Đầu tháng, tôi thường để ý xem tháng đó những sự
kiện gì cần lưu ý để chuẩn bị trước. Những sự kiện này cũng thay đổi theo thời
gian và tuổi tác của tôi. Khi còn đi học, Tháng 9 có ngày Khai trường vào đúng
ngày Mùng 5 là cần lưu ý nhất. Trước ngày đó, chúng tôi không hề bước chân vào
trường trong suốt mấy tháng hè. Đúng bong ngày Khai giảng, cả trường tề tựu làm
lễ ở sân như khi chào cờ, sau đó về lớp của mình để nghe Thầy Cô Chủ nhiệm mới
dặn dò, bầu Ban Cán sự lớp, chép Thời Khóa biểu mới. Cứ thể chúng tôi nhẹ nhàng
bước chân vào năm học mới.
Thế hệ 7x đời đầu chúng tôi chỉ được nghe nói đến
bài “Tôi Đi học” của Nhà Văn Thanh Tịnh chứ không được học vì bài này không có
trong Sách Giáo khoa. Tuy vậy, thời chúng tôi, mọi thứ vẫn còn trong trẻo như
bài hát “Đi học” cho dù mầm mống cái xấu đã bắt đầu lác đác xuất hiện qua việc
học thêm và hệ lụy của nó là ai không học thêm thì không được ưu ái như các bạn
“nhà có điều kiện” khác.
Tôi nhớ năm lớp 9, Cô Chủ nhiệm cũng là Cô giáo
dạy Văn có gọi tôi và một bạn khác đến và bảo: “Điểm của hai em đủ để được tuyển
thẳng lên Lớp 10 (không phải thi), nhưng còn thiếu 0.25 điểm Môn Văn của cô nữa
mới được. Hai đứa cho cô ăn chè đi rồi cô nâng điểm cho!” Nhà tôi khi đó lo ăn
còn không đủ, có ai ngó ngàng được đến chuyện học của tôi. Tôi học sao cũng
được, miễn đừng ở lại lớp là được! Cần phải nói thêm là tôi chưa từng là học trò
cưng của Thầy Cô dạy Văn hồi còn học Phổ thông. Thú thật, cho tới giờ, tôi cũng
chẳng biết tôi đã học được gì về Văn dưới mái trường Xã nghĩa! Quay trở lại với
vấn đề lớn của tôi. Tôi băn khoăn rất nhiều về lời Cô nói nhưng chẳng biết phải
làm gì. Sau cùng, tôi đành xin Má tôi một cái bánh Trung thu lớn để biếu Cô
(đang mùa Trung thu, gia đình tôi làm bánh bán). Bà Mẹ buôn thúng bán bưng của
tôi chẳng hiểu “tuyển thẳng” là gì, nhưng cũng cho tôi một cái bánh. Bây giờ,
nghe đến bánh Trung thu thấy bình thường, chứ ngày ấy, bột, đường, đậu, thịt,
v.v rất đắt đỏ, cái bánh ấy không hề nhỏ đối với gia đình tôi.
Tôi rủ nhỏ bạn đồng cảnh ngộ đến nhà Cô. Khi gặp
nhỏ bạn ở điểm hẹn, tôi thấy cô nàng đi tay không, chẳng quà cáp gì cả. Nhỏ bạn
tỉnh bơ trả lời tôi: “Bả thích ăn chè thì tao cho bả ăn chè”. Nói là làm. Nó kêu
tôi dừng lại ở một quán chè rồi mua 10 bịch chè, bỏ vô một cái bao đưa tới cho
“bả”. Khi gặp Cô, chúng tôi trao cho Cô “lễ vật” của mình. Cô cầm bịch chè bự
chảng của nhỏ bạn rồi hỏi: “Cái gì vậy em?”. Nó lại tỉnh rụi: “Bữa hổm Cô nói
muốn ăn chè?” Cô tôi tặc lưỡi bảo: “Hai cái đứa này, Cô nói chơi mà làm gì kỳ
vậy!” Đã 30 năm rồi, câu chuyện ăn chè này vẫn còn ám ảnh tôi, nhà Cô chỉ có 3
người, tôi cứ thắc mắc Cô đã làm gì với 10 bịch chè đá ấy! Phải chi ngày ấy Cô
đừng nói chơi cho tâm hồn non trẻ của hai đứa tôi vẫn còn lành lặn! Thôi thì tôi
cũng vẫn còn may, nhờ cái bánh ấy mà tôi được vào lớp học tốt và cuộc đời tôi
cũng đi theo một ngã rẽ khác. Cái giá cũng không đến nỗi mắc!
Giờ thì tôi thấy các bậc phụ huynh vất vả về sự
học của con cái hơn Cha Mẹ chúng tôi ngày trước. Bây giờ chưa hết Tháng 8 mà
cách đây hai tháng tôi đã thấy mọi người xung quanh nháo nhác chạy trường cho
con. Vợ chồng cậu em họ tôi, làm việc cho Xí nghiệp May mà cũng phải bấm bụng
chi 25 Triệu để bé gái con nó được học ở trường của Phường bên cạnh vì trường
của phường nhà gần ngay ổ xì ke. Cậu nhân viên trong văn phòng tôi thì hí hởn vì
chỉ phải trả 15 Triệu để con học ở một trường tiện đường cho Bà nội đón đưa. Cô
bạn làm ở văn phòng kế bên kể rằng cô phải o bế cả tay bảo vệ để hắn xi nhan cho
cô ấy khi nào Thầy Hiệu Trưởng về để cô tới chạy trường! Cách đây một năm, mọi
người đã rất bàng hoàng chứng kiến trên tivi hình ảnh phụ huynh sếp hàng chờ
phát đơn từ tờ mờ sáng và họ đã xô xập cả cửa trường để dành lấy một lá đơn cho
con. Chẳng biết họ mong con mình học được gì ở ngôi trường bị chính họ hè nhau
đẩy xập cổng!
Sự đảo điên và dối trá của Giáo dục Việt nam còn
được thể hiện qua cả cái ngày Khai giảng. Những năm gần đây, các em bắt đầu học
từ giữa Tháng 8, nhưng ngày Khai giảng vẫn là ngày 5/9. Chẳng biết tâm trạng của
các em trong ngày đó ra sao nữa. Lẩn thẩn, tôi lần mò trên mạng thì thấy giải
thích tính ưu việt của việc học sớm: học sinh không phải thi vào mùa Noel, được
nghỉ Tết dài ngày, v.v… còn khai giảng 5/9 là làm cho đúng với lời dặn của ông
cụ! Tôi thì chỉ thấy khôi hài cho cái sự máy móc làm theo lời bác dặn
ấy!
Đã trót càm ràm thì tôi phải nói cho nốt cả sự
xuống cấp về đạo đức của một ngành cao cả khác cũng có những người Thầy, nhưng
các Thầy không dạy học mà chuyên chữa trị cho bệnh nhân. Tháng trước, có quy
định cấm không cho Thầy thuốc nhận phong bì! Tôi cũng như mọi người, chỉ cười
ruồi vào cái quy định ấy. Thừa giấy làm chi chẳng vẽ voi, viết khơi khơi quy
định mà chẳng quyết tâm thực hiện nó thì các cửa hàng Văn phòng phẩm vẫn còn
kiếm bộn tiền nhờ bán phong bì cho bệnh nhân.
25 năm trước, tôi nuôi chị gái phải làm phẫu thuật
ở bệnh viện. Khi hai hộ lý đẩy xe đưa chị từ Phòng hồi sức lên phòng bệnh, tôi
làm đúng lời mọi người dặn, nhét vội tiền bồi dưỡng vào túi áo một cô hộ lý. Tôi
dại quá, khiêng chị tôi lên giường là trách nhiệm của hai người, vậy mà tôi chỉ
nhét tiền vào túi của một người vì nghĩ họ sẽ chia nhau. Người kia không thấy
tôi đưa tiền cho mình, liền hất thật mạnh chị tôi lên giường! Giờ thì tôi hiểu
tại sao áo của Y, Bác sỹ và cả Hộ lý trong bệnh viện lại có nhiều túi như vậy và
cái nào cũng to ơi là to.
Cách đây 14 năm, một người chị của tôi được chẩn
đoán ung thư giai đoạn 3. Là người trong ngành Y, chị cứ tự loay hoay đi khám
bệnh ở Bệnh viện Ung bướu, nhưng chờ hoài, chẳng thấy được sắp lịch mổ dù bệnh
chị đã nặng. Chị hỏi thăm một người bà con làm trong bệnh viện này, họ tình thật
hỏi chị đã “ghé nhà” Bác sỹ chưa. Ngay tối đó, tôi chở chị đến nhà Bác sỹ vẫn
khám cho chị và đưa cho ông phong bì chứa 2 Triệu đồng (Năm 2001: 1 US$ =
15.000đ; Năm 2014: 1 US$ = 21.150đ). Hai ngày sau, chị lên bàn mổ. Số tiền
chị bỏ ra còn rẻ chán so với số tiền của những bệnh nhân ở xa đến, vì không biết
“ghé nhà” mà phải ăn dầm nằm dề ở hành lang bệnh viện hàng tháng trời chờ lịch
mổ trong khi bệnh tình cứ diễn biến xấu đi hàng ngày.
Sự thể đến nước này, theo tôi là do sự quản lý yếu
kém của nhà nước. Cứ như trước năm 1975, nhà nước ở Miền Nam có hệ thống trường
học và bệnh viện công/tư phục vụ cho những đối tượng khác nhau. Nhà nước lo quản
lý các trường học và bệnh công cho tốt, còn hệ thống của tư nhân có chuẩn riêng
của họ và thước đánh giá chính là sự chọn lựa của người sử dụng dịch vụ. Riêng
tôi, tôi đánh giá rất cao hệ thống giáo dục và y tế do các tôn giáo đảm trách,
đặc biệt là Công giáo.
Trong khu vực do VNCH quản lý từ Miền Trung đổ vào
khắp Miền Nam, rất dễ nhận thấy các trường học và bệnh viện do Công giáo lập
nên. Thông thường bên cạnh hoặc sau lưng một Nhà thờ Công giáo thế nào cũng có
một bệnh viện hoặc một trường học.
Bên giáo dục, hệ thống trường học của Dòng tu La
san được đánh giá rất cao. Các vị tu sĩ của dòng này đi tu với tôn chỉ phục vụ
giáo dục. Họ là những nhà Giáo dục chuyên sâu và rât tận tâm. Còn có Dòng tu Don
Bosco, chuyên chú trọng đào tạo nghề cho các thanh thiếu niên. Tôi có một người
chú học từ trường này ra, ông có thể tự dựng một căn nhà cho mình. Các Dòng tu
nữ lại chuyên về giảng dạy ở cấp Mẫu giáo, các Viện Mồ côi. Tóm lại, các vị tu
sỹ nam nữ này đã đảm trách công việc giáo dục của mình một cách xuất sắc vì họ
làm việc vô vụ lợi và với lòng nhiệt huyết xuất phát từ trong tim.
Về Y tế, bệnh viện do Công giáo xây dựng thì nhiều
lắm. Trong số các bệnh viện đó, tôi ấn tượng nhất là những Khu chữa trị cách
biệt cho bệnh nhân phong hủi mà hầu như chỉ có những tu sỹ với tinh thần hy sinh
cho tha nhân triệt để mới dám dấn thân đến với những bệnh nhân bất hạnh này. Bây
giờ vẫn còn những bệnh viện mang tên của Dòng tu cũ như Bệnh viện Saint Paul ở
Hà nội và Sài gòn. Nhưng tất cả chỉ còn lại cái tên mà thôi. Sau năm 1975, tất
cả những cơ sở này của Công giáo đều bị quốc hữu hóa, những bức tượng Thánh
trong các bệnh viện cũng bị hạ xuống. Gần 40 năm qua, họ đã làm gì với những cơ
sở này thì ai cũng biết. Từ những nơi trước đây được gọi là Nhà thương thì bây
giờ vào đây, bệnh nhân nghèo chỉ muốn chết đi vì tủi thân mà thôi.
Giờ thì tôi có thể quay trở lại với cái tít của
entry này. Chúa Giêsu đã phán “Những gì của Ceasar hãy trả lại Ceasar. Những
gì của Thiên Chúa hãy trả lại Thiên Chúa “. Tôi thấy không cần thiết phải kể
lại điển tích của câu chuyện này. Ở đây, tôi chỉ muốn nói đến những người cố
tình cầm những cái không phải thuộc về mình và làm hỏng nó đi, khi bị đòi trả
lại cho chủ nhân của món đồ thì họ nhất định không chịu trả, dù trong thâm tâm
họ cũng biết họ là những người chủ tồi!
Cũng may là vạn sự đều tuân theo quy luật “cùng
tắc biến, biến tắc thông”. Những ngày này, tôi đã thấy vài tín hiệu le lói báo
hiệu điều tốt lành. Ờ Sài gòn và vài ba tỉnh thành khác, có những trường Mẫu
giáo do các Dì phước mở ra được phụ huynh đặt chỗ cho con từ lúc mẹ mới mang
thai. Họ tin tưởng giao con cho các Dì vì các bé học ở đây sẽ rất lễ phép và phụ
huynh không phải lo phong bì cho các Dì. Các cậu thiếu niên không ngoan cũng
được Cha Mẹ đưa đến gửi các Linh mục Don Bosco. Lại nữa, những ngày này, nhiều
người (kể cả cán bộ CS) đã cho con tham gia sinh hoạt Hướng đạo (Scout) ở các
công viên vào sáng Chủ nhật vì họ biết tổ chức này tốt hơn Đoàn/Đội trong việc
giúp con em họ trở nên tự trọng và tự lập.
Dù có người không chịu trả thì “của Ceasar” cũng
sẽ tự tìm về với Ceasar mà thôi!
Nguồn: Blog Người Sài Gòn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét