Ads 468x60px

Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2014

Nỗi lòng của những người bán hàng đêm

Những phút ế hàng. (Hình: Phương Ngạn/Người Việt)
Phương Ngạn/Người Việt
Miền Trung Mùa Ðông, chừng 20 giờ đêm hầu như nhà nào cũng lo khép cửa đi ngủ sớm, cái lạnh và những cơn mưa nhì nhằng đã làm cho con người trở nên co cụm, nhát ra đường.
Nhưng, cũng trong cái lạnh se sắt này, giữa phố cổ rêu phong, dưới những mái nhà lúp xúp, tiếng rao của người bán bánh chưng, bán bắp luộc và hủ tíu đôi khi ngân nga, đôi lúc ỉ ôi, cũng có lúc não nùng, để xua tan cái lạnh.
Nghèo vẫn hoàn nghèo
Bà Thúy, người có thâm niên gần hai mươi năm bán bắp luộc ở phố cổ Hội An, Quảng Nam, chia sẻ: “Tui bán gần hai mươi năm rồi, nuôi từ hai đứa con ăn học, đến giờ nuôi miệng và thỉnh thoảng mua quà thăm cháu, nghề này buồn mà vui!”
“Buồn vì mình nghèo vẫn hoàn nghèo, hai đứa con gái có chồng tui cũng chẳng có gì để giúp, mà đẳng cấp nào ra đẳng cấp đó nên con gái mình học tới đại học, về nhà thất nghiệp, đi bán hàng thuê rồi lấy chồng cũng nghèo, chẳng đổi đời”.
“Mỗi đêm tui đi bán chừng một trăm trái bắp, ban ngày đi mua bắp, mua củi về luộc, tối đến, bắt đầu 8 giờ tối thì đi bán, giờ này mấy nhóm đi chơi mới bắt đầu mua hàng ăn vặt, đến 9 giờ, 10 giờ thì người ta mới ăn khuya, lúc đó mình đi vào các con hẻm rao bán. Ðêm nào cũng như đêm nao, riết thành quen, hễ người ta ăn bắp thì chọn giờ đó, mình sẽ rao ở đó”.
“Mỗi đêm kiếm cũng được hai trăm ngàn đồng, vị chi một tháng sáu triệu đồng, kể ra, tuổi già mà thu nhập như vậy cũng khá. Nhưng rồi trăm nước đổ lá môn, đủ thứ khoản hết, chẳng đâu vào đâu!”
Lúc những nhóm trẻ bắt đầu ăn vặt vào đêm,
cũng là lúc những gánh bắp luộc lên đường.
(Hình: Phương Ngạn/Người Việt)
Anh Hiền, người bán bánh chưng đêm, trước đây là một kỹ sư điện, sau này nghỉ việc vì tai nạn lao động, anh chuyển sang bán bánh chưng và làm thơ, anh kể: “Bán bánh chưng mệt lắm, mình tự nấu để bán nên ban ngày phải đi mua lá chuối và nếp về nấu, tối đi bán”.
“Mình bị thiếu ngủ hơn mười năm nay rồi, làm thơ cho bớt buồn, tránh chứng mất ngủ và cũng là để giết nỗi buồn trong lúc đi bán bánh chưng. Mình thì thích thơ tự do, thích dòng Hậu Hiện Ðại, thích nhóm Mở Miệng của Bùi Chát, Lý Ðợi, Khúc Duy...”
“Mình đọc nghe bài này: Những con mắt thao láo nhìn vào lá chuối/ Bánh chưng cựa mình nói lên giờ sinh nhật/ Khai sinh hạt nếp từ tâm tôi rong ruổi/Vào cuộc đời như một tiếng thở dài/Những nhánh Thu Bồn trổ cơn sinh nở/Phù sa bồi đắp thịt da của những phận đời trôi/Kẻ vong ơn vờ vĩnh ăn năn trên thống đau đồng loại/Xa lắc bụi bờ là tiếng rao đêm/Tôi khảm vào tôi nỗi buồn thế kỷ/Khảm vào đêm những giọt mồ hôi/Khảm vào tường rêu mối tình cố xứ/Tiếng chim từ qui khảm vào đời người...”
“Bài thơ dài lắm, mình đọc ít nghe cho vui thôi. Nói chung nghề của mình cũng kiếm được chút tiền nuôi con ăn học. Nhưng nhìn đâu cũng thấy buồn, có thể nói ban đêm, bộ mặt thật của cuộc sống mới hiện ra. Có người đến 12 giờ khuya vẫn còn lụi hụi rửa chén thuê, có người ngủ co ro vào trong góc hiên nhà ai đó vừa ngủ vừa núp vì sợ dân phòng...”
“Nói chung, ai đi bán thì sao mình không biết, chứ với mình, đi bán bánh chưng cũng như đi tu vậy, vừa tự kiếm tiền độ nhật, vừa chiêm nghiệm cuộc đời và nhìn thấy vô thường, nhìn thấy nỗi đau của một xứ sở kẻ ăn không hết, người làm không ra”.
Kẻ ăn không hết người lần không ra
Ði dạo đêm ở phố cổ Hội An, từ 19 giờ đến 21 giờ, có thể nói rằng mọi sự giàu có, sầm uất ở thành nơi này được phơi bày một cách đầy đủ nhất, các loại xe mô tô phân khối lớn thuộc hàng siêu, các loại xe ô tô siêu xe đều có mặt ở đây. Khách Tây, khách Nhật, khách Trung Quốc đi khắp phố, nhà hàng, khách sạn hạng sang lên đèn cả dãy dài.
Thế nhưng, cách đô thị cổ không xa, chưa đầy hai cây số, những cuộc đời nghèo khổ trong những mái nhà xiêu vẹo nằm thiu thiu ngủ dưới trời đêm cùng tiếng giun dế khiến cho cánh đồng càng trở nên hiu quạnh. Họ là những cư dân gốc Hội An, có đời sống khá đặc biệt.
Một góc khác của đời sống bán hàng rong ban đêm
tại Hội An. (Hình: Phương Ngạn/Người Việt)
Một người bán bánh bao đêm, kể: “Tôi trước đây là dân nội thành, nhà tôi ở đường Nguyễn Thái Học, thế rồi thành phố chuyển mình làm dịch vụ du lịch, lúc đó nhà đất tăng giá, mà cha tôi lại bị bệnh nặng, các em xúi bà mẹ tôi bán nhà cho một người ngoài Bắc vào để lấy tiền chữa bệnh và chia chác, bán xong tụi nó xúm nhau chia phần rồi chia ca nuôi ông cụ. Khi ông mất thì nhà cũng mất theo...”
“Giờ tụi nó cũng nghèo, tui cũng nghèo, do hồi đó đứa nào nghe tiền đến cũng ham, khổ! Sau này ông chủ mới bán lại căn nhà với giá mấy tỉ bạc, lúc đó bán có một trăm rưỡi triệu đồng thôi. Mà hồi đó nghèo quá, dân người ta bán nhà nhiều lắm, bây giờ phần lớn dân nội thị Hội An là dân xứ khác!”
“Phần đông người Hội An gốc giờ cũng khổ cực lắm, vì những năm trước 1997, cả thành phố này chỉ biết đi bán cà rem, kẹo kéo, buôn ve chai, đồng nát để sống hoặc đi làm thuê, đến khi thành phố chuyển loại hình làm du lịch, thì cũng không có vốn để đầu tư làm du lịch nên bán nhà cho dân có tiền, dân xứ khác họ đến đây làm giàu nhiều lắm!”
“Dân Hội An gốc nhiều người suốt đời cũng đi bán ve chai, bán bắp luộc, nói chung nếu như trước 1975 họ sung sướng thì sau này, họ hết làm culi cũng làm nghề bán hàng rong, không hơn gì. Cơ hội luôn dành cho kẻ có tiền và có quyền, kẻ có tiền có quyền thì ăn không hết, người nghèo thì quanh năm làm quần quật vẫn thiếu ăn...”
Ðêm phố cổ, từ 9 giờ trở đi, mọi hoạt động lắng xuống, nhường lại không gian cho đèn đường và những mái ngói nhấp nhô sóng, những mảng tường rêu. Và đây cũng là không gian của những tiếng rao của người bán bắp luộc, bán bánh chưng, bánh bao đêm. Những tiếng rao trổ dài theo phố, những tiếng rao chất nặng nỗi buồn của một kiếp nghèo.
Phương Ngạn/Người Việt 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét