Ads 468x60px

Thứ Tư, 15 tháng 5, 2013

Bảy Núi, đất Phật

Tượng Phật khổng lồ trên đỉnh núi. (Hình: Báo Mới)
Nam Sơn Trần Văn Chi

“Thất Sơn, hòn dọc dãy ngang,
Nói sao cho hết cả ngàn phong cương”
Nguyễn Liên Phong

Bảy Núi còn có tên là Thất Sơn.
Các tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương tôn xưng Thất Sơn là Bửu Sơn gồm bảy ngọn núi không liên tục, đột khởi trên đồng bằng miền Tây, thuộc hai huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Từ xưa, người dân đã coi núi Sam và vùng Bảy Núi là vùng địa linh, đất Phật.
Bảy Núi khi xưa là đất của Chân Lạp. Rồi trong một cuộc tranh giành quyền lực, Nặc Tôn được chúa Nguyễn giúp đỡ đã trở lại ngôi vua. Ðể tạ ơn, Nặc Tôn hiến đất Tầm Phong Long, trong đó có Bảy Núi, vào năm 1757.
Bảy Núi - Bảy ngọn núi thiêng liêng
Do hàng loạt địa chấn đã làm vỏ trái đất ở khu vực Bảy Núi bị nứt nẻ, lún sụt hoặc nhô cao nhiều nơi. Sau đó là những đợt biển tràn ngập cả vùng Tây Nam khoảng 10,000 đến 11,000 năm. Dấu tích của những thời kỳ này còn để lại các bậc thềm biển cổ ở những vùng quanh núi Cấm, núi Dài, núi Phú Cường... của huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.
Phần nhô cao tức đồi núi ở An Giang gồm nhiều đỉnh có hình dạng, độ cao và độ dốc khác nhau, phân bố theo vành đai cánh cung kéo dài gần 100 km. Khởi đầu từ xã Phú Hữu (huyện An Phú) qua xã Vĩnh Tế (thị xã Châu Ðốc), bao trùm lên gần hết hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, về tận xã Vọng Thê, Vọng Ðông rồi dừng lại ở thị trấn Núi Sập của huyện Thoại Sơn.
***
Thất Sơn đối với người địa phương là “Bảy ngọn núi thiêng” phía Tây Nam một hình ảnh kỳ vĩ, mang nhiều yếu tố văn hóa-tâm linh đặc trưng.
Theo Ðịa Chí An Giang ở hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên có 37 ngọn núi đã có tên, nhưng con số 7 (bảy núi) vẫn không hề thay đổi.
Ðại Nam Nhất Thống Chí của Quốc Sử Quán nhà Nguyễn đã đề cập đến bảy điểm “linh huyệt” của vùng Thất Sơn, rồi chọn ra những núi tiêu biểu.
Ðến năm 1984, Trần Thanh Phương cho xuất bản sách “Những Trang Sử về An Giang”, đã kể tên Bảy Núi là:
Núi Cấm (Thiên Cẩm Sơn),
Núi Dài Năm Giếng (Ngũ Hồ Sơn)
Núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn),
Núi Dài (Ngọa Long Sơn),
Núi Tượng (Liên Hoa Sơn)
Núi Két (Anh Vũ Sơn)
Núi Nước (Thủy Ðài Sơn).
Trong việc sắp xếp bảy núi này, đã chịu ảnh hưởng rất nhiều những yếu tố thần bí, siêu nhiên, phong thủy...
Hệ thống núi, dốc cao trải dài chiếm hầu hết diện tích của toàn vùng, rừng thiên nhiên xanh thẳm bao trùm.
Trong lòng những ngọn núi có nhiều hang cạn, hang sâu, gắn với truyền thuyết, giai thoại về các con thú khổng lồ (hổ, rắn...) tu luyện thành “thần”; các đạo sĩ ẩn thân trong hang phát đạo thành tiên...
Trên bề mặt các núi, ngọn núi có nhiều mỏm đá hình nhân, tượng vật, hòn đá đặt chồng lên nhau kỳ lạ như có bàn tay sắp xếp, nắn tác của con người làm cho các ngọn núi linh thiêng trong tâm thức người dân bản xứ, khách tham quan.
Bảy Núi và hệ thống tâm linh...
Bảy Núi có 64 ngôi chùa Khmer Nam Tông. Mỗi chùa hàm ẩn giá trị kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, từ cổng đến tường rào, chính điện, hệ thống mộ tháp, tượng Phật, chim thần... được đúc khắc tỉ mẩn từng chi tiết, sơn son thếp vàng lộng lẫy, ẩn hiện thấp thoáng dưới rừng cây cổ thụ, cây thốt nốt... tô điểm cho không gian Bảy Núi huyền ảo, cổ kính...
Bên cạnh đó còn có thánh thất, đình, chùa, miếu của người Việt có giá trị lịch sử, văn hóa, ghi dấu ấn thời kỳ phát sinh nhiều dòng tín ngưỡng, tôn giáo của lưu dân người Việt thuở xưa đến đây khai phá, ẩn dật: Chùa Tam Bửu, Phi Lai, chùa Bửu Sơn, chùa Vạn Linh... Hệ thống đình, chùa, miếu là ranh giới trung gian giải thích sự đa dạng đời sống tâm linh của cư dân nơi đây.
Thông thường du khách sau khi viếng Bà Chúa Xứ ở Châu Ðốc, đều đổ về vùng Bảy Núi, viếng núi Cấm, núi Két, núi Cô Tô... là nơi thủy tú sơn kỳ.
Ðề cập đến “Thất Sơn huyền bí”, không thể không nói đến những giai thoại về hiện tượng các “ông đạo” tu ẩn dật có sức lực siêu phàm, tâm tính kỳ quái, thu phục thú dữ, “dự đoán thiên cơ bất khả lộ”...
Quanh vùng núi, dân gian nói nhiều đến sự hiện diện của Phật thầy Ðoàn Minh Huyên lập nền đạo pháp Bửu Sơn Kỳ Hương.
Thất Sơn với lễ hội cổ truyền
Hàng năm, Bảy Núi diễn ra nhiều lễ-hội cổ truyền, lễ-hội của người Việt và Khmer. Theo tục lệ người Khmer thực hiện lễ nghi ở chùa, khung cảnh sinh hoạt lễ-nhạc-hội nối tiếp phản ánh được đời sống tín ngưỡng đa dạng, không gian xứ núi nhộn nhịp.
Lễ-hội tôn giáo, tín ngưỡng của người Việt có lễ cúng Ðức Bổn Sư Ngô Lợi - giáo phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa.
Cây thốt nốt được xem là biểu tượng văn hóa của Bảy Núi. Ðứng trên triền đồi-núi nào cũng nhìn thấy rừng cây thốt nốt ngút ngàn, suông thẳng chót vót giữa trời xanh. Cây thốt nốt hình thành nên nghề nấu đường thốt nốt của bà con Khmer, nghề leo cây thốt nốt lấy nước, các món ăn, thức uống từ cây thốt nốt...
Người Việt ở đây sống thích hợp tất cả các địa hình, đa số sống bằng nhiều nghề: Sản xuất nông nghiệp, đánh bắt thủy sản, trồng cây ăn trái trên đồi núi, buôn bán... trong khi người Khmer ở sâu trong phum, sóc.
***
Hiện nay, đời sống người dân Bảy Núi đã khá hơn xưa, những chiếc xe gắn máy, xe đạp thuận tiện cho việc đi lại, làm ăn. Nhưng hình ảnh chiếc xe ngựa lọc cọc lăn bánh chở khách, chở hàng hóa trên các con đường ở Bảy Núi là dấu ấn sâu đậm còn lưu giữ, phản ánh việc đi lại, hình thức làm ăn của người dân xứ núi xưa kia.
Xe ngựa xe bò chở hàng, chở khách, chở người đi lễ-hội đình, chùa... Hình ảnh mộc mạc, giàu chất trữ tình này trở thành đặc trưng văn hóa của cư dân miền núi mà ở An Giang ngày nay còn lưu lại như là một hoài niệm.
Bảy Núi nay còn tồn tại nhiều bí ẩn về văn hóa vật chất, tinh thần. Vẻ bí ẩn này đã trực tiếp hay gián tiếp xoay chuyển tạo ra nhiều nét văn hóa đặc trưng cho Bảy Núi!
Bảy Núi nay không khác Gia Ðịnh thành thông chí mô tả:
Hang núi ngậm mây, suối cong nhả ngọc, lại có những cây giáng hương, tóc hương, cây cối xanh um, cầm thú béo mập. Phía Ðông có ruộng đồng bằng phẳng, phía Tây có hồ nước... Ngoài ra, còn nghe gà gáy dưới bóng trăng, chó sủa trong hang động, cảnh huống yên hà ngoài thế giới vậy.
Nam Sơn Trần Văn Chi
Sách mới phát hành
Tuyển tập biên khảo
Phong Tục-Văn Hóa
Trần Văn Chi
Xin liên lạc:
Cell: 714-702-4048

0 nhận xét:

Đăng nhận xét