Ads 468x60px

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

Quy trình của Đảng, qui trình của dân

Nhật Lệ
Thời gian qua, hàng loạt vụ việc kinh hoàng, gây bức xúc tột đỉnh trong dư luận vẫn cứ đều đều diễn ra. Thật khó hình dung, thế kỷ hăm mốt đã tiến những bước dài rồi mà tại Việt Nam, trước những sự việc kinh thiên động địa như vậy, câu hỏi ai là người phải chịu trách nhiệm thì rốt cuộc ...vẫn loanh quanh và bí ẩn.
Cay đắng hơn, những người có trách nhiệm trong việc làm rõ trách nhiệm dường như lúc nào cũng thủ sẵn câu nói: Đúng quy trình. Thế là hoà cả làng. Thế là người dân - Ông Chủ - đành lòng vậy, cầm lòng vậy...Lạ thật, Đầy tớ cứ nói, cứ làm theo cách của Đầy tớ, còn Ông Chủ thì vẫn cứ phải cam chịu, hết ngày dài lại đêm thâu, hết vụ việc này đến vụ việc khác và mức độ tàn độc, khủng khiếp thì càng lúc, càng nghiêm trọng.
Có thể liệt kê trên dưới chục vụ gắn liền với câu nói cửa miệng "Đúng quy trình" của các quan Phụ Mẫu thời nay. Trước nhất là bổ nhiệm Dương Chí Dũng, rồi NICOTEX Thành Thái, tiêm vaccine, thẩm mỹ viện Cát tường, Thuỷ điện miền Trung xả lũ đồng loạt; tham nhũng thì càng phòng chống, càng vui; rồi oan sai thấu tận trời xanh của Nguyễn Thanh Chấn, bê bối vệ sinh an toàn thực phẩm; rồi mới đây là rượu độc 29 Hà Nội và hàng tạ ma tuý đi qua cửa khẩu hàng không như chỗ không người. Đó quả đang là muôn mặt của đời sống xã hội Việt Nam thời hiện đại.
Những thảm hoạ như vậy chắc không ai muốn xẩy ra. Đảng và Nhà nước lại càng không mong nó xẩy ra, nếu không muốn nói là đang khẩn trương, kiên quyết, quyết liệt...để phòng tránh. Chúng ta cứ mong muốn, chúng ta đang rầm rộ triển khai và rồi con tạo vẫn làm cái việc của nó là cứ xoay vần để đo đếm hiệu quả, hiệu lực từ lời nói đến hành động của chúng ta. Trong những câu nói "Đúng quy trình" gắn liền với các thảm hoạ (được liệt kê chưa đầy đủ) nói trên, có câu làm bẽ bàng cả hệ thống chính trị mà hệ luỵ của nó chắc chắn còn chưa chấm dứt; có câu tanh nồng máu thịt của đồng bào vô tội và có loại câu nói ngô nghê hết biết, không xứng đáng (dù chỉ Công bộc!) hưởng lương từ tiền thuế của dân.
Đúng quy trình nhưng là quy trình nào, ai xây dựng, vì lợi ích của ai và ai kiểm soát việc thực hiện các quy trình đó ? Những câu hỏi tưởng chừng rất dễ trả lời, ấy thế mà cứ vòng vo, không làm rõ được trách nhiệm. Không làm rõ được không phải vì không muốn mà trong nhiều trường hợp là không thể. Quái ác nhất là ở chỗ đấy. Bởi, biết đâu, trưa nay, chiều nay, ngày mai, tháng sau...lại xảy ra những vụ việc y chang, rồi Ông Chủ lại thảng thốt, bàng hoàng (dù đã được trang bị sự bình tĩnh, nhẫn nại), còn Đầy tớ thì cứ trơ trơ và vênh mặt lên...
Theo lối tư duy, Vua không nói chơi. Vua ở đây là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Cục phó...Thì thấy rõ, lời nói đã thốt ra, hòn bấc đã ném đi, nhưng nào có thấy hòn chì ném lại, người viết buộc phải hiểu, các vị đó đã nói lời của hệ thống chính trị. Kết quả của quy trình mà các vị hay nói như thế nào thì ai cũng đã biết. Sinh mạng và tài sản của nhân dân bị tàn phá, chà đạp một cách không thương tiếc. Quy trình đó, xét đến cùng, là của ai mà man rợ như vậy ? Chắc chắn không thể là quy trình của dân, lý do thật đơn giản là không người dân nào lại tự mình khai vu vơ để nhận lấy cái án tử hình hoặc chung thân, không dân nào lại đề ra quy trình có thể giết hại cả làng, cả huyện như quy trình xả lũ vừa rồi. Dân cũng không có quyền tham gia quy trình đề bạt quản lý cán bộ cỡ Dương Chí Dũng...Do vậy, quy trình đó càng không phải là sản phẩm của ý Đảng lòng Dân.  Thế thì, nếu xét, Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu trách nhiệm về mọi quyết định của mình, có thể kết luận quy trình là của Đảng, do đội ngũ cán bộ Đảng viên viết ra.
Có thể hiểu khác được không khi biết chính Dương Chí Dũng đang bị Thanh tra quần cho lên bờ xuống ruộng, bỗng xuất hiện quy trình nhấc về làm Cục trưởng, để "dưới ngọn cờ của Đảng/đưa ngành hàng hải đến bến bờ vinh quang"?!. Còn nhớ, Bộ trưởng Đinh La Thăng khi đó nói thẳng, đưa Dương Chí Dũng về cục hàng hải là để ổn định nội bộ, vốn đang mất đoàn kết của Vinalines, Ông cho rằng mình đã có công khi làm như vậy. Thì ra, cái "Đại cục" dưới vòm trời này đâu cũng "rứa" cả. Người viết tin, chỉ cần một phân tử "ý Đảng lòng Dân thôi", chỉ cần sự công khai, minh bạch, để nhân dân và công luận giám sát thôi thì có Thánh Thần ủng hộ Dương Chí Dũng không thể trở thành cục trưởng được. Vụ án Dương Chí Dũng đang xét xử nhưng những người nặn ra Dương Chí Dũng thì vẫn cứ như không, ngồi xem xử án trên truyền hình. Vì sao vậy, tại sao không có vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trong việc đề bạt Dương Chí Dũng. Nếu lắng nghe nhân dân, nếu nghiêm khắc với cán bộ thì Dương Chí Dũng không thể từ sai ít đến sai nhiều, từ sai nhiều đến gây thảm hoạ cho đất nước và chính mình đến mức ấy...Vì sao và do ai?.
Có cách nào giải thích sự vô can của thuỷ điện trong đợt xã lũ vừa rồi khi mà lượng mưa đo được năm nay chỉ bằng nửa lượng mưa lịch sử trước đó. Có lẽ nào phủ định lời nói của những người nông dân miền Trung chất phác, hiền lành rằng trăm năm, lũ lụt là bình thường nhưng chưa bao giờ thấy lũ (Lưu tốc dòng lũ, NL.) kinh hoàng như thế. Nên nhớ, khi nói vậy, người nông dân với bộ mặt thất thần, cam chịu làm lay động hàng triệu tâm can chứ tuyệt nhiên không phải nói để đòi bồi thường. Tất cả các thuỷ điện miền Trung, mỗi năm làm ra khoảng 6000 tỷ đồng cho EVN, nhưng chỉ trận lũ vừa rồi đã cuốn phăng nhà cửa, ruộng vườn, hoa màu và của cải của hàng chục ngàn hộ dân, tính ra, hàng chục ngàn tỷ. Nghiêm trọng nhất là làm khoảng 50 người lương thiện đã chết một cách thảm khốc và oan trái. Biết phát triển thủy điện là cần thiết. Nhưng nếu cái lợi của thuỷ điện thì EVN hưởng, để mua xe sang gấp 250% quy định, để xây biệt thự, bể bơi, sân tennis, còn cái hoạ, bắt đồng bào chịu... thì thấy cái giá phải trả sao tàn độc và mắc khủng khiếp. Phải chi quy trình đưa ra nhắm đến sự an toàn của hạ du, chủ động xả nước bớt đi trước khi lũ về, ăn bớt đi chút đỉnh thì kiểm soát thảm hoạ là trong tầm tay. Sao nỡ nói là dân chết phần nhiều là do giúp nhau, đi kiếm con tôm, con cá, dân thiếu cẩn thận...Làm đến cỡ đó mà không hiểu lời dạy của Đức Phật trong kinh nhân quả 3 đời: "Muốn biết Nhân đời trước, xem hưởng Quả đời này/Muốn biết Quả tương lai, xét Nhân gieo hiện tại"...
Lại bàn về câu nói "luồng xanh" của Hải quan. Người dân đóng thuế để nuôi ông cục phó và các ông to hơn, nhỏ hơn của Hải quan, của hàng không, của...nhiều nữa, không phải để hiểu luồng xanh, luồng xám của Quý Ông là cái gì. Người dân cần các ông mẫn cán, học lấy cái hay, cái tiến bộ của thiên hạ để quản lý xã hội, quản lý cơ quan tốt hơn, hiệu quả hơn. Khi đề ra quy trình các Ông phải lường hết rủi ro, song hành với nó là cơ chế giảm thiểu rủi ro và quy trách nhiệm khi có sai sót, thảm hoạ. Người dân hiểu rất rõ, ai cũng có thể mắc sai lầm khuyết điểm và bất cứ xã hội nào, bất cứ công việc gì luôn luôn tiềm ẩn rủi ro dẫn đến thảm hoạ. Nhưng người dân đòi hỏi khi nói đúng quy trình mà thảm hoạ vẫn cứ diễn ra thì chắc chắn quy trình có vấn đề. Do thế, người dân mong mỏi, khi các Ông mở miệng nói đúng quy trình thì phải nói thêm vế khác: sẽ khẩn trương xem xét lại quy trình để sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục thảm hoạ tương tự. Đồng thời giải quyết đền bù thiệt hại cho nhân dân. Thật ra, đó là mệnh lệnh mới chính xác nhưng, rất cam chịu, người viết cũng chỉ giám mong mỏi mà thôi. Chỉ có như vậy thì mới không có Dương Chí Dũng tương lai, người dân vùng hạ du mới an cư và lạc nghiệp, những NICOTEX Thành thái, thẩm mỹ viện Cát tường, hàng không dùng để chuyên chở ma tuý, Nguyễn Thanh Chấn...mãi mãi là quá khứ.
Làm được như thế cũng không quá khó. Kinh nghiệm của nhân loại trong quản trị xã hội, quản trị đất nước, quản trị doanh nghiệp ...sẽ là ánh sáng soi đường. Nhân dân và công luận là bà đỡ. Vấn đề còn lại là tâm thế của chúng ta: Mãi mê đi tìm lá diêu bông hay học hỏi, ứng dụng tinh hoa của các nước tiên tiến để nhanh chóng cải biến xã hội, nhanh chóng tiến kịp thời đại ?.
Nhật Lệ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét