Ads 468x60px

Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

Sợ ‘chất độc’, bộ trưởng nông nghiệp không dám ăn bún

Các nhân viên thú y kiểm tra thịt heo ở chợ.
(Hình: Tiền Phong)
Ông Cao Ðức Phát, bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, vừa cho biết ông ta không dám ăn bún. Ðây là một trong những viên chức chỉ huy về an toàn thực phẩm.
Viên bộ trưởng này tiết lộ điều đó trong hội thảo về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trước đó, kết quả kiểm tra, kiểm nghiệm được báo chí loan tải cho thấy, giống như nhiều loại thực phẩm khác, bún được pha chế nhiều loại phụ gia nguy hại cho sức khỏe. Cũng giống như nhiều hội nghị, hội thảo về chất lượng, vệ sinh và an toàn thực phẩm, viên bộ trưởng phụ trách nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam lại tiếp tục đề nghị “phải có các giải pháp thực sự hiệu quả”.
Chất lượng, vệ sinh và sự an toàn của thực phẩm tại Việt Nam đã trở thành một vấn nạn càng ngày càng nghiêm trọng, đe dọa sức khỏe của tất cả mọi người. Ðáng chú ý là hệ thống chính quyền các cấp hoàn toàn bất lực trong việc giải quyết vấn nạn này.
Năm ngoái, tại Việt Nam có 5,541 người bị ngộ độc thực phẩm phải vào bệnh viện, trong đó có 34 người tử vong. Từ đầu năm đến nay, tại Việt Nam, có 1,485 người ngộ độc, trong đó có 15 người chết.
Cục trưởng Cục Bảo Vệ Thực Vật kể rằng, cơ quan này mới lấy mẫu kiểm tra rau ngót và mướp đắng tại Hà Nội, Sài Gòn. Kết quả sau đó cho thấy, có 7/25 mẫu rau ngót và 2/25 mẫu mướp đắng chứa dư lượng hóa chất vượt ngưỡng cho phép.
Kết quả của chương trình giám sát tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật trên rau, quả từ năm 2008 đến nay do viên cục trưởng Cục Bảo Vệ Thực Vật công bố, cảnh báo, nhóm rau ăn lá nguy cơ gây nguy hại cho sức khỏe cao hơn rau ăn củ. Rau muống, rau ngót, cải xanh là những loại rau được xếp vào loại “nguy cơ cao” vì dư lượng hóa chất trên rau thường rất cao. Các loại rau bí, rau mầm, su su, mồng tơi, súp lơ, cà chua, mướp đắng, dưa chuột có mức độ hóa chất bám trên chúng thấp hơn. Ðối với trái cây thì nho là loại có nguy cơ cao nhất. Rau, trái từ các vùng sản xuất, kinh doanh ở miền Bắc có khả năng gây nguy hại cho sức khỏe cao hơn các vùng tương tự ở miền Trung và miền Nam.
Một viên cục phó Cục Trồng Trọt thú nhận, dẫu cho Hà Nội đã xây dựng 50 quy trình sản xuất với từng loại rau nhưng việc giám sát thực hành đối với nông dân là rất khó, nhất là kiểm soát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Viên bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn lưu ý một khía cạnh khác, đó là kiểm soát an toàn thực phẩm trong lưu thông cả rau, trái. Có thể có sự lạm dụng những hóa chất bảo quản trong quá trình vận chuyển, lưu giữ rau, trái nhập cảng và sản xuất trong nước.
Một viên cục trưởng khác phụ trách Cục Quản Lý Chất Lượng Nông, Lâm, Thủy Sản tin rằng, tình trạng sản phẩm nông sản, thủy sản không được phân hạng, không có thương hiệu là một trong những nguyên nhân khiến nông dân, doanh nghiệp kinh doanh nông sản, thủy sản không chú trọng đến vệ sinh và sự an toàn của thực phẩm.
Trước sự chỉ trích càng ngày càng gay gắt từ phía dân chúng, viên bộ trưởng nông nghiệp, phát triển nông thôn yêu cầu từ nay tới cuối năm, phải tập trung giám sát những loại nông sản, thủy sản thuộc nhóm “nguy cơ cao” như rau ăn lá và trái cây, những khâu có nguy cơ cao như bảo quản. Tương tự, đối với chăn nuôi, phải thông báo rộng rãi và quản lý chặt những loại dược chất, hóa chất cấm dùng.
Ðến cuối năm, phải lập được danh sách “nguy cơ cao” đối với nông, thủy sản của các quốc gia, các vùng, các doanh nghiệp chuyên xuất, nhập cảng để giám sát chặt chẽ hơn. (G.Ð.)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét