Ads 468x60px

Thứ Hai, 24 tháng 2, 2014

Ý NGHĨA TÁC PHẨM TÂN VIỆT NAM CỦA PHAN CHÂU TRINH

Phan Châu Trinh (1872-1926)
Vĩnh Sính *
Trong những tác phẩm chính luận viết bằng Hán văn của Phan Châu Trinh (1872-1926), có một tác phẩm rất quan trọng nhưng từ trước tới nay chưa được tìm hiểu đúng mức, thậm chí ít được biết đến. Tác phẩm đó mang tên là Pháp Việt liên hợp hậu chi Tân Việt Nam (Nước Việt Nam mới sau khi Pháp Việt liên hợp; sẽ viết là Tân Việt Nam).
Tân Việt Nam được trước tác sau khi Phan được thả từ Côn Đảo (tháng 6, 1910) và trước khi đi Pháp (tháng 3, 1911). Tác phẩm này có mục đích minh oan cho các đồng chí của Phan đang bị tù đày sau cuộc dân biến ở Trung Kỳ (1908) bằng cách nói lên những điểm khác nhau giữa lập trường của Phan và Phan Bội Châu cũng như giữa hai nhóm minh xã (bất bạo động) và ám xã (bạo động) mà hai người đại diện. Theo Phan, nhằm hiểu rõ những điểm khác biệt giữa hai lập trường, không thể không biết đến hoàn cảnh lịch sử và cỗi rễ xa xăm đã tạo nên tính cách con người Việt Nam.
Trong bài này, trước hết chúng tôi sẽ bàn về tình hình văn bản của tác phẩm Tân Việt Nam. Sau đó, chúng tôi sẽ phân tích và đánh giá cách nhìn của Phan Châu Trinh về tính cách con người Việt Nam nói chung và con người Phan Bội Châu nói riêng.
Văn bản: Di cảo Tân Việt Nam là một “vị định cảo”, tức là một bản thảo chưa được sửa chữa và nhuận sắc trọn vẹn. Bản thảo gồm 42 trang chữ Hán viết tay, 31 trang đầu là phần cốt lõi của tác phẩm. Có nhiều đoạn khó đọc vì chữ viết nhỏ và thảo. Hiện nay có hai bản dịch quốc ngữ của Tân Việt Nam 1, nhưng vì cả hai bản dịch có nhiều chỗ không đúng với nguyên văn nên cần phải tham chiếu bản chữ Hán khi nghiên cứu. Bố cục của di cảo tự thân cũng chưa được hoàn chỉnh, ngay chính đầu đề “Nước Việt Nam mới sau khi Pháp Việt liên hợp” dễ gây ngộ nhận vì trong suốt di cảo Phan không nói gì cụ thể về một nước Việt Nam mới sau khi Pháp Việt liên hợp. Đối với một nhân vật có cặp mắt quan sát nhạy bén, lập luận khúc chiết, và sở trường về văn nghị luận như Phan Châu Trinh, không thể có khả năng là tác giả đã viết lạc đề. Vậy nghi vấn này phải được giải thích sao đây ?
Sau một thời gian nghiền ngẫm các trước tác chính luận của Phan nói chung và Tân Việt Nam nói riêng, chúng tôi đặt giả thuyết : Phải chăng Tân Việt Nam là phần đầu của một di cảo khác, và di cảo đó là di cảo nào ?
Liệt kê theo thứ tự thời gian trước tác sau khi tác giả rời Côn Đảo để trở về đất liền vào tháng 6, 1910, đến khi sang Pháp (tháng 3 và tháng 4, 1911) và cho đến cuối năm 1912, 3 di cảo chính luận mà ta biết chắc chắn là Phan đã viết trong giai đoạn này là : 1) Tân Việt Nam, 2) Đông Dương chính trị luận, 3) Trung kỳ dân biến tụng oan thỉ mạt ký (Kêu oan về vụ dân biến ở Trung Kỳ). Sau đây chúng tôi xin giải thích vì sao theo thiển kiến, Đông dương chính trị luận chính là phần tiếp nối của Tân Việt Nam
Thủ bút Phan Châu Trinh :
trang đầu bản thảo Tân Việt Nam
Sau khi về đến Sài Gòn và trước khi sang Pháp, Phan đã viết Tân Việt Nam. Vì sao ta biết được như thế ? Trước hết, bà Phan Thị Châu Liên – con gái của Phan – cho biết về hoạt động của Phan sau khi được thả ra từ Côn Đảo như sau : “Ở Saigon, chánh phủ có đặt một hội đồng, Tham biện Mỹ Tho ông Couzineau bị [sic] cử làm chủ tọa, có đủ đề hình chưởng lý cả. Ông Couzineau đọc diễn văn có câu rằng: ‘Thay mặt cả dân nước Đại Pháp, tôi trả lại tự do cho ông’. Lại hỏi tiên sinh muốn nói điều gì. Tiên sinh ước lược chánh sách liên lạc Pháp Việt và yêu cầu mấy điều rồi xuống ở Mỹ Tho. (Tiên sinh xin : 1) tha bọn quốc sự phạm ; 2) Trị tội Phạm Ngọc Quát, vì giết ông nghè Trần Quý Cáp là người vô tội ; xin đi Tây)” (Phan Thị Châu Liên, “Phan Tây Hồ Tiên sinh dật sự”, in lại trong Phan Châu Trinh, Giai nhân kỳ ngộ (Lê Văn Siêu bình giải và chú thích), trang LVI). Mặc dầu trong phiên họp Couzineau làm chủ tọa này Phan đã trình bày về ước lược chánh sách liên lạc Pháp Việt và rất có thể là Phan đã nói về Phan Bội Châu, nhưng chúng ta biết rằng Tân Việt Nam đã viết sau đó vì lý do khá đơn giản : trong di cảo này có 2 chỗ nhắc lại chuyện này. Chúng tôi tình cờ tìm được chìa khóa quan trọng này nhân đọc lại Tân Việt Nam vào tháng 3 năm nay (2006) :
Tôi dẫu tuy được tha, bị ném trong xó góc để dễ kiểm soát, tâm sự ngổn ngang. Tôi rất thẹn vói người bạn quá cố là Tiến sĩ Trần Quý Cáp... (Tân Việt Nam, trang 15, bằng Hán văn).
hoặc, rõ ràng hơn nữa :
Trinh được tha từ Côn Lôn, bị thả trong một cái phòng của quản hạt ở Mỹ Tho (Sài Gòn), không có lấy một người quen. (Tân Việt Nam, trang 34, bằng Hán văn).
Chẳng bao lâu sau khi đến Pháp vào tháng 4 năm 1911, Phan đã làm việc khẩn trương với Jules Roux nhằm giải bày quan điểm của mình với Bộ trưởng Thuộc địa Messimy và Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut (vừa được bổ nhiệm 2) về tình hình chính trị ở Việt Nam, đồng thời bày tỏ những yêu sách đối với chế độ cai trị của người Pháp – trong đó có việc minh oan và khiếu nại cho các thân sĩ còn đang bị lưu đày ở Côn Đảo sau vụ dân biến năm 1908. Roux lúc bấy giờ là đại uý tại toà án quân sự, kiêm trợ lý bộ trưởng Thuộc địa. Phan trước tiên viết những ý kiến của mình thành những bài viết ngắn bằng chữ Hán, rồi dịch những bài đó sang chữ quốc ngữ để Roux dịch lại sang tiếng Pháp. Từ những bài viết chữ Hán này, Phan đã bổ sung và viết lại thành 2 di cảo Đông Dương chính trị luậnTrung kỳ dân biến tụng oan thỉ mạt ký. So sánh 2 di cảo này và dựa trên những thông tin chúng ta đã biết về Phan trong thời kỳ mới sang Pháp, ta thấy như sau:
1) Trung Kỳ dân biến là một văn bản hoàn chỉnh gồm 55 trang chữ Hán viết tay, tương đương với chừng 60 trang giấy in chữ quốc ngữ. Đây là một di cảo độc lập mà Phan viết nhằm minh oan cho những đồng chí còn bị tù đày ở Côn Đảo.
2) Đông Dương chính trị luận cũng đã được sửa chữa cẩn thận. Di cảo gồm 62 trang chữ Hán viết tay này (tương đương với khoảng 70 trang giấy in chữ quốc ngữ) trình bày những tệ đoan chính trị, xã hội và kinh tế ở Việt Nam với lập luận khúc chiết và nêu rõ nguồn cơn cụ thể. Các ý tưởng chính trong di cảo này có lẽ đã lấy từ những bài viết ngắn bằng chữ Hán mà Phan đã dịch ra chữ quốc ngữ để Roux dịch lại sang chữ Pháp 3. Tuy di cảo này thường được xem là một tác phẩm độc lập, nhưng nếu để ý, ta sẽ thấy trong nguyên bản di cảo do chính tay Phan viết bằng chữ Hán chỉ có các tiểu đề chứ không có nhan đề. Di cảo này còn được lưu trữ tại nhà thờ cụ Phan ở Đà Nẵng. Nhan đề “Đông dương chính trị luận” và dòng chữ “Tây Hồ Phan Hy Mã Tiên sinh trước” (Do Tây-Hồ Phan Hy-Mã Tiên sinh trước tác) đã được ghi thêm trong bản sao của ông Trần Tiêu đề ngày 4 tháng 4 năm Bính Dần (15 tháng 5, 1926) 4. Vì nguyên bản di cảo không có nhan đề, ta có thể suy luận rằng Đông dương chính trị luận là phần nối tiếp của một văn bản khác. Nhưng để chứng minh Đông Dương chính trị luận chính là phần nối tiếp của Tân Việt Nam, ta cần xét thêm các yếu tố thời điểm và nội dung.
3) Về thời điểm, chúng ta cũng có thể khẳng định rằng di cảo được viết ngay sau Tân Việt Nam chính là Đông Dương chính trị luận chứ không phải Trung Kỳ dân biến. Lý do ? Bởi lẽ sau 62 trang di cảo của Đông Dương chính trị luận, 12 trang rưỡi kế đó là bản thảo của Trung Kỳ dân biến. Điều này chứng tỏ : Đông Dương chính trị luận được viết trước Trung Kỳ dân biến và chẳng bao lâu sau khi viết Tân Việt Nam vì ngay chính Trung Kỳ dân biến, di cảo cuối cùng trong 2 di cảo, cũng đã viết xong trong năm 1912.
4) Huống nữa, nội dung của Đông dương chính trị luận cũng phù hợp với Tân Việt Nam. Lý do là với đề tài Tân Việt Nam khi bàn về một nước Việt Nam mới sau khi Pháp Việt liên hợp thì không thể không bàn về những tệ hại cùng những thảm trạng trong dân gian lúc bấy giờ — và đó chính là chủ đề của Đông Dương chính trị luận.
Trong di cảo Tân Việt Nam, phần lớn các đề mục đã tạm viết xong tuy có đoạn trùng lặp, có nhiều chỗ Phan đã bổ sung với những hàng chữ rất nhỏ 5; nhưng ở một số tiết mục Phan ghi tiểu đề rồi chỉ mới viết đôi hàng như có dụng ý sau này có thời giờ sẽ viết thêm. Chúng ta suy đoán là sở dĩ di cảo Tân Việt Nam cuối cùng vẫn còn ở trong tình trạng dang dở, vì đáng tiếc thay, chưa đầy một năm sau khi về nước Phan đã qua đời vào tháng 3 năm 1926.
* 
Nhận thức của Phan về tính cách của người Việt và về ảnh hưởng tai hại của lối học khoa cử : Vào buổi bình minh của lịch sử, dân tộc ta tự sinh sôi nảy nở dọc theo chân núi Tản Viên và lưu vực sông Nhị, sống an bình biệt lập với thế giới bên ngoài như người ở chốn Đào Nguyên. Giao thiệp giữa người Việt Nam với người Trung Quốc chỉ bắt đầu từ khi Tần Thủy Hoàng nhất thống thiên hạ (221 trước CN) rồi luôn đà áp đặt ách thống trị của Trung Quốc lên vùng đất Giao Chỉ mà tổ tiên ta đã dày công xây dựng. Trong suốt hơn ngàn năm Bắc thuộc bắt đầu từ đấy, những tính cách đặc biệt của người Việt vẫn thể hiện rõ ràng, không chịu chấp nhận lối nhìn có tính cách tuỳ tiện của các sử gia Trung Quốc “coi Trung Quốc là cha mà ta là con và cho rằng người nước ta không làm được gì cả” 6. Theo Phan, từ nay về sau ta phải sáng suốt để thấy rằng tính ỷ lại trong người Việt chính là do lối nhìn vọng ngoại tạo nên thì mới may ra khắc phục được căn tính đó.
Vì sao Giao Chỉ chỉ là một vùng đất có diện tích chưa bằng một tỉnh lớn của Trung Quốc mà không bị đồng hoá qua hơn ngàn năm Bắc thuộc? Phải chăng đó là điều may mắn Trời đã ban cho (Thiên hạnh) hay là do bàn tay giúp đỡ của thần thánh (Thần trợ)? Phan cho rằng kỳ tích ấy, nói cho đúng, không phải là công của riêng ai, mà do những “đặc tính vĩ đại của dân tộc ta đã có từ ngàn năm trước” là “trầm nghị, kiên nhẫn, độc lập, bất khuất” đã tạo nên. Người Việt từ ngàn xưa vốn đã quật cường: “khi bên kia (bỉ) quá hung hãn thì ta tạm thời nhượng bộ, khi bên kia sơ hở thì ta chống trả”. Qua muôn vàn thử thách, tình tự dân tộc ngày càng sâu đậm và ý chí tự chủ bất khuất trở nên sắt đá 7.
Đến thời Ngũ Quý (907-960 sau CN), xã hội Trung Quốc có nhiều biến loạn, Hậu Chu (951-960) và Tống phân tranh. Đinh Tiên Hoàng nhân đấy “phất cờ độc lập gióng trống tự do” khởi nghĩa ở Hoa Lư, “mở đầu kỷ nguyên độc lập vĩ đại cho muôn thuở” 8. Điều đáng chú ý là trong các tác phẩm của mình, Phan đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Đinh Tiên Hoàng (trị vì 968-979) trong quá trình giành lại quyền tự chủ cho người Việt. Ngay cả khi phóng dịch ra văn vần tác phẩm Giai nhân kỳ ngộ (Kajin no kigû) của tác giả người Nhật là Tôkai Sanshi (Đông-Hải Tán-Sĩ) từ bản dịch Hán văn của Lương Khải Siêu, Phan cũng đã “bổ sung” một đoạn nhắc tới Đinh Tiên Hoàng với lời thơ rạo rực, ấp ủ ước mơ độc lập của chính Phan như sau: “Bốn ngàn năm còn dõi giống Lạc Hồng/Kìa biển, kìa núi, kìa sông, kìa đô ấp/Từ Đinh Tiên Hoàng dựng cờ độc lập/Đến Nguyễn triều thu thập cõi Nam Trung/Trải xưa nay lắm sức anh hùng/Liều trôi máu vẽ nên màu cẩm tú ...” 9.
Theo Phan, Đinh Tiên Hoàng đã dùng biện pháp ngoại giao để tránh cho bên kia đừng sang quấy phá hết lần này qua lần khác 10 trong khi thế lực của ta thì chửa có gì. “Bởi vậy, sau khi việc can qua đã ổn định, ta gởi ngọc lụa 11 sang để bên kia đỡ cảm thấy nhục nhã và cũng để làm êm dịu 12 cái uy thế đắc thắng của ta, khiến tình cảm hơn thua, được mất giữa hai dân tộc tiêu tan trong khung cảnh gặp gỡ hoà hiếu. Nhờ vậy ta mới có thời giờ thắt chặt hàng ngũ, chỉnh đốn binh bị, thực thi chính thuật nhằm xây dựng chính quyền và kiến thiết cơ sở của đất nước. Ôi ! Ngày xưa dân ta bản lĩnh vững vàng, nhãn quan sắc bén, tầm nhìn sâu rộng đến ngần ấy ! Thật đáng ca tụng, đáng ngợi khen, đáng yêu đáng kính, đáng sùng bái xiết bao !” 13
Phan cho rằng việc nước ta thụ phong với Trung Quốc qua các đời chẳng qua vì đó là “đường lối ngoại giao”. Chính vì thế, “ta coi việc thụ phong như một màn kịch () chứ không lấy đó làm điều vinh dự”. Đây là “chính sách ‘viễn giao cận công’ mà ta đã áp dụng nhằm đối phó với Trung Quốc từ đó qua các đời Tiền Lê, Lý, Trần, cho tới bản triều [triều Nguyễn]”. “Viễn giao cận công” 14 nói nôm na là đối với nước ở xa thì giao tiếp để giữ quan hệ hoà hiếu, còn đối với nước gần thì giữ thế công. Theo Phan, nhờ áp dụng sách lược này nên nước ta mới khỏi lo về phương Bắc để “dùng nội lực mà bành trướng, sinh sôi nẩy nở ở phương Nam” và sở dĩ “ngày nay đất nước chúng ta có được một một mảnh đất thon dài trên bản đồ thế giới cũng là nhờ chính sách ngoại giao đó” 15.
Nào ngờ, “đời sau lại hiểu sai dụng ý hay ho của người đời trước nên mới coi việc ỷ lại vào bên ngoài là quốc sách (quốc thị)”, rồi “không chịu chỉnh đốn binh bị và nội chính, xem chuyện trao tặng ngọc lụa quan trọng hơn việc xây đắp thành luỹ” nhằm giữ nước. Phan cho rằng cái tính “ỷ lại vào Trung Quốc tất phải xảy ra vào cuối mỗi triều đại: vua bỏ bê việc nước, triều thần gian nịnh, không lo chỉnh đốn binh bị, chỉ xem bên kia là cha mà quên bộ mặt hung ác của họ. Cuối đời Trần, đời Lê đều có khuynh hướng đó mà đến bản triều thì lại càng rõ nét hơn”. Thế rồi Trung Quốc cũng nhân đó khoác lên chiếc mặt nạ (giả diện) thiên triều để âm mưu lắm việc “nham hiểm”: “đầu đời Minh viện cớ giúp khôi phục nhà Trần để mong biến nước ta thành một quận huyện, sau đó thì giúp họ Mạc làm loạn, tức là trợ giúp tặc thần của nước ta ; sang đời Thanh thì giả vờ lấy cớ phù Lê mà đưa quân sang chiếm ..., tới bản triều vì không thấy cái họa của bánh xe đổ phía trước nên mới uỷ thác cho Bắc triều mà không tự lập” 16.
Điều đáng chú ý là cách giải thích lịch sử của Phan rất giống sử quan thường áp dụng nhằm lý giải sự “đổi thay các triều đại” trong lịch sử Trung Quốc mà chữ Hán gọi là triều đại giao thế và tiếng Anh gọi là dynastic cycle. Sử quan này cho rằng dưới thời phong kiến, mặc dầu các vương triều thay đổi, nhưng điểm giống nhau giữa các vương triều là các vua đầu của mỗi vương triều thường là những minh quân, nhờ đó đất nước được thái bình thịnh trị. Nhưng những vua đời sau của mỗi triều ngày càng nhu nhược, xao lãng quốc sự khiến xã hội loạn lạc để rồi bị lật đổ và thay thế bởi một vương triều khác và quá trình “đầu thịnh sau suy” này cũng sẽ tái diễn với vương triều mới. Khi phân tích lịch sử các vương triều ở Việt Nam, Phan nhấn mạnh sự suy nhược của mỗi triều đại và tính ỷ lại vào Trung Quốc xảy ra vào “cuối mỗi triều đại”. Cách giải thích này hoàn toàn ăn khớp với sử quan dynastic cycle nói trên, mặc dầu rất có thể là Phan đã không hề ý thức đến sử quan này ; hay nói cách khác, có lẽ Phan đã dựa trên những suy nghĩ hoàn toàn độc lập của mình để đi tới kết luận đó. Những suy nghĩ độc sáng về lịch sử nước nhà biết đâu đã không thoáng hiện sau những đêm một mình một bóng, vừa nhìn trăng nước Côn Lôn vừa trầm tư về tiền đồ tổ quốc trong thời gian gần ba năm trường mà Phan bị lưu đày trên hòn đảo cô quạnh này?
Cũng trên dòng suy tư độc sáng nói trên, Phan cho rằng ngày xưa, vì coi việc xin thụ phong với Trung Quốc là điều vạn bất đắc dĩ nên nhiều sứ thần nước ta đã lấy chuyện làm nhục người Trung Quốc khi đấu trí với họ là niềm vinh dự. Tuy nhiên, sứ thần các đời sau lại huênh hoang khi đem về được một bài thơ văn, hay kể lại tiếng khóc câu cười của sĩ phu Trung Quốc cho bạn bè nghe. “Chừng ấy cũng cho ta thấy được sự suy thoái của sĩ phu nước nhà” 17. Phan cho rằng những “bát cổ gia” (nhà bát cổ) giá áo túi cơm đã biến công lao của người xưa thành nguyên nhân thất bại. Trong những tác phẩm chính luận của Phan, danh từ “nhà bát cổ” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, bởi vậy ta cần hiểu dụng ý của Phan khi dùng từ này.
Như chúng ta đã biết, “bát cổ văn” là một thể văn dùng trong các khoa thi ngày xưa có 8 vế (bát cổ) đối nhau để bàn về Tứ thư. Lối văn này được dùng vào hai đời Minh, Thanh ở Trung Quốc rồi được mô phỏng và áp dụng trong các kỳ thi cử ở nước ta. Trong những kỳ thi, những “bài lớn về kinh truyện cũng như về văn sách đều hỏi về lịch sử Trung Quốc, còn về lịch sử nước ta thì chỉ hỏi vài câu sơ sài mà thôi”. Tuy Phan không định nghĩa “nhà bát cổ” là gì, nhưng dựa theo những chi tiết mà Phan đã cung cấp trong Tân Việt Nam, chúng ta có thể hiểu là Phan dùng từ này với ngụ ý châm biếm những nhà nho cả đời chỉ thích viết văn chương thật kêu theo lối cử nghiệp rồi cho là mình giỏi hơn người. Không những thế, về mặt tinh thần, theo Phan, vì những tệ hại của lối học khoa cử, “những đặc tính vĩ đại, cái linh chất trong sáng của dân tộc từ ngàn năm trước” bị che mờ. Kết quả là những “nhà bát cổ” mất hẳn tướng mạo xưa nay, không biết chọn con đường tự chủ, vừa vọng ngoại lại vừa bài ngoại, vừa tự tôn mà vừa tự ti.
Vào những năm đầu thế kỷ XX, khi các tân thư của các nhà cải lương Trung Quốc như Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu tràn sang nước ta, một số sĩ phu bắt đầu ý thức được đại thế mạnh yếu trong hoàn vũ. Tâm trạng rạo rực của họ vào lúc đó được Phan mô tả như sau: “Một hôm, bỗng nhiên chợt tỉnh cơn mê, như vén mây mù trông thấy trời xanh, như vừa ra khỏi buồng tối nhìn thấy mặt trời hay mặt trăng. Niềm vui đó nói sao cho hết !” Nhưng trước bức tranh tối tranh sáng của buổi giao thời, dân chúng lại rất mực hoang mang, không biết đâu mà phân biệt thật giả. Trước tình huống khẩn bách như thế, theo Phan, đáng lẽ phải “nhờ một hai chí sĩ thông hiểu thời cuộc hoạch định đường lối mà dìu dắt dân chúng”. Tuy nhiên, trên thực tế “người thông hiểu thì ít mà kẻ ngoan cố lại nhiều” và độc hại do sự sai lầm của các nhà bát cổ gây ra vẫn còn đầy rẫy 18.
Đột nhiên, vào tháng 2 năm 1904, cả nước giật mình sửng sốt bởi cái tin sét đánh: chiến tranh Nhật-Nga đã bùng nổ. Trung Quốc cũng đang vùng dậy tìm cách tự cường. Những sĩ phu tâm huyết ở nước ta cảm thấy náo nức, muốn tìm đường cứu nước. Bởi vậy không phải ngẫu nhiên mà vào thời điểm này bùng lên phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc ở Việt Nam của các sĩ phu yêu nước mà Phan và Phan Bội Châu (PBC) là hai nhân vật cự phách nhất trong 25 năm đầu của thế kỷ XX.
Mối quan hệ giữa Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu: Tuy cùng mang hoài bão cứu nước, lập trường của hai nhà chí sĩ họ Phan rất khác nhau, thậm chí về sau trở thành đối lập. Phan chủ trương bất bạo động và hoạt động hợp pháp (minh xã), khởi xướng thuyết tự trị, kêu gọi canh tân để tự cường qua chủ trương “ỷ Pháp cầu tiến bộ”, rồi từng bước giành lại độc lập quốc gia. Lập trường của Phan được một số thân sĩ chịu ảnh hưởng tân học như Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Đặng Nguyên Cẩn, Ngô Đức Kế, v.v. biểu đồng tình. Ngược lại, PBC chủ trương bài Pháp kịch liệt, hô hào lật đổ chính quyền thuộc địa bằng phương tiện bạo động và bí mật (ám xã). Cần nói thêm là trong khoảng thời gian cuối đời sống trong tình trạng bị giam lỏng ở Huế từ năm 1925 cho đến khi từ trần (1940), PBC có thái độ chính trị ôn hòa so với thời kỳ hoạt động ở hải ngoại.
Suốt đời hai nhà chí sĩ họ Phan gặp nhau tất cả 3 lần :
1) Lần gặp gỡ đầu tiên ở Huế vào năm 1903 (Quý Mão): Năm này có kỳ thi Hội, PBC lúc ấy đang lấy tư cách Cử nhân ghi danh ở trường Quốc tử giám, có dự thi nhưng không đỗ, còn Phan thì đã đỗ Phó bảng vào kỳ ân khoa năm Tân Sửu (1901). Tuy thi Hội không đỗ, nhưng PBC nổi tiếng hay chữ và lại vừa trước tác cuốn Lưu Cầu huyết lệ tân thư — mượn việc Lưu Cầu mất nước mà bàn chuyện nước ta và giải bày chính kiến của mình. Trong hồi ký Tự phán, PBC ghi lại là sau khi trình tác phẩm này với Thượng thư Bộ Binh là Hồ Lệ người Duy Xuyên (Quảng Nam), “ông bảo môn hạ, thuộc lại sao chép và cho các thân sĩ đồng hương xem, vì vậy tác phẩm này được sĩ phu Nam–Ngãi truyền tụng. Những nhà chí sĩ như các cụ Tây Hồ [Phan Châu Trinh], Thai Xuyên [Trần Quý Cáp], Thạnh Bình [Huỳnh Thúc Kháng] nhân đó mới trở thành bạn tâm phúc (mạc nghịch hữu) của tôi, cho đến những người đồng chí như Ngũ Lang, Ấu Triệu lúc ấy mới bắt đầu biết tôi, tất cả đều nhờ vai trò trung gian của cuốn sách ấy” 19. Chắc hẳn PBC đã không ít chủ quan khi thuật lại là Phan nhân đọc cuốn Lưu Cầu huyết lệ tân thư mới trở thành bạn tâm phúc của tôi”. Bởi lẽ Huỳnh Thúc Kháng, người được xem là có trí nhớ chính xác và cặp mắt khách quan nhất lúc bấy giờ, đã ghi lại trong Phan Tây Hồ Tiên sinh lịch sử: “Tiên sinh [Phan Châu Trinh] đã nghe tiếng ông Sào Nam, lại thấy sách ấy, cho là người hào kiệt nóng lòng việc nước, mà kiến thức thì chưa thoát vòng khuôn sáo cũ” 20, và bản thân Phan cũng nhấn mạnh điểm khác biệt về lập trường giữa hai người ngay từ buổi gặp gỡ đầu tiên.
2) Lần thứ hai ở Quảng Nam vào năm 1904: Vào tháng chạp năm này 21, PBC vào Quảng Nam để bàn luận với Tiểu La Nguyễn Thành về kế hoạch Đông độ của cụ và Tăng Bạt Hổ. Chuyến đi sang Nhật của PBC có mục đích xin viện trợ quân giới bởi lẽ theo nhận định của Nguyễn Thành và PBC, “Nhật Bản là nước da vàng mà lại đang giao chiến với Nga nên dã tâm lại càng lớn” 22. Về buổi gặp gỡ lần thứ hai với Phan, PBC ghi lại trong hồi ký như sau : “bắt đầu tôi ở nhà Tiểu La, đến thăm nhà cụ Huỳnh Thúc Kháng ở Thạnh Bình, nhân có cụ Tây Hồ và cụ Thai Xuyên Trần Quý Cáp đều đang ở đấy, nói chuyện suốt đêm rất vui” 23. Tuy nhiên, theo lời thuật lại của Huỳnh Thúc Kháng thì trong buổi gặp gỡ tình cờ này, Phan cũng đã bác bỏ kịch liệt lập trường của PBC trong Lưu Cầu huyết lệ tân thư: “Tiên sinh [Phan Châu Trinh] mới gặp ông Sào Nam, bác riết bài Lưu Cầu huyết lệ, cho là không hợp với thời thế cuộc đời bây giờ ; song ông Sào Nam lúc đầu đang nóng về chủ nghĩa bài ngoại nên cũng không chịu phục” 24.
3) Lần thứ ba, hai cụ Phan gặp nhau trong vòng mấy tháng vào năm 1906: Thoạt đầu, PBC đang ở Nhật nghe tin Kỳ Ngoại Hầu Cường Để đã rời Việt Nam, PBC từ Nhật về Hương Cảng đón rồi đưa Hầu đi Sa Hà (Quảng Đông) thăm cụ Tán lý Quân vụ Nguyễn Thiện Thuật (Tán Thuật) đang tá túc ở nhà của cựu tướng Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc. Vào thời điểm này, Phan cũng vừa sang tới Hương Cảng. Nghe tin PBC vừa đi Quảng Đông, Phan tìm đến ngay nhà họ Lưu. Theo lời thuật lại của PBC, trong thời gian Phan ở Quảng Đông, PBC đem bài “Khuyến quốc dân du học văn” (Khuyên quốc dân du học) mà PBC viết cho Phan xem, Phan “khen hay”. “Nhưng đến khi xem ‘Duy Tân Hội chương trình’ (Chương trình của Hội Duy Tân) thì ông [Phan] lặng yên, chỉ nói: ‘Tôi rất muốn sang Đông Kinh cho biết rồi sẽ về nước ngay’. Tôi hiểu là từ lúc ấy ý hướng mà ông ấp ủ trong lòng khác với ý hướng của tôi” 25. Trên thực tế thì như chúng ta đã thấy, không phải từ lúc này mà hai năm trước đó, trong lần gặp gỡ đầu tiên ở Huế giữa hai người, Phan đã biểu lộ sự bất đồng ý ‎kiến của mình đối với lập trường của PBC.
Sau đó, PBC đưa Kỳ Ngoại Hầu và Phan sang Nhật. Trong tự truyện, PBC kể lại một số chi tiết về Phan trong thời gian ở Nhật như sau:
Thượng tuần tháng tư âm lịch [cuối tháng 5 dương lịch], tôi đưa học sinh lên Đông Kinh để vào trường. Cụ Tây Hồ cùng đi với tôi để tham quan trường ốc và khảo sát thành quả chính trị và giáo dục của Nhật Bản. Cụ bảo tôi: “Trình độ quốc dân Nhật Bản như thế này mà trình độ quốc dân ta như thế kia thì không làm nô lệ sao được? Nay được bấy nhiêu học sinh vào trường Nhật là sự nghiệp rất lớn của ông. Ông nên ở lại Nhật Bản tĩnh dưỡng, chú tâm vào việc viết sách, bất tất hô hào bài Pháp làm gì. Chỉ nên đề xướng dân quyền, dân mà đã biết có quyền tức mọi việc khác có thể lo tính dần dần”.
Trong khoảng hơn mười ngày, cụ với tôi tranh luận qua lại, ý kiến rất trái ngược nhau. Cụ muốn đánh đổ quân quyền nhằm vun trồng gốc rễ dân quyền. Tôi thì muốn trước hết đánh đuổi giặc ngoài [Pháp], chờ lúc nước nhà độc lập rồi mới có thể bàn tới việc khác. Ý ‎tôi là muốn lợi dụng quân chủ thì cụ cực lực phản đối. Ý cụ muốn đề cao dân quyền và bài bác quân chủ thì tôi hết sức không tán thành. Bởi vì cụ và tôi tuy có cùng chung mục đích nhưng thủ đoạn thì khác xa nhau. Cụ thì muốn dựa Pháp để đánh đổ quân quyền, mà tôi thì muốn bài Pháp phục Việt, khác nhau là thế. Mặc dù chính kiến của cụ trái hẳn với tôi, nhưng tính khí thì rất thích tôi. Cụ với tôi kề gối chung giường khoảng một tháng rồi tỏ ý muốn trở về nước … Tôi đưa cụ Tây Hồ về tới Hương Cảng. Đó là hôm giã từ cụ lần cuối cùng. Cụ bảo tôi: “Ông nên bảo trọng. Quốc dân chỉ trông chờ vào ông, chứ Kỳ Ngoại Hầu thì không hy vọng gì đâu”. Tôi kính cẩn nhận lời, đinh ninh sẽ có dịp gặp lại nhau rồi tôi gửi lời chúc các cụ Thai Xuyên, Thạnh Bình, Tập Xuyên … ráng sức mở mang dân trí, tổ chức nhiều đoàn thể để làm hậu thuẫn cho tân đảng 26.
Lúc ấy là vào trung tuần tháng 5 âm lịch, tức đầu tháng 7 năm 1906. Về tới Hà Nội, Phan thảo ngay một bản điều trần gởi cho Toàn quyền, Khâm sứ cùng các nhà báo, nói lên tình hình nguy nan của đất nước, tình tệ quan lại, và yêu cầu sửa đổi chính sách bảo hộ. Bức thư này về sau được gọi là “Đầu Pháp chính phủ thư” (Bức thư gửi chính phủ Pháp). Sau khi thư này được công bố, chính sách cai trị của nhà nước thuộc địa ở Đông Dương được dư luận Pháp quan tâm hơn trước và một số người Pháp tiến bộ như Babut, chủ báo Đại Việt, muốn kết giao với Phan và mời Phan cộng tác. Ngược lại, giới quan trường Nam triều lại xem Phan “như cái gai trước mắt” 27 và trong những người gióng trống canh tân lúc bấy giờ họ “ghét sợ nhất là Phan Châu Trinh và Trần Quý Cáp vì hai người này có thiên tài hùng biện lôi cuốn người nghe ...” 28. Cùng với các nhân sĩ Hà Thành như Lương Ngọc Can, Đào Nguyên Phổ, Nguyễn Quyền, ... Phan góp phần quan trọng vào việc sáng lập trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Những buổi đăng đàn diễn thuyết “người đông như hội” mà Phan là một trong những diễn giả được mến mộ và “mốt Tây Hồ” với bộ cồm-lê bằng vải nội hóa do Phan “lăng-xê” nay đã trở thành những hình ảnh sống động về những ngày đầu của phong trào duy tân ở nước ta vào đầu thế kỷ XX.
Sau khi Phan về lại Việt Nam có người viết thư cho PBC nói là Phan về nước “không lợi cho anh em, vì ông xướng chủ nghĩa dân chủ” 29. Nghe tin ấy, PBC gửi Phan một bức thư đề nghị không nên vội hô hào dân chủ, với lời lẽ giải bày hơn thiệt như sau: “Than ôi ! Mấy mươi năm hụp lặn trong ao tù nô lệ lý thuyết phong kiến, biết đâu những chuyện Lư Thoa, Mạnh Đức … Tình trạng như thế, việc hợp quần khó lắm đại huynh ạ ! … Ôi dân chủ, ‘dân’ không còn nữa thì ‘chủ’ vào đâu? Lúc bấy giờ nếu đại huynh có bầu nhiệt huyết cũng không còn chỗ thi thố nữa” 30.
Tuy nhiên, những khác biệt giữa lập trường của hai cụ Phan sau đó hình như ngày càng rõ nét, đặc biệt trong nhận thức của Phan. Lý do là vì PBC cùng các đồng chí trong nhóm ám xã đang ở nước ngoài nên nhà cầm quyền không thể nào đàn áp trực tiếp vì cho dẫu “roi dài cũng không đụng tới” (tiên trường mạc cập), còn Phan thì ở trong nước nên đã cùng các thân sĩ trong minh xã ở trong thế chống mũi chịu sào nên “đều bị bắt không sót một ai” 31. Bởi vậy, khi phong trào chống sưu thuế bắt đầu ào ạt nổi lên ở Quảng Nam và các tỉnh miền Trung từ tháng 2 năm 1908 theo lời kêu gọi của PBC cùng các đồng chí trong nhóm bài Pháp từ hải ngoại thì Phan bị nhà chức trách áp giải từ Hà Nội về Huế để tống giam. Lý do là quan trường vốn ghét Phan, nay nhân dịp trả thù, đổ tội nhóm dân quyền đã gây ra vụ dân biến và xem Phan chính là người chủ xướng và đã ngấm ngầm cấu kết với “người bội quốc là Phan Bội Châu”. Lúc đầu Phan bị kết án tử hình, sau được giảm án, thành đày ra Côn Đảo suốt đời, “gặp ân xá cũng không tha” (ngộ xá bất nguyên) 32. Phan bị đày ở Côn Đảo từ tháng 6 năm 1908. Sau non 3 năm, nhờ có sự can thiệp của Hội Nhân quyền nên Phan được phóng thích và sau đó sang Pháp vào tháng 4 năm 1911.
Phan Bội Châu dưới cặp mắt của Phan Châu Trinh trong Tân Việt Nam : Như đã đề cập ở phần đầu, Tân Việt Nam được trước tác trong khoảng thời gian Phan mới đến Mỹ Tho sau khi được thả từ Côn Đảo. Vào thời điểm này, tri kỷ của Phan là Trần Quý Cáp đã bị sát hại ở Khánh Hòa và những người bạn thân thiết khác như Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, ... thảy đều bị lưu đày ở Côn Đảo sau vụ dân biến ở Trung Kỳ và binh biến ở Hà Nội (tức vụ đầu độc binh lính Pháp xảy ra vào ngày 27 tháng 6 năm 1908) 33. Bởi vậy Phan cảm thấy không thể không minh oan cho những đồng chí của mình.
Theo Phan, hai vụ dân biến và binh biến “đều do lời cổ động trong những trước tác của PBC và đã được thực hiện không chút sai sót” 34. Vụ dân biến sở dĩ có hậu quả xấu xa một phần cũng vì “quan lại Nam triều phản ứng quá mức 35, rồi hai phái bài Pháp và tự trị kích bác lẫn nhau”. Phan cho rằng binh biến là kết quả tất yếu của dân biến, vì một khi “chủ nghĩa tự trị đã bị chủ nghĩa áp chế đánh bại, người bị tù bị chết đầy rẫy, người ta biết chủ nghĩa tự trị dựa Pháp ắt không thành công thì cái thế tất yếu là không thể không chạy theo đảng bài Pháp. Do đó nghĩ đến bạo động là cái thế phải đến, cái lẽ tất nhiên” 36.
Theo Phan, sở dĩ Phan bị nghi ngờ là do mối liên hệ giữa Phan và PBC. Bởi vậy, trong Tân Việt Nam, nhằm minh oan cho các đồng chí đã chết hay còn bị tù đày Phan giải thích tường tận những khác biệt giữa Phan và PBC về chủ trương cũng như về đường lối hoạt động. Những thông tin độc đáo trong Tân Việt Nam giúp người đọc nhận thức rõ hơn tâm trạng của Phan khi bị tù đày ở Côn Đảo và trong khoảng thời gian cư ngụ ở Pháp sau này. Trước khi đưa ra một số nhận xét và đánh giá tổng quát, chúng tôi sẽ trình bày cách nhìn của Phan về con người của PBC.
Theo nhận xét của Phan, thoạt kỳ thủy không có đảng phái mà chỉ có hai chủ nghĩa tranh luận với nhau mà thôi. PBC chủ trương bạo động, nhưng trong lần gặp gỡ với Phan tại Huế vào khoa thi Hội năm Quý Mão (1903), khi Phan bác bỏ chủ trương bạo động thì PBC cũng đồng ý là cả hai cùng đứng lên kêu gọi sĩ phu dâng sớ xin bãi bỏ khoa cử, cải cách luật pháp và chế độ (biến pháp) 37. Khi công việc kêu gọi đang tiến hành tốt đẹp thì PBC vì thi hỏng nên không ký tên, sĩ phu vì thế cũng bắt chước không chịu ký bởi lẽ uy tín của PBC rất lớn trong giới sĩ phu 38. Sau đó, PBC sang Nhật và từ lúc này trở đi mới có hai đảng: đảng cách mạng do PBC sáng lập có bộ phận ở trong nước và ở ngoài nước, và đảng tự trị do Phan khởi xướng thì không có trong ngoài 39.
Về mối quan hệ với PBC, Phan ghi lại như sau: “Lịch sử cuộc đời của PBC là một trang sử u sầu ảm đạm, một lịch sử đầy gian truân vất vả. Lịch sử của ông cũng là lịch sử đời tôi. Tính chất giống nhau, chí khí giống nhau, cảnh ngộ giống nhau, nhưng ý kiến không giống nhau và chủ nghĩa thì khác hẳn. Bởi vậy ban đầu thì thương nhau mà cuối cùng thì xa nhau, trước là bạn mà sau là địch. Tôi sở dĩ không ngại hiềm nghi, không nề đường sá cách trở để theo tận hải ngoại cũng vì ông ấy. Tôi sở dĩ bất chấp sống chết, đụng chạm tới kỵ húy nhằm hô hào người trong nước cũng vì ông ấy. Tôi thất bại chẳng còn chút gì, đồng chí bạn bè bị tù đày hay phải hy sinh đầy rẫy, và cho tới nay cũng vì ông ấy mà tôi hãy còn bị nghi kỵ và không giải bày tâm sự được” 40.
Phan cho rằng “nếu không biết rõ nhân cách của PBC cùng lý do vì sao ông lợi dụng quốc dân thì không làm sao hiểu được tại sao tôi đã phản đối ông ấy từ đầu đến cuối” 41. Theo Phan, “PBC là người rất giàu chí khí, nhiều nghị lực, chịu nhẫn nhục và dám làm (cảm vi). Một khi ông đã tin vào điều gì rồi thì quyết không bỏ, cho dù sấm sét cũng không thay đổi”. Trong giới sĩ phu ở nước ta lúc đó, “không ai có thể sánh với ông ấy” 42. Đó là những ưu điểm của PBC. Theo Phan, “vì chủ trương bạo động bị Phan bác bỏ nhiều lần nên PBC không thích giao du” cùng Phan. Phan kể là trong lần hai người tranh luận với nhau ở Hương Cảng, “ông ấy đuối lý rồi khóc sướt mướt — tôi thương ông chỗ ấy” 43. Về nhược điểm của PBC, Phan nhận xét: “Tiếc thay ông ấy học thức nông cạn, không rõ thời thế, thích dùng thủ đoạn và mánh khóe (quyền thuật), tự dối mình và dối người, đầu óc ngoan cố khăng khăng không chịu thay đổi ... Chủ nghĩa phục thù cực đoan của PBC thật ngoan cố và sai lầm cùng cực, đã không hợp lý luận, không hợp thời thế mà lại còn đẩy đồng bào vào chỗ chết (tử địa)” 44. Dưới mắt Phan, PBC là “người có lòng yêu nước nhưng không biết cách thương nước” (hữu ái quốc chi tâm nhi bất tri sở dĩ ái quốc chi đạo) 45. Phan kể lại như sau: “PBC thường nói ‘Bình sinh sở học của tôi đắc ý nhất ở chữ Nhân trong sách Luận ngữ’. Tôi mới nói đùa: ‘Sở đắc của anh là ở bộ Chiến quốc sách, nếu quả là sách Luận ngữ thì tôi sợ anh sẽ đem nửa bộ giết người trong nước và nửa bộ để giết thân anh. Ông bực tôi lắm” 46.
Phan cho rằng PBC là người “cực kỳ thủ cựu, nhất thiết không chịu đọc Tân thư”. Bởi thế, “những trước tác của ông ấy không căn cứ vào lý luận, không khảo sát thời thế, khi thì chửi tràn, khi thì khóc than thống thiết”. Sự thật, dưới mắt Phan, PBC là “nhà yêu nước bị biến tướng bởi cái học văn chương tám vế” (bát cổ biến tướng chi ái quốc gia) 47, là “nhà bát cổ” điển hình mang những tập tính do ảnh hưởng của cái học khoa cử đã đề cập ở phần trên. Phan viết: “[Các trước tác của PBC] xem ra toàn là biến thể của văn chương bát cổ, không có mảy may một chút giá trị, nhưng vì trình độ và tính cách thích hợp với quốc dân, nên dân mới bị lừa theo” 48. Không những thế, cá tính con người PBC biểu hiện “những quán tính lâu đời của người Việt Nam, gồm những mặt tốt đẹp nhất cho tới những mặt thiếu sót, kém cỏi nhất” 49. Phan giải thích: “... Ông ấy là người đại biểu cho những tập quán có từ ngàn xưa trong lịch sử của dân tộc nước Nam. Không biết chân tướng của người nước Nam, xem ông ấy thì biết được. Người dân nước Nam rất giàu tính bài ngoại, ông ấy bài ngoại đến chỗ cực đoan. Người nước Nam rất thích ỷ lại vào người nước ngoài thì ông ấy ỷ lại đến chỗ cực đoan. Người dân nước Nam rất thiếu tính tự lập thì ông ấy lại càng thiếu cùng cực. Tính cách và trình độ của ông ấy nhất nhất đều tương hợp với tính cách và trình độ của quốc dân, bởi vậy ông nhân ưu điểm và khuyết điểm của quốc dân mà lợi dụng. Đây là điều thầy thuốc gọi là thuật ‘lấy độc trị độc’ (tắc nhân tắc dụng chi thuật)” 50.
Mặc dù Phan không nói rõ “danh sĩ” trong đoạn sau đây là ai, nhưng đọc qua ta có thể đoán ngay được nhân vật Phan muốn ám chỉ không ai khác hơn là PBC: “Ngày nay có danh sĩ tự phụ là yêu nước mà không biết tập trung hết sức vào trong nước mà đề xướng quốc dân, rồi như sư tử ngủ mê, ngợi khen cường quyền của Đảo quốc [Nhật Bản], nói năng ngông cuồng không nghĩ tới lợi hại, chỉ muốn mời một nước thứ ba “khẩu Phật tâm xà” không có lấy chút nhân đạo (tận vô nhân lý) để đem giao phó tất cả vận mệnh đất nước cho được mới bằng thích. [Danh sĩ ấy] không hiểu rằng nước đó hiện nay không có sức nên để vậy mà không quyết đoán, chứ nếu quả thật có sức thì còn đợi ta cầu làm gì? Hãy trông Triều Tiên, các đảng phái liên Nga liên Nhật chia năm xẻ bảy, rốt cuộc bây giờ hoàng hậu thì bị sát hại, nhà vua thì bị giam cầm, tù tội liên miên và cảnh giết chóc vẫn chưa yên. Cầu đã được đấy mà lợi thì không thấy đâu cả” 51. Cần để ý là Tân Việt Nam được Phan trước tác vào 1910-1911, tức chẳng bao lâu sau khi Triều Tiên bị Nhật Bản sáp nhập, bởi vậy niềm lo lắng của Phan không phải là hoàn toàn vô căn cớ.
Nếu Phan đã rất mực thẳng thừng khi phê phán chủ trương bạo động của PBC, điều khiến ta không khỏi ngạc nhiên và cảm phục là Phan cũng không kém thẳng thừng và khách quan khi dự đoán về khả năng thất bại của đường lối mà chính bản thân Phan đang theo đuổi: “Tôi tự biết những lý do mà chủ nghĩa của ông ấy đưa ra thì rất yếu, nhưng nếu áp dụng vào đặc tính của dân nước Nam thì rất mạnh. Chủ nghĩa của tôi, lý do đưa ra thì rất mạnh, nhưng nếu áp dụng vào đặc tính của người nước Nam trong tình thế hiện tại thì rất yếu. Chủ nghĩa của ông ấy rất hợp với đặc tính và trình độ của quốc dân, lại nhắm vào chỗ mạnh mà lợi dụng và vì ở hải ngoại nên ngôn luận tự do, dễ có người theo, do đó chủ nghĩa ông ấy sẽ tất thắng. Chủ nghĩa của tôi tương phản với đặc tính và trình độ của quốc dân, lại nhắm vào chỗ yếu mà cứu và vì ở trong nước nên bị các thế lực chèn ép và nghi kỵ tập trung vào, các hoạt động và ngôn luận đều không được tự do nên người theo cũng khó, do đó chủ nghĩa của tôi tất bại” 52.
* 
Có thể nói rằng một trong những ý nghĩa quan trọng của Tân Việt Nam là qua tác phẩm này lần đầu tiên ta thấy rõ lập trường khác biệt giữa Phan và PBC.
Vào năm 1925, khi hai nhà chí sĩ lần lượt về lại Việt Nam, lập trường của họ có thay đổi gì chăng so với 20 năm trước đó ? Về phía Phan, nhận thức về PBC hầu như không có gì thay đổi. Trong bài diễn văn nói về “Đạo đức và luân lý Đông Tây” đọc tại nhà Hội Việt Nam ở Sàigòn vào cuối tháng 11, 1925, khi thuyết giải về lòng thương nước của người Việt, Phan vẫn phê phán chủ trương bạo động và lập trường vọng ngoại của PBC: “Cái ‘thương nước’ tôi nói ở đây không phải là xúi dân ‘tay không’ nổi lên, hoặc đi lạy nước này cầu nước khác về phá loạn trong nước đâu ! Tôi xin thưa : Nước ta đã hư hèn bị mắc trong tay người ta rồi, thì bây giờ ta phải đem lòng thương nước, bênh vực lẫn nhau, mà giúp cho nhau để cứu chuộc lại cái danh giá cùng lợi quyền của ta về sau ... Thương nước cho phải đường mới gọi là thương nước, nếu thương nước không phải đường thì đã không ích gì cho ai mà lại còn làm hại sinh linh nữa” 53.
Về phần PBC, rõ ràng là có những chuyển biến sâu sắc sau khi cụ về sống những năm cuối đời ở Huế trong tình trạng bị giam lỏng. Vào tháng 3 năm 1927, trong dịp kỷ niệm ngày giỗ một năm của Phan, PBC đã viết những dòng sau đây : “Than ôi! Ông có thứ cho tôi chăng? Lúc ông [từ Nhật Bản] về nước [1906], tôi tiễn chân ông đến Hương Cảng, ông cầm tay tôi dặn mấy lời sau hết: ‘Từ thế kỷ 19 về sau, các nước tranh nhau ngày càng dữ dội, cái tính mạng một nước, gửi trong tay một số người đông, chứ không thấy nước nào không có dân quyền mà khỏi mất nước bao giờ. Thế mà nay Bác lại còn dựng cờ quân chủ lên hay sao?’ Ông nói thế, lúc bấy giờ tôi chưa có câu gì đáp lại, nay đã hơn 20 năm rồi, lời ôn càng lâu, càng nghiệm. Tôi mới biết cái óc suy nghĩ cùng cái mắt xem xét của tôi thiệt không bằng ông! Phỏng ngày nay ông còn sống thì cầm cờ hướng đạo cho chúng ta, hẳn phải nhờ tay ông mới được. Than ôi! Ngày nay những kẻ cúng vái ông, kính mến ông, có phải là chỉ ngắm tượng ông, đọc văn ông góp nhặt năm ba câu làm bộ ái quốc, ái quần đầu miệng mà thôi ư? Phải biết rằng ông Hy Mã mà được danh tiếng lưu truyền với sử xanh là vì ông có chủ trương thiệt, tinh thần thiệt” 54. Hoặc giả, trong tập hồi ký Tự phán viết chẳng bao lâu sau đó, PBC cũng đã bộc bạch: “Than ôi, lịch sử tôi là lịch sử của trăm điều thất bại mà không có lấy một điều thành công. Bôn ba trôi nổi gần ba mươi năm, vì liên lụy với tôi mà kẻ chết người tù, tai ương tràn cả nước, độc hại lan khắp đồng bào. Mỗi khi tỉnh giấc nửa đêm lòng tự bảo lòng rồi gạt lệ nhìn trời ; hai mươi năm lần lữa, trông râu mày mà hổ thẹn” 55.
Cần để ý là trong khoảng thời gian ở Pháp, Phan bị nhà đương cuộc Pháp bắt giam ở ngục Santé gần 10 tháng (tháng 9, 1914 đến tháng 7, 1915) vì bị tình nghi là đã thông đồng với Đức nhờ giúp chống lại Pháp bằng phương tiện vũ trang. Trong ngục, Phan không chịu khuất phục, cực lực phản đối sự vu cáo, dọa nạt của nhà đương cuộc và dùng lý lẽ để chứng minh mình là “người không có tội”. Trong một bức thư gửi cho thẩm phán tòa án quân sự, Phan viết: “Quan lớn là một tên quan án gian dối, thay mặt cho quân thù nghịch tôi, lấy ý riêng mà bắt tôi, giam tôi, thì từ nay về sau, tôi cứ đem lời lẽ ra mà chống cự lại với những việc gian dối không công bình của quan lớn” 56.
Có thật Phan muốn nhờ cậy thế lực của Đức nhằm chống lại Pháp như lời buộc tội của quan tòa ? Hay Phan hoàn toàn vô tội và đã bị bắt oan ? Lập trường của Phan trong thời kỳ Âu chiến đã gây thắc mắc, hoài nghi cho nhiều nhà nghiên cứu từ trước tới nay 57. Trong trường hợp PBC, chúng ta có thể khẳng định là cụ đã tìm cách cầu viện Đức, đặc biệt trong thời kỳ Âu chiến, nhằm chống lại Pháp bằng cách liên hệ với các văn phòng ngoại giao của Đức ở Bắc Kinh và ở Bàng Cốc (Thái) 58. Nhưng Đức không phải là nước duy nhất mà PBC muốn cầu viện nhằm chống lại Pháp, vì cho đến khi về nước vào năm 1925 PBC luôn luôn chủ quan nghĩ rằng nếu không có sự giúp đỡ của Trung Quốc và Nhật Bản thì người Việt không thể nào giành lại độc lập từ người Pháp. Vô hình trung PBC đã cả tin rằng chỉ có Pháp, một mình nước Pháp mà thôi, mới có ý đồ đen tối đối với Việt Nam. Nhưng lập trường của Phan thì khác hẳn. Qua Tân Việt Nam (cùng các tác phẩm chính luận khác), ta thấy Phan nhiều lần bác bỏ lập trường của PBC là vừa bài ngoại (Pháp) mà lại vừa vọng ngoại, và như đã trình bày, Phan giữ vững lập trường này cho tới lúc lìa đời. Bởi vậy, đối với một nhà chí sĩ “đen trắng phân minh” và có lập trường kiên định như Phan, thật khó hình dung là Phan lại trông cậy vào thế lực của nước ngoài, cho dù nước đó là nước Đức, là nước Trung Hoa, hay là nước Nhật. Ngay khi còn bị lưu đày ở Côn Đảo, Phan đã từng nói : “Chưa có tư cách quốc dân độc lập, dầu có nhờ cậy ở nước ngoài chỉ diễn cái trò ‘đổi chủ làm đầy tớ lần thứ hai’, không ích gì ..., mình không tự lập, ai cũng là kẻ cừu của mình ...” 59. Nói ngắn gọn, ta có thể không đồng ý với chủ trương và chính kiến của Phan, nhưng theo thiển kiến, khó có thể nghi ngờ về nhân cách cùng tấm lòng xả thân vì nước của Phan.
Để kết thúc bài này, xin mượn lời nhận xét chí lý sau đây của Huỳnh Thúc Kháng về cuộc đời của Phan : “Như tiên sinh, không những là một người chí sĩ yêu nước, mà thật là một nhà chính trị cách mạng đầu tiên nước Việt Nam ta vậy. Một kẻ sĩ vai gánh giang sơn, lòng thương nòi giống, một mình xông đột trăm cách toan lường, trong hai mươi năm thừa, trải biết bao hiểm nghèo, nếm biết bao mùi cay đắng ... thế mà tiên sinh cứ khăng khăng ôm một cái chủ nghĩa, đeo đẳng mãi với cảnh hoạn nạn mà không chịu rời ra ; không những danh vị lợi lộc không dỗ dành được, cực khổ không đổi dời được ; cho đến gươm kề trên cổ, súng gí trước bụng cũng cũng không chút nào lay chuyển, sánh với ông Sào Nam [PBC], chí khí đồng nhau, nhiệt thành đồng nhau, phách lực đồng nhau, mà cái cảnh càng khó, cái lòng càng khổ hơn vậy60.
* Giáo sư Đại Học Alberta, Canada
Chú thích
1 Nguyễn Q. Thắng, Phan Châu Trinh -- Cuộc đời và tác phẩm (Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1987 ; Nxb Văn Học, 2001, tái bản và có bổ sung) và Nguyễn Văn Dương biên soạn, Tuyển tập Phan Châu Trinh (Nxb Đà Nẵng và Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, 1995).
2 Albert Sarraut (1872-1962) làm toàn quyền Đông Dương từ tháng 11, 1911 cho đến tháng 11, 1913 và từ tháng giêng 1917 cho đến tháng 5, 1919. Sarraut là người duy nhất giữ chức vụ này hai lần. Sau đó, Sarraut làm bộ trưởng Thuộc địa (1920-1924 và 1932-1933) và thủ tướng (năm 1933 và năm 1936).
3 Văn bản chữ quốc ngữ và chữ Pháp gồm 9 trang này hiện còn lưu trữ trong hồ sơ của văn khố Bộ Thuộc địa cũ.
4 Theo nghiên cứu của ông Nguyễn Q. Thắng, Trần Tiêu là một trong những môn đệ của ông Lê Ấm. Vì rất ngưỡng mộ Phan Châu Trinh, Trần Tiêu đã đọc và sao chép nhiều tác phẩm của Phan. Xem Nguyễn Q. Thắng, sách đã dẫn, trang 191.
5 Trong Tuyển tập Phan Châu Trinh, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Dương xem những hàng chữ nhỏ này là chú thích của Phan nên đã đưa phần dịch những hàng này vào chú thích cuối trang. Dựa vào lý do nêu ra ở trên, chúng tôi cho rằng phần lớn những hàng chữ nhỏ đó không phải là chú thích mà đã do Phan viết thêm trong khi nhuận sắc dở dang “vị định cảo” này.
6 Tân Việt Nam (bản chữ Hán), trang 2. Những phần trích dẫn trong bài này từ Tân Việt Nam là do chúng tôi dịch từ nguyên văn chữ Hán, số trang trích dẫn là số trang ghi ở đầu mỗi trang của nguyên bản di thảo. Trước đây tôi đã để là Pháp Việt liên hợp ; nay xin sửa lại là Tân Việt Nam cho đúng với đề tắt hơn. Chúng tôi thành thật cám ơn bà Lê Thị Kính (tức Phan Thị Minh, cháu nội Phan Châu Trinh) và học giả Nguyễn Văn Xuân ở Đà Nẵng đã sốt sắng giúp đỡ khi chúng tôi xin phép chụp lại di thảo này. Tác giả cũng thành thật cám ơn bà Nguyễn Thị Bình (cháu ngoại của Phan Châu Trinh) đã để lại một ấn tượng sâu sắc về Phan Châu Trinh qua Hội thảo năm 1990 ở Đà Nẵng.
7 Tân Việt Nam, trang 2.
8 Như trên, trang 3.
9 Phan Châu Trinh, Giai nhân kỳ ngộ. Lê Văn Siêu bình giải và chú thích (Sàigòn : Nxb Hướng Dương, 1958), trang 275. Khi biên tập, nhà nghiên cứu Lê Văn Siêu đã vô tình lấy đoạn này ra và cho vào phần phụ lục.
10 Như trên. Nguyên văn là “quyển thổ trùng lai”, tức “cuốn đất trở lại”, ý nói thua keo này lại bày keo khác. Sau khi Tần bị diệt vong, võ tướng nước Sở là Hạng Võ (tức Hạng Tịch ; 232-202 trước CN) tranh hùng với Lưu Bang. Hạng Võ thua trận, chạy đến bến sông Ô, được Đình Trưởng mời qua sông nhằm tạm lánh ở Giang Đông rồi mưu việc khôi phục. Hạng Võ không nghe, dùng gươm tự sát. Trong bài “Đề Ô Giang đình thi” (Bài thơ đề ở đình sông Ô), Đỗ Mục có câu : “Giang Đông tử đệ đa tài tuấn/Quyển thổ trùng lai vị khả tri” (Con em ở Giang Đông còn lắm người tài giỏi/[Nếu Hạng Võ nghe lời khuyên qua sông] mưu việc khôi phục, thì sự thế chửa biết ra sao). Trần Tế Xương thi hỏng nhiều bận, trong “Bài phú hỏng thi” cũng đã mượn cụm từ này để diễn tả tâm sự của một sĩ tử mấy lần mang lều chỏng, khăn gói đi thi mà không đỗ : “Ngẫm đến câu “quyển thổ trùng lai”, nói ra ngập ngọng”.
11 Sử sách ta thường ghi là “vàng lụa”, nhưng chúng tôi đã dịch đúng theo nguyên văn ở đây là “ngọc bạch” (ngọc lụa).
12 Nguyên văn chữ Hán là “trấp”, có nghĩa là “thu, cất đi, ngưng lại, làm êm dịu”.
13 Tân Việt Nam, trang 3.
14 Người đề xướng sách lược ngoại giao này là Phạm Thư, người nước Tần đời Chiến Quốc ở Trung Hoa.
15 Tân Việt Nam, trang 3-4.
16 Như trên, trang 4.
17 Như trên.
18 Như trên, trang 13-14.
19 Xem Phan Bội Châu, Tự phán (TP) (Huế : Nxb Anh Minh, 1956), trang 34 ; Phan Bội Châu niên biểu (NB) (Hà Nội : Nxb Văn Sử Địa, 1957), trang 38. Trong bài này, những phần dịch thuật từ Tự phán đều do người viết bài này dịch từ nguyên văn chữ Hán (không có số trang). Bởi vậy, để độc giả tiện bề tham khảo, chúng tôi trích dẫn xuất xứ dựa theo hai bản dịch chữ quốc ngữ đã xuất bản.
20 Huỳnh Thúc Kháng, Phan Tây Hồ Tiên sinh lịch sử (Huế : Nxb Anh Minh, 1959), trang 17.
21 Tự phán ghi là tháng 7 âm lịch, tức khoảng tháng 8 tháng 9, năm 1904.
22 TP, trang 41 ; NB, trang 44.
23 Như trên.
24 Huỳnh Thúc Kháng, Phan Tây Hồ Tiên sinh lịch sử, trang 17.
25 TP, trang 70 ; NB, trang 70.
26 TP, trang 71 ; NB, trang 72.
27 Huỳnh Thúc Kháng, han Tây Hồ Tiên sinh lịch sử, trang 22.
28 Hồ Tá Khanh, “Về phong trào Duy Tân tại Bình Thuận Phan Thiết, trong Thông sử Liên Thành”. Xem Nguyễn Q. Thắng, sách đã dẫn, trang 589.
29 Huỳnh Thúc Kháng, Phan Tây Hồ Tiên sinh lịch sử, trang 20.
30 “Thơ [sic] gởi Cụ Tây Hồ”, trong TP, phần “Phụ lục”, trang 212-213.
31 Tân Việt Nam, trang 16.
32 Huỳnh Thúc Kháng, Phan Tây Hồ Tiên sinh lịch sử, trang 23.
33 Thường được gọi là “Hà Thành đầu độc”. Trong Đại cương Lịch sử Việt Nam (Tập II), các tác giả cho biết sau vụ đầu độc, Hội đồng đề hình Pháp xử tử 16 người, “kết án tử hình vắng mặt 6 người và tù chung thân 4 người, còn số người bị án có hạn thì khá nhiều”. Ngoài ra, “[n]hân vụ này, thực dân Pháp có cớ để bắt, lưu đày một số nhân sĩ ở Đông kinh nghĩa thục” (Đinh Xuân Lâm chủ biên, Nguyễn Văn Khánh, Nguyễn Đình Lễ, Hà Nội : Nxb Giáo Dục, 2001, trang 173-174).
34 Tân Việt Nam, trang 16-17. Trong tác phẩm này Phan nêu rõ là việc chiêu dụ lính tập được gợi ý trong Việt Nam vong quốc sử, và việc chiêu dụ dân binh phản đối thì có bàn trong Hải ngoại huyết thư, cả hai cuốn đều do PBC trước tác (trang 17). Vai trò chủ mưu của PBC trong hai vụ này cũng được xác nhận trong “Vetonamu minzoku undôshi kankei nenpyô” (Niên biểu về những sự kiện có liên hệ đến phong trào cách mạng Việt Nam). Nagaoka Shinjirô và Kawamoto Kunie biên dịch, Vetonamu bôkokushi hoka (Việt Nam vong quốc sử và các tác phẩm khác của Phan Bội Châu) (Tokyo : Heibonsha, 1974), trang 303.
35 Phan nêu rõ là ở huyện Đại Lộc (Quảng Nam), quan huyện tăng số dân phu ứng dịch đến năm lần một cách tùy tiện. Khi dân chúng kéo nhau đến sảnh đường để chống đối, quan huyện báo cáo với công sứ là dân nổi loạn. Phong trào dân biến bắt đầu từ đó (Tân Việt Nam, trang 26).
36 Tân Việt Nam, trang 31.
37 Có lẽ đã mô phỏng theo chủ trương “biến pháp” của phái cải lương ở Trung Quốc do Khang Hữu Vi lãnh đạo vào cuối thập niên 1890.
38 Tân Việt Nam, trang 19-20.
39 Như trên, trang 16.
40 Như trên, trang 27.
41 Như trên, trang 18.
42 Như trên, trang 17.
43 Như trên.
44 Như trên, trang 18.
45 Như trên, trang 36.
46 Như trên.
47 Như trên, trang 36.
48 Như trên, trang 17.
49 Như trên, trang 36.
50 Như trên, trang 18.
51 Như trên, trang 4.
52 Như trên, trang 21.
53 Xem Thế Nguyên, Phan Chu Trinh, phần “Phụ lục” (Sàigòn : Tủ sách “Những mảnh gương” Tân Việt, 1956), trang 144-145.
54 “Cảm tưởng của cụ Sào Nam đối với cụ Tây Hồ”. Tân dân, Số 3 (24.3.1949) đặc biệt kỷ niệm Phan Tây Hồ Tiên sinh, trang 17-18.
55 TP, trang xv ; NB, trang 20.
56 “Thư gửi cho quan Sơ thẩm tòa án Binh đề ngày 27 tháng 4, 1915”, trích lại từ Phan Thị Châu Liên, “Phan Tây Hồ Tiên sinh dật sự”, in lại trong Phan Châu Trinh, Giai nhân kỳ ngộ (Lê Văn Siêu bình giải và chú thích), trang 75.
57 Về những hoài nghi, xem lời “Tựa” của Hoàng Xuân Hãn trong cuốn Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp, 1911-1925 của Thu Trang (Thành phố Hồ Chí Minh: Nxb Văn Nghệ Tp Hồ Chí Minh và Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, 2000, trang 10) ; Thu Trang, như trên, trang 95 ; Nguyễn Văn Dương, sách đã dẫn, trang 507. Để biết rõ những chi tiết về những “bằng chứng” do nhà cầm quyền Pháp đưa ra cùng lời biện minh của Phan, xem Thu Trang, sách đã dẫn, trang 85-99. Để có đầy đủ chi tiết những bức thư phản kháng của Phan, xem “Phan Tây Hồ Tiên sinh dật sự” của bà Phan Thị Châu Liên in lại trong tập Phan Châu Trinh, Giai nhân kỳ ngộ (Lê Văn Siêu bình giải và chú thích), trang LXXV-LXXVII.
58 Chẳng hạn xem TP, trang 174-176 ; NB, trang171-173.
59 Huỳnh Thúc Kháng, Thi tù tùng thoại (Sàigòn: Nam Cường, 1951), trang 105.
60 Huỳnh Thúc Kháng, Phan Tây Hồ Tiên sinh lịch sử, trang 33-34. Chúng tôi có sửa đổi một vài chữ cho thích hợp với cách dùng hiện nay (ví dụ, cụ Huỳnh dùng chữ “người học trò/anh học trò” để dịch chữ “sĩ” trong chữ Hán, chúng tôi xin mạn phép sửa lại là “kẻ sĩ” nghe thuận tai hơn).
Tài liệu tham khảo :
Đinh Xuân Lâm chủ biên, Nguyễn Văn Khánh, Nguyễn Đình Lễ, Đại cương Lịch sử Việt Nam, Tập II. Hà Nội : Nxb Giáo Dục, 2001.
Huỳnh Thúc Kháng, Phan Tây Hồ Tiên sinh lịch sử. Huế : Nxb Anh Minh, 1959.
Phan Châu Trinh, Thi tù tùng thoại. Sàigòn : Nam Cường, 1951.
Nagaoka Shinjirô và Kawamoto Kunie biên dịch, Vetonamu bôkokushi hoka (Việt Nam vong quốc sử và các tác phẩm khác của Phan Bội Châu). Tokyo : Heibonsha, 1974.
Nguyễn Q. Thắng, Phan Châu Trinh — Cuộc đời và tác phẩm. Thành phố Hồ Chí Minh : Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1987 ; Nxb Văn Học, 2001, tái bản và có bổ sung).
Nguyễn Văn Dương biên soạn, Tuyển tập Phan Châu Trinh. Đà Nẵng : Nxb Đà Nẵng và Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, 1995.
Phan Bội Châu, “Cảm tưởng của cụ Sào Nam đối với cụ Tây Hồ”. Tân dân, Số 3 (24.3.1949) đặc biệt kỷ niệm Phan Tây Hồ Tiên sinh.
Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu niên biểu (NB). Phạm Trọng Điềm và Tôn Quang Phiệt dịch. Hà Nội : Nxb Văn Sử Địa, 1957.
Phan Châu Trinh, Tự phán (TP). Huế : Nxb Anh Minh, 1956.
Phan Châu Trinh, Giai nhân kỳ ngộ. Lê Văn Siêu bình giải và chú thích. Sàigòn : Nxb Hướng Dương, 1958.
Phan Châu Trinh, Tân Việt Nam. Di thảo bằng chữ Hán. Lưu trữ tại nhà thờ cụ Phan ở Đà Nẵng. Trong bài này, những phần trích dẫn từ Tân Việt Nam là do chúng tôi dịch từ nguyên văn chữ Hán, số trang trích dẫn là số trang ghi ở đầu mỗi trang của nguyên bản di thảo.
Thế Nguyên, Phan Chu Trinh. Sàigòn : Tủ sách “Những mảnh gương” Tân Việt, 1956.
Thu Trang, Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp, 1911-1925. Thành phố Hồ Chí Minh : Nxb Văn Nghệ Tp Hồ Chí Minh và Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, 2000.
Sửa lại tháng 11, 2006
http://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/100-phong-trao-duy-tan

0 nhận xét:

Đăng nhận xét