Máy tính ngày xưa |
Châu Đình An
Chúng
ta đang sống trong một thời đại mới với những thay đổi đến từ kỹ thuật
nhanh chóng. Chỉ cần một đêm ngủ dậy, nếu theo dõi những chuyển biến
trong thế giới về phạm vi truyền thông, chúng ta sẽ không còn hồ nghi gì
nữa về những thành tựu ngày càng khởi sắc và đầy bất ngờ của một sự nối
kết con người với nhau.
Từ khi chiếc máy điện toán, có người gọi là vi tính xuất hiện không
biết chính xác từ bao giờ, vì chiếc máy tính và danh từ máy tính
“computer” đã bắt đầu có vào năm thật là xa lắc xa lơ. Đó là năm 1613,
do một người tạo ra dùng để tính toán cho chính xác.
Theo dòng thời gian, từ những năm 1942, và cho đến 1953 chiếc máy
điện toán dần được cải tiến bởi công ty IBM và hoàn toàn dùng trong lãnh
vực thương mại công sở và các cơ quan chính phủ.
Chiếc máy điện toán đầu tiên có bộ nhớ gọi là RAM cho MIT trình làng
vào năm 1955. Đến khi Intel nhập cuộc dòng điện toán giới thiệu bộ
Microprocessor vào năm 1971 thì máy tính đã có dấu hiệu khởi sắc. Thế
rồi máy điện toán cá nhân đầu tiên trình làng vào năm 1975 do ông Ed
Roberts giới thiệu mang tên Altair 8800. Dòng điện toán không dừng lại
mà tiếp tục đi tới và thay đổi với IBM khi họ giới thiệu máy tính xách
tay gọi là “laptop” IBM 5100 vào năm 1975, và máy này “nhẹ” lắm, chỉ cân
nặng 55 pounds, tức là vào khoảng 25 kí. Và đến 1976 công ty Apple của
Steve Jobs trình làng chiếc máy điện toán cá nhân đầu tiên mang tên
Apple I thì các hãng khác lần lượt nhảy vào nhập cuộc cách mạng máy vi
tính một cách ngoạn mục, ví dụ như hãng Compaq, Dell, HP, NCC, Toshiba,
Sony… để đến ngày hôm nay thế hệ chúng ta đang sống, đã thừa hưởng một
giai đoạn kỹ thuật từ máy điện toán hết sức phong phú và đa năng, đa
dạng.
Khi dòng máy điện toán bùng nổ và trở thành nhu cầu không thể thiếu
cho từng cá nhân và gia đình, thì một mạng lưới liên kết, nghĩa là người
ta nghĩ cách nối mỗi chiếc máy điện toán từ cá nhân, gia đình, công sở
trên thế giới lại với nhau, gọi tên là “internet”, có nghĩa là
International Network, ta tạm dịch là “mạng lưới nối kết toàn cầu”. Mỗi
một chiếc máy có số ID riêng biệt, và máy tôi nói chuyện được với máy
bạn qua mạng lưới toàn cầu nhờ vào vệ tinh ngoài không gian tiếp cận và
chuyển tải. Điều này đã mang lại cho thế giới gần gũi với nhau hơn bao
giờ hết. Thế rồi mạng lưới toàn cầu đã sản sinh ra nhiều tỷ phú đôla như
Google, Yahoo, YouTube, Facebook, Twitter, eBay, Amazon… Nghĩa là người
ta khai thác tối đa về kinh doanh, truy tìm, liên lạc, giao dịch, thông
tin… nhanh chóng trên mạng lưới toàn cầu.
Cho đến hôm nay thời đại của năm 2013 khi viết bài này. Người ta chỉ
ngồi một chỗ mà biết chuyện năm châu bốn biển. Người ta ngồi một chỗ mà
mua được vé máy bay, thuê xe, mướn khách sạn và in vé tại chỗ trong giây
lát. Người ta ngồi một chỗ mà thư tín liên lạc chớp mắt. Người ta ngồi
một chỗ mà gõ vào Google tìm kiếm là biết mọi chuyện đã và đang xảy ra.
Người quan tâm đến vận mệnh quê hương Việt Nam thì biết mọi chuyện diễn
ra trong mạng lưới toàn cầu với nhật báo Người Việt, với tin tiếng việt
BBC, RFA và VOA.
Nhưng… từ khi điện thoại di động, máy tính nhỏ thiết kế theo dạng
bảng cầm tay, và các nhà cung cấp về Wifi, mạng lưới toàn cầu đi động
cho người dùng một cách dễ dàng bất cứ nơi nào, ví dụ hãng AT&T cung
cấp Personal Hotspot để ta có thể dùng wifi của mình bất cứ khi nào,
bất cứ lúc nào. Thì cũng là lúc dần dần lấp ló… mộ huyệt cho các tờ báo
in giấy. Từ năm 2006, rất ít các báo trên mạng lưới toàn cầu. Những tờ
báo tiếng tăm như The Wall Street Journal, The Chronicle of Higher
Education đã thành công với ấn bản trên mạng, và được độc giả trả tiền
đọc báo trên mạng lưới online, cho đến hôm nay các nhật báo tên tuổi
nhập cuộc nhanh chóng như The Los Angeles Times, The Washington Post,
The New York Times… Thực vậy, từ khi các mạng báo chí online bùng nổ, đã
mang đến những món ăn tinh thần nhanh chóng và người ta có thể đọc báo
trên mạng một cách thích thú. Rồi kéo theo các tiểu thuyết phát hành
trên mạng với giá bán rẻ hơn mua một cuốn sách trong nhà sách. Người ta
thích cuốn nào, trả tiền xong chỉ lấy xuống “download” là đã có cuốn
sách trong iPad hoặc máy điện toán để đọc từ Kindle hoặc là iBook, những
bộ thảo chương giúp cho ta quản lý một thư viện sách tiện lợi và không
cồng kềnh, mang theo ta cả ngàn cuốn sách trong cái máy nhỏ, nhẹ bằng
cuốn sách là iPad.
Như thế, sự cáo chung dần dần của báo giấy cũng có lý do của nó. Tôi
nói đến sự cáo chung này, có nghĩa là không phải báo giấy sẽ chết hẳn,
nhưng báo giấy sẽ sống rất èo uột trong những thập niên đang đến. Chỉ
vì, thế giới hôm nay với một thế hệ trẻ đang đi tới hoà nhập theo dòng
thác kỹ thuật nhanh chóng và thu hút trên mạng lưới toàn cầu.
E. là tên tắt của electric, nghĩa là điện. E. là economic (kinh tế).
E. cũng còn là Explorer (bùng nổ), tên của thảo chương do công ty
Microsoft thực hiện như là cái chìa khoá để ta mở cửa vào thế giới mạng,
mà có người gọi là thế giới “ảo”. Ảo nhưng mà thật. Những chìa khoá
tương tự mang tên khác như Safari của công ty Apple, là nổi tiếng, ngoài
ra còn có các chìa khoá khác như Firefox, Chrome của công ty Google… là
những thảo chương miễn phí cho chúng ta dùng để bước vào mạng lưới toàn
cầu.
E Paper, nghĩa là báo đọc trên mạng, E Magazine là tạp chí trên mạng,
eBay, là một cái vịnh buôn bán kinh tế toàn cầu. Nói chung lại ta thấy
chữ E. mà người Việt đọc là “e” ngại. Làm sao mà không e ngại một khi
lãnh vực kỹ thuật điện toán nhanh chóng chiếm lĩnh và ảnh hưởng mạnh mẽ
hầu hết trong đời sống chúng ta. Từ khi mạng lưới toàn cầu liên kết ngày
càng chặt chẽ, đã cho nhiều người trở thành giàu có, và cũng đã làm cho
bao kẻ trắng tay vì mất hết cơ đồ. Ngành in ấn, có nguy cơ giảm thiểu
doanh thu vì người ta bắt đầu không còn mua sách báo nhiều như trước.
E dè, e ngại, e chừng hay… e gì đi nữa thì cái E. Hiện nay là một
chiếc chìa khoá cho bất cứ ai, nếu chúng ta biết sử dụng nó đúng lúc,
đúng nơi, đúng mục tiêu sẽ mang lại kết quả mong muốn.
Trong thái độ sống của người Việt Nam xa xứ, lòng canh cánh nỗi buồn
cố hương và nỗi ưu tư cho vận mệnh quê hương trong chế độ độc tài đảng
trị hiện nay. Chúng ta, nếu mỗi người biết và hiểu cách xử dụng hữu hiệu
của E trên mạng lưới toàn cầu như thế nào, thì E. sẽ là hữu ích thiết
thực như những ánh lửa thắp lên soi rọi vào màn đêm tăm tối trên quê
hương đất nước chúng ta.
Những Blog trên E. của Trần Trung Đạo, của Huỳnh Ngọc Chênh, của
Người Buôn Gió, của Dân Làm Báo, của JB. Nguyễn Hữu Vinh, của Mẹ Nấm,
của Hà Sĩ Phu, của Anh Ba Sàm và còn nhiều nữa những Blog trong nước
Việt Nam và hải ngoại, là những E. cần thiết, quan trọng hay nói một
cách chính xác là vũ khí sắc bén, là mũi nhọn chọc thủng con đê che chắn
sự tự do dân chủ do chế độ độc đảng, độc tài dựng nên, để kềm hãm sự
phát triển của dân tộc Việt Nam chúng ta.
Châu Đình An
Blog Châu Đình An
Blog Châu Đình An
0 nhận xét:
Đăng nhận xét