“Trong tình hình
đất nước Việt Nam chúng ta ngày nay, những người tham gia đấu tranh – qua hình
thức xã hội dân sự (XHDS) hay đảng chính trị (ĐCT) – hầu hết là những người lý
tưởng, sẵn sàng hy sinh hạnh phúc cá nhân cho đại nghĩa. Lãnh đạo Hà Nội sẵn
sàng dùng mọi thủ đoạn để triệt tiêu các đoàn thể không nằm trong khuôn khổ của
chế độ, nên những người có lòng đối với dân tộc và đất nước càng phải đoàn kết,
gắn bó với nhau hơn bất kể phương thức đóng góp cho đại cuộc là XHDS hay ĐCT.
Đừng
để chế độ độc tài hay một vài kẻ, vì tham vọng quyền lực cá nhân, lợi dụng tâm
lý “sợ/ghét chính trị” để bài bác và chia rẽ giữa những người cùng một tấm lòng
vì tổ quốc.”
*
Trong xu hướng dân chủ hóa toàn cầu ngày nay, vai trò của xã hội
dân sự (XHDS) được nhắc đến như một “thế trận” cần thiết để chuyển hóa các chế
độ độc tài sang dân chủ, đặc biệt là tại Đông Âu cách nay hơn 2 thập niên và
mới đây tại Bắc Phi. Tuy nhiên, bên cạnh các chuyển hóa này, vai trò của những
lực lượng chính trị, cụ thể là các đảng phái chính trị đã góp phần không nhỏ
trong việc thể chế hóa nền tảng dân chủ và ngăn chận sự hồi sinh của các đảng
Cộng sản độc tài.
Bài nghiên cứu này muốn nhấn mạnh đến sự phối hợp không thể thiếu
giữa XHDS và các đảng chính trị để xây dựng và củng cố dân chủ trong cả hai
hoàn cảnh độc tài và tự do.
Trước hết, XHDS là gì?
Theo định nghĩa hẹp, Xã Hội Dân Sự (XHDS) bao
gồm các tổ chức phi chính phủ (non-governmental organization, NGOs), phi lợi
nhuận (non-profit organization, NPOs), phi đảng phái, và thường là các tổ chức
thiện nguyện, tranh đấu và bênh vực cho một lý tưởng nào đó trong xã hội.
Trong định nghĩa rộng hơn, XHDS là tất cả các
tổ chức nằm ngoài nhà nước và doanh nghiệp (thị trường); và bao gồm cả các nhóm
nhắm tới quyền lợi riêng tư như công đoàn, hiệp hội các chuyên gia, phòng
thương mại. Cũng có quan niệm cho là XHDS bao gồm các doanh nghiệp đặc biệt như
truyền thông, trường tư và các hiệp hội “vì lợi nhuận”.
1. Tầm quan trọng của XHDS trong mọi cơ chế chính trị
XHDS là những tổ chức do người dân tự nguyện lập ra, tự trang
trải về tài chính, không hưởng lương hoặc trợ cấp của nhà nước. Các tổ chức xã
hội dân sự không chỉ nhằm phục vụ
các nhu cầu dân sinh, mà còn can thiệp
vào những ảnh hưởng chính trị để bảo vệ quyền con người và các phúc lợi, ổn
định chung.
Trong môi trường độc tài, XHDS giúp khởi sự
những thay đổi nhỏ gắn liền với đời sống của người dân, và từng bước chuyển quyền
tự quyết vào tay người dân, và làm giảm dần quyền lực của chế độ độc tài toàn
trị. Xã hội dân sự có thể bắt đầu một quá trình chuyển hóa dân chủ; nhưng chỉ
có các lực lượng chính trị với sự hỗ trợ của XHDS, mới có thể củng cố một hệ
thống dân chủ và thể chế hóa một quá trình chính trị dân chủ.
Đây là lý do tại sao cần phải có một mối quan
hệ lành mạnh giữa xã hội dân sự và các đảng chính trị - với sự hợp tác, nhưng ở
một khoảng cách - để thực hiện được mục tiêu phục vụ cho toàn xã hội mà không
bị chính quyền, qua đảng của mình, chi phối.
Trong môi trường dân chủ, XHDS giúp tạo điều
kiện để thực hiện các quyền tự do chính trị và sự tham gia của các cá nhân
trong tiến trình dân chủ, liên kết các cá nhân với nhau và vận động họ tranh
đấu cho những quyền lợi chung một cách hiệu quả. XHDS cũng giúp quân bằng quyền
lực của chính phủ để ngăn ngừa độc tài và tha hóa, đồng thời giúp chính phủ
hiểu rõ nguyện vọng của người dân mà đáp ứng và làm tròn trách nhiệm phục vụ
dân.
Nhiều chuyên gia đã lưu ý
rằng XHDS là nơi mà "vốn xã hội (social capital)" được xây dựng để
duy trì nền dân chủ, quân bình lại với quyền lực nhà nước, phát hiện tình trạng
lạm quyền nếu có, và buộc nhà nước phải thực hiện đúng Hiến Pháp. XHDS cũng là
nơi mà các giá trị quan trọng như hợp tác, thỏa hiệp, và sự tin tưởng được phát
triển để đưa đến một nền dân chủ ổn định. Do đó, xã hội dân sự là một trong ba
"chân kiềng" của chế độ dân chủ: xã hội dân sự, kinh tế thị trường,
nhà nước pháp quyền.
2. Tầm quan trọng của Đảng Chính Trị - không thể thiếu trong các xã hội dân
chủ
Đảng chính trị (ĐCT) là một phần quan trọng
của xã hội vì giúp hình thành một cơ chế chính trị để thực thi nguyện vọng của
người dân trong môi trường dân chủ, và của một thiểu số trong môi trường độc
tài. Ảnh hưởng của đảng chính trị rất
phổ biến trong tất cả các giai đoạn hình thành của tiến trình dân chủ, và cực
kỳ quan trọng giống như các tổ chức xã hội dân sự.
Không có nền dân chủ nào tồn tại mà không cần
đến sự hoạt động của các đảng phái chính trị. Đảng chính trị là nhịp cầu nối
kết cử tri, nhà nước và cơ cấu. Như Seymour Martin Lipset đã viết: “Đảng chính
trị không thể thiếu tới độ không thể nào tưởng tượng ra một nền dân chủ hiện
đại mà không có nó ”.
Đảng chính trị đóng một vai trò quan trọng
trong việc tuyển dụng và lựa chọn ứng cử viên cho cuộc bầu cử, hình thành và
duy trì các chính phủ, và thành lập chính sách.
Đảng chính trị cũng có thể đóng một vai trò kết nối trong xã hội bằng
cách huy động cử tri, tổng hợp và diễn đạt các lợi ích xã hội, và củng cố tính
hợp pháp của hệ thống chính trị.
3. Nhu cầu sinh hoạt độc lập và phối hợp giữa XHDS và ĐCT
Vì ĐCT là phương tiện đưa đến sự hình thành
của chính quyền, do đó cần phải có sự độc lập giữa hai thực thể này để các tổ
chức của XHDS không bị thao túng hay lệ thuộc vào ĐCT hay chính quyền (thí dụ
như lệ thuộc tài chánh, nhân sự ...) . Tuy nhiên, một cá nhân sinh hoạt trong
một đảng phái vẫn có nhu cầu sinh hoạt trong các tổ chức XHDS, và đó là quyền
công dân trong một đất nước tự do (thí dụ, một chính trị gia hay một đảng viên
của một ĐCT vẫn có thể là hội viên của một hội ái hữu, từ thiện, tôn giáo, văn
hóa...).
Mầm mống chia rẽ, phân hóa, tạo nghi ngờ là
từ phía chính quyền độc tài. Báo cáo phát triển con người của Liên Hiệp Quốc
năm 2002 đã xem xét đặc biệt đến sức mạnh của các nền dân chủ trên toàn thế
giới, và cảnh báo về sự phát triển của “xã hội phi dân sự” (XHPDS), bao gồm các nhóm lợi ích và “XHDS
do nhà nước điều hành” (“government operated non-governmental associations”,
GONGOs). Các tổ chức XHPDS này giả
danh hoạt động cho dân chủ, nhưng mục đích thực sự là chống dân chủ; tham gia
trà trộn vào các tổ chức để tạo nghi ngờ và lấy tin cho chính quyền độc tài.
Cũng có khuynh hướng là các nhà hoạt động
trong XHDS, nhất là để chuyển hóa thể
chế độc tài sang dân chủ, đã tự thành lập ra ĐCT hoặc tham gia các ĐCT để tham
dự vào guồng máy chính quyền thời hậu độc tài khi họ thấy đóng góp được hữu
hiệu hơn trong guồng máy trực tiếp điều hành đất nước hoặc thành lập các chính
sách.
Nhu cầu độc lập giữa XHDS và ĐCT không có nghĩa là không có sự phối hợp làm
việc cho mục tiêu chung, nhất là trong các quốc gia độc tài. Sự đoàn kết giữa
các tổ chức XHDS với nhau, với các ĐCT, và giữa các ĐCT với nhau là một nhu cầu
tối cần để tạo sức mạnh sinh tồn và chống lại guồng máy bạo lực độc tài. Nếu
không có sự phối hợp giữa các đảng phái chính trị và xã hội dân sự, công dân
cuối cùng sẽ trở nên vỡ mộng với tiến trình chính trị và có thể bị quy phục bởi
các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa mị dân.
Khoảng cách giữa các bên và xã hội dân sự đã
dẫn đến một hiện tượng mà một nhà khoa học chính trị Georgia, ông Ghia Nodia,
gọi là "XHDS tự mê", đặc trưng bởi một thái độ chống chính trị cực
đoan, coi chính trị như một cái gì đó bẩn thỉu, và đối lại, chỉ có các tổ chức
XHDS NGOs là trong sạch, lý tưởng.
Các tổ chức chính trị, theo ông Nodia nhận
xét, sẵn sàng đáp trả lại việc tự nhận ưu việt đạo đức của các NGOs bằng cáo
buộc chính các NGOs là những kẻ cơ hội chủ nghĩa tham lam đuổi theo tài trợ
phương Tây, hoặc là những kẻ lý tưởng hời hợt, nói rất nhiều mà làm chẳng được
bao nhiêu, huyên thuyên về các nguyên tắc chung chung nhưng hoàn toàn lạc quẻ
đối với thực tế chính trị.
Hai thái cực suy nghĩ xấu cho nhau này dễ bị hai thành phần lợi dụng để làm
lợi cho chính họ: đó chính là chế độ độc tài đương quyền và những thành phần cơ
hội chủ nghĩa, mị dân. Chế độ độc tài
lạm dụng để chia rẽ khối chống đối, trong khi kẻ mị dân thì muốn lợi dụng danh
nghĩa chống độc tài nhưng “phi chính trị” hoặc “phi đảng phái” để chiêu dụ và
thu tóm quyền lực.
Lý do chính giúp "cuộc cách mạng hoa
hồng" tại Georgia thành công là các đảng dân chủ và các tổ chức xã hội dân
sự đã biết cách làm việc chặt chẽ với nhau. Khi các thực thể này không nhìn ra
được các lợi ích, kết quả thường xấu cho cả hai phía. Nếu ĐCT yếu hoặc thậm chí sụp đổ, mà thường
xảy ra nếu ĐCT bị cô lập từ XHDS, một kẻ mị dân có thể lấp đầy khoảng trống
chính trị và tạo ra mối đe dọa cho cả hai. Điều này chính là những gì đã xảy ra
ở Venezuela, nơi Hugo Chavez, đã gạt qua một bên các ĐCT truyền thống, sau đó tiếp
tục tấn công các công đoàn, cơ quan truyền thông, nhà thờ, cộng đồng doanh
nghiệp độc lập, các tổ chức phi chính phủ, và các quy định của pháp luật nói
chung.
4.Những bài học từ các xứ vừa thoát khỏi ách độc tài
Quan sát các quốc gia độc tài và vừa thoát
độc tài, các nhà nghiên cứu đã rút ra những bài học như sau:
• Cần
phải đoàn kết giữa tất cả các lực lượng chống độc tài. Đây là bài học đầu tiên
và quan trọng nhất; không có chỗ cho sự chia rẽ trong phe đối lập; không có chỗ
cho một vị cứu tinh dân tộc, không có chỗ cho bất khoan dung, bao gồm cả đối
với những người làm việc với chế độ. Đảng chính trị và các tổ chức xã hội dân
sự cần phối hợp với nhau để giúp xóa bỏ độc tài và xây dựng một chế độ dân chủ.
• Trong nhiều trường hợp, chế độ độc tài có thể bị sụp đổ trong khi “chủ nghĩa độc tài” vẫn còn tồn tại. Serbia và Georgia là những ví dụ về điều này. Công việc của xã hội dân sự là trung tâm truyền bá văn hóa dân chủ trong mọi lãnh vực xã hội.
• Trong nhiều trường hợp, chế độ độc tài có thể bị sụp đổ trong khi “chủ nghĩa độc tài” vẫn còn tồn tại. Serbia và Georgia là những ví dụ về điều này. Công việc của xã hội dân sự là trung tâm truyền bá văn hóa dân chủ trong mọi lãnh vực xã hội.
• Một xã hội dân chủ cần một nhà nước dân
chủ. Trong đó, vai trò của các đảng chính trị rất quan trọng để đào tạo cán bộ
trong guồng máy chính quyền hướng tới mục tiêu dân chủ. Mặt khác, cả đảng chính
trị lẫn xã hội dân sự có trách nhiệm thúc đẩy giáo dục công dân để có cử tri
tốt hầu đưa tới các cuộc bầu cử tốt.
• Các đảng chính trị gần gũi hơn với các quá
trình ra quyết định chính trị, đó là lý do mà một số người cho là sự tồn tại
của ĐCT là quan trọng hơn sự tồn tại của các tổ chức xã hội dân sự. Đối với
những người khác, sự hiện diện của cả hai là cần thiết, như là sự đồng tồn tại
của nền “dân chủ đại diện” (Representative democracy = ĐCT) và nền “dân chủ
tham gia” (Participatory democracy = XHDS). Nên duy trì tinh thần của sự đồng
thuận và hợp tác lâu dài giữa các đảng chính trị và các tổ chức xã hội dân sự,
một sự tương tác hỗ trợ, bổ xung cho nhau.
• Quốc tế nên gia tăng quan tâm đến mối tương
quan nên có giữa các tổ chức xã hội dân sự và các đảng chính trị. Theo đó, Liên Hiệp Quốc cần cải tổ để có một chính
sách thích hợp.
• Nhân quyền là lãnh vực đang được thế giới
quan tâm và đề cao ở khắp nơi. Nhưng nhân quyền chỉ có thể phát triển tối hảo
khi các tổ chức xã hội dân sự và các
đảng phái chính trị có những chương trình hợp tác chặt chẽ để cổ võ và ngăn
chận mọi chủ trương bóp chết quyền con người.
• Trong các xã hội chuyển tiếp, mà theo định
nghĩa là chưa có một mạng lưới mạnh mẽ của các tổ chức xã hội dân sự, hợp tác
quốc tế có thể giúp rất nhiều để ngăn chặn chủ nghĩa cá nhân trong giới lãnh
đạo.
5. Kết luận:
Nhận thức quan trọng nhất là đảng phái chính
trị và các tổ chức xã hội dân sự đều cần thiết cho dân chủ; mỗi thực thể có một
vai trò đặc biệt và sự hợp tác giữa họ là cách tốt nhất để góp phần gia tăng
dân chủ. Họ là đồng minh, không phải kẻ thù, trong việc thúc đẩy sự thay đổi
dân chủ.
Các cơ chế quốc tế như European Union (EU) và
United Nations (UN) có thể đóng góp vào mục tiêu này bằng cách hỗ trợ các dự án
nhằm thúc đẩy sự phát triển liên kết giữa các tổ chức NGO, các đảng phái, và
thậm chí cả các tổ chức nhà nước.
Chỉ cần hoạt động trong một nhà nước độc tài
thì tự động hầu hết các tổ chức XHDS đã nhuốm màu sắc chính trị. Để tồn tại,
một số tổ chức NGO phải dựa vào sự hỗ trợ tài chính từ phương Tây. Hỗ trợ này
được thúc đẩy chủ yếu bởi mục tiêu chính trị, chẳng hạn như mang lại dân chủ hay
cởi mở hóa không khí chính trị bị đàn áp tại các quốc gia độc tài - ngay cả khi
sự hỗ trợ dành cho các nhóm hoàn toàn xa cách với chính trị.
Ngày nay, hỗ trợ của EU hay UN cần được hướng
tới thúc đẩy sự hợp tác giữa các tác nhân chính trị và xã hội dân sự. Việc đẩy
mạnh xã hội dân sự trong khi lại coi thường các đảng chính trị là tạo ra một sự
mất cân bằng nguy hiểm bằng cách tăng nhu cầu thay đổi (từ XHDS) mà không tăng
cường phương tiện có thể cung cấp nhu cầu thay đổi, đó chính là các đảng phái
chính trị.
Trong tình hình đất nước Việt Nam chúng ta
ngày nay, những người tham gia đấu tranh – qua hình thức xã hội dân sự (XHDS)
hay đảng chính trị(ĐCT) – hầu hết là những người lý tưởng, sẵn sàng hy sinh
hạnh phúc cá nhân cho đại nghĩa. Lãnh đạo Hà Nội sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để
triệt tiêu các đoàn thể không nằm trong khuôn khổ của chế độ, nên những người
có lòng đối với dân tộc và đất nước càng phải đoàn kết, gắn bó với nhau hơn bất
kể phương thức đóng góp cho đại cuộc là XHDS hay ĐCT. Đừng để chế độ
độc tài hay một vài kẻ, vì tham vọng quyền lực cá nhân, lợi dụng tâm lý
“sợ/ghét chính trị” để bài bác và chia rẽ giữa những người cùng một tấm lòng vì
tổ quốc.
Tiến sĩ Trần Diệu Chân
Nguồn tham khảo:
1. Bozóki, András. Political Parties
and the Prospects for Democracy.
2. Carothers, Thomas. Civil Society. 1999-2000
3. Charnysh, Volha Civil
Society and Political Parties: Together While Apart. December 10, 2012
4. Dippell, Matt . The role of Civil Society and Political Parties
in a Democracy. February 18, 2000, Washington, D.C. National Democratic
Institute for International Affairs.
5. Gerrits, André – The
Netherlands; Herd, Graeme –
GermanySekulovic, Vlatko – Serbia,
Ungar, Elisabeth – Colombia. Political
Parties and Civil Society: How to Build Better Relations? World Movement
for Democracy.
6. Gershman, Carl . The Relationship
of Political Parties and Civil Society. March 17, 2004. The National
Endowment for Democracy
0 nhận xét:
Đăng nhận xét