Vị thầy Hán học thời thơ ấu: Tú Tài Nguyễn Hữu Khắc, khóa Trường Nam 1915. (Hình: Gia phả họ Nguyễn làng Ðổng Kính, Hà Nam) |
Viên Linh
Trên mục Văn Học Nghệ Thuật cách
đây hai năm đã có một bài nhan đề “Những ông thầy thời niên thiếu,” bài
đó viết về nhà văn Chu Thiên, tác giả những cuốn sách nổi tiếng nay đã
nằm yên vị trong tủ sách cổ điển của các thư viện Việt Nam, như “Bút
Nghiên,” “Nhà Nho,”... đó là ông thầy dạy Quốc Văn hồi cậu học trò niên
thiếu là tôi còn học lớp đệ lục ở Phủ Lý, 1954.
Lần này dưới đề mục
ấy, là một ông thầy khác, còn trước cả thầy Chu Thiên, là cụ Tú Tài
Nguyễn Hữu Khắc làng Ðổng Kính, Hà Nam. Cụ Tú khai tâm chữ Nho khi cháu
mới 4 tuổi, nhưng thực sự dạy nó hàng ngày từ khi nó lên 6 lúc cha mất,
phải về sống bên cạnh cụ Tú, vì cụ là ông Nội tôi.
Chiều qua, lúc chập choạng tối, đang lúc người ta sửa soạn làm bữa ăn chiều, thì nhà phê bình Huỳnh Hữu Ủy gõ cửa.
Chúng tôi là hàng xóm láng giềng ở thành phố Luống Vườn. Không hiểu từ lúc nào câu chuyện xoáy vào ông thầy thời thơ ấu của người viết, có lẽ từ lúc tôi nói với bạn, có một độc giả trẻ tuổi ở Sài gòn cho biết cậu mới mua được vài chục cuốn báo Tuổi Ngọc của Duyên Anh thời trước 1975, và ngấu nghiến đọc những cuốn báo niên thiếu đó, và thấy có một bài của tôi, nhan đề “Một ấu thời hà khắc.” Mới đầu tôi nói mình không hề viết cho tờ báo đó, cho tới khi cậu gửi qua mạng lưới cho tôi cái bài trên. Bài viết đăng dưới mục “Ngày xưa còn bé.” Khi thấy trang báo và cái đề mục, người viết dần dần đoán ra, phải rồi, Duyên Anh và tôi có một thời thân nhau - sự thân mật đã khiến vài người bạn khác phải ngạc nhiên bật ra câu hỏi “sao hai người đó có thể thân nhau được?” - vì chúng tôi khác nhau hoàn toàn, từ vóc dáng tới tính tình. Mỗi tháng tới kỳ cắt tóc là Duyên Anh đậu xe trước cửa tòa soạn, bóp còi xe ba bốn tiếng, rủ thư ký tòa soạn Nghệ Thuật đi cắt tóc.
Chúng tôi là hàng xóm láng giềng ở thành phố Luống Vườn. Không hiểu từ lúc nào câu chuyện xoáy vào ông thầy thời thơ ấu của người viết, có lẽ từ lúc tôi nói với bạn, có một độc giả trẻ tuổi ở Sài gòn cho biết cậu mới mua được vài chục cuốn báo Tuổi Ngọc của Duyên Anh thời trước 1975, và ngấu nghiến đọc những cuốn báo niên thiếu đó, và thấy có một bài của tôi, nhan đề “Một ấu thời hà khắc.” Mới đầu tôi nói mình không hề viết cho tờ báo đó, cho tới khi cậu gửi qua mạng lưới cho tôi cái bài trên. Bài viết đăng dưới mục “Ngày xưa còn bé.” Khi thấy trang báo và cái đề mục, người viết dần dần đoán ra, phải rồi, Duyên Anh và tôi có một thời thân nhau - sự thân mật đã khiến vài người bạn khác phải ngạc nhiên bật ra câu hỏi “sao hai người đó có thể thân nhau được?” - vì chúng tôi khác nhau hoàn toàn, từ vóc dáng tới tính tình. Mỗi tháng tới kỳ cắt tóc là Duyên Anh đậu xe trước cửa tòa soạn, bóp còi xe ba bốn tiếng, rủ thư ký tòa soạn Nghệ Thuật đi cắt tóc.
Duyên Anh lúc ấy là thư ký tòa
soạn nhật báo Công Luận của Tướng Ðôn, Tướng Ðính. Chúng tôi chuyện trò
từ lúc bắt đầu ngồi trên xe tới khi xuống xe về lại chỗ cũ, sau khi cắt
tóc và ăn trưa xong. Một trong những lần như thế, chủ nhiệm báo Tuổi
Ngọc bảo tôi “mày phải viết một hai trang cho tao trong mục Ngày Xưa Còn
Bé.” Và thế là ngày xưa còn bé của tôi hiện lên trên báo của bạn, trong
đó tôi kể lại những ngày được học ông Nội ra sao. Không những phải học
chữ Nho, mà còn phải học mọi thứ để sau này làm người, một người phải
đúng nghĩa là một “Sĩ Phu Bách Nghệ.”
Tôi phải nhiều can đảm lắm
mới dám kể lại rằng mãi đến năm hơn 8 tuổi tôi mới bắt đầu học ABC. Lúc
tôi cắp sách đến trường làng Ðổng Kính, bọn trong lớp tỉnh khô, vì có
đứa còn to đầu hơn tôi nữa. Nhưng ba năm sau, khi đặt chân lên Hà Nội,
bước vào trường tiểu học ở chùa Ðồng Nhân, trong khu đền thờ Hai Bà, cái
sự bẽ bàng mới đến với tôi, đến trong một đường thẳng sỗ sàng, diễu
cợt. Tôi là đứa học trò lớn tuổi nhất, lù lù trên hàng ghế cuối lớp, ngơ
ngác và lẻ loi, lúng túng, quờ quạng trước một mặt bàn thấp nhỏ. Nhưng
cũng may, nỗi bất hạnh và sự trễ tràng ấy đã khiến tôi học hành khá chăm
chỉ và tập cho tôi đức tính nhịn nhục lạ lùng. [...]
Một cái
khác đỡ đòn cho tôi, giúp tôi cứu vãn chút ít danh dự, trước bạn học, là
cái vốn hiểu biết về các danh từ Hán-Việt. Cái này không có gì lạ: tôi
đã được học chữ Nho bốn năm trước khi đi học chữ ABC. Ông Nội tôi, được
coi như một ông Hàn, đỗ tú tài Hán học tại Trường Nam [trường thi Nam
Ðịnh], vào khóa cận chót, năm 1915, đã khai tâm (vỡ lòng) tôi bằng mấy
chữ “Tam Thiên Tự” (Ba nghìn chữ), Thiên Ðịa Nhân Vật, và “Huấn Mông Tam
Tự Kinh Diễn Ca,” mà bây giờ tôi còn thuộc cả chục chữ, đọc ra một mạch
rất du dương:
“Thiên trời Ðịa đất Cử cất Tồn còn Tử con Tôn cháu
Lục sáu Tam ba Gia nhà Quốc nước Tiền trước Hậu sau Ngưu trâu Mã ngựa
Cự cựa Nha răng Vô chăng Hữu có Khuyển chó Dương dê Quy về Tẩu chạy Bái
lậy Quị quỳ Khứ đi Lai lại Nữ gái Nam trai Ðái đai Quan mũ Túc đủ Ða
nhiều Ái yêu Tăng ghét Thức biết Tri hay Mộc cây Căn rễ Dị dễ Nan khôn
Chỉ ngon Cam ngọt Trụ cột Lương rường Sàng giường Tịch chiếu Khiếm thiếu
Du thừa...”
Bên “Tam Tự Kinh,” học trò cũng phải học thuộc. Những gì ta học lải nhải khi bốn năm tuổi sẽ nhớ mãi mãi:
“Nhân
chi sơ Tính bản thiện Tính tương cận Tập tương viễn Cầu bất giáo Tính
nải thiên Giáo chỉ đạo Quí dĩ chuyên Tích Mạnh mẫu Trạch lân xứ Tử bất
học Ðoạn cơ chữ...” (Người lúc đầu Tính vốn lành Tính giống [thì] gần
Thói khác [thì] xa Nếu không dạy Tính thay đổi Chuyên cần [là] quí
Chuyện mẹ thầy Mạnh Chọn xóm giềng Con không học Chặt khung cửi...).
Nếu
thầy tôi không mất sớm (năm con 6 tuổi) có lẽ tôi không đến nỗi phải
đâm đầu vào con đường Nho mạt ấy mà học ra rả suốt ngày trên một tấm
phản cứng như đá, làm mỏi nhừ một tấm lưng tốn vải. Tôi đã không trở
thành một anh Khóa cuối thế kỷ XX là nhờ một ông chú sau khi đi Hà Nội
về, trở thành ông Nguyễn Trường Tộ của cả làng. Ðược sự thỏa thuận của
Mẹ tôi, ông khuyên tôi ném bút nghiên và quẳng mấy cuốn sách giấy bổi
đi, sau khi cãi nhau với ông Nội tôi một trận kịch liệt. Thế là tôi sẽ
không thình lình bị quất một hai roi cháy tay, văng bút, từ rất xa, cùng
với lời nhiếc móc: “Tao không thấy gân tay mày đâu cả! Cầm bút viết mà
tay không nổi gân thì mày vẽ giun vẽ sán chứ có phải viết chữ Thánh Hiền
đâu?” Ông nằm hay ngồi trên cái sập gỗ gụ láng bóng màu nâu đỏ cách lũ
học trò cỡ 10 thước thì làm sao thấy những bàn tay nhỏ xíu nắn nót cái
bút lông hí hoáy tập viết ở cái phản gỗ thấp góc nhà? Thế là tôi không
còn phải mài mực cho cái trường học chỉ có năm sáu tên học trò cỡ tôi,
không còn phải phết cậy vào giấy mà làm bìa sách, còng lưng dùi tập giấy
làm mấy cuốn tập hay gân cổ thổi bếp than ẩm đun nước pha trà Tầu nữa.
Nội cái việc đun nước cậu bé 6 tuổi là tôi có thể kể ra cả nửa trang
giấy thế nào là nước sôi, thế nào là nước ám khói, vì sao trà cứ nổi mà
không chìm. Thế là với sự lo lắng của Mẹ tôi, tôi được rời xa chốn nhà
quê lên Hà Nội - chỉ có cách đi xa, xa ông Nội - tôi mới có thể học chữ
Quốc Ngữ là chữ nước ta, con cái nhà đều phải học, mặc dù ông Nội tôi
vẫn gọi nó là chữ của quân bán nước.
Ông thầy thời thơ ấu hà khắc
còn dạy cháu một hai điều về phụ nữ, về dung mạo nam nhi, xin kể lại
trong một hai đoạn ngắn. Tôi nhớ mỗi khi đàn ngỗng, hay ngan, và mấy con
chó vừa kêu quang quác, vừa bay vừa chạy về phía cổng vườn nhà - cách
ngôi nhà chính khoảng năm bảy chục thước gì đó, là y như đàn bà con gái,
mẹ tôi, thím tôi, cô tôi, vội vã đứng ẩn vào sau mấy cánh cửa. Nhà có
khách, khách đàn ông. Suốt thời gian có khách duy chỉ có cô tôi - chưa
chồng - được xuất hiện đâu đó, thấp thoáng. Những người khác nếu có việc
gì cần làm, đều phải đi phía xa xa, đi vòng dưới sân thấp, vì nhà ở
trên nền cao, từ sân gạch phải bước 5 bậc thềm mới lên được hiên nhà.
Nếu không phải đi vòng phía sau nhà. Nhà có năm gian, đàn bà con gái
muốn đi từ đầu này tới đầu kia, dù là những lúc thường, không khách
khứa, cũng không được đi trên hiên. Các bà muốn thưa gửi gì với ông tôi
đều phải gọi tôi ra, nhờ tôi vào thưa trình và chờ ông gọi sau.
Riêng
tôi ở tuổi lên mười trở xuống, ít nhất cũng bị la mắng vài lần quanh
mái tóc của mình. Tôi nghiệm dần ra lần nào đứng trước chiếc tủ gương
cũng bị mắng. Lần nặng nhất là trước nhà có cái ao lớn tôi hay nhảy
xuống bơi. Ngoài cái ao còn có cái hồ hình chữ L bên ngoài, thả sen, thả
súng. Một lần bơi xong tôi chạy tới trước gương vuốt tóc rẽ ngôi bằng
năm ngón tay, lần ấy cậu trai nhỏ bị mắng thậm tệ là con trai mà soi
gương là đồ vứt đi. Tắm xong, tóc phải vuốt ngược về phía sau, bằng năm
ngón tay, không được dùng lược. Cô tôi, một cô gái già nghiện thuốc lào
vì suốt ngày quanh quẩn bên ông tôi - có lần đã chải cho tôi một đường
ngôi lệch - và sau đó hai cô cháu mất vui suốt mấy ngày vì tiếng chửi
rủa đay nghiến cực kỳ hà khắc và tàn nhẫn của một ông già học vấn lỡ
thời. Cho đến khi học đệ lục Chu Văn An Hà Nội tôi vẫn có một mái tóc
mái tranh, mớ tóc rủ trước trán cắt ngắn đi, vạt chéo một bên như mép
một chiếc phong bì. Tuy thế trong thời gian sau đó theo gương một ông
chú họ, mái đầu đứa cháu cũng được o bế kỹ càng hơn, láng bóng và dài
mượt, có thể vén theo hai tai được. Ðó là một cuộc cách mạng phải đến,
hơi quá trớn một chút, khi mà trước hay sau giờ tới trường bằng tàu
điện, khi tàu chạy tới gần rạp chiếu bóng Ciro's, tôi nhảy tẩu rồi vội
vã biến vào bên trong hành lang rạp hát, xem ảnh Clark Gable hay Robert
Taylor bên cạnh những người đàn bà đẹp như tiên nữ, chắc thế. Hai tài tử
này đều có mái tóc như tôi mà thôi.
Trong câu chuyện về thời thơ
ấu, và niên thiếu, vị thầy học để lại nhiều dấu vết sắc cạnh nhất nơi
học trò chính là cụ Tú Tài Hán học Nguyễn Hữu Khắc của làng Ðổng Kính,
huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Lời kể trên đây được nhớ lại nhân người bạn
tới thăm. Anh có hỏi trước khi ra về: Nhưng thơ văn tôi có những ảnh
hưởng tốt nơi vị thầy hà khắc chứ? Có, chắc chắn. Như khi thầy tiếp
khách, nhất là khi làm thơ xướng họa với cụ Cử Nhân Ái Niên, tôi là
người phải nhắc lại, khi hai cụ hỏi tôi có nhớ câu ấy câu kia thế nào
không? Tôi nghe thơ các cụ từ lúc 6 tuổi, điều tôi nhớ nhất là cả hai
cụ, nhất là ông Nội tôi có nói: “Bác làm bài thơ có 56 chữ, mà có chữ
nhắc lại đến ba lần, thì tôi e rằng có hơi nhiều chăng?”
Viên Linh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét