của những con người đầy yêu thương và hào hùng ấy trong thời đại chúng ta”.
Qua nội dung thơ văn trong hơn hai trăm trang sách, tác giả đã trải tấm lòng dành trọn vẹn tâm cảm để biểu đạt nỗi thao thức gắn bó với đất nước, quê hương – ở một con người đã vượt ra ngoài định kiến nhi nữ thường tình xưa cũ –  mạnh dạn đem vào trang sách bóng dáng thời đại của những chàng trai nước Việt mang dũng khí và lòng yêu nước vô bờ, hy sinh tình yêu và hạnh phúc riêng tư, kể cả mạng sống cho lý tưởng giải cứu đất nước, quê hương khỏi ách nạn cộng sản sau cơn bão loạn, đẩy cả dân tộc chìm ngập vào cơn hậu chấn kinh hoàng của thế kỷ hai mươi. 
Mở đầu trang sách, trong Đôi Lời Cùng Bạn Đọc, tác giả “tâm tình với độc giả về hai thanh niên người Việt mà không ai được biết họ là ai, tên là gì, và sống chết ra sao...”. Hai thanh niên đó phải chăng cũng là Võ Hoàng và Trần Hướng Việt, biểu tượng của những chiến sĩ anh hùng trong các đền thờ Hy Lạp? 
Ở một chỗ khác, tác giả bộc bạch: “Là một người Việt Nam, tôi biết đồng bào tôi muốn biết những ưu tư cùng những ước mơ của họ. Trong tâm tư đó tôi muốn sẻ chia điều mình biết về họ đến với mọi người” (tr 48). Một sự thôi thúc khác, theo chúng tôi, để hình thành quyển sách này chính là lòng yêu nước dạt dào của tác giả, được thể hiện trong từng đoạn văn, trong những bài thơ.  
Đọc tác phẩm chúng tôi chú ý nhiều đến phần thơ của tác giả trong Ngày Bão Loạn. Trong lời ngỏ cùng bạn đọc, Hương Giang viết: “tác giả gởi lại ở đây… những cảm xúc thật của một người thích diễn đạt bằng thơ”. 
Vâng, Thơ của Hương Giang chiếm một vị trí nổi trội so với phần văn trong tác phẩm. Hương Giang, một tên tuổi còn khá xa lạ trên thi đàn, nhưng tác phẩm của cô không thua kém, còn có thể vượt lên trên nhiều nhà thơ hải ngoại có đôi ba tác phẩm đã in. 
Về hình thức tác giả sử dụng loại thơ phá thể kết hợp với thơ mới trong cách gieo vần, số chữ số câu không gò bó, hạn chế vào một khuôn khổ nào nhất định, do đó thơ Hương Giang không có sáo ngữ để tình tự được biểu đạt qua những từ ngữ chân chất hồn nhiên.
Xin trích dẫn một vài khổ thơ Hương Giang, có những câu thơ chúng tôi lấy làm tâm đắc: 
Hãy thương anh, lưng anh còn chiếc bóng
Chiếc bóng quê nhà đè mãi thêm đau
Anh sẽ về dạy con và cắt cỏ vườn sau 
Sẽ ở bên em hết tháng này... tháng nữa...
Hãy yêu anh như thuở ban đầu em trót hứa
Như ngày nào em cãi mẹ lấy anh.  
(Bài Thơ Cho Những Người Yêu Nhau tr. 202) 
** 
Có ai nhặt được ước mơ mẹ đánh rớt tự ngàn xưa
Thuở cô gái làng Mai Sơn môi hồng má thắm
Ngày bước theo chồng rưng rưng cánh đồng 
ngẩn ngơ hoa nắng
Cô Tấm đi rồi giếng lạnh trăng côi 
(À Ơi Cánh Cò tr. 204)
**   
Có bao giờ H nói H yêu anh không?
Yêu cái hạt gạo anh khắc tên mình một nửa
Thương điều chọn lựa - dù xót xa – 
đang làm mình cách trở
Thương những tính toán cộng trừ 
một nửa là ước mơ. 
(Có Bao Giờ - Bài thơ nhờ toà Đại Sứ đọc khi thăm anh Quân trong tù 03/2007, tr. 209)
Xin hẹn bạn đọc ở một bài viết “Bút Luận” về thơ Hương Giang một dịp khác. 
Viết quyển sách về một đảng phái chính trị từng hứng chịu những mũi dùi công kích từ phía thù cũng như phía bạn trong dư luận nhiều năm qua, tác giả không những không giấu diếm mà còn công khai minh thị là một tân đảng viên với chân dung và đầy đủ các chi tiết cá nhân. 
Mượn trang viết tác giả ngỏ lời cùng dư luận: “Những tỵ hiềm cá nhân, những kèn cựa lời ăn tiếng nói, những ứng xử vụng về của một số đoàn viên, những yếu kém của một tổ chức đấu tranh mới thành lập là điều tất yếu, nhưng đó là chuyện của những người ở hậu phương, đừng đổ mực lên những người chiến sĩ nơi tuyến đầu” (tr. 49).
Chúng tôi tin rằng tất cả mọi việc làm của bất cứ ai đều có nhân quả tất yếu và mọi tác nhân đều sẽ được vinh dự nhận vòng nguyệt quế hoặc lãnh chịu trách nhiệm trước sự phán xét công minh của dư luận hôm nay và lịch sử sau này. 
Cội Nguồn khi nhận được tập bản thảo, để tìm một mẫu số chung, các anh chị trong ban điều hành và biên tập tạp chí Nguồn đã trao tay nhau đọc. Chúng tôi có chung một nhận định đây là một tác phẩm xét về mặt văn chương, nhất là bộ môn thơ là một tác phẩm văn học, lồng vào trong đó khung cảnh chính trị thời thế và một thời kỳ lịch sử của hơn nửa thế kỷ Việt Nam bão loạn. 
Cội Nguồn trước sau vẫn khẳng định là một tổ chức sinh hoạt Văn Học, hoàn toàn đứng ngoài “vòng đai” chính trị. Cội Nguồn không gia nhập cũng không chống đối và cổ vũ bất cứ một tổ chức, đảng phái chính trị nào có tôn chỉ mục đích đấu tranh giải trừ quốc nạn Cộng Sản, đem lại tự do, dân chủ, nhân quyền cho quê hương dân tộc. 
Khi nhận đứng tên xuất bản “Ngày Bão Loạn” chúng tôi muốn cùng tác giả gửi tới bạn đọc, tới các thế hệ hôm nay và mai sau một chứng liệu lịch sử trong cuộc đấu tranh sinh tồn của dân tộc và một tác phẩm trong dòng văn học Việt Nam.   
Song Nhị

0 nhận xét:

Đăng nhận xét