Ads 468x60px

Thứ Năm, 11 tháng 7, 2013

Thế nào là chống phá, đánh phá và thế nào là thực hiện quyền làm người?

Lê Nguyên Hồng
Ngày 07/07/2013 Báo Quân Đội Nhân Dân (www.qdnd.vn) có bài “Một dự luật không đúng lúc đúng chỗ” của hai tác giả Ngọc Vân và Thanh Trúc – đây là một bài viết phủ nhận chính kiến của các nghị sĩ Mỹ về những quan ngại của chính giới Hoa Kỳ trong vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Mặc dù có lẽ phản biện lại những cây bút của báo qdnd để mong họ thay đổi cách viết thì có thể giống như tấu nhạc cho trâu thưởng thức. Nhưng ít nhất điều đó cũng sẽ góp phần giải độc dư luận.
Và trong bài phản biện này, tôi chỉ tách riêng một ý của bài viết kể trên để phân tích, phản biện, đó là chuyện chống phá và đánh phá. Vì các tác giả của báo qdnd là Ngọc Vân – Thanh Trúc đã cố tình bao biện cho những việc làm phi pháp của chế độ Cộng Sản trong việc dùng pháp luật làm một thứ vũ khí bẩn, tùy tiện quy kết và kết án những người vô tội, họ dựa vào những điều rất mơ hồ là chống phá (hay thậm chí chỉ là tuyên truyền chống) nhà nước, và đánh phá chế độ bằng những lời nói và hành động phi bạo lực…
Để xác minh nghĩa của những cụm từ “chống phá”, “đánh phá” ta cần đặt câu hỏi: Thế nào là chống phá và thế nào là đánh phá? Khi thỏa mãn được những câu hỏi này thì thậm chí những cách hiểu về chuyện chống phá và đánh phá ngay trong lòng giới đấu tranh dân chủ và cả trong xã hội rộng lớn cũng sẽ được sáng tỏ.
Trước hết ta hãy thử tưởng tượng xem liệu ai đó có thể phá được một cái gì cụ thể bằng lời nói hay hoặc là bằng những việc làm phi cơ bắp hay không? Chắc chắn là không! Nhưng trong tiếng Việt thì người ta hay áp dụng vô tư chữ “phá” vào trong rất nhiều trường hợp bình thường, ví dụ như: “Mày chỉ được cái hay phá bĩnh”, “đồ phá hoại”, “phá hợp đồng”, ‘phá lề luật” vv và vv..., vô cùng nhiều. Như vậy nếu như nắm rõ vấn đề thì chữ “phá” là một chữ khá thông thường để chỉ những hành động thông thường.
Thế nhưng cũng có những chữ “phá” rất nguy hiểm như “phá hủy”, “phá hoại” vv.., mà cụ thể là con người dùng cơ bắp, bạo lực, vũ khí để thực hiện hành vi. Những việc làm đó có thể làm hư hại hoặc vô hiệu những vật chất, máy móc, nhà cửa, phương tiện giao thông, phương tiện sống, thậm chí có thể gây chết người hàng loạt... Nói tóm lại là gây ra những thiệt hại vật chất, gây đau thương tang tóc, tổn hại nhân mạng.
 Đối với từ “chống” người ta cũng khá thoải mái trong cuộc sống với cách dùng từ này, ví dụ như: “Chống đối”, “chống thất thu”, “chống tiêu cực”, “chống gian lận”, “chống chỉ định” vv… Vậy thì chống lại một cái gì đó là chuyện bình thường. Nếu như có điều gì chưa thông trong việc chống thì người ta chỉ có quyền trao đổi, nhắc nhở hay nặng nề lắm như trong việc chống lệnh (không áp dụng với quân đội) thì người ta cũng chỉ có quyền xử lý nhau trong phạm vi tổ chức hay hành chính mà thôi.
Những kẻ nhiều thủ đoạn thường dùng cụm từ “chống phá” để khoác chiếc áo bạo lực cho những hành động ôn hòa phi bạo lực. Trên thực tế thì nếu chống lại một cái gì đó như các ví dụ ở trên thì về bản chất không phải là chống phá. Nhưng ngay cả khi nó được gọi là chống phá thì cũng không thể kết tội một người hay mọi người về hành vi chống không dùng bạo lực. Mặc dù người ta có thể chấp nhận một cách khiên cưỡng việc dùng cụm từ này.
Đối với cụm từ “đánh phá” thì “đánh” và “phá” nguyên thủy đều là những từ bạo lực, nhưng như đã nói ở trên, có rất nhiều trường hợp người ta dùng từ "đánh" và "phá" với những nghĩa phi bạo lực. Nhưng nếu dùng cụm từ “đánh phá” (không phải là bắn phá) thì nghĩa bạo lực chắc chắn đã không còn. Như vậy hành vi đánh phá có thể là thứ vũ khí nguy hiểm, nhưng thuần túy chỉ là lời nói, chữ viết mà thôi. Việc đánh phá tự nó là một hành động không fair play cho nên không ai thích điều này. Rõ ràng nó là việc làm xấu xuất phát từ một mục đích xấu. Dẫu vậy, vì là những hành động phi bạo lực cho nên sự đánh phá chỉ bị phê phán dưới góc độ văn hóa chứ không thể coi là một vi phạm hình sự.
Có thể thấy rõ chống phá và đánh phá (không kích động bạo lực hoặc đi kèm bạo lực) thì hiển nhiên đó là những việc làm ôn hòa, và vì vậy không thể dùng pháp luật để điều chỉnh hành vi. Những việc làm đó dù muốn hay không, đều nằm trong phạm vi nhân quyền, tức là quyền tự do của con người. Người ta chỉ có thể chống lại nó bằng những bằng chứng, những lý luận và lý lẽ vững chắc, thuyết phục, đặc biệt là bằng những việc làm tốt chứng minh chân lý đúng, thể hiện sự chân chính và trong sạch của mình.
Đôi khi người ta thường hay lầm lẫn giữa chống phá, đánh phá và những việc làm cần thiết, ví dụ như bày tỏ, phản biện, phát giác, tố cáo vv.., khi ta phát hiện ra những điều sai, cái xấu, cái chưa hoàn thiện của một ai đó, một vấn đề nào đó. Đây là những hành động nhằm bảo vệ bản thân (nếu bị tấn công bôi nhọ) và thúc đẩy xã hội phát triển đi lên. Nếu một xã hội không phản biện, không chống lại những cái xấu thì chắc chắn đó chỉ là một xã hội đang sống đời sống thực vật.
Liên hệ đến Việt Nam, nhà cầm quyền nhiều năm qua cố tình lập lờ trong diễn ý để áp đặt những tội danh mơ hồ như “chống phá nhà nước”, “tuyên truyền chống nhà nước”, “hoạt động lật đổ” vv… Nhưng trên thực tế thì chẳng một ai có thể lật đổ nổi một nhà nước mà không dùng bạo lực. Trong trường hợp một nhà nước bị hạ bệ bởi quyền lực mềm của nhân dân (bầu cử, bất hợp tác, không tuân phục…) thì điều đó hoàn toàn là quyền của người dân và đó chẳng những là hành động hợp pháp, hợp hiến mà còn là hành động nhân đạo.
Nếu hiểu đúng như trên thì có lẽ hai tác giả Ngọc Vân và Thanh Trúc của báo ww.qdnd.vn sẽ phải công nhận rằng: Nhà nước Việt Nam hiện nay đã vi phạm trầm trọng về quyền tự do của con người, quyền chống lại một ai đó, một cái gì đó, thậm chí là đánh phá một đối tượng nào đó bằng lời nói và việc làm phi bạo lực đều là quyền trong nhân quyền của mỗi con người. Nhào nặn chân lý là một việc làm rất phản văn hóa.
Nhân tiện bài báo “Một dự luật không đúng lúc đúng chỗ” trên báo qdnd.vn có nhắc đến chuyện “Đạo Hồi là nạn nhân của chính sách kỳ thị tôn giáo của nhiều nhà nước” (chắc là ám chỉ Mỹ). Ai cũng biết về mặt đánh bom khủng bố, theo thống kê trên toàn thế giới thì người Đạo Hồi là số 1. Một người chân chính không thể lấy mục đích tốt (nếu có) để biện minh cho hành động (hoặc dùng phương tiện hành động) xấu. Không biết các tác giả Ngọc Vân và Thanh Trúc sẽ nghĩ gì về việc hai dòng Đạo Hồi là Sunny và Shiite liên tục giết hại lẫn nhau ở Iraq nhỉ? Ở đó thì ai kỳ thị ai?
Trở lại với nội dung thế nào là chống phá, đánh phá và thế nào là thực hiện quyền làm người, chúng ta thấy rằng tựu chung lại dù là với bất kỳ mục đích nào (kể cả là với mục đích xấu) thì việc nói hay viết hay từ chối, bất hợp tác để thể hiện ý chí, ý muốn, chính kiến của cá nhân hoặc một tập thể bất kỳ, đều là việc làm bình thường và là quyền tự do bất khả xâm phạm của con người.
Mặc dù chẳng ai thích bị chống phá, đánh phá và không mấy ai dễ dàng chấp nhận sự chống phá, đánh phá, nhưng người ta vẫn chỉ có thể dùng hành động ôn hòa để đáp trả. Riêng việc nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay dùng bạo lực là công an và nhà tù để chống lại những điều đó là hoàn toàn phi pháp!
Lê Nguyên Hồng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét