Nước dâng quá nhanh, không kịp chạy, một người dân ở thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định đành trổ mái ngói thoát thân. (Hình: Tuổi Trẻ) |
Lũ
chồng lũ, các đợt mưa tầm tã nhấn chìm gần như toàn bộ miền Trung Việt
Nam mấy ngày qua. Đã có 46 người chết, hàng trăm ngàn nhà chìm trong
biển nước, giao thông Bắc Nam gián đoạn.
Các đợt mưa lũ xối
xả xuống miền Trung Việt Nam các ngày từ 13 đến 17/11/2013 mang đến từ
áp thấp nhiệt đới kéo dài vào thời điểm thủy triều đang lên khiến miền
Trung ngập nặng. Tuy nhiên lý do chính khiến ngập lụt trở thành nghiêm
trọng và gây nhiều thiệt hại về người, tài sản gồm nhà cửa và vườn ruộng
vô cùng lớn ngoài dự đoán, vì các công trình thủy điện ở Tây Nguyên và
khu vực miền Trung đồng loạt xả nước để các hồ chứa nước không bị vỡ. Sự
phẫn nộ của dân chúng tăng cao và chỉ trích chính quyền đang lan rộng.
Theo Trung tâm Phòng chống lụt bão miền Trung - Tây nguyên, ngay vào
khi nước dâng do mưa lớn, cả 15 công trình thủy điện trong khu vực miền
Trung – Tây Nguyên đã đồng loạt mở cừa xả, bất chấp việc xả nước sẽ trở
thành thảm họa cho dân chúng ở khu vực hạ lưu.
Tính đến ngày 17 tháng 11 đã có ít nhất 46 người chết và mất tích do
lũ lớn và nước dâng cao đột ngột. Hiện có hàng trăm ngàn căn nhà từ Thừa
Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quang Ngãi, đến Bình Định, Phú Yên
chìm sâu trong nước. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại khu vực Tây
Nguyên, ảnh hưởng tới cư dân của các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai,
Kon Tum.
Hệ thống đường sá ở
khu vực miền Trung và Tây Nguyên hư hỏng trầm trọng và gần như bất khả
dụng vì bị ngập sâu hay cầu bị nước cuốn trôi. Do độ cao và độ dốc lớn,
quốc lộ 19 – con đường nối khu vực đồng bằng duyên hải miền Trung với
Tây Nguyên – chưa bao giờ bị ảnh hưởng do lũ lụt gây ra nay cũng đã bị
cắt thành ba, bốn khúc. Giao thông đường bộ, đường sắt xuyên Việt đã bị
đình trệ và hàng ngàn khu dân cư đang bị cô lập giữa biển nước. Giao
thông đường bộ Bắc-Nam cũng gián đoạn vì nhiều khúc quốc lộ 1A ngập nước
và cầu bị sập ở Bình Định.
Xe xúc đổ, san đá lấp mố cầu sạt lở quốc lộ 1A tại phía nam cầu Bình Định (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định). (Hình: Tuổi Trẻ) |
Tuy chưa có thống kê về thiệt hại nhưng thông tin ban đầu do các tỉnh
bị ảnh hưởng bởi trận lũ được xem là “chưa từng thấy” này loan báo, cho
phép ước tính, số người bỉ tác động bởi trận lũ vừa kể lên tới hàng
triệu. Trong đó có hàng trăm ngàn người hiện hoàn toàn trắng tay, một
phần vì lũ quá đột ngột, chỉ kịp “bỏ của chạy lấy người”, một phần vì
toàn bộ ruộng vườn, gia súc, gia cầm đã bị hủy hoại.
Dân chúng xem việc
đồng loạt xả nước của các công trình thủy điện trong khu vực miền Trung
- Tây Nguyên là vô trách nhiệm, là giết người, là không thể tha thứ. Có facebooker nhận định đó là “tội ác chống loài người” bởi việc xả nước
mang tính hủy diệt.
Sự bất bình, phẫn nộ không chỉ lan rộng trong dân chúng mà còn thể
hiện nơi các viên chức chính quyền địa phương. Ông Huỳnh Vạn Thắng, phó
giám đốc của Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng,
khẳng định với báo giới, các nhà máy thủy điện hoàn toàn không có tác
dụng cắt lũ như chính quyền vẫn biện minh khi cho phép xây dựng ồ ạt
công trình thủy điện. Ông Thắng bảo rằng, dẫu các công trình thủy điện
biện bạch “xả lũ đúng quy trình” nhưng việc hạ lưu ngập nặng cho thấy
các hồ chứa nước của những công trình này không có tác dụng trữ nước,
cắt lũ.
Dân ở xóm Cồn Chim (thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn, tỉnh Bình Định) đã 3 ngày thiếu lương thực và nước uống chờ hàng cứu trợ đến. (Hình: Tuổi Trẻ ) |
Vị phó giám đốc của Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn thành phố
Đà Nẵng, giải thích, sở dĩ như thế vì đa số hồ chứa nước của các công
trình thủy điện khu vực miền Trung - Tây Nguyên có dung tích nhỏ nên mùa
khô chẳng trữ được bao nhiêu nước để cứu hạn cho hạ du, còn mùa lũ thì
xả dồn dập tạo ra tình trạng lũ chồng lũ. Ông Thắng nhận định, các doanh
nghiệp chỉ xây hồ chứa quy mô vừa phải như hiện tại để đạt mục tiêu bán
điện, sớm thu hồi vốn chứ không dại gì xây dựng hồ lớn cho tốn kém.
Tình trạng các công trình thủy điện mọc lên khắp nơi và trở thành
thảm họa mới cho khu vực miền Trung – Tây Nguyên là lỗi của nhà cầm
quyền trung ương khuyến khích xây dựng các đập thủy điện. Chỉ riêng hệ
thống sông Vu Gia – Thu Bồn ở Quảng Nam chỉ dài khoảng 20km nhưng phải
gánh tới hơn 100 dự án thủy điện.
Sau khi bị chỉ trích kịch liệt, hồi đầu tháng này, chính quyền Việt
Nam loan báo đã loại bỏ 424 dự án thủy điện. Trừ đi các dự án bị loại
bỏ, tại Việt Nam vẫn còn 815 dự án, công trình thủy điện, trong đó có
205 dự án đang thi công hoặc dự kiến sẽ khai thác cho đến 2017.
Theo giới chuyên gia về năng lượng và kinh tế, các dự án thủy điện
nhỏ không mang mục đích sản xuất điện mà chỉ nhằm kiếm giấy phép phá
rừng, khai thác gỗ, quan chức lớn nhỏ chia nhau đút túi.
Số lượng dự án thủy điện nhỏ được quy hoạch và cấp giấy phép thực
hiện rất lớn nhưng hiệu quả kinh tế không cao, trong khi diện tích chiếm
đất rừng lại không hề nhỏ (trung bình mỗi MW điện ngốn khoảng 14 héc ta
rừng, một dự án 10 MW điện làm Việt Nam mất khoảng 150 héc ta rừng).
Xác gia súc chết trôi khắp nơi, ngay cả mặt đường lộ tại huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi.(Hình: Dân Việt) |
Cũng vì vậy, việc phê duyệt, cho phép thực hiện ồ ạt các công trình
thủy điện đã khiến Việt Nam mất thêm hàng trăm ngàn héc ta rừng, nguyên
nhân khiến lũ lụt càng ngày càng thường xuyên và mức độ thảm khốc càng
ngày càng lớn.
Hồi giữa năm nay,
sau khi thẩm tra, Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường của Quốc hội
CSVN cho biết, mức độ an toàn tại các công trình thủy điện nhỏ chưa tuân
thủ quy định của pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Khoảng 30%
đập chắn nước của các công trình thủy điện nhỏ chưa được kiểm định.
Khoảng 66% đập chắn nước chưa được duyệt phương án bảo vệ. Khoảng 55%
chủ đập chưa có phương án phòng chống lụt bão.
Việc cho phép thực hiện ồ ạt hàng ngàn dự án thủy điện còn gây xáo
trộn sinh hoạt, sinh kế của hàng trăm ngàn gia đình, phần lớn là người
thiểu số, tăng thêm đói nghèo, đẩy người thiểu số tới tột đỉnh của sự
bần cùng.
Đáng lưu ý là không có bất kỳ viên chức nào nhận trách nhiệm hay bị
truy cứu trách nhiệm. không biết hậu quả thảm khốc từ trận lũ “chưa từng
thấy”, đang diễn ra tại miền Trung và Tây Nguyên có đủ sức lôi viên
chức nào trong hệ thống cầm quyền ở trung ương ra tòa. (G.Đ).
0 nhận xét:
Đăng nhận xét