Theo ước tính thì ngân sách phải chi cho việc tổ chức bầu
cử Hạ viện Quốc hội Nhật Bản lần này vào ngày chủ nhật 14/12/2014 là 66 tỉ 621
triệu yen (trên 600 triệu mỹ kim), thế nhưng mỗi lần bầu cử như vậy thì số cử
tri đi bỏ phiếu không đông, cao lắm cũng vào khoảng 60%. Chính vì lý do đó mà
chính quyền cũng như các hội đoàn phi chính phủ và truyền thông luôn kêu gọi
người dân tích cực đi bầu. Một số đài truyền hình ở Nhật còn kêu gọi người dân
đi bỏ phiếu bằng cách chiếu những cảnh biểu tình của người dân Hồng Kông đòi tự
do bầu cử nhưng bị cảnh sát giải tán. Họ cũng chiếu những phát biểu của sinh
viên, học sinh Hồng Kông về lý do tại sao phải biểu tình đòi bầu cử tự do. Nhưng
với tất cả các nỗ lực đáng khen ngợi đó, số dân chúng đi bầu Hạ viện Quốc hội
Nhật lần này vẫn chỉ ở mức 52,2% số người đủ điều kiện cử tri, ít hơn lần trước
(2012) gần 7%.
Trong cuộc bầu cử lần này hai đảng cầm quyền Tự do Dân chủ
và Công Minh xoáy vào đề tài đẩy mạnh kế sách của Thủ tướng Abe (Abenomics) để
phát triển kinh tế Nhật.
Trong khi đó, phần đông các đảng đối lập kêu gọi người
dân đừng để cho chính quyền liên hiệp tăng thêm thế lực ở Hạ viện vì nó dễ đưa
đến việc ‘’lấy thịt đè người’’ để thông qua các dự luật mà không cần phải tranh
luận kỹ càng, và như thế rất nguy hiểm. Riêng đảng Xã hội và Cộng sản phản đối
mạnh việc tăng thuế tiêu thụ.
Cuộc bầu cử năm nay ảnh hưởng nhiều đến các nhà hàng. Ngày
xưa, Nhật ăn Tết theo Âm lịch như hầu hết các nước Á Châu khác, nhưng từ thời
Minh Trị Thiên Hoàng, nghĩa là cách đây hơn 200 năm, nước này đã đổi sang ăn tết
Dưong lịch mà thôi. Vì vậy, tháng 12 là tháng rất bận rộn chuẩn bị ăn tết của
người dân Nhật. Từ thượng tuần tháng 12 hàng năm các nhà hàng, tiệm nhậu, khách
sạn, lữ quán… đã được các hãng xưởng, công sở, hội đoàn đặt chổ trước để tổ chức
các buổi ăn tất niên (Bonenkai). Nhưng với cuộc bầu cử bất ngờ vào tháng 12 năm
nay, nhiều công sở đã phải gọi điện thoại hủy bỏ việc đặt chỗ vì quá bận chuẩn bị
gấp rút cho chuyện bầu cử Quốc hội. Các hội đoàn chính trị, các tổ chức ủng hộ
chính trị gia cũng phải bỏ việc tổ chức tiệc tùng để tránh bị hiểu lầm là đang mua
chuộc cử tri. Theo các nhà kinh doanh thì năm nay số khách tổ chức tiệc tất niên
giảm đến 30% so với bình thường.
Hiển nhiên hiệp hội nhà hàng, khách sạn lớn tiếng than vãn
công khai trên báo chí rằng các chính trị gia chẳng quan tâm gì đến chuyện làm
ăn của người dân. Dân có buôn bán được thì chính phủ mới có đủ thuế mà tiến hành
các kế hoạch. Nếu nguồn thuế kém thì "cả 3 mũi tên của chính sách
Abenomics đều gẫy hết". Một cách cụ thể, họ thỉnh cầu các thủ tướng từ nay
trở đi đừng giải tán Quốc hội để tổ chức bầu cử vào tháng 12 mỗi năm. Đây là tháng
mà họ gọi là bận "Shiwasu", dịch nguyên văn ra tiếng Việt là bận
"thầy chạy" luôn (hay tiếng Hán là bận "sư tẩu").
Kết quả thăm dò trước ngày bầu cử khá chính xác khi so với
kết quả thực sự trong ngày bầu cử. Giới truyền thông đều đoán liên hiệp 2 đảng đang
cầm quyền thắng lớn vì chiếm trên 2/3 số ghế Hạ Viện. Nhưng một số nhà phân tích
hỏi ngược lại: thế nào gọi là thắng lớn khi mà đảng Công Minh thắng thêm được chỉ
có 4 ghế, còn đảng Tự do Dân chủ của Thủ tướng Abe lại mất bớt 3 ghế. Do đó phải
nói kỳ bầu cử trước mới là thắng lớn, còn kỳ này chỉ có thể coi như may mắn giữ
được nguyên trạng và hơi sứt mẻ một chút.
Trong khi đó, đảng đối lập hàng đầu là đảng Dân Chủ tăng
thêm 11 ghế nhưng vẫn bị cho là thua vì tổng số ghế sau cùng vẫn kém xa liên
minh cầm quyền. Các Bình luận gia cho rằng Thủ tướng Abe đã khéo chọn thời điểm
tuyên bố giải tán Quốc hội để bầu cử lại khi các đảng đối lập còn đang loay
hoay điều chỉnh nội bộ và chưa có kế hoạch hành động tổng thể như Abenomics. Lần
bầu cử kế tiếp sớm nhất cũng phải đến tháng 9/2015 mới xảy ra.
Tưởng cần
nhắc lại, vào tháng 4/2014, sau khi tăng thuế tiêu thụ từ 5% lên 8%, chỉ số GDP của Nhật trong hai quý liên tiếp
bị sụt xuống số âm vì người dân Nhật lại trở về trạng thái dè dặt, không dám mua sắm nhiều. Hậu quả là hàng hóa bán không
được khiến các hãng xưởng lại
giảm bớt việc thuê mướn, và người dân bị thất nghiệp lại càng không dám tiêu xài.
May thay, nhờ hối suất so với đồng mỹ kim cao nên đồng yen rẻ và các đại xí nghiệp như Toyota, Honda, Mitsubishi…có
lời nhiều hơn mới bù đắp cho
các mặt tiêu cực khác. Ngoài ra còn có thêm chuyện hai nữ Bộ trưởng trong nội
các Abe phải từ chức vì không rõ ràng trong việc chi thu tiền bạc do cử tri ủng
hộ và vi phạm luật bầu cử.
Điều đáng
chú ý sau cùng là trong lúc người dân Nhật bình thường đón nhận kết quả
cuộc bầu cử thì kẻ tỏ ra rầu rĩ lại nằm ở Bắc Kinh. Nhà nước Cộng sản Trung quốc, qua Tân Hoa Xã, đã than thở giùm cho dân Nhật bằng loại từ
ngữ của thời nặng giáo điều rằng: "Thế là người dân Nhật bị chính quyền cực hữu
cai trị thêm một thời gian nữa. Việc cải thiện quan hệ ngoại giao giữa hai nước
còn trở ngại khi mà người lãnh đạo Nhật vẫn là nhân vật hữu khuynh."
Ngô Quảng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét