Một điểm bơm, vá xe ven đường ở Sài Gòn. (Hình: Văn Lang/Người Việt) |
Văn Lang
Ðô
thị lớn nhất của Việt Nam đang có ba vấn nạn lớn ai cũng thấy, mà nhiều
năm qua vẫn chưa có phương cách hữu hiệu để thay đổi đó là kẹt xe, ngập
đường và nạn đinh tặc. Trong 3 vấn nạn này thì nạn rải đinh, gài
bẫy người đi đường để kiếm ăn của những tên gian tặc luôn ám ảnh mọi
người khi lái xe ra đường.
Còn nhớ, gần 30
năm trước, báo chí ở Sài Gòn từng rộ lên vụ, một đôi thanh niên nam nữ
bị hại vì đinh tặc, trên xa lộ Hà Nội, xưa là xa lộ Biên Hòa.
Buổi chiều muộn, trên xa lộ, xe Honda Dream của đôi trai gái cán phải
đinh của bọn đinh tặc rải trên đường. Lúc đó, xa lộ còn vắng vẻ chưa
đông như bây giờ. Và xe Honda Dream lúc đó là một loại xe thời thượng
nhất, là cả một gia tài, là cả một... giấc mơ, với những em gái ham “xế
nổ.”
Khi đôi trai gái tìm được một tiệm sửa xe trên đường để vá, chưa kịp
nổ máy chạy thì một toán cướp có súng ập tới. Vì tiếc của, chàng trai
chống cự, bị bắn chết tại chỗ. Cô gái bị thương nặng, toán cướp lấy xe
tẩu thoát.
Báo chí nhân vụ giết người này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tệ
nạn đinh tặc đang hoành hành trên các cung đường cửa ngõ vô Sài
Gòn.Thậm chí cả trong nội đô Sài Gòn chúng cũng không từ...
30 năm sau, câu chuyện đinh tặc có lẽ đã trở nên khủng khiếp hơn. Lần
này trên xa lộ, bọn chúng ngang nhiên rải những loại đinh tự chế hình
chữ V, chữ S cỡ lớn. Với mục tiêu nhắm tới không chỉ là xe Honda hai
bánh, mà là xe hơi, xe tải lẫn xe container.
Thử tưởng tượng, những chiếc xe tải, xe container chở nặng, chạy
nhanh cán phải “bẫy đinh” cỡ bự của bọn đinh tặc, bể bánh, lạc tay lái
giữa dòng xe cộ đông đúc trên xa lộ. Hậu quả sẽ như thế nào?
Ngang nhiên lộng hành
Hơn 30 năm dân kêu, báo chí kêu, nhưng tệ nạn đinh tặc lộng hành chỉ có tăng mà không có giảm.
Báo chí từng nêu câu hỏi: “Nếu đinh tặc là những kẻ rải truyền đơn
chống chế độ. Thì bao nhiêu năm qua, chính quyền có im lặng, có bất lực
như vậy không?”
Ðến nước đó, thì chính chính quyền cũng lên tiếng... kêu.
Theo lời của một trưởng công an phường, thuộc quận 12, kể với báo
chí, do người dân thường xuyên khiếu kiện, vì đoạn đường quốc lộ 1A, từ
chân cầu vượt ngã tư Ga, qua Thủ Ðức đinh tặc lộng hành. Cá biệt, có
người dân kể khổ, một tháng đi trên đường thì hết 15 lần phải thay ruột
xe vì cán đinh, 6 lần phải thay cả vỏ lẫn ruột...
Nóng ruột, quận chỉ thị cho công an phường, bằng mọi giá phải bắt cho được bọn đinh tặc đem về “quy án.”
Hơn một năm trời, cả ngày lẫn đêm phường tung lực lượng tuần tra, hóa
trang-mật phục, tất cả những ngón đòn nghiệp vụ của công an được tung
ra. Cuối cùng cũng chả bắt được con ma đinh tặc nào.
Lại theo lời kể của một toán công an viên thuộc quận 9. Vì khó lòng
bắt được đinh tặc, nên phường thường xuyên cho công an đi kiểm tra những
điểm sửa xe trên đường. Nếu là dân địa phương thì bắt làm cam kết không
rải đinh hại người. Nếu là dân ở nơi khác tới, không rõ lai lịch thì
dẹp luôn.
Vì các tiệm vá xe ven đường sống nhờ sự bắt chẹt khách bị cán đinh
với giá cắt cổ. Khả năng người hành nghề vá xe và đinh tặc là một, lên
tới 99%, nhưng không bắt được quả tang thì không làm gì được họ...
Khi toán công an viên kể trên, đi kiểm tra các điểm vá xe. Họ bị một
toán người lạ mặt, hung dữ ở đâu ập tới ngăn cản quyết liệt, không cho
kiểm tra...Toán công an viên phải rút về phường.
Nghe báo chí tường thuật, dân chúng cho rằng đinh tặc đâu phải là thứ “vô ảnh,vô hình” mà đến nỗi không bắt được.
Nhiều người dân Sài Gòn sợ sửa xe ở ngoài đường bị “chặt,” “chém,” chôm phụ tùng nên đem xe tới đại lý ủy quyền của hãng Honda sửa cho chắc ăn. (Hình: Văn Lang/Người Việt) |
Ngang với 'khủng bố'
Ngày nay, phương tiện đi lại của người dân Sài Gòn chủ yếu là xe gắn
máy 2 bánh. Dù là đi làm ăn hay du hí đây đó, đổi gió vào những ngày
cuối tuần, nhưng nói tới đinh tặc thì ai cũng ngao ngán, cực chẳng đã
chẳng muốn đi đâu. Vì những ai ở Sài Gòn, ít ra cũng một đôi lần nếm mùi
đinh tặc.
Trên những con đường nắng chói chang, xe cộ đông đúc đầy khói bụi.
Người bị cán đinh hì hục đẩy xe, ướt đẫm mồ hôi, dáo dác tìm điểm vá xe.
Rồi những hôm trời mưa tầm tã, lại những đêm khuya, trời vắng. Ðàn ông
còn sợ, huống hồ thân gái dặm trường... Rồi những đường xa mịt mù, lúc
phải đi đêm về hôm. Lòng người lúc nào cũng nơm nớp chuyện cán đinh. Có
thể nói đinh tặc là một nỗi ám ảnh thường trực với người dân.
Bọn đinh tặc chỉ việc ngồi rung đùi tại những tiệm vá xe trên đường,
chờ những con mồi tới nạp mạng. Xe nào đã cán đinh thì đừng mong được
vá, lúc mở ruột xe, chỉ một động tác nhà nghề, ruột nào cũng tét, đành
phải thay. Nhẹ thì thay ruột đểu, xài vài ngày đã banh, nhưng với giá
cắt cổ từ 80 ngàn, tới 90 ngàn đồng. Nặng thì phải thay cả vỏ, với giá
từ trên 300 ngàn tới 400 ngàn đồng. Biết là bị làm tiền, nhưng khổ chủ
chỉ còn biết ấm ức mở hầu bao, nếu không muốn đẩy bộ xe... mút mùa lệ
thủy. Chưa kể tệ nạn trộm, cướp, thậm chí nạn “cướp tình” với những cô
gái một thân, đường vắng...
Có những nhóm thanh niên lập ra đội vá xe giúp người bị hại. Hay hơn,
họ chế tạo ra xe hút đinh, chạy rà trên đường mỗi ngày. Mất chỗ làm ăn,
bọn đinh tặc ngang nhiên chặn đường hoặc gọi điện thoại hăm dọa sẽ “xử
đẹp” nếu không dừng việc làm “đổ bể” nồi cơm của bọn chúng.
Kỳ lạ, giữa một thành phố đông người, mà bọn đinh tặc lộng hành chẳng
khác nào những toán thổ phỉ trong chốn rừng xanh. Chỉ thương cho những
cái chết tức tưởi trên đường.
Như một vụ kia, người chồng dùng xe Honda chở cô vợ trẻ đi sanh. Trên
đường đi xe cán phải đinh của bọn đinh tặc, hai vợ chồng té văng xuống
đường. Người chồng bị gãy chân, người vợ bị băng huyết, được đưa vô bệnh
viện cấp cứu thì thai nhi đã chết...
Luật pháp bó tay
Cuối cùng, sau bao nhiêu ấm ức dồn nén, người dân đi đường trên quốc
lộ 1A cũng phát hiện ra một tên đinh tặc với thủ đoạn rất tinh vi. Tên
này chở vợ, chạy tà tà trên đường đông, nhưng dấu đinh tự chế dưới dép,
lâu lâu lại nhẹ nhàng gạt đinh xuống mặt đường... Người dân lập tức tri
hô và cùng nhau đuổi bắt gã đinh tặc giao cho công an.
Bên công an cho báo chí biết,hiện không biết xử tên đinh tặc bị dân
bắt quả tang theo điều luật nào. Chỉ có thể quy hắn vào tội “hủy hoại
tài sản” của người khác. Nhưng phải chứng minh được tài sản bị hủy hoại
giá trị lên tới trên 2 triệu đồng thì mới có thể truy tố, nếu không thì
chỉ phạt hành chánh rồi cho về. Dân chúng nghe tin mà cứ tức anh ách.
Gần đây, nhà cầm quyền Sài Gòn có trình lên Quốc Hội một dự luật về
đinh tặc. Theo đó, nếu phạm tội lần đầu, tối đa bị phạt 30 triệu đồng và
3 năm tù. Nếu tái phạm (lần 2), thì bị phạt từ 100 triệu tới 500 triệu
đồng và 12 năm tù.
Qua câu chuyện chống đinh tặc cho thấy luật Việt Nam vừa thiếu,vừa hở
(dĩ nhiên trừ chuyện chống dân chủ). Hơn 30 năm chống đinh tặc lộng
hành hại dân mà chỉ ra được có mỗi cái... dự luật.
Tệ hơn nữa, đạo đức suy đồi cùng cực, có những kẻ ác nhơn thất đức
tới nỗi coi tính mạng đồng bào như là miếng mồi ngon. Ðể ngang nhiên đặt
bẫy trên đường đông người qua kẻ lại, chứ chẳng thèm phải đi vào nơi
rừng sâu núi thẳm.
Văn Lang/Người Việt
0 nhận xét:
Đăng nhận xét