Trực thăng bay trên tàu hải quân Mỹ trong một cuộc tập trận ở Vịnh Bengal.
(Ảnh tư liệu ngày 17 tháng 10, 2015).
Đề xuất của Mỹ, thiết lập liên minh chiến lược 4 bên, mang lại hy
vọng cho nhiều người Việt về việc các nước lớn “kẹp chặt” Bắc Kinh ở
vùng biển Đông.
Chỉ huy các lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương, Đô đốc Harry Harris, tuần
trước đã đề xuất tái phục hồi liên minh không chính thức gồm Nhật Bản,
Australia, Ấn Độ và Hoa Kỳ.
Không đề cập tới Trung Quốc, Đô đốc Harris nói rằng một số cường quốc
đang tìm cách “bắt nạt các quốc gia nhỏ hơn thông qua các hành động
chèn ép, đe dọa”, đồng thời cho rằng việc lập ra một nhóm hải quân giữa
các nước lớn trong khu vực là cách tốt nhất để ngăn chặn các hành động
“ỷ lớn hiếp đáp các nước nhỏ”.
Đề nghị của chỉ huy lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương đã nhận được sự ủng hộ của nhiều người sử dụng mạng ở Việt Nam.
Đô đốc Harry Harris phát biểu trước giới
truyền thông về cuộc tập trận hải quân
lớn nhất thế giới RIMPAC tại Trân
Châu Cảng ở Honolulu, Hawaii, tháng 6, 2014.
Đô đốc Harry Harris, tuần
trước đã đề xuất tái phục hồi liên minh không chính thức
gồm Nhật Bản,
Australia, Ấn Độ và Hoa Kỳ.
Trong ý kiến gửi cho VOA tiếng Việt, bạn đọc Võ Tấn Hùng viết: “Nếu
ra đời liên minh bảo vệ hòa bình ở biển Đông, Hoa Đông gồm 4 nước Mỹ,
Nhật, Ấn Độ, Úc, chắc Trung Quốc sẽ phải xem lại hành động hiếu chiến và
những phát ngôn không trung thực của mình”.
Thính giả này viết tiếp: “Trung Quốc là nước gây rối trật tự trị an trên
Biên đông, coi thường luật pháp quốc tế, không tôn trọng và không cần
đếm xỉa đến phản ứng của các nước, trong đó có Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ, Việt
Nam, Philipines và cộng đồng thế giới”.
Một số người thậm chí còn gọi 4 quốc gia trong liên minh này là “tứ
trụ” trên biển Đông. Đây là từ ám chỉ 4 chức danh lãnh đạo hàng đầu của
Việt Nam, là thuật ngữ xuất hiện dày đặc thời gian qua khi Việt Nam tổ
chức Đại hội Đảng lần thứ 12 với việc tái bầu ông Nguyễn Phú Trọng,
người bị báo chí phương Tây coi là thân Trung Quốc, tiếp tục làm tổng bí
thư.
Chuyên gia về quan hệ Việt – Trung Dương Danh Dy nhận định với VOA
Việt Ngữ rằng việc tái lập liên minh bốn bên là điều “tất nhiên” vì
chính sự “hung hăng của Trung Quốc ở biển Đông đã buộc các nước phải
cùng chung tay kiềm chế”. Ông Dy nói tiếp:
“Họ nhất trí với nhau trong việc đối phó với Trung Quốc thì họ sẽ
ngăn chặn, Trung Quốc không phải muốn làm gì cũng được nữa. Rõ ràng điều
đó, Trung Quốc phải tính toán, phải cân nhắc. Họ có phản ứng, họ có áp
lực với Trung Quốc, chứ không phải như những nước yếu như ta, một nước
nhỏ như ta, muốn làm gì thì làm nữa.”
Trong khi đó, Trung Quốc luôn khẳng định “chủ quyền không thể tranh
cãi” đối với Trường Sa và Hoàng Sa đồng thời cấp tập xây đảo nhân tạo
cũng như cho ngư dân ra đánh bắt ở biển Đông để xác lập chủ quyền.
Các nhà quan sát cho rằng việc nỗ lực khôi phục một liên kết hải quân
đã bị Trung Quốc phản đối một thập kỷ trước nhằm mục đích cân bằng lại
với các hành động mở rộng lãnh hải của Bắc Kinh, và rằng chính quyền của
Chủ tịch Tập Cận Bình lần này “sẽ không để yên”.
Tàu sân bay USS George Washington của Mỹ
(hàng thứ hai) và tàu khu trục chở trực thăng JS Hyuga (DDH 182) của Lực
lượng phòng vệ Nhật Bản cùng các tàu khác của Mỹ và Nhật trong cuộc tập
trận ở biển Hoa Đông, tháng 11/2012.
Trong khi đó, Tướng Lori Robinson, chỉ huy Không lực Mỹ ở Thái Bình
Dương, hôm nay mới tuyên bố rằng không quân Hoa Kỳ sẽ tiếp tục các
chuyến bay hàng ngày trên vùng trời biển Đông, bất chấp việc Trung Quốc
đưa các tên lửa đất đối không và chiến đấu cơ tới Hoàng Sa và Trường Sa.
Phát biểu tại thủ đô Canberra của Australia, bà Robinson cũng thúc
giục các quốc gia khác thực thi quyền được bay qua và đi ngang quang các
vùng lãnh hải và không phận quốc tế mà Trung Quốc tuyên bố nhận chủ
quyền ở biển Đông.
Tuy nhiên, vị chỉ huy này từ chối bình luận về phản ứng của Mỹ nếu một chiếc máy bay của Hoa Kỳ bị Trung Quốc bắn hạ.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị hôm nay cũng củng cố
quan điểm cứng rắn của Bắc Kinh đối với tuyên bố chủ quyền gần như toàn
bộ biển Đông với tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ không cho phép các quốc gia
khác vi phạm điều nước này coi là quyền chủ quyền ở vùng biển chiến
lược này.
Ông Vương nói thêm, ám chỉ Hoa Kỳ, rằng tuyên bố về tự do hàng hải
của một nước nào đó không trao cho nước này “quyền muốn làm gì thì làm”.
Chỉ huy Không lực Mỹ ở Thái Bình Dương thừa nhận “khả năng xảy ra
tính toán sai lầm” dẫn tới xung đột ở vùng biển đang ngày càng bị quân
sự hóa.
Nhưng bà nói rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận về cách
thức hành xử trên không phận quốc tế hồi tháng Chín năm ngoái, và sẽ
tiếp tục thảo luận chủ đề này trong năm nay.
Máy bay P8 Poseidon của hải quân Mỹ. Hoa Kỳ
vẫn khẳng định quyền tự do qua lại trên Biển Đông, và đã nhấn mạnh quyền
này bằng cách điều tàu vào và máy bay bay ngang qua các vùng biển mà
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Vị nữ chỉ huy này cũng nói thêm rằng các máy bay tầm xa của Nga cũng
tăng cường hoạt động ở Thái Bình Dương với các chuyến bay quanh Nhật Bản
và Guam.
Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy nói thêm rằng việc 4 nước trên liên kết
với nhau sẽ giúp một nước nhỏ nằm cạnh “anh bạn” láng giềng khổng lồ
Trung Quốc như Việt Nam sẽ ít nhiều “được hưởng lợi”. Ông Dy nói tiếp:
“Thứ nhất, anh Trung Quốc không thể coi thường khi các nước lớn này
đồng tình với Việt Nam, đồng tình về vấn đề biển Đông, dám phản đối hành
động bá quyền của Trung Quốc ở biển Đông. Thứ hai nữa, hành động đó có
lợi cho Việt Nam trong thế chống đỡ với Trung Quốc. Nếu một mình Việt
Nam thì chúng ta ở thế rất yếu, nhưng mà có thêm các nước lớn đồng tình
vào nữa, nhất là có thêm Mỹ, thì Trung Quốc không phải muốn làm gì Việt
Nam thì cũng làm được đâu”.
Trong bài bình luận mới nhất đăng tải hôm qua, tờ Hoàn cầu Thời báo
của Trung Quốc một lần nữa lại lên án sự can dự của Mỹ ở biển Đông.
Tờ báo có tư tưởng dân tộc cực đoan này đổ lỗi cho Washington gây ra tình trạng căng thẳng hiện nay ở vùng biển tranh chấp.
Ấn phẩm của Nhân dân Nhật báo viết: “Hoa Kỳ tuyên bố rằng nước này
không đứng về phía nào trong vấn đề tranh chấp lãnh hải, nhưng lại đi
diễn tập quân sự chung với Nhật Bản và Australia, cũng như hỗ trợ
Philippines và Việt Nam dưới vỏ bọc của việc bảo vệ tự do hàng hải.
Tờ báo này cũng cho rằng “can thiệp vào biển Đông là sự chuyển hướng lớn trong sách lược của Nhật Bản đối với Trung Quốc”.
Bài bình luận xuất hiện đúng ngày các hãng tin đưa rằng hai chiến hạm
của Nhật Bản sẽ cập bến vùng vịnh Cam Ranh chiến lược của Việt Nam sau
khi tháp tùng một tàu ngầm tới Philippines.
Ngay lập tức, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã lên
tiếng nói rằng “quan hệ hợp tác giữa các nước liên quan “nên có ích cho
hòa bình và ổn định của khu vực, không nhắm mục tiêu vào một bên thứ ba
và không đe dọa tới chủ quyền và quyền lợi an ninh của các nước khác”.
Theo VOA Tiếng Việt
0 nhận xét:
Đăng nhận xét