Thú thiệt được “nhồi bông” bán trên vỉa hè Sài Gòn. (Hình: Văn Lang/Người Việt) |
Văn Lang/Người Việt
Sài
Gòn có thể nói là một thành phố kỳ lạ, bởi vì nhiều thứ “danh chính
ngôn thuận” thì không có, vì bị cấm ngặt. Nhưng ngược lại, vỉa hè Sài
Gòn lại cung cấp hầu hết mọi thứ, từ thượng vàng cho tới hạ cám.
Một cây bút trẻ ở hải ngoại, sau khi về Sài Gòn đi “ta bà” với giang
hồ vỉa hè Sài Gòn đã phải thốt lên: “Sài Gòn có những mạch sống ngầm rất
mạnh, vỉa hè Sài Gòn là một nơi nuôi dưỡng 'suối nguồn' ấy.”
Trong bài viết
này, chúng tôi không có tham vọng viết “tiểu thuyết” về vỉa hè Sài Gòn,
mà đơn giản chúng tôi chỉ kể những câu chuyện “bề nổi” của vỉa hè Sài
Gòn, để cung cấp cho quý độc giả một cái nhìn “thoáng qua” về đời sống
bên lề của Sài Gòn.
Nếu bạn đang dạo bước thong dong trên hè phố, bỗng nghe la: “Công
an!”... “Ðô thị! Ðô thị!” Rồi thấy dọc vỉa hè xôn xao, người ta đua nhau
“di tản” mất hút nhanh chóng trong những con hẻm. Ðể chỉ một phút sau
khi xe trật tự chạy qua, hè phố lại buôn bán đông vui, tấp nập như chưa
hề có chuyện gì xảy ra, thì biết ngay đấy là vỉa hè Sài Gòn.
Nhiều khi đang đi trên đường, bạn không thể không tò mò dừng lại vì
thấy một đám đông đang xúm xít, vòng trong vòng ngoài quanh một “khoảnh”
trống trên vỉa hè Sài Gòn. Chen lấn vô coi, thì ra là một “xới bạc” lộ
thiên với bầu cua, cá cọp, hay bài cào ba lá... Cũng có khi là một “xới
gà” với hai chú gà nòi, hoặc gà tre cực đẹp đang hăng máu “tung chưởng”
ngay trên hè phố Sài Gòn. Nhưng chỉ cần nghe la: “Công an!,” là đám đông
“bốc hơi” nhanh chóng trong vòng không quá 10 giây.
Vỉa hè Sài Gòn cũng có những màn “cụp lạc” không thua gì Las Vegas
bên Hoa Kỳ. Nếu như tình cờ bạn gặp một “gánh” Sơn Ðông mãi võ trên vỉa
hè Sài Gòn, thế là bạn sẽ được chứng kiến những màn “võ công đặc dị” như
đâm ngọn giáo vào yết hầu, dùng búa tạ đập tan một chồng gạch trên ngực
trần của người lực sĩ, rồi nuốt một xâu... dao lam, hay nhét một con
rắn lục xanh lè vô... lỗ mũi.
Chưa hết, chúng tôi từng chứng kiến, một chiếc bàn không dây, không
dợ gì hết, chỉ phủ một tấm vải mỏng đơn sơ bay xuống, bay lên chấp chới
trên hè phố Sài Gòn dưới sự điều khiển “thần sầu” của một tay ảo thuật
gia đường phố.
Người mãi võ, người ảo thuật gia biểu diễn cho đám đông trên hè phố
coi, họ sống nhờ bán thuốc “gia truyền,” hoặc bán sách dạy làm ảo thuật.
Nhưng đám đông coi và vui cười chứ không thấy ai mua thuốc hay mua
sách, dù vậy những người “nghệ sĩ hè phố” vẫn hăng say biểu diễn hết
mình, với nụ cười luôn nở trên môi.
Ðồ cổ, đồ cũ, cùng với “cuốc Mỹ” loại của nhà binh dùng trong chiến tranh Việt Nam, được bày bán trên vỉa hè. (Hình: Văn Lang/Người Việt) |
Thắc mắc là không hiểu những người “nghệ sĩ đường phố” kia sống bằng
cái gì? Một bác xe ôm lớn tuổi, cười ngất, trả lời tỉnh rụi: “Rồi họ
cũng sống được thôi!” Có lẽ, chỉ những ai đã từng thất thế, đã từng
nhiều năm lăn lộn kiếm sống trên vỉa hè Sài Gòn mới thấm thía, lãnh hội
được câu nói của bác xe ôm già.
Vỉa hè Sài Gòn còn
là nơi cung cấp hàng cực rẻ, chẳng những cho giới nghèo, bình dân mà
ngay cả “dân chơi gặp khó khăn” cũng rất hài lòng với hàng giá rẻ bán
đầy vỉa hè Sài Gòn. Cái áo sơ-mi cụt tay bán 20 ngàn một cái, áo thun ba
lỗ 10 ngàn đồng, quần short 15 ngàn đồng, hai đôi dép xốp 15 ngàn đồng
(mang một đôi, còn một đôi kẹp nách “sơ-cua.”) Dân chơi “choai choai”
miền Tây lên Sài Gòn trong lần đi “bụi” đầu tiên có thể “trút” bỏ bộ đồ
“hai lúa” bằng một bộ đồ “vía” ngay trên vỉa hè Sài Gòn mà tốn chưa tới
50 ngàn đồng.
Nhưng vỉa hè Sài Gòn không chỉ có hàng bình dân giá rẻ, mà còn là nơi
cung cấp hàng “lậu” hàng “xịn” hàng “bay” hàng “xách tay”... tóm lại
không chỉ có “hạ cám” mà còn có cả “thượng vàng.”
Trong một lần đi chơi khuya, ghé một quán cà-phê cóc ven đường, hỏi thăm thì được bà chủ quán mau mắn “tiếp thị” luôn:
“Ở đây cái gì cũng có, rượu ngoại, em út chân dài hàng tuyển, nếu mấy
anh cần, a-lô một cái ba phút sau hàng tới tha hồ mấy anh lựa, không
ưng ý có quyền đổi, có quyền trả!”
“Hàng trắng,” hàng “toy sex” cũng không phải là thứ hàng hiếm nơi vỉa
hè Sài Gòn. Chỉ cần biết khu vực, rảo xe qua một vòng là có người chạy
theo mời chào ngay.
Khu vực đường Lê Lợi lúc trước là nơi người ta chào bán hóa đơn đỏ,
bài sex, băng đĩa phim sex và một con hẻm trên đường này cũng là nơi môi
giới bán hàng toy sex nhập lậu. Từ cái loại bao cao su hình thù kỳ quái
phục vụ giới dân chơi, cho tới búp-bê tình dục nhập cảng nguyên con từ Ý
về đều có đủ. Nhưng sau vụ scandal phim sex của cô diễn viên H.T.L
“đóng cặp” với con trai của một tướng công an bị thị trường băng đĩa đen
phát tán mạnh thì khu vực đường Lê Lợi này bị truy quét mạnh, hiện chỉ
còn vài tay cò con hoạt động lén lút.
Giày “đại hạ giá” bán 50 ngàn đồng một đôi. (Hình: Văn Lang/Người Việt) |
Dịp Tết vừa qua,
khi đi tìm hiểu thị trường mai ngày Tết, một người bán mai trên vỉa hè
Sài Gòn, toàn loại mai nhỏ có giá từ 150 ngàn tới 300 ngàn đồng/1 cây.
Nhưng khi trò chuyện thì người bán nói thẳng luôn là bán ba cây mai này
lời chẳng bao nhiêu, nhưng nếu khách có nhu cầu anh ta sẽ dắt về dưới
quê giới thiệu những gốc mai thứ thiệt có giá từ 200 triệu cho tới 300
triệu đồng và bảo đảm là hàng “có nguồn gốc” chứ không phải là thứ mai
ghép, hoặc như thứ mai “làm giá” trên mạng Internet “hét” bạc tỉ mà
không rõ thực hư thế nào.
Cũng trên vỉa hè Sài Gòn, chúng tôi có tiếp xúc và trò chuyện với một
người bán thú nhồi bông (thú thiệt). Ðó là những con nai, con sóc, con
chồn có giá từ 200 ngàn đồng một con tới hai triệu đồng. Thấy chúng tôi
có ý chê mấy con thú nhồi bông này “quá nhỏ.”
Người bán bèn rút ngay ra cái Iphone 5 ra và bấm cho chúng tôi coi
những hình ảnh lưu trữ trong máy, rồi giới thiệu. Con nai mẹ (mẹ của mấy
con nhỏ bị bày bán trên vỉa hè) này cao hơn chiếc xe Honda đã nhồi bông
có giá là 20 triệu đồng, rồi thì đầu trâu rừng, gấu ngựa, cọp lớn, cọp
nhỏ có đủ bộ hết, tùy con mà có giá từ 20 triệu đồng cho tới 200 triệu
đồng. Nếu chúng tôi có nhu cầu thì lấy số điện thoại, khi cần “phone”
một cú là có người hướng dẫn đưa tới tận nơi xem hàng. Ðồng ý, đặt cọc,
hàng sẽ được vận chuyển về Sài Gòn giao tận nhà, lúc đó mới thanh toán
đầy đủ. Nếu môi giới cho người thân, bạn bè tới mua sẽ được hưởng từ 10
tới 15 phần trăm tiền huê hồng, tùy theo loại thú được mua...
Trên vỉa hè Sài Gòn người ta cũng có thể tình cờ, run rủi một cơ may
nào đó mà mua được một cuốn sách quý hay hoặc một món đồ cổ được bày bán
lẫn trong món đồ lạc-xoong của mấy bà buôn ve chai vỉa hè. Dĩ nhiên là
người mua phải có cặp “mắt xanh” tinh đời...
Sài Gòn là thế đó, thượng vàng hạ cám, những câu chuyện về vỉa hè Sài
Gòn cũng giống như một “trường thiên tiểu thuyết” viết mãi mà vẫn không
bao giờ cạn, vì như dòng sông chảy miên man dòng đời của Sài Gòn vẫn
không bao giờ chịu dừng lại.
Văn Lang/Người Việt
0 nhận xét:
Đăng nhận xét