Phạm Chí Dũng
“Trả lời phỏng vấn các đài RFA, VOA, BBC... là trả lời giặc”
Dù không khí “mở
miệng” trong nước có đỡ bị bóp nghẹt so với những năm trước, trong vài
năm gần đây đài RFA vẫn chỉ tiếp cận được những quan chức phần nào đại
diện cho lực lượng vũ trang nhưng đã nghỉ hưu như Thiếu Tướng Lê Văn
Cương - nguyên viện trưởng Viện Nghiên Cứu Chiến Lược, Bộ Công An, và
Thiếu Tướng Lê Mã Lương - nguyên giám đốc Bảo Tàng Quân Sự Việt Nam.
Nhưng chỉ ba tuần sau Đại Hội 12 của đảng cầm quyền, một quan chức
cao cấp còn đang làm việc của đảng là Vũ Ngọc Hoàng, phó trưởng Ban
Tuyên Giáo Trung Ương, đã toát lộ một biểu cảm chưa từng có tiền lệ: Trả
lời phỏng vấn đài RFA.
Một tín hiệu mới? Dù gì chăng nữa, cuộc trả lời phỏng vấn trên vẫn là một hiện tượng “chuyển hóa tư tưởng” rất đáng phân tích.
Từ nhiều năm qua, trong số các đài Việt ngữ quốc tế, RFA luôn bị bị
xem là “đài địch” đầu bảng. Không hiếm việc những tờ báo đảng sắt son
nhất với sự nghiệp “bảo vệ thành quả cách mạng” như Nhân Dân, Quân Đội
Nhân Dân, Công An Nhân Dân... đã nhiều lần lôi tên RFA như một kẻ tử thù
và mạt sát không thương tiếc.
Trong một lần bắt giữ trái phép rồi hỏi cung nhà báo độc lập Phạm Chí
Dũng vào giữa năm 2015, cơ quan an ninh điều tra - công an ở Sài Gòn -
còn khẳng khái tuyên bố: “Trả lời phỏng vấn các đài RFA, VOA, BBC... là
trả lời giặc.”
Nhưng không những trả lời “giặc,” dường như Phó Trưởng Ban Tuyên Giáo
Trung Ương Vũ Ngọc Hoàng còn không né tránh những câu hỏi nhạy cảm của
RFA.
Khi được hỏi, “Đảng đã đề cập rất nhiều đến chuyện kiểm soát quyền
lực, một bộ trưởng đề cập thẳng ở đại hội chuyện độc lập giữa ba nhánh
chính của nhà nước. Vậy cụ thể sẽ có gì mới trong việc kiểm soát quyền
lực sắp tới?”, ông Vũ Ngọc Hoàng trả lời: “Kiểm soát quyền lực là việc
nhất thiết phải làm. Đại hội 12 vừa rồi đã khẳng định như vậy. Trong đó,
theo tôi nghĩ, cần thiết và quan trong hàng đầu là việc phân quyền giữa
ba nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp cho hợp lý nhằm bảo đảm độc lập
tương đối và thực hiện kiểm soát quyền lực lẫn nhau để hạn chế tối đa
các sai sót hoặc sớm phát hiện và sớm điều chỉnh khi có sai, bảo đảm sử
dụng quyền lực đúng quyền hạn và đúng mục đích, không lạm quyền, không
lộng quyền, không để tha hóa quyền lực.”
Cũng là lần đầu tiên, cụm từ “độc lập tương đối” được một quan chức
cao cấp của đảng phác tả về cơ chế kiểm soát quyền lực ba nhánh, tuy vẫn
chưa nói thẳng về tính “tam quyền phân lập” mà phương Tây đã áp dụng
hữu hiệu rất nhiều thế kỷ trước.
Điều gì đang xảy ra?
Những người sống trong nội bộ đều nằm lòng: Không một đảng viên nào
có quyền “qua mặt” đảng Cộng Sản. Không một bài viết hay cuộc trả lời
phỏng vấn cho báo đài nước ngoài nào mà không được báo cáo cho chi bộ và
cấp ủy theo các quy định khắc nghiệt bằng văn bản và cả quy định bất
thành văn nhưng ai cũng phải tự hiểu.
Không hiếm trường hợp những cán bộ A, B... bị thi hành kỷ luật chỉ vì
trả lời phỏng vấn của đài BBC Việt ngữ khá trung dung về quan điểm
chính trị, chưa nói đến một đài “chống cộng” như RFA.
Hẳn thời thế đang đổi khác và diễn biến khôn lường. Đời thay đổi khi
“chúng ta” - giới quan chức xu thời và kể cả những quan chức có tiếng
thủ cựu - buộc phải thay đổi. Cách tốt nhất để “hội nhập quốc tế” là hội
nhập truyền thông. Cách can đảm nhất để hội nhập truyền thông là bình
thường hóa quan hệ với các đài VOA, BBC, RFI, báo chí quốc tế và cả đài
RFA. Nếu cả Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng lẫn Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng
đều chẳng mệnh hệ gì sau khi trả lời phỏng vấn BBC thì mọi đảng viên đều
có quyền bình đẳng ngang nhau.
Tuyên giáo trung ương - cơ quan hàng đầu về tư tưởng của Việt Nam -
càng có trách nhiệm gương mẫu đi đầu. Chẳng gì thì trước và trong đại
hội 12, không phải bất kỳ tờ báo nhà nước nào mà những trang mạng xã hội
luôn bị coi là “địch” như Ba Sàm, Dân Luận, Tin Tức Hàng Ngày mới là
địa chỉ được “chọn” để công khai hóa về nhiều khuất tất tài sản và tham
nhũng trong nội bộ đảng.
Vũ Ngọc Hoàng = Nguyễn Phú Trọng?
Câu chuyện chuyển hóa tư tưởng ở Việt Nam ngày càng hấp dẫn.
Ngay trong thời gian diễn ra đại hội 12, ông Vũ Ngọc Hoàng đã trả lời
phỏng vấn báo Người Lao Động, mà theo báo này tường thuật thì ông Hoàng
“tỏ ý tin tưởng nếu quyết tâm, tích cực, chủ động thì có thể tiến tới
bầu trực tiếp tổng bí thư tại đại hội đảng.”
Trước câu hỏi của báo Người Lao Động “Ông có cho rằng thực hiện tranh
cử trong đảng sẽ giúp đánh giá, lựa chọn chính xác hơn những người giữ
trọng trách?”, ông Vũ Ngọc Hoàng bộc lộ: “Tôi nghĩ về lâu dài, công tác
bầu cử trong đảng nên có tranh cử để nhiều người lên trình bày phương án
của mình trước đông người, nói rõ dự định nếu trúng cử vào vị trí đó sẽ
làm gì... Sau đó, các ứng cử viên tranh luận với nhau một cách công
khai. Đó là một cơ chế tốt, tiến bộ, cần tích cực chuẩn bị nhằm sớm
triển khai.”
Có thể cho rằng, đây là lần rất hiếm hoi một tờ báo nhà nước dám vượt
qua rào cản tuyên giáo để đặt câu hỏi về vấn đề tranh cử trong đảng -
mà thực chất là “tranh cử kiểu phương Tây.” Nhưng là lần đầu tiên, một
quan chức có trách nhiệm và lại là lãnh đạo Ban Tuyên Giáo Trung Ương -
cơ quan nổi tiếng là xơ cứng và giáo điều - không phủ nhận tính cần
thiết của cơ chế tranh cử trong đảng, cho dù vẫn chưa hứa hẹn khi nào
đảng Cộng Sản sẽ thực thi cơ chế này.
Trước đại hội 12, ông Vũ Trọng Hoàng bất chợt nổi bật trên tạp chí
Cộng Sản như một cây viết chống trả và hạ bệ các nhóm lợi ích, những kẻ
tham vọng quyền lực. Nhiều dư luận cho rằng đích nhắm của ông Hoàng là
Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và nhóm “sân sau” gắn liền.
Được xem là cánh tay mặt của tổng bí thư, phát ngôn của Ban Tuyên
Giáo trung ương khá thường mang tính “định hướng” về những việc mà đảng
Cộng Sản có thể thực hiện trong tương lai, dù chưa biết tương lai ngắn
hạn, trung hạn hay dài hạn. Logic có thể hình dung là nếu não trạng của
ông Vũ Ngọc Hoàng có thể “chuyển” thì điều đó có nghĩa là tư duy của ông
Nguyễn Phú Trọng đã có hơi hướng thay đổi.
Nhưng thay đổi theo hướng nào?
Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa?
Trước và trong đại hội 12, một hiện tượng đáng chú ý khác là cụm
từ “xã hội chủ nghĩa” xuất hiện với tần số ít hơn hẳn các đại hội đảng
trước đây. Thay vào đó, dường như giới quan chức tuyên giáo đang gắn tư
tưởng Hồ Chí Minh chặt chẽ hơn với những gì đã diễn ra cách đây bảy chục
năm - nghĩa là Hiến Pháp năm 1946.
Cũng đang xuất hiện một luồng quan điểm trong đảng muốn đưa đảng Cộng
Sản trở về tên đảng Lao Động thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Cho tới
lúc này, hình như gần hết giới quan chức đương nhiệm và về hưu đều nhận
ra chủ nghĩa xã hội là một cuộc đuổi bắt bất tận của những cái bóng.
Những lãnh đạo trẻ tuổi như tân ủy viên bộ chính trị Võ Văn Thưởng
càng ít đá động tới chủ nghĩa xã hội, cho dù tốt nghiệp ngành Mác-Lê.
Vậy ẩn ý gì của Nguyễn Phú Trọng khi sắp xếp Võ Văn Thưởng vào vị trí trưởng ban tuyên giáo trung ương?
Mặc dù bị xem là người có quá ít kinh nghiệm về công tác tư tưởng,
đặc biệt trong việc chỉ đạo và quản lý trí thức và văn nghệ sĩ cây đa
cây đề và cả khụng khiệng ở Bắc Hà, Võ Văn Thưởng không bị xếp vào hàng
bảo thủ không nhìn qua sống mũi của mình.
Nếu Nguyễn Phú Trọng muốn mở ra một sự thay đổi về tư tưởng, dù là
nhỏ, Võ Văn Thưởng sẽ là một cành ô liu. Cấp dưới của ông Thưởng - phó
trưởng ban thường trực Vũ Ngọc Hoàng - tất nhiên là người có nhiều kinh
nghiệm hơn để đi những nước cờ mang tính mạo hiểm nhưng còn thể hiện đôi
chút bản lĩnh như việc trả lời phỏng vấn “đài địch” RFA mới đây.
Vài biểu hiện mang hơi hướng “thoát Trung” gần đây của Bộ Chính Trị
đảng, cùng chuyến công du Việt Nam Tháng Năm tới đây của tổng thống Mỹ,
sẽ khiến Tổng Bí Thư Trọng được nâng cao thể diện lần thứ ba liên tiếp,
sau Tháng Bảy, 2015 ở Washington và Tháng Giêng năm nay với “Tôi bất
ngờ” tại đại hội 12 của đảng cầm quyền.
Tôn tạo thể diện và tập trung quyền lực hơn bao giờ hết, Nguyễn Phú
Trọng đang có những điều kiện lớn để tự thay đổi và thay đổi, nếu ông
muốn thế.
“Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa” có thể là một trong những kịch bản đổi thay ấy.
Phạm Chí Dũng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét