Viết cho ngư dân đảo Lý Sơn vừa mới bị "tàu lạ" cướp của, hành hung.
David Thiên Ngọc
Ở miền Trung xứ Xã Nghĩa, Bá tánh nơi
này thật đáng thương. Trong đất liền thì khô cằn sỏi đá, gió cát quanh
năm. Núi đồi còn vươn mình ra lấn biển, chen chỗ dân làng, một mảnh vườn
không đủ chó ngồi để trồng cây ớt, cây cà mà đá núi cũng vương vãi lổm
chổm đó đây. Xa xa ngút ngàn ra Đông Hải một vài ốc đảo lờ mờ xanh...
trời êm, mây tạnh thấp thoáng tận chân trời là bóng những con thuyền Ngư
Phủ ngập trong sương. Dọc theo bờ biển, cuối bãi đầu ghềnh lưa thưa mấy
căn chòi lá lè tè chỉ tồn tại trong mùa sóng êm gió thuận.
Khi bóng hoàng hôn phủ xuống núi đồi cùng bãi biển, xen trong hàng
bóng của rặng phi lao chắn gió ngã dài là những bóng dáng, hình hài di
động của những phụ nữ, trẻ thơ mắt đăm chiêu hướng về chốn ngàn khơi với
nỗi trông mong ngóng đợi một tin lành.
Ấy thế mà cuộc sống đơn sơ, buồn tẻ... lại cũng chẳng có ngày mai của
những gia đình Ngư Phủ vùng gió cát đìu hiu, núi đồi bờ đá không một
mảnh đất cắm dùi cũng chẳng được yên thân.
Đàn ông, trai tráng thì quanh năm "bám biển, quyết chí kiên trì" theo
lời kêu gọi hô hào kiểu đánh trống bỏ dùi của vị Vua (nghe nói là Vua
không ngai, bù nhìn) trước đây có vi hành ra miền duyên hải. Đàn bà con
nít, người già thì bám bờ chắp vá lưới mành để cánh đàn ông kịp về đổi
lấy mà tiếp tục ra khơi. Thời gian còn lại là bươn chải củ tỏi, củ hành ở
góc vườn chó ị gà bươi... đồng thời trao đổi bán buôn cái tép, con tôm
để trang trải cuộc sống mà những người chồng, người cha kiếm được với sự
đánh đổi bằng cả sinh mạng của mình.
Bỗng một sớm trời trong mây tạnh, không gian yên ả của xóm chài nghèo
khó bị đánh động bởi chiếc loa của thôn ấp réo gọi bà con tụ về căn chòi
của xóm để nghe thông báo của chính quyền Xã Nghĩa địa phương. Hôm đó
nhóm phụ nữ, cụ già trẻ nít được nghe lệnh nay mai cả làng phải di dời
vào tận cùng chân núi nhường đất đai thôn ấp bờ bãi cho một tập đoàn có
tên tiếng Tây, tiếng U nào đó xây dựng khu du lịch ăn chơi sinh thái,
biến thái... gì mà đám dân ngu khu đen này cả đời chưa được biết. Đối
với ngư dân hiền lành hơn cục đất, đứng trước hoàn cảnh nghiệt ngã, éo
le dâu bể này thì chỉ biết nuốt ngược nước mắt vào trong ngửa mặt mà
nhìn trời cao biển rộng cầu xin cho được một chút hồng ân.
Một ngày nọ, hơn mấy chục nóc gia, đúng hơn là nóc chòi (từ của dân
gian quê mùa miền trung chỉ một gia đình) cùng nhau họp lại. Với bản
chất thật hiền lành, luôn muốn được bình an và cuối cùng đưa ra một
quyết định là đứt ruột rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn với thân phận nghèo
hèn, thân cô thế độc. Đàn ông bám biển quanh năm, còn lại đàn bà trẻ nít
làm sao mà chống chọi với sói lang khát máu không có tính người? Nếu di
dời vào hóc núi kia thì một ngày nào đó cũng sẽ trở thành nạn nhân cho
loài ác quỉ một khi còn đối mặt với chúng. Chi bằng phương tiện tàu
thuyền ta có sẵn, vả lại tài sản hành trang chỉ là một mớ đồ rách nát,
tả tơi có gì là nặng nhọc, ta làm một chuyến "thiên di" ra tận hải đảo
ngàn xa bán thân cho biển, tìm con cá con tôm mà sống tạm qua ngày đoạn
tháng nơi quanh năm gió cát sương mờ... miễn sao tránh xa loài dã thú mà
thân xác được yên bình. Trước sau trên dưới một lòng rời bỏ quê hương.
Một ốc đảo hoang vu chỉ toàn là phân chim và củi mục. Cuộc sống vạn
ngàn khó khăn nhưng thắm nghĩa vợ chồng, con cái đề huề... nhưng quanh
năm chỉ biết tìm vui với đàn hải âu cùng những con còng con sên đùa vui
trên bãi vắng.
Thời gian dần trôi... Với nỗ lực không nề gian khổ, cuộc sống của ngư
dân làng ly hương vạn lý này cũng có phần cải thiện. Tuy xa lìa cố quận
nhưng tránh được cường quyền thì trong lòng và cuộc sống của họ cũng
phần nào được bình an. Ngược lại cả một đời của họ và mấy thế hệ cháu
con như cá nước chim trời... theo hai mùa mưa nắng, tâm hồn trao gởi cho
sóng nước ngàn khơi. Tàu thuyền dần dà cũng được trang bị tươm tất hơn
để hổ trợ cho những chuyến ra khơi được an lòng.. Nhưng phải đổi bằng cả
mồ hôi, nước mắt và lắm khi cũng phải pha bằng máu nữa.
Nhưng cuộc đời của các ngư phủ không như giấc mơ. Không hiểu từ muôn
kiếp trước, tổ tiên người dân Xã Nghĩa mà nhất là những ngư phủ thân
trần khổ ải lầm than ở khúc eo Miền Trung nắng gió có phạm tội gì nên
nỗi mà con cháu đời nay phải mang nhiều hệ lụy. Ở nơi đất liền thì:
"Bỏ cực mà chạy lên non...
Quay lưng nhìn lại cực còn theo sau." (ca dao)
Còn đám dân chài một chữ bẻ hai không biết, một đồng xu dính túi cũng
không mà phải ly hương lìa xa hóc núi, bãi bờ nơi lọt lòng mẹ mà ra hải
đảo xa xôi bôn ba tìm cuộc sống cũng chẳng được yên thân.
Chuyện rằng, trong thời gian mấy năm qua. Tàu thuyền của người dân
khốn khổ này thường xuyên bị bọn Hán tặc biển khơi hành hung cướp bóc,
bắt nhốt cả người lẫn tàu đòi tiền chuộc. Có khi giết chết, cướp sạch
tài sản nhỏ nhoi hoặc đâm chìm cả người lẫn tàu không một chút nhân
tình.
Mỗi khi tàu về cập bến là được xem như mỗi lần lại được hồi sinh. Khi
tàu ra khơi, hòa trong sóng cả là giao tính mạng cho biển trời. Ngư phủ
tắm gội sạch sẽ, xác thân trong lành nguyện cầu cùng đấng Chí Tôn chở
che trước bạt ngàn sóng dữ (như trong tác phẩm "Mùa Tôm" của nhà văn Ấn
Độ Thakagi Xivaxankara Pillai) thế mà nạn tai cũng không buông tha cho
kiếp bần hàn.
Ngày nọ, dân chài ốc đảo "Tiền Tiêu" khấp khởi trong lòng vì Vua Xã
Nghĩa được triệu về chầu với Thiên Triều. Nơi đây ông đã xin được " Đối
xử nhân đạo với ngư dân" và trong 10 tờ chiếu chỉ... nghe đâu có "nối
được đường dây nóng" để liên lạc với bề trên ngõ hầu cứu giúp ngư dân
trong cơn hoạn nạn. Phận dân hèn nghe thế như mở cờ trong bụng, như sống
lại trong tim.
Hôm nay đang trong giấc mơ màng. Người phụ nữ nơi ốc đảo xa xôi đang
chìm trong giấc điệp. Thấy trời biển bao la, sóng êm gió lặng. Xa xa
từng đàn hải âu bay lượn trên nền biển vắng, trên nóc các tàu thuyền
thân thương đang mang về bạt ngàn tôm cá xanh tươi cùng những cánh tay
vạm vỡ, những ánh mắt nụ cười đôn hậu của những người chồng, người cha
mà cả đời họ nương thân. Rồi sau đó là những tiếng ồn ả của trẻ thơ mừng
tàu cập bến, của dân bán buôn tôm cá ở bến thuyền làm xao động cả góc
trời...
Tỉnh giấc mơ hoa... ánh Thái Dương chiếu xuyên qua cửa sổ. Trong lòng
linh cảm một điều gì bất an vì những tiếng ồn kia là có thật trong cơn
nửa tỉnh nửa mê. Bởi giờ này không phải là lúc tàu cập bến như thường
lệ. Bên ngoài vang lên tiếng gọi lẫn trong tiếng ồn như hối hả, như thúc
giục...
- Mẹ thằng cu Mực đâu ra mau đi.
- Mẹ ơi Ba về- tiếng con Hĩm, con gái lớn.
- Dì Út ơi! Dượng bị...
Trong tim nhịp đập như một hồi trống dập dồn. Bừng dậy, lảo đảo tung ra
khỏi cửa. Ngoài bãi cả một đám đông dân chài trong xóm bao quanh... kẻ
dìu người dắt thủy thủ, chủ tàu cùng các "tay bạn" lên bờ trong cảnh ngả
nghiêng xiêu vẹo...
Như kẻ mộng du, mê sảng... người phụ nữ băng mình rẽ đám đông ôm chầm
lấy chồng là một ngư phủ mặt mũi bơ phờ, áo quần te tua, tay chân sây
sát...
Trời ơi! Chuyện gì đã đến với "Mình" và mọi người? "Tụi Tàu Ô" lại hành hung cướp bóc nữa sao?
Người chồng thều thào...
- Khe khẽ thôi "Mẹ nó"! chỉ là "tàu lạ" thôi. Không khéo "tụi quen"
nghe được thì chết cả nhà đó. May là mất của chứ không mất mạng. Còn
người còn của "Mẹ nó" à! từ từ ta làm lại.
Trong tai người phụ nữ bỗng vang vọng lại như in một đoạn thoại mà chị nghe được trong giấc mơ.
- A lô! Anh Ba hả? (Ba Tàu họ Tập) Em Tư Sâu nè!
Nhờ đường dây nóng mới lập mà em sớm liên lạc được với anh.
- Có gì không mà gấp vậy chú Tư?
- Chuyến này "Chiến lợi phẩm" từ bọn chài lưới nhà em có khá không anh?
Vẫn như sự "Nhất Trí" trong tờ chiếu của anh là ta chia "Tứ-Lục" anh
ha? tất nhiên là anh lục em tứ thui mà! Nhưng mà anh cho đám thủ hạ nhè
nhẹ tay thôi. Chủ yếu là "đoạt tài sản chứ đừng đoạt mạng" chúng nó. Tài
sản thì em xin được chia, chứ mạng chúng nó em chia sao được? Nếu lỡ
đoạt rồi thì anh cứ xài cho hết chứ phần em "Chó ăn cứt chó" được sao
anh?
- Chú Tư nói sao? Đói là ăn tất!
Tò-te-tí... sóng đường dây nóng bị nhiễu.
Không gian làng chài ở ốc đảo "Tiền Tiêu", đất trời, biển cả bị phủ bởi một đám mây đen...
David Thiên Ngọc
Ngày 9/7/2013
0 nhận xét:
Đăng nhận xét