Ads 468x60px

Thứ Năm, 3 tháng 7, 2014

Bề ngoài hớn hở mà trong khóc thầm

Minh Văn 
Tình cảm con người, không có gì đau khổ bằng bị ép buộc. Lời nói và hành động trái với lương tâm dễ khiến cho người ta cắn rứt lương tâm lắm. Khi bạn ghét ai đó mà phải nói yêu, thấy sai mà phải nói đúng, đau khổ nhưng lại không được khóc than. Tình cảm không được bộc lộ theo đúng quy luật tự nhiên như vậy, lâu ngày sẽ tích tụ trong tâm người ta mà mắc chứng trầm cảm. Y học hoàn toàn phản đối điều này, họ kêu gọi con người hãy bộc lộ đúng trạng thái tâm lý của mình để có một sức khỏe tốt. Rõ ràng, khi mà một dân tộc bị bệnh trầm cảm, thì đó là nổi bất hạnh cho cả nhân loại rồi.
Bệnh này do yếu tố khách quan mang lại, cụ thể là môi trường xã hội. Điều mà chúng ta tạm gọi là “Chứng trầm cảm xã hội”. Môi trường đó ngăn cản, đe dọa người ta thể hiện những tình cảm tự nhiên chân chính. Muốn chữa chứng bệnh quái ác đó, phải nỗ lực cải tạo môi trường xã hội mà mình đang sống, khiến cho nó trở lại với quy luật tự nhiên ban đầu. Công việc này cần sự liên kết của mọi cá nhân trong xã hội. Ngăn ngừa và loại bỏ dần vi rút gây bệnh, để nó không thể lây lan và hoành hành được nữa. Nói cách khác, đó là một cuộc cách mạng xã hội.
Người Việt Nam ta (cũng như tại các quốc gia Cộng Sản khác) là những người mắc chứng bệnh trầm cảm nặng nhất. Dĩ nhiên, đó là kết quả tích tụ nói dối lâu ngày. Nguyên nhân của sự kìm kẹp, đàn áp và không có tự do ngôn luận. Nếu bạn hỏi người dân Việt Nam hay Triều Tiên về mức độ hài lòng với cuộc sống, thì chắc chắn họ sẽ trả lời rằng: “Chúng tôi là những người hạnh phúc nhất thế giới này”. Tại sao họ lại nói như vậy, trong khi bản thân khổ sở vì bị bóc lột và cấm đoán đủ thứ? Tại vì họ sợ chế độ độc tài, họ không dám nói thật lòng mình. Tình cảnh đó thật nực cười và đáng thương. Giống như chuyện một người bị kẻ ác đánh đập và đối xử bất công nhưng lại không được khóc, ngược lại còn phải làm ra bộ tươi cười khoẻ mạnh. Thậm chí còn nói rằng mình rất hạnh phúc và được đối xử tử tế nữa. Chưa hết, anh ta còn phải ca ngợi kẻ đã bóc lột và ngược đãi mình là vinh quang, vĩ đại.
Một xã hội độc tài mà muốn chứng tỏ ta đây có tự do dân chủ, chẳng khác gì việc người ta tô vẽ và trang trí cho địa ngục trông giống như thiên đàng vậy. Cho dù sự giả tạo đó có giống đến mức nào, thì địa ngục cũng sẽ không bao giờ có được ánh sáng của tự do, công lý, hạnh phúc và yêu thương cả.
Cái sự mâu thuẫn khó chịu lắm, nó khiến cho người ta day dứt khôn nguôi. Đó là một gánh nặng không dễ gì giải thoát. Gánh nặng thể xác thì dễ dàng trút bỏ, nhưng gánh nặng tâm hồn thì như chứng bệnh nan y, càng để lâu càng khó chữa. Nhà nước xây một cái hàng rào vô hình để ngăn cản sự thật trong mỗi người dân Việt Nam, khiến nó ứ trệ mà không lưu thông được. Người dân sợ hãi, nên tự động lập cho mình một quy trình nói dối. Tương tự như cái máy cắt suy nghĩ treo trong đầu vậy, mỗi khi có ý nghĩ đúng thì lập tức nó tự động cắt đi, không để bột phát ra bên ngoài.
Xưa nay chỉ nghe nói đến máy cắt sợi, cắt giấy hay cắt cỏ. Cái máy cắt suy nghĩ thì bây giờ mới nghe nói đến vậy, có lẽ thuật ngữ này xuất hiện kể từ khi có chế độ Cộng Sản đến nay.
Người dân có thể nói về chuyện tự do cạnh tranh và chống độc quyền. Họ rất ủng hộ điều này, và cho rằng có cạnh tranh thì xã hội mới phát triển và tiến bộ. Ấy nhưng khi nói đến cạnh tranh chính trị, đa đảng thì họ lại câm tịt. Lúc này cái máy cắt suy nghĩ trong đầu họ tự nhiên hoạt động và cắt một cái roẹt. Người dân cũng luôn ước ao đất nước mình có được cuộc sống như người Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp hay Đức. Nhưng họ lại phải tự mâu thuẫn bằng việc lên án những nước đó, và ca ngợi chế độ Cộng Sản tươi đẹp văn minh.
Ở địa ngục nhưng lại phải nói là nơi thiên đường. Sống trong cảnh áp bức bất công nhưng lại cho rằng mình đang có tự do. Khổ đau nhưng lại phải làm ra vẻ hạnh phúc. Sự thể đó quả là bi kịch cho người dân Việt Nam lắm. Cũng giống như người ta đeo mặt nạ, cái mặt nạ thì vui cười, nhưng ẩn sau đó là khuôn mặt u sầu của chủ nhân. Đúng là: “Bề ngoài hớn hở mà trong khóc thầm” vậy. 
Minh Văn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét