Nguyễn Ðạt
Chùa Giác Viên, tọa lạc tại số 161/85/20 đường Lạc Long Quân, quận 11, một trong những ngôi chùa cổ lâu đời nhất tại Sài Gòn, được nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, đang trong tình trạng đổ nát hoang tàn.
Những bảo tháp hàng trăm năm của chùa Giác Viên.
Chúng tôi từng tới thăm chùa Giác Viên cách đây khoảng mười năm. Lúc đó ngôi chùa đã xuống cấp trầm trọng; và được biết lúc đó các sư trong chùa đã lên tiếng, đệ đơn lên Ban Quản Lý di tích của nhà nước xin trùng tu, nhưng tới hôm nay vẫn không có phản hồi.
Chùa Giác Viên được lập nên từ thế kỷ XVII, vốn là một am thờ Quán Thế Âm Bồ Tát. Cuối thế kỷ XVIII, chùa được trùng tu, hoàn chỉnh là một ngôi chùa theo hệ thống kiến trúc Phật Giáo miền Nam, còn lưu giữ được chính gốc tới bây giờ. Trải qua thời gian dài gần 3 thế kỷ, chùa Giác Viên đã 2 lần được trùng tu lớn, vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX.
Tới thăm chùa Giác Viên hôm nay, chúng tôi xót xa nhìn ngôi chùa cổ vào bậc nhất của Sài Gòn đang tàn tạ. Mái ngói ngay phía trên chính điện cũng đã rớt vỡ nhiều chỗ, gây tai hại không nhỏ: mưa dột làm hư mốc nội thất bằng gỗ, và các tượng thờ, đa số cũng là tượng gỗ.
Chùa Giác Viên có hàng trăm pho tượng gỗ được tạo tác để thờ trong chùa từ thế kỷ XIX; nay bị xâm hại như vậy, không riêng các sư, ai thấy cũng đau lòng. Phía bên hông của chính điện, mái nghiêng đổ trũng xuống góc, chụm đầu mái của hậu liêu cũng nghiêng đổ xuống góc này.
Vào thăm phía trong khu vực đông lang của chùa Giác Viên, thấy thật não nề. Khu vực này có nhà bếp; phía ngoài mái ngói xiêu lệch; phía trong, một trai phòng nay đã hoang tàn, cột kèo mục gãy rớt đổ, không còn mái che, trống hoác ngó lên trời. Tường vách của trai phòng loang lổ khắp nơi, nền nhà cây cỏ dại mọc đầy... Tại các phòng khác, hầu hết kèo cột đều bị mối mọt đục ruỗng, nguy cơ sụp đổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Bên hông chánh điện chùa Giác Viên.
Chùa cổ Giác Viên lại không thuận lợi ở chỗ khu vực xóm nghèo, dân ngụ cư khá phức tạp, chính quyền địa phương quản lý lỏng lẻo, thờ ơ. Do vậy, khu vực đất chùa bị lấn chiếm, nhà cửa tường vách dày đặc chung quanh, bít lấp hết các dòng kênh rạch trước đây, không còn đường thoát nước. Nên cứ mùa mưa tới, chùa Giác Viên đầy những vũng nước ao tù.
Khách thập phương có tới thắp nhang cúng kiếng tại ngôi chùa cổ này cũng ngán ngại. Một vị sư cho chúng tôi biết, nhiều bà con ở đây cũng có tâm, tự nguyện làm công quả ở chùa Giác Viên. Ngặt nỗi bà con hầu hết là gia đình lao động nghèo, cuộc sống đắp đổi qua ngày.
Sư dẫn chúng tôi tới những chỗ bà con làm công quả, dùng các thứ dây nhợ, vỏ xe để bó ghép kèo cột bị gãy, lấy thang lấy cây chống đỡ tường vách xiêu đổ...
Chúng tôi cũng biết bà con ở quận 11 rất tin cậy, trông nhờ các thầy ở chùa Giác Viên, một ngôi chùa mà có người từng gọi là “đứa con hoang của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam,” thế nên nhà nước bỏ mặc, không hề quan tâm việc trùng tu cho ngôi chùa cổ bậc nhất của thành phố.
Dù cuộc sống bản thân các sư của chùa Giác Viên rất đạm bạc, nhưng từ lâu nhà chùa đã tổ chức cơ sở mai táng, tạo điều kiện giúp đỡ bà con nghèo trong việc ma chay. Những gia đình nghèo, khi có người thân qua đời, cơ sở mai táng của chùa Giác Viên đều chăm lo giúp đỡ tận tình hậu sự, từ cỗ áo quan tới việc mai táng.
Ðiều chúng tôi muốn nói trong bài ghi nhận này, chính là vụ việc tại sao có người gọi chùa Giác Viên là “đứa con hoang của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.”
Bên ngoài khu đông lang.
Chúng tôi đã gặp thầy Thích Huệ Thạnh, vị sư trực tiếp trông nom, trách nhiệm tại chùa Giác Viên.
Thầy Huệ Thạnh cho biết, thầy là trưởng tử của thầy trụ trì chùa Giác Viên, trực tiếp trông nom, trách nhiệm tại chùa, vì thầy trụ trì đã qua đời mấy năm nay.
Chùa Giác Viên là chùa theo truyền thống phái Lục Hòa Tăng, chủ trương người đã có gia đình vẫn được lập chùa và tu trì. Nhà nước đã nhân cớ này, o ép để buộc sư của chùa Giác Viên phải tuân theo sự quản lý của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam; trong đó vị sư trụ trì do giáo hội cắt cử.
Thầy Thích Huệ Thạnh nói với chúng tôi: “Anh biết không, khơi khơi họ cử thầy Từ Phát, đang trụ trì chùa Giác Lâm, kiêm nhiệm luôn trụ trì chùa Giác Viên. Truyền thống của Lục Hòa Tăng, là vị trụ trì trước truyền thừa cho người mà mình tin cậy; chớ không phải vị trụ trì mới của chùa lại do ở bất cứ đâu cắt cử tới. Chúng tôi đã đệ đơn về việc trùng tu mười năm rồi. Lâu quá rồi, nên họ cũng vừa mới hứa là sẽ trùng tu đó, dẫu không nói rõ bao lâu nữa. Tuy nhiên họ nói thêm rằng: Sẽ trùng tu, sau khi kiện toàn bộ máy quản lý chùa. Việc cắt cử thầy Từ Phát sang kiêm trụ trì chùa Giác Viên là nằm trong ý định đó. Nhưng chùa Giác Viên theo truyền thống Lục Hòa Tăng, không thể chấp nhận như vậy.”
Chúng tôi cũng biết, một khi nhà nước đã xem xét, công nhận nơi nào là di tích cần phải bảo trì, gìn giữ, mặc nhiên nơi đó thuộc sở hữu toàn bộ của nhà nước.
Nguyễn Ðạt/Người Việt
0 nhận xét:
Đăng nhận xét