Nguyễn Lộc Yên
Thiền sư Vạn Hạnh có khả năng tiên đoán chính xác, phải chăng
do nội tâm của Sư thực chứng thông suốt được quá khứ, hiện tại và vị
lai?. Con người là một tiểu vũ trụ, luôn tương quan với đại vũ trụ.
Thiền sư Vạn Hạnh họ Nguyễn, không rõ tên thật, Vạn Hạnh là pháp
danh, quê ở Cổ Pháp, Bắc Giang. Ông thọ giới Thiền Ông Đạo Giả ở chùa
Lục Tổ. Sau khi Thiền Ông mất, ông bắt đầu chuyên tập pháp Tổng Trì Tam
Ma Địa (Dharani Samadhi), nên sau này hễ ông nói lời gì đều được thiên
hạ cho là phù sấm. Ông là sư phụ của Lý Công Uẩn. Ông cố vấn và thành
lập triều Lý ban đầu. Ông cũng là một nhà tiên tri.
Năm
980, Hầu Nhân Bảo đem quân Tống sang đóng ở núi Cương Giáp Lãng để xâm
chiếm Đại Cồ Việt, vua Lê đại Hành triệu Sư vào hỏi: Ta đánh thì thắng
thua thế nào?. Sư đáp: “...Nếu quân ta quyết chiến, phục kích mà đánh
thì 3 đến 7 ngày sẽ đuổi giặc ra khỏi nước”. Sau đấy ứng nghiệm đúng như
vậy. Ông kiến thức uyên bác, bài sấm của ông chỉ có 10 câu, đã tiên tri
thời cuộc của Việt Nam cả ngàn năm:
Lời sấm: Nghĩa Nôm:
1- Thụ căn liễu liễu 1- Gốc cây đồ sộ
2- Mộc biểu thanh thanh 2- Vỏ cây xanh xanh
3- Hoà đao mộc lạc 3- Triều Lê sẽ đổ
4- Thập bát tử thành 4- Họ Lý dương danh
5- Đông a nhập địa 5- Nhà Trần xuất thế
6- Dị mộc tái sinh 6- Cây khác lại sinh
7- Chấn cung xuất nhật 7- Phương đông rực rỡ
8- Đoài cung ẩn tinh 8- Hướng tây sao lành
9- Lục thất niên gian 9- Sáu bảy năm nữa
10- Thiên hạ thái bình 10- Non nước thanh bình
Câu 1
và 2: Phổ hệ của cây. Câu 3: Hoà, đao, mộc là từ Hán, chiết tự chữ Lê
(nhà Lê sắp mất). Câu 4: Thập, bát, tử, chiết tự chữ Lý (họ Lý lên
ngôi). Câu 5: Đông a, chiết tự chữ Trần (nhà Trần sẽ dựng nghiệp). Câu
6: Họ Lê lập lại (chỉ Lê Lợi). Câu 7: Quẻ chấn ở hướng đông, tức mặt
trời mọc (có lẽ là họ Mạc). Câu 8: Đoài ở tây (có lẽ nhà Tây Sơn). Câu
9: Sáu bảy năm nữa (chữ lục thất là chỉ nhà Nguyễn). Câu 10: Thiên hạ
thái bình. Sư Vạn Hạnh bảo riêng Công Uẩn rằng: “Cứ theo lời sấm, thì họ
Lý không ai bằng Công Uẩn cả”. Công Uẩn sợ tiết lộ, sai người đưa sư
Vạn Hạnh vào trong núi Tiêu Sơn. Vua Ngọa Triều ăn qủa khế trong ruột có
hột lý (hột mận) và nghĩ lời sấm, nên sai quân bí mật tìm người họ Lý
giết đi, Trong khi ấy Lý Công Uẩn ở tại triều đình mà không để ý?! Trước
khi viên tịch sư Vạn Hạnh gọi đệ tử dặn dò và đọc bài kệ:
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô.
Nhậm vận thịnh suy vô bố uý,
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.
Ngô Tất Tố dịch: Thân như bóng chớp, có rồi không,
Cây cối xuân tươi, thu não nùng.
Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi,
Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông.
Ngày
15-5 Mậu ngọ (30-6-1018), Thiền sư viên tịch. Vua Lý Thái Tổ và tất cả
triều thần nhà Lý đến làm tang lễ, thỉnh xá lợi của ngài về thờ tại chùa
Tiêu Sơn (Bắc Ninh). Sau này, vua Lý Nhân Tông (1072-1127) có bài kệ
truy tán Thiền sư:
Nguyên văn Nghĩa Nôm
Vạn Hạnh dung tam tế Vạn Hạnh thông ba cõi
Chân phù cổ sấm cơ Thật hợp lời sấm xưa
Hương quan danh Cổ Pháp Quê hương tên Cổ Pháp
Trụ tích trấn vương kỳ Chống gậy trấn kinh vua
*- Thiết nghĩ: Thiền sư Vạn Hạnh là một cao tăng đức độ, một học
giả lỗi lạc, một nhà chính trị sâu sắc. Thiền sư đã thông suốt tường tận
ba luồng tư tưởng: Đạo học, Nho học và Phật học. Thiền sư là người siêu
việt, luôn mong mỏi xoay chuyển vận nước và dân tộc bước vào thời thịnh
vượng và thiết tha gầy dựng nền Triết Việt thực dụng cho nòi giống.
Thời bấy giờ, giới trí thức Việt có nhiều vị thiền sư uyên
thâm bác học, Sư Vạn Hạnh thuộc hệ thứ 12 của Thiền Phái Tỳ Ni Đa Lưu
Chi, nên rất lỗi lạc. Các Thiền sư chẳng những nghiên cứu tu tập về đạo
để thấu hiểu sâu sắc về đời sống tâm linh, còn nghiên cứu: Dịch lý, tử
vi tướng pháp, y học; nhằm khai mở trí tuệ và đời sống chân thiện cho
người dân.
Thiền sư Vạn Hạnh có khả năng tiên đoán chính xác, phải chăng
do nội tâm của Sư thực chứng thông suốt được quá khứ, hiện tại và vị
lai?. Con người là một tiểu vũ trụ, luôn tương quan với đại vũ trụ. Nếu
nghiền ngẫm được thông suốt những bí ẩn, có thể trông thấy được những
điều sâu kín sẽ rộng mở thông suốt trong tâm thức chăng?. Những điều
tiên tri và mong mỏi của Thiền sư nghiền ngẫm kỳ diệu.
Tượng Thiền Sư Vạn Hạnh ở Tiêu Sơn, tỉnh Bắc Ninh |
Năm 1005, vua Lê Đại Hành băng hà, các hoàng tử tranh ngôi,
tạo cảnh thương đau từ trong triều đến dân gian. Trước thảm trạng tối
tăm ấy, Thiền sư xuất hiện như một thứ ánh sáng huyền diệu quét sạch
màng u ám để đưa đất nước vào thời đại sáng sủa. Muốn đưa Lý Công Uẩn
cai trị đất nước, hy vọng nhân dân sẽ được hạnh phúc. Sư phải chuẩn bị
khai thị nhân tâm, vận động lòng dân bằng sấm truyền một cách siêu dị,
trong bài sấm của Sư có câu: Hoà đao mộc lạc (Triều Lê sẽ đổ) - Thập bát
tử thành (Họ Lý dương danh). Sau nầy Lý Thái Tổ trở thành một vị minh
quân của Đại Việt.
Dã tâm của đế quốc Tàu, muốn dân tộc ta rơi vào sự khống chế
của chúng. Chúng muốn dân ta quy lỵ chúng về mọi phương diện; để đồng
hóa người dân đến tận gốc; rồi biến dân ta thành kẻ nô lệ. Chúng đã tàn
phá tất cả những di sản của dân tộc ta, thay vào đó một trào lưu văn hóa
ngoại xâm; thế mà cũng có bọn tay sai lại van xin chúng?!. Sư Vạn Hạnh
đã thấy rõ âm mưu thâm độc của Tàu, Sư tha thiết mãnh liệt về tình tự
dân tộc, tạo dựng thành một nền tâm linh huyền diệu cho giống nòi, tổng
hợp những văn hóa Triết Việt, lựa lọc đưa vào văn hoá đặc thù của Dân
Tộc.
Trưng Vương đuổi quân Hán, Trần Hưng Đạo diệt Nguyên, Lê Lợi
trừ Minh, Quang Trung đuổi quân Thanh... Các vị anh hùng đã tạo được
những chiến thắng lẫy lừng, mà những chiến công ấy có thành quả tồn tại
trong một thời gian, thời thế sẽ đổi thay, có thể xảy ra những chiến
tranh khác. Nhưng trận đánh về văn hóa của Sư Vạn Hạnh, là một trận
thắng lợi chung kết cho muôn đời của nòi giống Lạc Hồng vậy?!
Cảm niệm: Vạn Hạnh Thiền Sư
Sấm ký tiền căn, rõ hẳn hoi
Lời bàn vận nước, thiết tha lời
Lo đời, lo nước, lo lường đạo
Giảng đạo, giảng kinh, giảng giải đời
Nguyễn Lộc Yên
0 nhận xét:
Đăng nhận xét