Biểu tượng khu nghĩ dưỡng trên núi Bà Nà do tập đoàn Sun Group xây
dựng.
Năm 1900, người Pháp phát hiện ra Bà Nà Núi Chúa nằm ở phía Tây Đà Nẵng. Đây
là dãy núi có khí hậu rất đặc biệt, có thể nói là bốn mùa đi qua trong ngày,
buổi sáng mùa Xuân, buổi trưa mùa Hạ, buổi chiều mùa Thu và buổi tối se sắt mùa
Đông. Hai mươi lăm năm sau đó, 1925, Toàn Quyền Đông Dương cấp 36 bằng khoán cho
36 nhà đầu tư để họ lên đây xây dựng khu nghỉ dưỡng sinh thái.
Khu này hoạt động được đúng hai mươi năm, đến năm 1945 thì ngưng hoạt động và
bị bỏ hoang. Mãi cho đến năm 1998, nhà cầm quyền Đà Nẵng bắt tay khai thác du
lịch Bà Nà. Con đường nhựa dài 15km từ chân lên đỉnh núi được phục hồi, nhiều
người đã đến đây tham quan, nghỉ mát, an dưỡng. Nhưng không bao lâu sau đó, Bà
Nà trở thành nỗi bức xúc của người dân Đà Nẵng. Hiện tại, người dân Đà Nẵng cho
rằng nhà cầm quyền đã bán đứng Bà Nà, không những thế, họ đã bội ước với nhân
dân và họ đã thực hiện sai tinh thần Hiến Pháp Việt Nam.
Bội ước với nhân dân và phạm pháp
Một người tên Tiễn, sống tại quận Hải Châu, Đà Nẵng, chia sẻ nhận xét của ông
trước việc Sun Group cấm dân Đà Nẵng đi thăm Bà Nà miễn phí: “Cái đường 602
lên Bà Nà đó, Sun Group giờ nó cấm không cho đi nữa, đại loại là Bà Nà bị bán
rồi, cả đường rừng luôn. Nói chung là trước đây có một con đường riêng lên Bà Nà
nhưng giờ Sun Group cấm luôn, không cho người dân đi nữa, người dân Đà Nẵng đang
kiện vụ này. Quá đáng quá, nó bảo là Sun Group đầu tư nhiều quá nên giờ nó giao
hết cho Sun Group để lấy lại vốn, nó giao hết luôn, cả rừng luôn. Nói chung như
vậy là sai phạm tài nguyên môi trường. Tài nguyên môi trường là của mọi người
dân, anh đầu tư làm đẹp nhưng điều đó không có nghĩa là anh có quyền cấm con
đường đi lên đó, rồi toàn bộ đất, rừng phòng hộ anh lấy hết rồi anh lấp con
đường luôn. Người dân có quyền hưởng thụ chứ anh không có quyền bán đứt vùng đất
đó, như vậy là anh vi phạm quyền công dân.”
Theo ông Tiễn, việc nhà cầm quyền thành phố Đà Nẵng giao Bà Nà Núi Chúa cho
tập đoàn Sun Group là một việc làm hoàn toàn trái luật. Bởi điều 53, 54 Hiến
pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bổ sung và ban hành năm 2013 đã qui
định rõ đất đai là tài sản của toàn dân, do nhà nước đại diện sở hữu và thống
nhất quản lý. Điều này cũng đồng nghĩa với Bà Nà Núi Chúa là tài sản của toàn
dân Đà Nẵng nói riêng và của nhân dân cả nước nói chung. Nhà nước muốn giao đất
cho ai sử dụng phải có sự đồng ý của nhân dân và ít nhất là phải thông qua Hội
đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp thành phố, sau đó thông qua Quốc hội. Trong trường
hợp nhạy cảm thì phải trưng cầu ý kiến của nhân dân.
Nhưng ở đây, việc nhà cầm quyền Đà Nẵng giao Bà Nà Núi Chúa cho Sun Group là
một việc làm mờ ám, không thông qua nhân dân. Nếu như bây giờ nhà cầm quyền
trưng ra những biên bản chứng mình rằng đã thông qua Hội đồng nhân dân thành phố
và Quốc hội thì đây là những văn bản hoàn toàn sai trái bởi Bà Nà Núi Chúa ngoài
ý nghĩa là một điểm du lịch, đây còn là điểm trọng yếu về chiến lược quân sự, có
vị thế chiến lược quan trọng không kém Hải Vân Quan. Nếu giao cho bất kì ai,
nhất thiết phải thông qua ý kiến nhân dân bằng cách công khai trưng cầu dân ý.
Nhưng điều này hoàn toàn không có ở Đà Nẵng.
Vấn đề giao đất rừng, giao những điểm chiến lược trọng yếu cho tư nhân và tập
đoàn xây dựng đã trở thành vấn đề nhức nhối tại Đà Nẵng, đến khi nhân dân phát
hiện và lên tiếng phản đối thì đã quá muộn. Ví dụ như trường hợp giao đất đèo
Hải Vân cho một cựu giám đốc công an tỉnh xây biệt thự và giao một phần khác
trên đèo Hải Vân cho một gia đình tài phiệt có gốc gác cán bộ nhà nước xây dựng
là hoàn toàn im hơi lặng tiếng, nhà cầm quyền tự tung tự tác, chưa bao giờ trưng
cầu ý kiến của nhân dân.
Vấn đề giao Bà Nà Núi Chúa cho Sun Group cũng giống y hệt trường hợp giao đất
trên đèo Hải Vân, nhân dân không hề hay biết. Mãi cho đến khi tập đoàn Sun Goup
cấm cửa nhân dân lên thăm Bà Nà...thì nhân dân mới té ngửa, nhận ra Bà Nà Núi
Chúa đã bị bán đứng
Và đến khi nhân dân phát hiện, lên tiếng thì mọi việc xem như đã rồi. Mãi cho
đến gần nửa năm sau, nhân dân phản ứng quá gắt gao thông qua báo chí, nhà cầm
quyền mới tạm đình chỉ thi công các công trình trên đèo Hải Vân chứ chưa hẳn đã
thu hồi.
Hiện tại, vấn đề giao Bà Nà Núi Chúa cho Sun Group cũng giống y hệt trường
hợp giao đất trên đèo Hải Vân, nhân dân không hề hay biết. Mãi cho đến khi tập
đoàn Sun Goup cấm cửa nhân dân lên thăm Bà Nà miễn phí, bắt buộc nếu là dân Đà
Nẵng thì phải mua vé cáp treo với giá 350 ngàn đồng trên một người để lên đến
đỉnh núi và quay về, 500 ngàn đồng trên một người không phải là dân Đà Nẵng cho
việc đi cáp treo lên thăm đỉnh Bà Nà và quay về thì nhân dân mới té ngửa, nhận
ra Bà Nà Núi Chúa đã bị bán đứng.
Đi chùa cũng phải mua vé
Một người Đà Nẵng khác tên Huyền, bức xúc chia sẻ: “Nói chung là trước đây
không có cáp treo, mình đi xe lên được. Giờ thì nghe nó kêu là cấm đường, nó
thao túng quá mà. Họ cố tình bảo nguy hiểm gì gì đó để ép mọi người đi bằng cáp
treo. Chuyện này nhiều người thấy, nhiều người biết.”
Theo bà Huyền, việc cấm người dân đi lên Bà Nà bằng đường bộ và viện dẫn lý
do cấm là đường đang vận chuyển vật liệu xây dựng, đi lên quá nguy hiểm là một
việc hết sức vô lý. Bởi con đường này đã có từ lâu, nó được xây dựng để phục vụ
dân sinh chứ không phải để phục vụ vận chuyển vật liệu xây dựng cho các tập đoàn
kinh tế. Các tập đoàn xây dựng được cáp treo thì phải dùng cáp treo để vận
chuyển vật liệu xây dựng nhằm đảm bảo con đường không bị hư hại. Bởi con đường
này ngoài yếu tố đi lại, nó còn mang ý nghĩa lịch sử, mang giá trị văn hóa. Nếu
để xe tải chở xi măng, cát sạn, sắt thép nghiến nát con đường thì chẳng khác nào
đang phá nát văn hóa và lịch sử của Đà Nẵng.
Có một chuyện hết sức vô lý là chùa Linh Ứng trên Bà Nà Núi Chúa đã được các
Phật Tử Đà Nẵng (trong đó có cả gia đình ông Nguyễn Bá Thanh) góp tiền xây dựng
từ rất lâu, trước khi tập đoàn Sun Group có mặt tại Đà Nẵng. Và đây là một điểm
sinh hoạt tâm linh của nhân dân. Không hiểu sao Sun Group lại cấm nhân dân lên
thăm chùa, bất kỳ ai muốn thăm chùa đều phải mua vé. Tuy rằng tập đoàn Sun Group
có bỏ tiền ra tôn tạo chùa nhưng điều đó không thể đồng nghĩa với việc cướp cạn
một công trình tâm linh của nhân dân!
Và hơn hết, hành vi mờ ám giữa nhà cầm quyền Đà Nẵng với tập đoàn Sun Group
chỉ cho thấy không riêng gì Sun Group chơi trò buôn thần bán thánh mà ngay cả
nhà cầm quyền địa phương cũng đồng lõa trong cuộc chơi này. Là một Phật tử, bà
Huyền hết sức bức xúc vì chuyện tréo ngoe như thế.
Bà Huyền cho biết thêm quan điểm của bà là bà không bao giờ chấp nhận kiểu
làm việc vừa cẩu thả lại vừa coi thường nhân dân của nhà cầm quyền địa phương.
Phi vụ Sun Group – nhà cầm quyền thành phố Đà Nẵng với Bà Nà Núi Chúa là một phi
vụ qua mặt nhân dân và coi thường nhân dân.
Và hơn hết, một giả thiết được đặt ra: Nếu một ngày nào đó, Sun Group bắt tay
làm ăn với một doanh nhân Trung Quốc và doanh nhân này mua trên 50% cổ phần của
Sun Group, nghiễm nhiên trở thành ông chủ mới của Sun Group thì chuyện gì sẽ xãy
ra? Nhà cầm quyền Đà Nẵng có nghĩ đến chuyện này hay chưa? Vì hiện tại, người
Trung Quốc đã có mặt khắp bờ biển Đà Nẵng, họ đã xây nhà, xây biệt thự và xây
sòng bạc ở đây nhiều vô kể. Liệu nhân dân còn nói được gì khi Sun Group vào tay
Trung Quốc?!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét