Hội nghị Thành Đô |
Lý Thái Hùng
Trong Hồi ký Hồi ức và Suy nghĩ viết vào năm 2003, ông Trần
Quang Cơ, cựu Thứ trưởng Bộ ngoại giao CSVN đã viết rằng Hội nghị Thành Đô tập
trung vào việc giải quyết vấn đề Campuchia và bình
thường hóa quan hệ Việt Trung.
Cũng theo ông Trần Quang Cơ thì
sau Hội nghị, hai bên đã có một văn bản gọi là“ Biên bản tóm tắt ” gồm 8 điểm.
Theo ông Cơ thì trong biên bản 8 điểm có tới 7 điểm nói về vấn đề Campuchia, chỉ
có 1 điểm nói về cải thiện quan hệ giữa hai nước... Trong 7 điểm về Campuchia,
2 điểm là những điểm có tính chất chung về mặt quốc tế mà 2 bên đang còn tranh
cãi, còn 5 điểm thì hoàn toàn là đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc. Không có điểm
nào theo yêu cầu của phía CSVN.
Mặc dù Hội nghị Thành Đô đã xảy
ra cách nay 24 năm - gần ¼ thế kỷ, nhưng khó có ai tin rằng Hội nghị chỉ để lại
biên bản 8 điểm như ông Trần Quang Cơ phân tích là bất lợi rất nhiều cho CSVN về
giải pháp Campuchia.
Thứ nhất, Hội Nghị Thành Đô
diễn ra trong bối cảnh sụp đổ hàng loạt các chế độ Cộng sản tại Đông Âu và bản
thân Trung Quốc cũng vừa mới xảy ra một biến cố chính trị đe dọa sự tồn vong của
chế độ, đó là vụ Thiên An Môn vào tháng 6/1989; cho nên những bàn thảo không thể
chỉ có thế.
Thứ hai, Hội nghị Thành Đô diễn
ra trong bối cảnh căng thẳng quan hệ giữa CSVN và Trung Quốc từ sau khi Trung
Quốc xua quân tấn công 6 tỉnh miền Bắc (1979), gây thiệt hại rất lớn cho cả hai
phía nên những bàn thảo không thể làm ngơ về cuộc chiến này.
Thứ ba, trước khi lên đường đi
dự Hội Nghị, ông Nguyễn Văn Linh đã họp Bộ chính trị và cho biết ông Linh sẽ đề
nghị “giải pháp đỏ” với lãnh đạo Bắc Kinh. Tức là ông Linh yêu cầu Trung Quốc
đứng ra lãnh đạo khối Xã hội chủ nghĩa còn lại. Nói cách khác là Hà Nội yêu cầu
Trung Quốc trở thành chỗ dựa mới cho CSVN.
Trung Cộng không dễ dàng gì
chấp nhận làm chỗ dựa cho Hà Nội sau hơn 10 năm (1979 - 1990) CSVN đã dựa vào
Liên Xô để đối đầu một cách toàn diện với Bắc Kinh.
Hơn thế nữa, với tham vọng bành
trướng xuống phía Nam và biển Đông, Bắc Kinh lại càng không thể nào chấp nhận
việc bình thường hóa bang giao với Việt Nam một cách đơn giản mà không có những
yêu sách, nhất là vừa để “dạy thằng em một bài học” về sự phản bội, vừa để nhân
cơ hội “Việt Nam mót bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc hơn”
(lời của ông Trần Quang Cơ) mà đưa ra những điều kiện nhằm nuốt trọn “thằng em”
trong tương lai.
Nói cách khác, Hồi Ký của ông
Trần Quang Cơ chưa nói hết. Ông mới chỉ cay đắng tiết lộ một điểm cơ bản, đó là
cách hành xử thái thú của Trung Cộng và sự khiếp nhược cũng như sai lầm chiến
lược của lãnh đạo CSVN:
“Sở dĩ ta dễ dàng bị mắc lừa ở Thành Đô là vì chính ta
đã tự lừa ta. Ta đã tự tạo ra ảo tưởng là Trung Quốc sẽ giương cao ngọn
cờ CNXH, thay thế cho Liên Xô làm chỗ dựa vững chắc cho cách mạng Việt Nam và
chủ nghĩa xã hội thế giới, chống lại hiểm họa ‘diễn biễn hoà bình’ của chủ nghĩa
đế quốc do Mỹ đứng đầu. Tư tưởng đó đã dẫn đến sai lầm Thành Đô cũng như sai lầm
‘giải pháp Đỏ’.
“Nhưng trong khi lãnh đạo ta ôm kỳ vọng cùng Trung Quốc
“bảo vệ chủ nghĩa xã hội chống đế quốc” thì họ luôn luôn lấy thế nước lớn để lấn
chiếm lãnh thổ lãnh hải ta, và hiểm độc nhất là không ngừng tác động vào nội bộ
ta.
“Vì sao Trung Quốc tăng cường lấn ép ta vào thời điểm này? Vì
Trung Quốc...có ý đồ gấp rút biến biển Nam Trung Hoa - mà ta gọi là biển Đông -
thành vùng biển độc chiếm của Trung Quốc, từ đó khống chế toàn bộ vùng Đông Nam
Á.
“Vì vậy Trung Quốc nhẩn nha trong các bước bình thường hóa
quan hệ với Việt Nam, vừa tạo bề mặt thân mật gắn bó Trung – Việt, vừa xiết chặt
bên trong, giành lợi thế cho mình trên mọi lĩnh vực quan hệ. Cả hai mặt đều nhằm
đạt mục tiêu khẳng định Việt Nam - Đông Dương là thuộc khu vực ảnh hưởng của
Trung Quốc, muốn tách Việt Nam khỏi Đông Nam Á và thế giới bên ngoài.”
Tóm lại, hồi ký của ông Trần
Quang Cơ đã cho thấy chính sự khiếp nhược của đảng CSVN đối với tay đàn anh đầy
tham vọng phương Bắc, và sự rúng động của chế độ trước sự tan rã của khối cộng
sản thế giới (nên đã vội vã tìm tới Trung Cộng cho một “giải pháp đỏ”), đã khiến
Hà Nội sẵn sàng ký kết bất cứ điều gì, dù di hại tới đất nước tới đâu đi chăng
nữa, miễn chế độ không bị sụp đổ theo chân Liên Xô và các quốc gia Đông Âu.
Mới đây, Hoàn Cầu Thời Báo và
Tân Hoa Xã đã tiết lộ “kỷ yếu Hội nghị” về chuyện lãnh đạo CSVN mong muốn làm
khu tự trị thuộc chính quyền trung ương tại Bắc Kinh như Trung Cộng đã dành cho
Nội Mông, Tây Tạng…. vào năm 2020.
Thực
hư chưa biết thế nào vì Trung Cộng đã từng ngụy tạo nhiều hồ sơ, tài liệu để
chứng minh những điều có lợi cho họ, nhưng rõ ràng là tập “kỷ yếu Hội Nghị” đã
buộc CSVN phải im lặng không dám đem Trung Cộng ra kiện như dư luận quốc dân
đang đòi hỏi, vì sợ những ký kết bất lợi cho đất nước với Trung Cộng bị phơi
bày.
Lý Thái Hùng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét