Đại tá CA Nguyễn Như Phong - Tổng Biên tập PetroTimes |
Ngay sau khi nhân chứng Dương Chí Dũng
khai Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ là người gọi điện báo “hung
tin” cho Dương Chí Dũng và khuyên nên lánh đi, báo PetroTimes của Đại
tá-Tổng Biên tập Nguyễn Như Phong đã lập tức có một loạt bài bày tỏ sự
thông cảm, nuối tiếc và thương xót đối với Thượng tướng công an Phạm Quý
Ngọ: “Vẫn còn là Dương Tự Trọng!”, “18 năm sau, còn ai nhớ đến Dương Tự Trọng”, và sự bênh vực ra mặt thể hiện ở bài thứ ba “Suy ngẫm về lời khai của Dương Chí Dũng cho Tướng Phạm Quý Ngọ”.
Đầy mùi ngụy biện
Ba bài tràn ngập những lỗi ngụy biện vốn thường thấy trong các bài báo
“tuyên truyền”, “định hướng dư luận” của ngành công an. Chẳng hạn, đó là
chiêu đánh vào tình cảm (appeal to emotion): “Người ta vẫn nói người
sống nặng tình thường hay chịu khổ. Và quả thật, ở tuổi 52, đến nửa bên
kia cuộc đời, Dương Tự Trọng mới thấm thía được... Ít ai biết, ngoài
tài đánh án, Dương Tự Trọng còn đam mê nghệ thuật và thích làm thơ...”.
Độc giả chẳng biết thế nào, nhưng cứ nghe giọng văn sến mượt mà của các
nhà báo khoác áo công an – hay là công an khoác áo nhà báo – là dễ mủi
lòng lắm, vì nói chung người đọc Việt Nam vốn nặng tình, ít duy lý, lại
thiếu thông tin đa chiều từ lâu nay. Họ không biết đến, hoặc sẽ nhanh
chóng quên đi, rằng Dương Tự Trọng có mặt và đã trực tiếp cầm loa chỉ
huy “trận đánh đẹp” đầm Tiên Lãng ngày 5/1/2012. Họ sẽ nhanh chóng quên
đi việc Dương Tự Trọng đã bỏ ra hàng núi tiền để giúp anh mình thoát
tội, mà tiền đó, nếu chỉ dựa vào mức lương thưởng của một viên công an,
mười kiếp nữa Dương Tự Trọng cũng không kiếm ra được. Họ sẽ nhanh chóng
quên đi việc Dương Tự Trọng dung nạp cả tội phạm làm đệ tử. Họ sẽ chỉ
còn thấy một đại tá công an anh hùng, oai phong, nghĩa hiệp, trong công
việc thì anh xả thân tận tụy, trong tình cảm thì anh cao cả, trong đời
thường thì anh bay bổng lãng mạn và nhiều ưu tư như một nghệ sĩ v.v.
Đó là chiêu viện dẫn quyền lực (appeal to authority): “Việc ông Ngọ
vẫn được Chủ tịch nước phong cấp hàm Thượng tướng là minh chứng rõ nhất
cho việc ông không ăn hối lộ của Dương Chí Dũng”. Chủ tịch nước
không phải là người có thẩm quyền (authority) chính đáng để nói rằng
công dân X. là kẻ tham nhũng còn công dân Y. thì không. Áp dụng đúng cái
lập luận tạm gọi là “ngụy biện Như Phong” này thì có thể tuyên bố:
“Việc ông Dương Chí Dũng vẫn được phong Cục trưởng là minh chứng rõ nhất
cho việc ông là một cán bộ có năng lực”.
Song, bỏ qua tất cả những ngụy biện trắng trợn của Petrotimes và đặc
biệt là của Đại tá-Tổng Biên tập Nguyễn Như Phong, cái cần nói ở đây là
một ý đồ nguy hiểm của Nguyễn Như Phong trong việc dùng phương tiện
truyền thông “nhà trồng được” để quật lại phe đối thủ. Ít nhất thì, căn
cứ bài viết “Suy ngẫm về lời khai của Dương Chí Dũng cho Tướng Phạm Quý Ngọ”, cũng có thể nói rằng ông Như Phong có ý đồ xấu đối với các đồng nghiệp báo chí của ông.
Đe dọa báo chí?
Nguyễn Như Phong viết: “Đã có những tờ báo giật tít với giọng điệu hả
hê, khoái chí khi thấy có một lãnh đạo cao cấp của lực lượng công an
"dính chàm". Người ta đang chờ đợi Tòa sẽ xử lý ra sao trước những thông
tin này”. Sau câu đá đồng nghiệp (như vẫn thường làm thế), ông Phong vạch đường chỉ lối luôn: “Như
vậy, bước tiếp theo là Tòa sẽ chuyển hết hồ sơ vụ án cho Viện Kiểm sát.
Cơ quan này sẽ nghiên cứu hồ sơ, củng cố chứng cứ và sẽ có quyết định:
Hoặc là kháng nghị quyết định khởi tố điều tra vụ án của Tòa, hoặc giao
cho một cơ quan điều tra tiến hành điều tra… Nói tóm lại là “còn tốn
thời gian lắm”.
Sao Như Phong lại đưa khả năng Viện Kiểm sát kháng nghị quyết định khởi
tố điều tra vụ án của Tòa (tức là bác bỏ quan điểm của Tòa) lên trước,
coi như một khả năng cao? Trong khi trên thực tế, chuyện cơ quan công tố
bác đề nghị của tòa, cũng đồng nghĩa với phủ nhận toàn bộ quá trình
điều tra, là gần như không xảy ra. Đặt một chuyện gần như không xảy ra
vào vị trí “khả năng cao”, ông định dọa các nhà báo đã đưa tin “chống
lại đại ca Ngọ” hay sao, ông Nguyễn Như Phong?
Hàm ý đe dọa còn lộ liễu hơn ở vế sau: “hoặc giao cho một cơ quan điều tra tiến hành điều tra... Nói tóm lại là “còn tốn thời gian lắm”.
Ý ông Nguyễn Như Phong hẳn là vụ việc này trước sau cũng thuộc thẩm
quyền của Bộ Công an (cơ quan đang cần bị/được điều tra thì lại trở
thành cơ quan điều tra) và thời gian sẽ còn kéo dài...
Cũng trong bài viết này, Đại tá Nguyễn Như Phong phân tích (nghe có vẻ rất hợp lý):
“Ngay khi bị bắt ở Campuchia, Dương Chí Dũng đã khai ra việc biếu ông
Ngọ 500.000 đô la. Khi đưa Dương Chí Dũng về tới TP Hồ Chí Minh, Dũng
vẫn khai như vậy. Nhưng rồi ít ngày sau, Dương Chí Dũng đã viết bản khai
lại và xin lỗi ông Ngọ vì đã vu oan cho ông. Nguyên nhân tại sao lại vu
oan cho ông Ngọ thì được Dương Chí Dũng nói trong bản khai ấy rằng do
hoảng loạn tâm thần và căm tức ông Ngọ về việc chỉ huy quân lùng bắt
Dương Chí Dũng ở khắp nơi. (Chẳng hiểu vì sao trước Tòa, khi Dương Chí
Dũng khai ra việc này mà Tòa lại không đưa lời khai và lời xin lỗi của
Dũng trước đó ra?)”.
Vậy, ông Nguyễn Như Phong sao lại lờ đi chi tiết là, Dương Chí Dũng đã
khai tại tòa rằng trong quá trình điều tra bị ép cung, lo sợ bị giết hại
nên Dương Chí Dũng mới phải làm theo lời điều tra viên – viết thư xin
lỗi ông Ngọ.
Ý đồ nhằm vào Chủ tịch nước
Mới đọc qua, phép ngụy biện “Và việc ông Ngọ vẫn được Chủ tịch nước
phong cấp hàm Thượng tướng là minh chứng rõ nhất cho việc ông không ăn
hối lộ của Dương Chí Dũng” có thể chỉ cho ta thấy dụng ý xu nịnh
lãnh đạo của Nguyễn Như Phong. Nhưng thật ra ngụy biện Như Phong này có
một dụng ý thâm hiểm chứ không đơn giản là xu nịnh: Đại tá đang khéo léo
đổ trách nhiệm sang cho Chủ tịch nước, người được cho là thuộc “phe tấn
công” trong vụ án này.
Có một chi tiết (mà độc giả đã biết qua báo chí nhưng chưa kiểm chứng
được), là Chủ tịch nước trước đây đã từ chối gặp Dương Chí Dũng. Nghĩa
là dù thế nào, trước mắt công chúng, ông cũng ít nhiều thể hiện mình là
người kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng. Cái cách “lôi Chủ tịch nước
vào cuộc” của Nguyễn Như Phong chỉ là sự chia rẽ, phân hóa nội bộ “phe
tấn công”, tách Chủ tịch nước ra khỏi những người ủng hộ ông, hay nói
đúng hơn, khỏi những người đang muốn chống tham nhũng.
Dương Tự Trọng trước và sau . . . |
Ra sức bao biện cho đồng nghiệp công an...
Nguyễn Như Phong phán xét độc giả - người ngoài: “Nhưng họ không hiểu
rằng, ông Phạm Quý Ngọ khi ấy là Trưởng ban Chuyên án Vinalines, là
người đề xuất các biện pháp nghiệp vụ đặc biệt để giám sát Dương Chí
Dũng, đảm bảo nhất cử nhất động của Dũng đều được biết. Không đời nào
ông lại dại dột dùng điện thoại của mình hoặc mượn điện thoại ai đó gọi
cho Dương Chí Dũng. Và chính ông là người ký lệnh bắt Dương Chí Dũng,
rồi cũng chính ông chỉ huy việc lùng bắt”.
Việc ông Phạm Quý Ngọ là Trưởng ban Chuyên án không phải là chứng cớ
ngoại phạm để chứng tỏ ông Ngọ không báo tin cho Dương Chí Dũng. Tương
tự, coi việc ông Ngọ ký lệnh bắt và chỉ huy lùng bắt Dương Chí Dũng là
bằng chứng bảo đảm ông này “không đời nào” cấu kết bảo vệ Dương Chí
Dũng, là một lập luận thật ngây thơ... không thể có ở công an!
Còn “ngây thơ cụ” hơn nữa là lập luận “xách một túi tiền nặng 5kg không phải là chuyện đùa”.
Một người đàn ông khỏe mạnh hồng hào như Dương Chí Dũng nhấc một chiếc
valy (cặp công tác) nặng 5k, có gì buồn cười và trinh thám không?
Cuối bài viết bênh vực đại ca ra mặt, ông Nguyễn Như Phong nhận định: “Từ
xưa đến nay, chuyện bị cáo ra Tòa khai vấy theo kiểu "trâu lấm vẩy bùn"
cho người khác là không hiếm. Còn trong nghề công an, chuyện trinh sát
bị đối tượng cho “leo cây”, cũng là chuyện chẳng hiếm. Chỉ có điều rằng
nếu chỉ căn cứ theo những lời khai ấy mà suy diễn, rồi đặt ra những dấu
hỏi rằng thế này, rằng thế khác thì xem ra chưa phải là công tâm!”. Rồi ông kết luận: “Rất mong các cơ quan tố tụng khẩn trương vào cuộc, điều tra cho ra sự thực”.
Là người trong ngành, ông Nguyễn Như Phong tất nhiên biết rõ những
chuyện bị cáo ra tòa khai lung tung, đổ vấy tội cho người này người
khác. Đó là chuyện có thật. Nhưng ông muốn “các cơ quan tố tụng khẩn
trương vào cuộc điều tra”, là các cơ quan nào? Nói cách khác, ai sẽ là
người điều tra khi chính cơ quan điều tra phạm pháp? Ông không định cùng
các đồng nghiệp công an của ông – dưới trướng Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ –
đứng ra “thầu” vụ này đấy chứ? Cái đó người ta gọi là “xung đột lợi
ích” ông ạ, không được đâu.
Nếu có những lời khai cho rằng cả Bộ trưởng Trần Đại Quang lẫn Thứ
trưởng Phạm Quý Ngọ – nghĩa là hai quan chức đầu ngành của Bộ Công an,
riêng Trần Đại Quang còn là ủy viên Bộ Chính trị – đều có liên quan đến
chạy án, tham nhũng, làm lộ bí mật công tác, v.v., thì cơ quan nào có
thể đứng ra khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử Bộ trưởng Công an? Câu
trả lời, trong điều kiện lý tưởng, là Quốc hội sớm lập Ủy ban Điều tra
Lâm thời độc lập. Kết quả điều tra và những người tiến hành sẽ ra
điều trần trước Quốc hội trong một phiên công khai cho bàn dân thiên hạ
cùng xem xét.
… và chơi xấu đồng nghiệp báo chí
Bài viết của Nguyễn Như Phong, ngoài lời lẽ công khai bênh vực Thứ
trưởng Phạm Quý Ngọ, bất chấp tính khách quan – độc lập của báo chí, còn
gửi thông điệp đe dọa đến các nhà báo, các tờ báo đã cả gan đưa tin và
“hả hê, khoái chí” khi thấy đại ca Ngọ dính chàm.
Cho đến nay, các nhà báo trong mảng nội chính chắc chưa ai quên được vụ
PMU 18 và việc “phe bị đánh” đã phản đòn ngoạn mục và tàn bạo như thế
nào. Vụ án Dương Chí Dũng-Dương Tự Trọng là một vụ án động chạm đến toàn
ngành công an, vì vậy, chuyện phe này quật lại là hoàn toàn có thể.
Hiện tại, có dấu hiệu cho thấy phe công an đang phản công, khi mà cả
CAND, Petrotimes, trandaiquang.net, nguyentandung.net... đều đang đầu tư
công sức, ngày đêm khẩn trương viết bài bảo vệ ngành, bảo vệ nhân quyền
(quyền được xét xử công bằng, quyền tiếp cận luật sư, quyền im lặng,
v.v.) của các đồng chí đã và chưa bị lộ. Còn tệ hơn thế nữa là khả năng
thỏa hiệp giữa các phe phái...
Chỉ còn biết mong các nhà báo (Một Thế Giới, Pháp luật TP.HCM, Thanh Niên, Tuổi Trẻ...) hãy cẩn thận, và độc giả hãy tỉnh táo...
Nguyễn Anh Tuấn – Trịnh Hữu Long – Phạm Đoan Trang
0 nhận xét:
Đăng nhận xét