Xác ướp người Ai Cập |
Một quan tài nhiều lớp thuộc ngôi đền Tamutnofret, được dự đoán có từ
thời vua Ramses II (khoảng 1279-1213 trước Công nguyên) gồm một lớp quan
tài bên trong, một lớp vỏ xác ướp, một mặt nạ phủ toàn bộ trên xác ướp.
Tầng lớp thượng lưu Ai Cập cổ đại thường đặt quan tài trong ba hoặc
bốn lớp, cá biệt xác ướp con vua Tutankhamun (1334-1324 trước công
nguyên) được đặt trong 8 chiếc quan tài lồng vào nhau.
Tiến sĩ Anders Bettum từ Đại học Oslo, một nhà nghiên cứu văn hóa
và ngôn ngữ phương Đông cho biết, việc lồng nhiều quan tài khi chôn cất
không chỉ là biểu tượng cho tầng lớp thượng lưu Ai Cập, mà còn bởi người
Ai Cập tin rằng việc đó giúp người qua đời liên hệ được với tổ tiên.
Các nghi lễ của đám tang diễn ra trong 70 ngày được biểu lộ qua các
chi tiết văn hoa trên quan tài. "Các đồ trang trí, biểu tượng và chất
liệu biểu hiện sự thống nhất của hai vị thần Osiris và Amun-Ra",
Redorbit dẫn lời Buttum nói.
"Bên ngoài quan tài, người quá cố được mô tả như thần Osiris, với
một xác ướp có bộ tóc giả màu xanh sọc và khuôn mặt trang nghiêm. Quan
tài được sơn vecni màu vàng. Những người Ai Cập giàu có thường dát vàng
trên quan tài của họ”, Buttum nói thêm.
Các hoa văn trang trí là hình ảnh các vị thần Osiris và Amun-Ra.
Thần mặt trời Osiris sẽ đến ngự ở ngai vàng trong giờ thứ 6 của đêm và
hai vị thần sẽ hội tụ trong sự huyền bí. Người Ai Cập tin rằng, hai vị
thần này là nguồn gốc của mọi sự tái sinh trong tự nhiên, và họ đã ngự
đến đây, tạo nên nguồn gốc của sự sống.
Lớp trong cùng của quan tài trang trí giống như những trang phục
tốt nhất của người quá cố khi còn sống. Đây là lớp quan trọng nhất bởi
nó thể hiện mục tiêu của việc chuyển sang thế giới bên kia.
“Những lớp quan tài còn lại giống như những hình ảnh lặp đi lặp lại
của người quá cố, và nó là lớp bảo vệ, tương tự như nhộng của ấu trùng
trước khi chuyển đổi mình thành bướm. Đây cũng là chủ đề nổi tiếng trong
nghệ thuật, tôn giáo và văn chương”, Bettum giải thích.
Buttum cho biết, hiện nhiều chiếc quan tài được tách rời các lớp và
chúng được phân tán rải rác khắp thế giới. Ông hy vọng giới khảo cổ
quốc tế sẽ hợp tác để lắp ráp lại nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu sâu
hơn về văn hóa Ai Cập cổ đại. Tuy nhiên, các rào cản về luật pháp và lợi
ích quốc gia đã cản trở và khiến điều này khó trở thành hiện thực.
Văn Tây
0 nhận xét:
Đăng nhận xét