Ads 468x60px

Thứ Hai, 10 tháng 3, 2014

Khi miếng bánh đã hết ngọt

Vận chuyển gạo ở nhà máy xay xát lúa gạo tại Vĩnh Long
Nam Nguyên
Chính phủ quyết định mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ đông xuân ở đồng bằng sông Cửu Long, trước dự báo u ám về đầu ra xuất khẩu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và tình trạng được mùa mất giá.
Không còn hiệu quả?
Ngày 5/3 Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết Chính phủ đã đồng ý chủ trương mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ đông xuân. Tuy vậy cùng ngày 5/3, trên Thời báo Kinh tế Saigon ông Trương Thanh Phong chủ tịch VFA nói rằng chương trình mua tạm trữ lúa gạo những năm về trước đã phát huy tác dụng, giúp nông dân có lãi nhưng kể từ năm 2012 chương trình này không còn hiệu quả.
Đây là lần đầu tiên Chủ tịch VFA nhìn nhận chính sách tạm trữ lúa gạo đã không còn phù hợp và tỏ ra không mặn mà với việc mua tạm trữ theo cách thức trước kia. Theo đó doanh nghiệp do VFA phân bổ được Nhà nước cho vay vốn lãi suất 0% trong thời gian ba tháng, để mua tạm trữ gạo theo mức giá ấn định và chờ xuất khẩu. Nay VFA quan ngại Thái Lan xả kho gạo hàng chục triệu tấn chào giá thấp hơn gạo Việt Nam. Gạo cấp thấp của Việt Nam cũng đang mất dần thị trường Châu phi, Trung đông trong khi các nước Đông Nam Á giảm mua các hợp đồng tập trung cấp chính phủ
Trong thời gian dài, đại biểu quốc hội và các chuyên gia cho rằng, kế hoạch mua tạm trữ với vốn vay không lãi suất chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp không thực tế hỗ trợ nông dân. Cách mua tạm trữ tạo cho doanh nghiệp cơ hội nhanh chóng ký hợp đồng xuất khẩu giá thấp miễn là có lời. Giờ đây thì chính VFA lại không phấn khởi vay vốn để mua tạm trữ vì sợ không có đầu ra xuất khẩu, miếng bánh trước kia doanh nghiệp tranh nhau được phân bổ chỉ tiêu nay Chủ tịch VFA tỏ vẻ không đoái hoài.
Một nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long mới thu hoạch lúa Jasmine 85 cho biết giá xuống rất nhanh, phải vội vã bán dù lời rất ít. Ông tỏ vẻ ngán ngẩm với thông tin chính phủ sẽ giao VFA thực hiện mua tạm trữ gạo vụ đông xuân vào thời điểm thu hoạch rộ.
“Theo tôi nghĩ mấy ‘ổng’ chỉ tung cái tin trấn an lòng dân, tạm trữ chỉ là cái chiêu của mấy ‘ổng’ thôi. Tạm trữ kiểu gì đợi cho lúa rớt giá thảm thiết rồi mua nhóng lên một trăm đồng bạc thật quá dễ. Hiện nay giá 5.000đ mấy ‘ổng’ có giỏi mua tạm trữ đi, đâu có dám! Đợi nó xuống 4.100đ-4.200đ mua nhóng lên một chút rồi nói nhà nước lo cho dân… Chỉ cần mấy ‘ổng’ không xuất khẩu vài hợp đồng thì tất nhiên gạo phải dội giá… cái tạm trữ này đối với nông dân không có hưởng lợi ích gì hết.”
Nông dân phơi lúa trên một cánh đồng
ở huyện Phú Nhuận, tỉnh Tiền Giang
Trữ gạo lâu sợ xuống cấp?
Phải đến cuối tháng 3 dương lịch mới là thời điểm thu hoạch rộ vụ lúa đông xuân ở đồng bằng sông Cửu Long. Thế nhưng giá lúa và gạo nguyên liệu cùng giảm tới 600đ/kg trong vòng 1 tháng từ ngày 5/2 tới ngày 5/3. Việc lúa gạo giảm giá rất nhanh làm cho thương lái bỏ tiền cọc không mua lúa của nông dân vì sợ lỗ nặng.
Trao đổi cùng chúng tôi, ông Đoàn Ngọc Phả phó Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn An Giang cho biết giá lúa hiện nay nông dân có thể có lời từ 1.000đ trở lại tương đương 25% giá thành, nhưng vào vụ thu hoạch rộ giá còn giảm nữa và những nông dân phải thuê ruộng để canh tác thì chắc chắn bị lỗ vốn. Về vấn đề tạm trữ, ông Đoàn Ngọc Phả cho rằng nó có tác động giảm áp lực nguồn  cung, nhưng nên có nhiều dạng tạm trữ không chỉ một mình doanh nghiệp. Theo ông doanh nghiệp trữ gạo đặc biệt các Tổng công ty lương thực Nhà nước không còn mặn mà kế hoạch tạm trữ vì lúc trước dễ xuất khẩu, nhưng từ năm ngoái thị trường bế tắc, họ không thể trữ gạo lâu sợ xuống cấp phải bán dù giá thấp. Ông nói:
“Tăng khả năng tạm trữ của Cục Dự trữ Nhà nước cũng rất là cần thiết, cái đó không phải thương mại nhưng nó cũng góp phần trong giai đoạn lúa thu hoạch rộ. Các doanh nghiệp nhà nước như Vinafood II không có kho chứa lúa mà chỉ có kho chứa gạo trong khi các doanh nghiệp cánh đồng lớn thì ở ngay vùng nguyên liệu họ có cụm kho sấy xay xát, kho chứa lúa vì họ mua lúa tươi, sấy rồi để đó khi có nhu cầu mới xay xát và chế biến thành gạo xuất khẩu. 
Thành ra các doanh nghiệp này như Cty Bảo vệ Thực vật An Giang rất mong muốn được hỗ trợ để tạm trữ, vì đàng nào họ cũng phải mua vì đã ký hợp đồng với nông dân, mua theo giá thị trường nhưng tất nhiên có nhiều người mua thì nhu cầu tăng lên đỡ rớt giá. Nói chung tạm trữ tại doanh nghiệp thì hiện nay các doanh nghiệp có vùng nguyên liệu có kho chứa lúa có lò sấy thì họ hưởng ứng mạnh hơn. Còn doanh nghiệp gạo mấy năm trước qua tháng ba tháng tư thì giá gạo lên họ tạm trữ có lời hoặc không lỗ. Nhưng năm rồi do tình hình xuất khẩu thế giới họ bị lỗ.”
TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn trụ sở ở Hà Nội, nhận định về điệp khúc được mùa mất giá và mua tạm trữ ở đồng bằng sông Cửu Long:
“Cấp thời thì như mọi năm Nhà nước vẫn có giải pháp thu mua tạm trữ để mà nâng giá trên thị trường lên, đảm bảo một mức lợi ích nhất định cho người nông dân. Năm nay việc mua tạm trữ sẽ được làm nhưng không chỉ có sự tham gia của các doanh nghiệp xuất khẩu mà còn có các doanh nghiệp trực tiếp hỗ trợ đầu tư cho nông dân ở các cánh đồng mẫu lớn. Các doanh nghiệp đó làm thì sẽ tốt hơn. Thế nhưng theo tôi, vấn đề cơ bản, giải quyết tận gốc của vấn đề không phải là những giải pháp mang tính ngắn hạn như thế. Về căn bản sẽ phải tổ chức lại toàn bộ chuỗi giá trị lúa gạo của Việt Nam, để mà tất cả các tác nhân tham gia vào chuỗi giá trị đó nhất là vai trò của người nông dân rất nhỏ, rồi đến các doanh nghiệp chế biến, các doanh nghiệp đã đầu tư đầu vào hỗ trợ cho người nông dân sản xuất, cho đến các doanh nghiệp được quyền xuất khẩu, tất cả mọi tác nhân đó đều phải có tiếng nói cho việc quản lý thị trường, mọi quyết định xuất khẩu trong chuyện điều hành quá trình phát triển của ngành hàng.”
Việc sản xuất và tiêu thụ lúa gạo của Việt Nam rõ ràng sẽ phải được tổ chức lại, đây cũng là sức ép chung cho tất cả các ngành hàng nông nghiệp khác. Nhưng quan trọng nhất vẫn là phải có chiến lược về thị trường tiêu thụ, rồi mới phát triển sản xuất. Câu chuyện gia tăng trồng lúa xuất khẩu gạo đứng thứ nhì thế giới, nhưng thu nhập của nông dân thì ngày một mỏng dần chính là bài học kinh nghiệm đắt giá.
Nam Nguyên

0 nhận xét:

Đăng nhận xét