Đó là một buổi tối, tôi trở về Sài
Gòn từ Vĩnh Long. Chừng 8 rưỡi tối, hàng chục chiếc xe máy dạng wave, cub 50,
ré lên từ ngã ba của thị trấn Cái Bè. Những bóng đèn mờ câm, những gương mặt
nhỏ quắt, gầy rộc, tóc tung bay, cười rướn theo nhịp ga. Một em rời khỏi yên,
đứng sang 1 bên xe, 1 tay giữ cổ lái, chiếc xe như lao thẳng ôm chặt lấy con
lươn. Hàng chục tiếng nẹt bô khác ré lên theo, bứt theo em.
Từng gương mặt lướt qua tôi, đen
đúa, xe cũ kỹ, chắc các em chừng 15 -18 tuổi, gầy ốm, trẻ trung và những ánh
mắt mờ vào đêm. Các em ôm cua rát sát sườn một chiếc xe tải cao ngất, quay trở
lại đoạn ngã ba thị trấn Cái Bè.
Trong nhiều năm trở lại Tiền Giang,
tôi đã nhìn thấy không biết bao nhiêu em thế này. Và cũng trong một những lần
ấy, tôi nghe một em nói từ quán cafe, nơi em giữ xe cho những vị khách buồn bã
trôi theo điệu nhạc. Em nói: "Xong việc làm vài vòng!" - Em háy mắt
với thằng bạn, tiếng xe thằng bạn rít khỏi quán.
Ở một góc khác, tôi gặp một quán
cafe trên bờ kênh. Cái quán nghiễm nhiên trở thành "tụ điểm" cho một
cái xã chán đến mức không có một cái gì để chơi ngoài những quán cafe hiếm hoi
đâu đó dọc bờ kênh. Các em xài những cái điện thoại Trung Quốc, hấp háy chuyền
tay nhau xem một hình ảnh nào đó, rồi rú lên. Đám con trai cười hềnh hệch. Mấy
cô bé đang ngồi gần đó phụng phịu bỏ về. Ở đó, bà chủ quán hiền lành nói với
tôi: "Tụi nó giờ coi phim người lớn không à!" - Cùng ngày hôm đó, tôi
gặp một cán bộ công tác bên bà mẹ trẻ em, chị nói xã này không tháng nào không
có một vụ hiếp dâm trẻ con. Thanh niên giờ đứa nào cũng biết coi phim sex ngoài
quán internet, không thì bắn vào máy (dt) của nhau xem.
Có một lần, tôi đi làm ở Tây Ninh,
ngồi trong một quán cafe ở huyện. Tệ bạc kinh khủng. Một bàn cafe hơn chục cậu
trai ngồi nhìn nhau, nhìn nhau chán thì kể những chuyện linh tinh, không đầu
không cuối. Phía trước cái quán là một sân bằng đất, có một cái xe ngựa vòng
tròn và 3 con thú nhún, đó là thú vui lấp lánh duy nhất trong một vùng tối như
hũ nút bởi những cánh đồng thuốc lá kéo dài tít tắp ra sát biên giới.
Những cậu trai ấy, lớn lên, không
có một thú vui gì, không có một cách gì để định hình nhân cách và kĩ năng.
Trong khi ấy, các nhà văn hóa xã, nhà văn hóa huyện vẫn ùn ập nhau xây, có nơi
xây cả sân vận động to ngút mùa xong đóng cửa để cho sập cổng luôn. Trong khi
ấy, thứ giải trí duy nhất của thiếu niên và thanh niên ở nông thôn là điện
thoại, internet, game hay phim sex từ internet, cafe, đánh bài, vui hơn thì...
đánh nhau.
Giáo dục ở các trường không hề mang
một chức năng nào lớn hơn, đủ để cuốn những cậu bé 15 -16 tuổi rời khỏi cái
điện thoại xem phim sex của mình. Giải bài tập à? Chúng chỉ cần lên Yahoo!
Answer gõ đề bài vô nhờ ai đó trên internet giải. Ca hát, cắm trại hay vui chơi
à? Chúng luôn có đánh bài, đua xe, xem phim sex mỗi ngày, trong khi những cuộc
cắm trại diễn ra 1 năm/lần, những cuộc văn nghệ chỉ dành cho ai đẹp trai đẹp
gái quá nổi trội và hát hay.
Thiếu thốn những trò giải trí,
thiếu thốn tương tác với môi trường, thiếu thốn cả những nhân tố giúp những em
thiếu niên trong giai đoạn "rúng động" biết mình là ai và thích thú
điều gì, các em rơi ngay vào những trò dễ chơi, dễ vui, dễ phạm tội và gần gũi nhất.
Để ra quán internet, các em chỉ cần 4k/tiếng, phim sex có thể xem free với 4k
này. Để đi cafe, các em chỉ cần 8k/ly, để đua xe, các em cần 20k xăng và chiếc
xe móc từ nhà ra. Trong khi đó, để sinh hoạt văn nghệ, các em phải đợi 1
năm/lần, để học vẽ, hát, thể thao (trừ bóng chuyền, bóng đá - sẵn có ở nông
thôn) thì các em không còn cơ hội nào khác để tập luyện hoặc giải trí thứ gì để
có thể định hình được nhân cách và năng khiếu.
Những người lớn - cụ thể ở đây là
thầy cô (vốn thụ động với đồng lương quá cơ cực và chương trình học sáo mòn, nặng
nề), cha mẹ (thụ động với con cái vì ít học và quá nhọc nhằn trong lao động) -
đã đẩy những đứa con thiếu niên của mình ra xa khỏi tầm ngắm của mình. Một ngày
nọ, họ bàng hoàng nghe nói nó giết người sau một cuộc đua xe. Một ngày nọ, họ
hoảng loạn khi tìm thấy xác con trên con lươn quốc lộ. Ngày khác, một bà mẹ rơi
nước mắt vì con trai mình phạm tội hiếp dâm, tù 12 năm.
Sự thừa mứa những "nhà văn hóa
xã", "cung văn hóa huyện", "trung tâm văn hóa huyện",
"trung tâm sinh hoạt cộng đồng xã", "thư viện xã", "tủ
sách bưu điện" (vốn vô đó có cao lắm là 10 quyển sách vô hồn vô nghĩa),
giống như một tội ác. Người ta xây tất cả những ngôi nhà vô dụng đó lên (chắc
bằng tiền thuế của dân), gắn cho nó những cái mác "văn hóa",
"cộng đồng", "văn nghệ" xong đóng cửa vĩnh viễn, chờ tới
sinh nhật ai vĩ đại thì đi thi hát. Nhiều trung tâm văn hóa huyện trở thành nơi
kiếm tiền giá rẻ dành cho ai có chân tay họ hàng trong trung tâm, thuê lại với
giá cực rẻ để dạy thể dục, dạy múa... cho ai có tiền đến đóng học, chứ không
phải cho cái cộng đồng đang gặp đầy nguy cơ ngoài kia (vốn là kẻ đã góp tiền
thuế xây nên mấy ngôi nhà này).
Tước bỏ văn hóa của nông thôn, thờ
ơ với nhu cầu giải trí, vui chơi, nhu cầu sống và phát triển lành mạnh nhân
cách của những người trẻ nông thôn, những kẻ đang đi xây các căn nhà vô nghĩa
ấy, đã tước bỏ quyền được trưởng thành và sống của những đứa trẻ đang cắm đầu
đua xe ngoài kia.
Và những người đã "vẽ
voi" ra những nơi ấy, có bao giờ tự hỏi, tại sao những đứa trẻ thành phố
mê mẩn với các câu lạc bộ làm đồ handmade, làm việc thiện, chơi xe đạp, chơi
ván trượt... đầy hấp dẫn và giúp chúng phát triển nhân cách, thì những đứa trẻ
ở nông thôn, thời gian thừa thãi, lại chưa bao giờ nghe nói trên đời có những thứ
vui vẻ và phong phú đến thế?
Lúc này thì đừng ai nói, trẻ con
bày đặt đua xe, ngu thì chết!
Đừng đổ lỗi như thế.... phải không?
0 nhận xét:
Đăng nhận xét