Ads 468x60px

Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2013

Những mảnh đời ở chợ nổi Cái Răng

Chợ nổi Cái Răng
Phương Minh
Chợ nổi Cái Răng thuộc quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Ðây là khu chợ nổi lâu đời thuộc vào diện nhất nhì Việt Nam. Thương thuyền ở lục tỉnh miền Tây kéo về đây mua bán hàng nông sản, thức ăn, hàng hóa được treo trên cây bệu (cây sào dài chừng 5m, cắm trước mũi thuyền) và tìm việc làm.
Chuyện mua bán thức ăn, nông sản thì dễ hiểu, nhưng tìm việc làm trên khu chợ giữa bốn bề sông nước này thì tìm được việc gì? 

Trường đời của trẻ nghèo
Bé Tư, 17 tuổi, đến từ Vĩnh Long, vào khu chợ Cái Răng làm thuê được ba tháng nay, cho biết: “Tụi em con nhà nghèo, dân vạn chài, không có nhà trên bờ, học hành cũng ít, cơ hội tìm việc làm quá khó, buồn quá, xuôi thuyền lên đây, ban đầu nghĩ là mình đi giang hồ một chuyến, may mắn thì ở lại, không may thì về quê”.
Mua bán hàng nông sản
“Lên đây, ngày đầu tiên, cứ lóng ngóng chẳng biết làm gì, cứ chèo xuồng đi lòng vòng. Tối đến thấy đói bụng, không có cái để ăn, bèn liều lĩnh ghé vào một thuyền bán thơm, xin một trái thơm, ông chủ thuyền hỏi em con nhà ai, sao bây giờ còn lang thang, em nói em đi tìm việc làm, ổng cười to, nói lên thuyền ăn cơm rồi ổng kiếm giùm việc làm. Bữa đó ăn cơm với gia đình ổng, sáng hôm sau làm cho ổng luôn.”
“Bán xong thơm, ổng quay thuyền về nhà, em lại sang thuyền khác làm bốc vác tiếp tục. Nhưng lần này thì làm luân phiên, hết thuyền này sang thuyền khác, chứ nếu làm cho một chủ thì chỉ đủ ăn. Chắc rồi đây phải tìm cách lên bờ kiếm việc ổn định, dưới này làm việc vui, người ta hiền hòa, nhưng công việc tẻ nhạt quá!”
Cùng làm thuê giống như Bé Tư, có Cu Lưỡng, đến từ Long Xuyên, An Giang, 18 tuổi, cũng làm thuê, bốc vác và lau sàn thuyền, Lưỡng kể: “Mỗi ngày em kiếm được trung bình sáu chục ngàn đồng, cơm nước thì do chủ lo, thường thì làm cho chủ thuyền này chừng một tháng, họ bán hết trái cây, mình dọn thuyền, cùng cúng thuyền với họ và ăn liên hoan, xong họ về quê hái trái cây, mình thì sang thuyền khác làm tiếp”.
“Em có hai đứa em ở quê, đứa út đi học lớp sáu, đứa kế em nghỉ học rồi, đang phụ cha mẹ đánh cá, em làm để dành tiền lên bờ mua chiếc xe gắn máy, nhưng thấy khó quá vì hằng tháng còn phải gửi về nuôi đứa em nhỏ đi học. Em thương nó lắm, vì nhà nghèo nên tụi em thiệt thòi, cha mẹ thì mù chữ, nên đâu có thấy được chuyện học quí chừng nào, chỉ biết xót xa thôi. Cũng nhờ đi làm trên này, mà em học được nhiều, cái chợ này là trường dạy học của em, em luôn học hỏi...”
Cạm bẫy của những bé gái
Với những em bé trai vào độ tuổi mới lớn thì chợ Cái Răng là trường đời, là nơi cưu mang và tạo bàn đạp để các em kiếm cơ hội vào đời, lên bờ. Nhưng với các bé gái vào độ tuổi này, chợ Cái Răng sẽ hết sức nguy hiểm nếu các em không cẩn thận và không có gia đình bên cạnh.
Thuyền mua bán hàng . . .
Bà Tiên, đến chợ nổi Cái Răng tìm con gái suốt ba tháng nay kể với chúng tôi rằng: “Con bé lớn nhà tôi bỏ học đi theo bạn bè lên đây tìm việc làm, nó đi biệt suốt sáu tháng nay không thư từ chi hết, tôi thấy sốt ruột quá, chạy lên đây tìm, hỏi bà con, nói nó có làm việc ở đây, nhưng thấy tôi lên thì trốn luôn rồi”.
“Mà nó còn nhỏ không biết, chứ trên này nhiều cạm bẫy, chỉ cần sơ suất là hỏng đời con gái luôn chứ không giỡn chơi được. Nhiều đứa lên đây, ban đầu đi làm thuê nhưng sau đó bị tụi buôn người chen vào đây, gạ gẫm, rủ rê, bán cho Trung Quốc, cuối cùng hỏng đời, lo lắm!”
Bé Thủy, người Cái Mơn, Bến Tre, 16 tuổi, đi bán nước dạo cùng mẹ, kể với chúng tôi: “Mấy bạn nhỏ lên đây làm việc
Mùa Hè nhiều lắm, có đứa kiếm được ngày năm chục ngàn đồng, có đứa kiếm vài ba chục, nói chung, một Mùa Hè, kiếm được từ một triệu đồng đến một triệu rưỡi đồng là chuyện bình thường”.
“Có nhiều đứa lên đây làm một thời gian rồi có chồng ở đây, cũng có đứa làm một thời gian rồi mất tích, gia đình đến tìm hoài không thấy, cháu nghĩ chắc là theo người nước ngoài hoặc trốn đi đâu đó. Cái chợ này vừa đông lại vừa tứ xứ giang hồ, chẳng biết đâu mà lần, khó kiểm soát lắm mấy chú ơi!”
“Nhiều bữa cháu thấy có mấy người Trung Quốc cũng lẫn vào đây giả đò đi du lịch, hễ cứ thấy con giá là sấn tới, giả đò mua hàng rồi nhìn từ trên xuống dưới rất khó chịu. Cháu biết thật ra là bọn họ vào đây dụ con nít về nước họ làm đầy tớ chứ chẳng tốt lành chi đâu!”
Một bé gái khác, yêu cầu giấu tên, kể với chúng tôi rằng: “Cháu từng bị dụ sang Ðài Loan làm dâu nhưng cháu sợ quá, trốn vào trong thuyền ông chủ, kể chuyện với bà chủ, bà chủ đi trình báo công an, bọn họ trốn mất tiêu luôn. Cháu thấy cũng hơi vô lý, làm sao công an nhiều thế mà bọn họ vẫn ngang nhiên lừa người Việt, và khi trình báo thì họ lại biết để trốn?”
Phương Minh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét