Cháo Trà Ôn. (Hình: Facebook) |
Ðinh Thành Thân
Có
một lần vào facebook, tình cờ xem thấy hình ảnh do người quen gởi lên,
mời mọi người ăn món cháo buổi sáng. Ðơn giản chỉ vậy, kèm theo là vài
dòng comment của những người bạn, như “ăn đúng kiểu Trà Ôn,” hoặc
“...Trà Ôn ăn cháo phải có bánh hỏi...” Có lẽ đối với mọi người, không
có gì đặc biệt, đáng quan tâm ở đây. Nhưng với riêng tôi, một cảm xúc to
lớn bỗng dâng trào trong tâm hồn. Nó hình như là một cái gì xa xưa lắm,
và cũng rất quen thuộc, đáng yêu lạ lùng mà tôi vừa bắt gặp lại được...
Cháo Trà Ôn, suy
cho cùng có lẽ chỉ là món cháo Quảng mà thôi! Nhưng tại Trà Ôn, món này
đã được chế biến thành một món rất đặc biệt, không “đụng hàng,” không
giống ai, mà lại ngon vô cùng. Thành phần của một tô cháo gồm hai cục
thịt bằm vo viên khá to; một vài miếng gan, tim xắt mỏng; có thể có thêm
một, hai miếng phèo non; một ít gừng thái chỉ, hành ngò rắc trên mặt.
Nếu chỉ có thế thì tầm thường quá! Ðiều làm nên cái độc đáo của món cháo
Trà Ôn chính là bánh hỏi ăn kèm với cháo.
Thường ở các địa phương khác, người ta ăn cháo với dầu cháo quẩy, với
bánh mì, với bún tươi hay... với cơm nguội. Nhưng nếu hỏi bất kỳ người
Trà Ôn nào, họ đều trả lời ngay không do dự rằng ăn cháo đúng kiểu Trà
Ôn là ăn với bánh hỏi. Và một điều khác lạ nữa là cháo Trà Ôn phải được
nấu thật loãng.
Hồi đó, khoảng thập niên 1980 (trong thời kỳ có tên gọi là “bao
cấp”), đám nhà giáo chúng tôi lương không đủ ăn sáng, thường chỉ điểm
tâm với xôi, khoai nấu, hoặc qua quýt món gì đó tạm dằn cái dạ dày, thậm
chí chỉ cần vuốt thẳng chiếc bụng lép kẹp để lấy tinh thần mạnh mẽ lên
lớp giảng bài. Cho dầu các món hủ tiếu, phở, cháo ở mấy cửa hàng ăn uống
quốc doanh (sau này đổi thành “hợp tác xã”) của thị trấn Trà Ôn có giá
cả rẻ hơn nhiều so với các thành phố Vĩnh Long, Cần Thơ, Saigon, nhưng
chỉ họa hoằn những dịp mới lãnh lương hoặc được chi viện từ gia đình,
tôi mới dám đi ăn những thứ ấy.
Riêng nói về cháo, đã là cháo Trà Ôn thì hàng nào bán cũng ngon,
nhưng ở cửa hàng bà Tám Láng mới thật vô cùng đặc sắc. Xin mời bạn theo
tôi bước chân vào cửa hàng của bà Tám. Ðó là một quán nhỏ, bài trí đơn
giản. Kéo ghế đẩu ngồi vào chiếc bàn thấp, rồi bạn có thể chờ đợi mà
không cần gọi đặt món. Thật ra ở đây ngoài món cháo là thức ăn chủ lực
thì cũng không có nhiều thứ khác để chọn lựa. Khi tô cháo nóng được bưng
ra, vài sợi khói trắng bốc lên nghe thơm lừng. Ðồng thời, nhân viên
quán đưa ra một dĩa bánh hỏi hấp nóng, một chung nước mắm sống có thả
vào vài lát ớt tươi đỏ. Nếu muốn, bạn có thể nặn thêm chanh hoặc rắc
thêm tiêu vào tô. Lấy đũa gắp miếng bánh hỏi nhúng vào cháo, rồi chấm
vào nước mắm, chưa kịp đưa lên miệng mà nước miếng đã ứa đầy. Khi ăn,
bạn có thể cảm nhận hương vị ngọt ngon của nước cháo hòa cùng vị mặn của
nước mắm, vị cay nồng của tiêu, ớt, gừng thấm trong từng sợi bánh hỏi,
tác động đến khứu giác, vị giác và len lỏi cả đến tận óc não. Thật sảng
khoái, thật đã thèm! Và tôi nghiệm ra rằng nước cháo phải thật loãng, để
khi ăn đến hết tô cháo, nước cháo không trở nên đặc sệt, mau ngán vì bị
những sợi bánh hỏi rơi rớt làm trương nở trong tô.
Bao nhiêu năm trôi qua, tôi lưu lạc khắp nơi, ra cả xứ người. Ðâu đâu
cũng dễ tìm thấy và được ăn các món cháo đủ loại. Dù đó là món ăn cầu
kỳ, nấu bằng nguyên liệu đắt tiền, hay thành phần chỉ gồm những thứ thật
rẻ, tôi vẫn không tìm thấy lại được hương vị của món cháo ăn kèm với
bánh hỏi ngày xưa.
Tôi không phải là người gốc gác Trà Ôn. Chỉ có không đầy 10 năm sinh
sống và làm việc ở huyện Trà Ôn mà thôi, nhưng đấy là những năm tháng
đẹp và hạnh phúc trong đời. Ðối với tôi, Trà Ôn là một nơi bình thường
trên đất nước Việt Nam, cũng có những đồng ruộng, sông rạch, vườn trái
cây,... như bất cứ nơi nào ở vùng miền Tây Nam bộ. Nhưng giống như món
cháo đặc sản đã kể bên trên, Trà Ôn bình dị và có những cái rất riêng,
rất đặc thù - có phải chăng đó là Tình-Người, hòa quyện trong mỗi cành
cây, ngọn cỏ, mỗi hòn đất... Ðể rồi những ai đã từng đến và sinh sống ở
đó, khi xa rồi bỗng dưng thấy nhớ...
Ðinh Thành Thân
0 nhận xét:
Đăng nhận xét