Ads 468x60px

Thứ Ba, 24 tháng 6, 2014

Điện thoại bị nghe lén, theo dõi phổ biến ở Việt Nam

Người Quan Sát
Báo chí trong nước loan tin một vụ phát hiện chấn động, đến hơn 14 ngàn điện thoại bị nghe lén ở Việt Nam. Đó là kết quả của việc hợp tác điều tra liên ngành giữa Sở Thông tin và Truyền thông và Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của Hà Nội, chính quyền đã phát hiện và giải quyết nhiều vụ việc liên quan đến hoạt động mua bán, cài đặt phần mềm gián điệp, theo dõi, giám sát điện thoại trái phép. Rất nhiều thuê bao di động trở thành nạn nhân của loại tội phạm này.
Công ty TNHH công nghệ Việt Hồng, quận Thanh Xuân, Hà Nội là thủ phạm đã bị chính quyền phanh phui khi họ kinh doanh phần mềm ptracker.
Theo tờ Tuổi Trẻ cho biết, ptracker là phần mềm giúp người dùng có thể xem tin nhắn, danh bạ, ghi âm cuộc gọi, định vị điện thoại, quay phim, chụp ảnh, bật-tắt 3G/ GPRS của điện thoại bị giám sát.
Thậm chí người sử dụng còn có thể ra lệnh điều khiển từ xa điện thoại bị cài ptracker bằng cách nhắn tin tới điện thoại này.
Đáng chú ý, toàn bộ dữ liệu lấy được từ điện thoại bị giám sát, sau đó sẽ gửi về máy chủ của công ty Việt Hồng. Nhân viên kỹ thuật của công ty hoàn toàn có thể xem, xóa, khai thác nội dụng dữ liệu đó mà không cần tới tài khoản, mật khẩu của người đã mua phần mềm ptracker. Những dữ liệu này được lưu lại và tải lên máy chủ chỉ sau đó 3-5 phút. Dù khách hàng có mua phần mềm hay không, ngay từ khi cài bản dùng thử, điện thoại bị cài phần mềm ptracker đã chính thức bị chiếm quyền điều khiển, toàn bộ dữ liệu sẽ bị lấy và gửi lên máy chủ. Nếu khách hàng nộp tiền thì công ty Việt Hồng sẽ cấp tài khoản để khách hàng xem, khai thác nội dung dữ liệu trên máy chủ.
Câu chuyện không mới
Theo tìm hiểu của chúng tôi thì việc nghe lén điện thoại di động ở Việt Nam không phải là chuyện mới, vài năm trước báo chí rất nhiều lần cảnh báo sự tác hại của việc bán lan tràn các thiết bị nghe lén điện thoại trên mạng. Thế nhưng chính quyền vẫn không có biện pháp khắc phục, cho dù đây là phương thức kinh doanh nằm trong danh mục cấm.
Chỉ cần lên mạng, với từ khóa “thiết bị nghe lén điện thoại” bất kỳ ai cũng có thể được hướng dẫn, sở hữu thiết bị nghe lén điện thoại một cách nhiệt tình với giá rẻ mạt. Điều tác hại ghê gớm là những sản phẩm này có xuất xứ từ Trung Quốc. Các cửa hàng ở Việt Nam nhập về để bán cho người dân mà không nghĩ nó có thể gây hại cho nền an ninh quốc gia. Các loại thiết bị này có giá dao động từ 200-500 ngàn. Loại tối tân có thể lên đến hàng triệu đồng, tùy thuộc vào yêu cầu sử dụng của khách hàng. 
Đi kèm với các thiết bị là những phần mềm nghe lén điện thoại được sử dụng trên smartphone, như: copyphone, spyphone, Spy Mobile, Mobile Phone Spy… mà theo nhiều lời giới thiệu trên các diễn đàn, phần mềm nghe lén điện thoại di động hoạt động hoàn toàn ẩn trong một môi trường riêng biệt không dễ gì phát hiện được.
Ai là kẻ thường xuyên nghe lén?
Câu trả lời đó chính là chính quyền CSVN. Hầu như tất cả những nhà đấu tranh dân chủ ở Việt Nam đều không lạ với việc chiếc điện thoại di động xinh xắn của mình thường xuyên có những dấu hiệu bất thường. Khi đang có cuộc gọi từ nơi khác đến, họ thường nghe tiếng “bip” như đang bị ghi âm, hoặc âm thanh cứ rồ rồ như đang nghe khi chạy xe trên đường. Hoặc thông qua chiếc điện thoại di động, chính quyền định vị được đối tượng mình đang theo dõi đang ở đâu.
Nếu công ty Việt Hồng bị phát giác khi có trên 14 ngàn tài khoản sử dụng phần mềm theo dõi, thì chính quyền Việt Nam phải có trên hàng chục triệu. Chính quyền không từ bỏ bất cứ thủ đoạn nào để kiểm soát người dân, cho dù việc làm của họ vi phạm đến những quyền tôn trọng sự riêng tư, bí mật của công dân. Họ bạo biện cho hành động nghe lén, theo dõi hèn hạ là vì an ninh quốc gia. Chẳng thể nào việc cớ để bảo vệ an ninh quốc gia để đi xâm phạm sự riêng tư, bí mật của người khác.
Trên Facebook của mình, nhà đấu tranh dân chủ Nguyễn Tiến Trung, người vừa mới ra khỏi nhà tù Cộng Sản chia sẽ về một câu chuyện liên quan đến việc chiến điện thoại của anh bị chính quyền nghe lén, theo dõi như sau: Trong một lần anh này đi về quê ngoại ở Quảng Ngãi, rồi lên lại Sài Gòn, anh không tài nào hiểu nổi vì sao trong thời gian đó chiếm SIM điện thoại di động của mình bị nhà mạng Mobifone vô hiệu, không thể dùng nó để liên lạc với người thân cũng như chẳng thể nhận được cuộc gọi từ người khác. Điều này chỉ chấm dứt sau khi anh quay lại Sài Gòn.
Đương nhiên, việc làm này chẳng thể nào xuất phát từ nhà cung cấp mạng Mobifone, mà nó phải là ý muốn, yêu cầu của phía an ninh chính quyền CSVN.
Tiếp đó anh còn chia sẽ tiếp: “Hồi ra Hà Nội dự đám tang của GS Hoàng Minh Chính cũng vậy, SIM điện thoại của mình không dùng được, khi về nhà ở Sài Gòn lại hoạt động bình thường.
Trùng hợp ghê!”
Không có gì là trùng hợp cả, tất thảy đều nằm trong ý đồ của chính quyền Việt Nam. Chưa bao giờ chính quyền độc tài toàn trị này thôi ý muốn kiểm soát hoạt động của người dân, họ lo ngại vì sợ bất cứ hành động nào của người dân nếu không kiểm soát được sẽ làm lung lay sự cai trị độc tài của họ.
Anh Nguyễn Tiến Trung không phải là trường hợp duy nhất, mà nhiều người khác cũng như anh. Nhiều người kể với nhau rằng, sau khi chị Tạ Phong Tần bị bắt, căn nhà của chị tạm trú ở Sài Gòn phát hiện ra rất nhiều thiết bị nghe lén được cài cắm rất công phu. Trong rất nhiều lần mật vụ, an ninh, công an ập vào nhà để áp giải chị đi lên phường làm việc hoặc bắt nhốt chị trong những ngày diễn ra những sự kiện như biểu tình, hội họp…thì có một lực lượng khác làm nhiệm vụ cài đặt các thiết bị nghe lén ở trong ngôi nhà của chị.
Nếu những ai đồng ý với việc xử phạt thật nặng công ty Việt Hồng vì đã vi phạm những quyền riêng tư, bí mật của người khác thì cũng hãy cất lên tiếng nói để tố cáo chính quyền CSVN đang sử dụng tất cả quyền lực của mình hòng kiểm soát người dân Việt Nam. Và chính chế độ độc tài toàn trị này mới là kẻ vi phạm những quyền riêng tư của người dân nhiều nhất.
Người Quan Sát

0 nhận xét:

Đăng nhận xét