Ads 468x60px

Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2013

Lái Thiêu mùa trái chín, đất không còn lành

Lễ hội Lái Thiêu mùa trái chín 2013
Phi Khanh
Lái Thiêu nổi tiếng một thời với vườn cây xanh mát, lòng người hiền hòa, bốn mùa trái ngọt, những địa danh như Chợ Búng (chợ Bún đọc theo âm miền Nam), giáo xứ Chợ Búng, làng gốm Lái Thiêu... vốn là vựa sản phẩm của miền Nam thời trước 30 Tháng Tư năm 1975.
Thậm chí, những năm 1980, người ta vẫn còn nhắc đến Lái Thiêu như là miền đất trái ngọt, lòng người phóng khoáng và đời sống êm đềm, phồn thịnh nhất xứ Việt. Nhưng, trong lễ hội trái cây năm nay, ghé thằm Lái Thiêu, mọi chuyện hoàn toàn khác, buồn nhiều hơn vui.
Một lễ hội trái cây được sân khấu hóa triệt để, dường như du khách đến Lái Thiêu chỉ được xem sân khấu nhiều hơn là tham quan, du ngoạn cảnh đẹp hay giao lưu với người bản xứ. Tuy nhiên, với thương hiệu trái cây của Lái Thiêu, lễ hội trái cây ở đây cũng thu hút không ít khách thập phương, hiện tượng cháy phòng đã xảy ra ở các khách sạn quanh khu vực Cầu Ngang.
Một người xe ôm tên Tưởng, buồn rầu nói với chúng tôi trong một chuyến du ngoạn: “Toàn bộ trái cây trong hội chợ này chỉ có măng cụt là của Lái Thiêu mà thôi, những thứ trái cây khác đều có gốc gác miền Tây, bây giờ chẳng ai còn tơ tưởng đến chuyện trồng cây ăn trái nữa đâu!”
“Thì do giá đất tăng đột ngột, cũng không có chính sách tử tế trong qui hoạch nhà đất, người ta đua nhau áp phe với cán bộ địa chính để bán đất, phân lô các khu vườn trái cây, cuối cùng, vườn cây măng cụt, sầu riêng bị thu hẹp dần, nhưng cũng không có bao nhiêu căn nhà mọc lên trên đó vì phần lớn là đất đầu cơ của các ông chủ. Lái Thiêu bị bỏ hoang.”
Gian hàng trái măng cụt tại lễ hội.
“Những gia đình bán đất xong, hết chỗ trồng cây lại chuyển sang các khu công nghiệp làm công nhân, những người chủ vườn còn lại cũng không hồn nhiên như xưa, động cơ tiền bạc làm cho họ tha hồ, mặc sức chặt chém khách, trái cây Lái Thiêu mất hết uy tín.”
Như để chứng minh cho lời của mình nói, ông Tưởng chỉ cho chúng tôi nhiều tấm bảng ghi nội dung: “Khách hàng nếu bị chặt chém giá cả, xin gọi vào đường dây nóng... để chúng tôi xử lý.” Ông Tưởng nói thêm: “Năm nay chính quyền ra tay gắt gao, quyết bắt và trừng trị những ai chặt chém khách, chỉ cần gọi vào đường dây nóng, họ sẽ đến xử lý, thậm chí là bắt nhốt.”
Ðất không còn lành
Câu nói của ông Tưởng làm chúng tôi thấy nhức nhối, xót xa cho một vùng đất mệnh danh hiền hòa, đẹp và thơ mộng vào bậc nhất miền Nam một thuở.
Gặp một người bán trái cây tên Nga, sống ở Lái Thiêu trong hội chợ, hỏi thăm về tình hình làm vườn của bà con, chị này cho biết: “Trong hội chợ này chỉ có măng cụt là của Lái Thiêu, à, ngoài ra còn có mít tố nữ, những thứ còn lại được nhập về từ miền Tây, trái cây ở Lái Thiêu bây giờ xơ xác lắm, các vườn cây đã bị biến thành đất phân lô.” 
“Nhưng mà phân lô ra vậy thôi, chứ chưa có mấy người xây cất đâu, vườn cây bị bỏ hoang thì tiếc thật nhưng đành chịu! Lái Thiêu có một lợi thế là nguồn nước, chỉ cần dựa vào thủy triều, đào một con mương dẫn nước dọc các vườn cây, khi thủy triều lên, nước tự vào, đến khi rút, nước lại thoát ra, vườn cây luôn được tưới tắm đúng qui luật thiên nhiên, rất hay.”
Vườn cây măng cụt hiếm hoi ở Lái Thiêu.
“Nhưng bây giờ, những con mương cũng bị ảnh hưởng bởi các công trình, hơn nữa nghề làm vườn bị thui chột, người ta thi nhau kinh doanh khách sạn, nhà trọ, các quán nhậu, đặt biệt, bây giờ nhức nhối lắm, trước đây Lái Thiêu không có tệ nạn xã hội, còn bây giờ đầy rẫy ra đó!”
Trước năm 1975 cho đến những năm 1990, Lái Thiêu tuyệt nhiên không có quán thịt chó nào. Nhưng sau này, những quán thịt chó mọc lên theo nhu cầu của người Bắc di cư, nạn trộm chó cũng hình thành, rồi nạn cướp giật, móc túi, gái làm tiền xuất hiện đầy ra đó, thật là đáng buồn...”
Ðồng cảm với chị Nga, bà Bổn, mẹ chị Nga cho biết thêm: “Bây giờ đám con gái nhà lành ở Lái Thiêu cũng bắt đầu mon men làm gái, thì gia đình bán đất, chia cho tụi nó một ít, bỏ vào ngân hàng, tụi nó lấy lãi ra tiêu xài, mà đồng tiền liên tục rớt giá, tiêu không đủ, rút vốn ra xài, hết tiền, phải đi làm công nhân, làm việc cực nhọc, mệt mỏi mà lương ít, riết hồi nghe theo đám gái hư, thành ra hỏng luôn!”
“Lái Thiêu bây giờ đã thay đổi hoàn toàn, nhà tôi đã sống chín đời trên vùng đất này, đến đời tôi, lúc ba mươi tuổi vẫn còn nhìn thấy Lái Thiêu thơ mộng và bình yên, thế như chưa đầy ba chục năm, Lái Thiêu hoàn toàn thay đổi, bây giờ con người phải tranh đấu, giành giật hằng ngày kiếm sống, quay cuồng, chẳng còn yên ả nữa!”
“Chợ Búng, Cầu Ngang vốn dĩ là những địa danh nổi tiếng trước năm 1975, đây là cái lò bún của miền Nam, nó là đầu mối để các quán bún ở Sài Gòn, Ðồng Nai đến lấy bún về bán, vì không có nơi nào làm bún ngon như khu vực này, muốn bán ăn khách phải đến đây lấy bún. Ngày xưa còn có bánh hỏi nữa. Nhưng bây giờ người dân đã quên mất món này, còn món bún thì cũng không còn hấp dẫn như xưa.”
Chúng tôi tiếp tục lang thang qua những con đường Lái Thiêu, ghé thăm những làng gốm, và dường như ở đâu, cảm giác đang bắt gặp, hít thở không khí của khu công nghiệp cũng thoáng qua. Có vẻ như Lái Thiêu không còn là miền đất trái cây thơ mộng của một thời!
 Phi Khanh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét