Một khu đất bỏ hoang ở Hà Nội |
Kính Hòa
Vụ cưỡng chế đất đai ở làng Trịnh Nguyễn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc
Ninh đã chuyển sang một giai đọan mới. Từ khi dự án bắt đầu đến nay,
phía nhà nước và bên thực hiện dự án là công ty Phú Điền tiến hành vừa
cưỡng chế dân làng, vừa vận động họ nhận tiền đền bù, mà dân làng gọi là
tiền ruộng, để giao đất cho họ. Đối lại, những hộ dân làng không nhận
tiền đã dựng lều trên ruộng, mặc cho mưa gió hay nắng lửa, chống việc
cưỡng chế.
Do vấp phải sự chống đối của dân làng một cách mãnh liệt như vậy,
phía chính quyền và công ty Phú Điền đã tạm thời dừng lại, và họ tuyên
bố rằng khu đất mà dân làng muốn họ xây dựng nhà máy nước thải sẽ được
dùng để xây dựng một trung tâm dạy nghề.
Xin nhắc lại diễn biến đã xảy ra xung quanh dự án nhà máy xử lý nước
thải ở làng Trịnh Nguyễn này. Đất của làng Trịnh Nguyễn được cư dân ở
đây cho là đất tốt, cho năng suất lúa cao và cũng có thể trồng nhiều
lọai hoa màu. Dự án nhà máy nước thải của tỉnh Bắc Ninh do công ty Phú
Điền làm chủ đầu tư đã chọn đất canh tác của làng Trịnh Nguyễn để đặt
nhà máy.
Người dân có hai lý do để chống đối việc trưng thu đất để xây nhà
máy. Thứ nhất là họ không muốn từ bỏ đất làm ruộng, vì như thế sẽ không
biết sống như thế nào. Thứ hai là nhà máy đặt quá gần khu dân cư nên
người dân lo ngại môi trường sống của họ bị ô nhiễm. Có hơn bốn chục hộ
gia đình mà đại đa số thuộc diện chính sách, thương binh liệt sĩ đã từ
chối nhận tiền đền bù. Phía nhà cầm quyền đã nhiều lần thực hiện việc
cưỡng chế nhưng không thành công. Bà Đức, một đảng viên cộng sản lâu năm
đã bị khai trừ khỏi đảng của bà vì không chịu nhận tiền và giao đất, bà
nói
“Bán đất rồi mà chúng tôi không có nghề nghiệp gì, con cháu chúng tôi ăn học thế nào, lấy gì mà ăn, có ăn sỏi ăn cát được đâu.”
Sự chống đối của người dân đối với các dự án kinh tế xã hội ở Việt
Nam ngày càng gay gắt, và đây được cho là kết quả của việc nhà cầm quyền
và các nhà đầu tư không quan tâm tới ý kiến của cộng đồng dân cư địa
phương khi tiến hành các dự án ấy. Người dân lo ngại khi cuộc sống của
mình bị thay đổi, bên cạnh việc số tiền đền bù cho đất đai của họ quá ít
ỏi. Chính vì thế đáng lý ra tất cả các dự án phát triển kinh tế xã hội
phải có sự tham gia ý kiến của cộng đồng cư dân địa phương ngay từ đầu.
Kỹ sư Phạm Phan Long, người tham gia tư vấn nhiều dự án tại Hoa Kỳ,
đồng thời có tham gia vào chương trình phát triển Tiểu vùng Mekong của
ngân hàng phát triển Á Châu, nói về sự cần thiết của sự tham gia của
cộng đồng địa phương vào quá trình quyết định tiến hành một dự án như
sau:
“Việc giới thiệu dự án với cộng đồng dân cư, những người chịu ảnh
hưởng của dự án, là rất quan trọng. Qua đó những người chủ trương dự án
tìm hiểu xem người dân sống thế nào, lịch sử của họ ra sao, và họ nghĩ
gì về dự án của mình. Từ đó người người làm dự án đưa những hiểu biết
này vào trong dự án, tìm cách đối phó và đáp ứng nhu cầu của người dân.
Việc này sẽ làm giảm sự chống đối của người dân đối với dự án, có khi họ
còn ủng hộ nữa. Trong một xã hội dân chủ và văn minh, cần tránh sự
cưỡng ép người ta mà phải thu phục nhân tâm trước. Nếu mình làm việc có
trách nhiệm và mọi người đều có quyền góp tiếng nói của mình vào thì sẽ
tránh được những sự xung khắc, sựchống đối của nhân dân.”
Chính quyền phải làm gì
Cụ bà Lê Hiền Đức đang nói chuyện với bà con Trịnh Nguyễn hôm 19/6/2013. Photo courtesy of nguyenxuandienblog |
Nhu cầu lớn nhất của dân làng Trịnh Nguyễn, cũng như nhiều dân quê
khác chính là cuộc sống sau khi rời bỏ mảnh đất mà họ đã sống từ hàng
trăm năm nay qua nhiều thế hệ.
Có vẻ như để giải tỏa nỗi lo này của dân làng Trịnh Nguyễn, những
người thực hiện dự án đã nêu lên kế họach khu dạy nghề tại làng. Nhưng
vấn đề nằm ở chổ tại sao khu dạy nghề này không được giới thiệu ngay từ
đầu? Việc này khó tránh khỏi dân làng nghĩ rằng đây chỉ là cách thức mà
bên chủ đầu tư đưa ra để đối phó.
Phản ứng trước việc này, một dân làng giấu tên cho chúng tôi biết.
“Họ chỉ lấy đó làm cái cớ thôi, để bắt buộc dân làng phải di dời.
Còn trung tâm dạy nghề thì chả biết thế nào, chúng em tòan là nghề nông
cả thôi.”
Và ngay như cả khi mà một trung tâm dạy nghề như thế có được thành
tâm đưa vào dự án ngay từ đầu, cũng vẫn còn nhiều khó khăn để cho nó trở
thành khả thi, trong một khung cảnh xã hội chưa phát triển cao về công
nghiệp và dịch vụ, với gần 80% dân số là thuần nông. Kỹ sư Phạm Phan
Long nói tiếp:
“Việc công nghiệp hóa thì không thể tránh khỏi, con cháu những
người nông dân nên tìm cách sống bằng nghề khác, vì đất ngày càng ít đi.
Nhưng tạo ra lối thóat bằng những trung tâm dạy nghề như vậy chưa đủ vì
có thực sự giúp họ tìm được việc làm hay không? Trong khi mảnh ruộng
thì rõ ràng nuôi sống họ. Khi mà có sự việc làm thì chính bản thân người
nông dân sẽ tự tìm đến các trung tâm huấn nghệ.”
Hiện tại rõ ràng là nông dân làng Trịnh Nguyễn không an tâm về trung
tâm dạy nghề mà phía nhà cầm quyền và chủ đầu tư dự án nêu ra sau một
thời gian dài giằng co căng thẳng. Vậy sự căng thẳng, xung khắc này sẽ
còn có khả năng tiếp tục, không chỉ ở Trịnh Nguyễn mà còn bao làng quê
Việt nam khác, trong một quá trình tiến lên công nghiệp hóa nhưng có một
số ít người hưởng thành quả còn đại bộ phận dân cư là nông dân cảm thấy
tương lai rất mờ mịt.
Là một người rất quan tâm tới thân phận của những người dân quê Việt Nam, kỹ sư Phạm Phan Long nói:
“Chỉ có nước Việt Nam mình thì hai từ Đất và Nước là dùng để chỉ
quốc gia. Cho nên điều đó nó rất là thiêng liêng đối với người dân. Đất
đai của người nông dân Việt Nam không phải như bên Mỹ. Việc lấy đi một
mảnh đất của họ phải tính đến văn hóa của người Việt Nam, đòi hỏi nhà
cầm quyền phải thận trọng hơn.”
Để vẫn tôn trọng sự thiêng liêng đó, đồng thời phát triển các dự án
kinh tế xã hội, mà dân tộc Việt Nam phải trải qua trên đường cạnh tranh
với các lân bang và hội nhập với cộng đồng thế giới, theo kỹ sư Phạm
Phan Long thì sự tham vấn của cộng đồng dân cư vào quá trình đưa ra
quyết sách là cách làm ở những xã hội văn minh.
Kính Hòa
0 nhận xét:
Đăng nhận xét