Ads 468x60px

Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2015

Kẹo cu đơ và nước mơ lông

Một dãy kẹo cu đơ bên quốc lộ 1A đoạn đi qua Hà Tĩnh.
(Hình: Liêu Thái/Người Việt)
Liêu Thái
Ai đã đến xứ Bắc miền Trung và phía Nam miền Bắc như Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, chắc khó mà quên vị cu đơ và mơ lông. Đây cũng là đặc sản của vùng đất này.
Dọc quốc lộ 1A, đoạn đi qua các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa và Ninh Bình, đi đâu cũng có thể gặp các quán bán kẹo cu đơ, bán trái mơ lông tươi hoặc nước mơ lông lên men. Hai món này như một thức quà quê của người bán hàng rong xứ nghèo chiêu đãi, chào hàng khách thập phương.
Kẹo cu đơ
Nói về cu đơ, người ta nói về những lao động nghèo, bữa ăn thiếu thốn, phải chật vật dầm mưa dãi nắng. Kẹo cu đơ như một thứ năng lượng bổ sung, giúp cơ thể đỡ nhức mỏi, khỏi thiếu hụt năng lượng. Thường thì người lao động từ ông phu xe cho đến bà đi chợ, bà buôn rau cải, người nông dân ngoài đồng... đều lận theo một chiếc bao nilon nhỏ có chứa mấy miếng cu đơ để khi nào mệt, đói bụng, lại mở gói, lấy ra cắn một miếng rồi lại cẩn thận gói lại, bỏ túi.
Cái thú vui nhấm nháp miếng kẹo cu đơ, sau đó cất miếng còn lại như một gia tài nhỏ bảo vệ và duy dưỡng sức khỏe đã giúp người lao động nghèo vượt qua cơn mệt nhọc, vượt qua thời tiết khắc nghiệt mà trụ lại với ruộng đồng, cuộc sống.
Có một điểm rất chung của miền Trung nắng gió là hầu hết các món đặc sản đều liên quan đến mía đường, nếu như ở Quảng Ngãi có kẹo mạch nha làm bằng đường non, nếp cốm, Quảng Nam-Đà Nẵng có kẹo đậu phộng làm bằng bánh tráng, đường thắng già, đậu phộng rang, Huế có kẹo mè xửng làm bằng đường non và nếp cốm bột, đậu phộng rang, mè... thì Bắc miền Trung và phía Nam miền Bắc có kẹo cu đơ làm bằng đường non, bánh tráng sắn dát mỏng và đậu phộng, mè.
Trên một nghĩa nào đó, kẹo cu đơ Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa và Ninh Bình kết hợp được công thức và hương vị của cả ba loại kẹo của đầu phía nam và trung miền Trung. Kẹo cu đơ có hương vị thơm dịu của nếp cốm, có vị dẻo của kẹo mè xửng Huế, có vị hơi hăng hăng đường non của mạch nha Quảng Ngãi lại có vị thơm ấm, bùi ngọt của kẹo đậu phộng Quảng Nam-Đà Nẵng.
Không biết khi làm kẹo cu đơ, người thợ có nghĩ đến việc kết hợp yếu tố mùi vị và chất liệu hay không. Nhưng có một điểm chung nữa, khá hấp dẫn, đó là giá kẹo cu đơ khá rẻ, nó phù hợp với người nghèo. Những người đồng bào thiểu số từ trên rẻo cao Trường Sơn xuống thăm phố, với số tiền trong túi ít ỏi, mua một món quà phố về cho con cháu, thì còn món gì khác ngoài kẹo cu đơ vừa ngon, vừa rẻ mà lại hợp với cái bụng hay thiếu ăn? Kẹo cu đơ từ xưa cho đến giờ vẫn luôn là bạn thiết của người nghèo, người có thu nhập thấp. Mua về chốn núi rừng, cu đơ lại hội ngộ với mơ lông.
Trái Mơ Lông hay còn gọi là đào tiên hoặc đào lông.
(Hình: Liêu Thái/Người Việt)
Nước mơ lông
Mỗi vùng miền đều có một câu ca dao nào đó để nói về món ăn đặc trưng xứ mình. Ví dụ như Quảng Nam có câu: “Ai về nhắn với bạn nguồn, mít non em gởi xuống cá chuồn anh gởi lên.” Nếu chỉ đọc qua cái vỏ ngôn ngữ thì câu ca dao đơn giản nói về món ăn khế hợp giữa biển với rừng, đặc sản của người bình dân. Mít non thì trên rừng nơi nào mà chẳng có, cá chuồn thì đến mùa, dong buồm ra khơi, chỉ cần gõ nhẹ mạn thuyền, nó bay thành từng đàn đậu lên mui thuyền, chỉ cần dang tay lùa vào thùng...
Nhưng ngẫm kĩ, dường như ông bà mình rất thâm thúy, yếu tố âm dương, ngũ hành cũng hàm ẩn trong câu ca dao. Mít non thì của “em” trên núi gửi xuống, mà cá chuồn thì của “anh” dưới biển gởi lên. Vô hình trung, yếu tố âm dương hội tụ trong trái mít non của em và con cá chuồn của anh. Tính hài hòa về giới tính, ngẫu tượng sắc dục được gửi gắm khéo léo trong câu ca dao nói về món ăn. Và đương nhiên, không riêng gì thức ăn mà bất cứ thứ gì xuất hiện trong cuộc đời, trong thế giới loài người này, nó sẽ chẳng còn hấp dẫn, chẳng còn ý vị nếu không hàm chứa yếu tố sắc dục bên trong.
Kẹo cu đơ cũng vậy, người Hà Tĩnh có câu: “Cu đơ anh để bao giờ, gặp em xứ núi bất ngờ mơ lông.” Cu đơ là kẹo của đồng bằng, vốn kết hợp với nước chè xanh. Nhưng khi nhai kẹo cu đơ, uống nước mơ lông thì chỉ còn nghe đất trời thấm vào từng chân tơ kẽ tóc, một bên ngọt lịm, ngọt đến ê lưỡi, một bên mát dịu, hơi chua, khai khái hương vị núi rừng và mát lạnh. Hai vị này hòa quyện vào nhau, tạo cảm giác sảng khoái, lâng lâng khó tả.
Nói về nước mơ lông (tức trái đào tiên, còn gọi là đào lông ngâm với đường, để lâu ngày lên men say như rượu, pha với nước đá để uống, người miền núi phía Đông Trường Sơn gọi là nước mơ lông), vị ngọt pha chút men của trái cây thành rượu cộng với một ít nước đá làm lạnh của loại nước này, nếu chỉ uống đơn thuần giải khát thì không mấy hấp dẫn. Nhưng nếu uống kết hợp với kẹo cu đơ thì miễn bàn về độ ngon.
Và cũng không biết tự bao giờ, người sành ăn xứ Thanh Nghệ Hà thường kết hợp thuốc lào, nước mơ lông, chè xanh và kẹo cu đơ. Người có ít tiền thì nhâm nhi kẹo cu đơ với nước chè xanh, làm một ngao thuốc lào, người có nhiều tiền một chút thì ăn kẹo cu đơ, nhâm nhi nước mơ lông. Nhưng có nhiều cho lắm thì cũng không tới mười ngàn đồng (tương đương $.0.5) cho mỗi lần “ăn chơi.”
Bởi cả hai món này đều là sản phẩm sáng tạo của giới lao động nghèo và nó được tạo tác để phục vụ cho giới lao động nghèo. Nhưng nó cũng có niềm kiêu hãnh của nó, giới có tiền cũng không thể chê rằng nó không ngon được. Có thể là nó quá ngọt hoặc quá chua nhưng không ai dám chê ăn cu đơ uống mơ lông là dở cả. Nhưng nói cho cùng thì dẫu sao hai món này vẫn hợp với người nghèo, người có ít tiền.
Cu đơ và mơ lông như một ân sủng dành riêng cho giới lao động nghèo, ở đó, mọi mệt mỏi, đói kém, thiếu thốn sẽ được bù đắp bởi vị ngọt đậm, được giải tỏa bởi vị chua chua mát lạnh và bay vèo đi sau một ngao thuốc lào, mọi sự lại đâu vào đấy, cuộc đời vẫn cứ tươi đẹp, đáng yêu. Như cặp lục bát tự sáng tác của chị Hoa, chủ một tiệm cu đơ-mơ lông nổi tiếng ở Hà Tĩnh: “Cu đơ quyện với mơ lông, chua chua ngọt ngọt vợ chồng thêm thương!”
Liêu Thái/Người Việt

0 nhận xét:

Đăng nhận xét