Anh Trần Văn Lâm. Ảnh Nguyễn Vinh |
Nguyễn Vinh
“Mỗi lần đổ bệnh về thăm quê, vợ tui nó cản, đâu cho đi. Thấy tổn sức
quá, nhưng mà hổng đi thì hổng có tiền xài, dưới quê thì lúc rày không
có việc làm, bà xã phải ở nhà lo cho mấy đứa đi học” – kéo hai chiếc
thau nhựa đầy mấp sình lẫn những nùi trùn đỏ lúc nhúc vào chân cầu ông
Cậy, Thủ Thiêm, anh Trần Văn Lâm da sạm đen nắng gió, dáng người gầy gò,
run lập cập rít một hơi thuốc, kể với giọng miền Tây thiệt thà ngắt
quãng vì lạnh.
Hai năm nay, cứ vào đợt nông nhàn, anh Lâm (nhà ở ấp 3,
xã Hoà Mỹ, Phụng Hiệp, Hậu Giang) lên TP.HCM gia nhập đoàn ghe đãi trùn
chỉ kiếm thêm thu nhập.
Trôi nổi phố phường
Trước đây, vợ chồng anh dắt díu nhau lên Bình Dương làm
mướn kiếm sống. Thấy việc làm mướn không ổn định, rày đây mai đó, gián
đoạn chuyện học của tụi nhỏ, nên họ về quê cung cúc làm ruộng. Nhưng nhà
con đông, mỗi người được chia chừng 5 – 6 công đất, chẳng thấm tháp vào
đâu.
Mấy năm nay, thời tiết thất thường, làm lúa ở quê ngày
càng chật vật. Nếu mùa màng có thuận lợi lắm cũng chỉ dư được không tới 7
triệu đồng/vụ (ba tháng rưỡi), không đủ lo cho tụi nhỏ (hai đứa lớp 5,
một đứa sắp vào mẫu giáo) ăn học.
“Cứ ngồi chôn chân ở quê chờ vô mảnh ruộng mùa được mùa
mất thì chắc chết đói”, anh Lâm kể tiếp, “Hai năm trước, một lần lên
Sài Gòn kiếm việc làm, ở trọ chung nhà với vợ chồng thằng Sang (em trai)
sát mép rạch, gần cầu Bình Điền, quận 8, thấy người ta rủ đi đãi trùn
chỉ về bán cho mấy hầm cá kiểng, cũng đi theo thử sức. Mấy bữa đầu không
quen dầm nước, đau sụt sùi, có hôm chấp nhận về tay không, lỗ tiền xăng
nhưng rồi từ từ cũng quen cái nghề”.
Đãi trùn chỉ đáy sông là nghề kiếm sống lâu nay của
nhiều xóm lao động nghèo Sài Gòn. Nước nổi bèo nổi. Người nuôi cá kiểng
càng đông, nhu cầu càng cao thì cái công đầm mình trong nước, ngụp lặn
sình lầy khổ cực của người đãi trùn càng được chia sẻ. Như trường hợp
của anh Lâm, ngày trước mới vào nghề, khi giá trùn chỉ 6.000 đồng/lon
đặc, mỗi nửa tháng về thăm nhà một lần, anh đưa cho mẹ sắp nhỏ chừng một
triệu rưỡi để lo liệu chi tiêu. “Bây giờ, giá trùn tăng lên 10.000
đồng/lon đặc, nếu chịu khó hì hục đãi cật lực, không bệnh tật gì, thì
mỗi tháng vợ con tui ở quê có thêm chừng ba, bốn triệu để lo học phí,
quần áo, chợ búa. Tính ra cực, nhưng cũng đỡ, chứ giờ ruộng đồng khó lắm
anh ơi”, anh Lâm nói.
Xóm trọ anh Lâm và Sang, em trai anh đang sống có chừng
chục chiếc ghe, mỗi ngày, khi con nước ròng, thì toả đi khắp kênh rạch
Sài Gòn để đánh trùn chỉ. Chiếc ghe mà anh Lâm đi hôm nay có bốn người,
gồm Hoàng, Hoà, Sóc, đều là những người ở quê lên, dìu dắt nhau vào
nghề, nên gắn bó, nên sẵn sàng phụ giúp nhau hết mình.
Mới làm nghề này hai năm, mà anh Lâm có thể kể cho tôi
nghe vanh vách những điểm nào có nhiều trùn, luồng lạch nào nước sạch,
nước thối, đáy sông nhiều bùn, nhiều rác như người thuộc rõ bản đồ lòng
sông trong lòng bàn tay.
Cái lạnh đáy sông
12 giờ trưa. Nước ròng. Cơm nước xong, mỗi người ôm hai
chiếc thau nhựa to và một chiếc vợt đãi lên đường. Điểm “đánh” trùn chỉ
hôm nay là từ ngã ba kênh Bến Nghé qua mạn Thủ Thiêm, ngược lên cho đến
cầu Sài Gòn. Dân đãi trùn mách nhau rằng, đâu có dòng nước sạch, thì
trùn chỉ tập trung, sinh sôi nhiều. Người đãi trùn phải xoay vần lịch
làm việc của mình theo con nước ròng. “Đầm mình dưới nước, mau đói lắm.
Có hôm đói nôn nao xây xẩm mà có mang theo gì ăn được đâu. Hai cái thau
buộc bên hông, cái vợt cột trước bụng, đèn pin đeo trên đầu, cứ vậy mà
quây, đãi”, anh Lâm kể, “Nhiều khi dầm nước tay chân tê cóng, dẫm phải
đinh, miểng chai, vướng thép, còn không có cảm giác gì. Về nhà mới hay
rách toác bàn chân”.
Ngoài đồ nghề lúc nào cũng cột vào người, thì có một
thứ là vật bất ly thân của người đãi trùn chỉ, đó là thuốc lá. Thuốc lá
được bọc trong một túi nilông mấy lớp, buộc kín không để nước ngấm vào.
Loại thuốc được dân đãi trùn chọn thường là loại nặng nhất, rẻ nhất. Như
anh Lâm, thì mỗi ngày trời lạnh, đốt hết một gói Bastos. Nhiều người đi
đãi trùn lâu năm hơn, đô cao hơn, thì phải dùng đến thuốc rê như một
giải pháp chống lạnh, chống buồn khi nghỉ tay, ngó lên bờ thì nhà cửa
đường sá lộng lẫy rộn ràng, mà vây quanh mình là sóng nước rợn rợn.
Nhìn ra mặt sông buổi chiều nước lên dập dềnh từng đám
lục bình trôi man mác, người đàn ông gầy gò tâm sự với giọng chân chất:
“Kiếm đồng tiền bây giờ khó thiệt. Đi trùn vậy chớ có hôm về chỉ được
vài lon, có phải hôm nào cũng trúng đâu. Có bữa thì đãi được một ít, về
dọc đường gặp thuyền lớn chạy ngang qua, vun sóng cao, hất đổ hết xuống
sông. Hôm trúng, thì tiền xăng cộ đi ghe, mỗi chuyến tốn 100.000 đồng,
cả nhóm chia nhau, rồi thì tiền phụ thằng em đóng tiền nhà trọ, tiền ăn
uống tiêu xài... cũng dư chút đỉnh. Nói chung, cũng phải tiết kiệm hết
mức, cố gắng ngày nào cũng làm chứ vợ con mình ở quê ngồi đếm từng ngày.
Mấy bữa nay cảm mà cũng phải đi làm vì hẹn với mấy nhóc ở nhà cuối tuần
nay tía về”.
Hôm nay coi như là một ngày “trúng” đối với anh Lâm.
Hai thau trùn đầy, đang nổi bập bềnh mép nước kia, sau khi đem về xả
nước, giao hàng cho mấy hầm cá kiểng quen ở quận 7, chắc sẽ kiếm được
chừng 250.000 đồng.
“Được cái trùn có sẵn dưới sông rạch, chỉ cần bỏ công
sức ra kiếm đồng tiền, không lệ thuộc ai. Trời thương thì kiếm được
nhiều, không thì cũng đủ chi tiêu, có đồng ra đồng vô cho vợ con đỡ
cực”, người đàn ông 44 tuổi vừa nhặt mấy cọng rong sót trong hai thau
trùn, vừa nói với nụ cười hiền lành như đất.
Một góc trời sụp tối. Gió thổi lướt mặt sông từng đợt
lạnh căm. Người đàn ông tha phương vẫn đứng ngâm chân run rẩy mép sóng,
dõi mắt chờ chuyến ghe của những người trong nhóm trở lại đón về.
Bên kia sông, là quận 1. Dãy nhà hàng nổi, những toà
building kiêu hãnh hiện đại, những con đường hào nhoáng và xa xỉ nhất
Sài Gòn... bắt đầu rực rỡ đèn màu.
Nguyễn Vinh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét