Ads 468x60px

Thứ Năm, 18 tháng 12, 2014

Chợ nhỏ Sài Gòn, chợ của người nghèo

Một ngôi chợ nhỏ, như bao nhiêu ngôi chợ khác,
trong một con hẻm ở Sài Gòn.
(Hình: Nguyễn Sài Gòn/Người Việt)
Nguyễn Sài Gòn
Có thể là một cái thúng mẹt. Có thể là một tấm ni lông trải ra trên vỉa hè. Có thể là một con hẻm nằm sâu trong khu dân cư hay ven đường quốc lộ. Chợ nhỏ được hình thành bởi những người lao động nghèo từ khắp mọi nơi đổ về phố thị.
Như là một cách đối phó với những khủng hoảng kinh tế của thời hiện đại. Chợ nhỏ là một bài tính trừ đơn sơ khi cần phải thắt lưng buộc bụng. Ở đây không có cộng lại mà chỉ “trừ đi” khi phải chi tiêu hằng ngày cho sự sống.
Ở đây bạn sẽ không bao giờ biết đến tương lai khi đồng lương chỉ gói gọn trong vòng 2 hay 3 triệu một tháng sau khi đã “tăng ca” cày cật lực kiệt sức bạn chỉ còn lại những giấc ngủ vùi với khẩu phần ăn chỉ cần no đầy nhưng không bao giờ đủ cho năng lượng cần.
Chợ nhỏ đúng như tên của nó với một lượng thực phẩm nho nhỏ chỉ tiêu thụ vừa cho một buổi sáng về chiều tàn khi tan ca. Với những đồng bạc nhàu nát hẩm hiu có giá một tô phở bình dân nơi đây có thể là một bữa ăn thiếu dinh dưỡng cho một gia đình.
Một bó rau, một con cá, một lạng thịt, cộng với xì dầu mắm ớt bột ngọt xen lẫn “độn” thêm vài gói mì tôm tổng cộng chừng 50 ngàn đồng cho 3 người đã có thể “dè sẻn” để dành ăn thành 3 bữa cho cả một ngày đêm đổ mồ hôi sôi nước mắt trong cuộc mưu sinh.
Một bữa ăn mà nếu cả nhà dắt nhau ra quán cơm bình dân đầu hẻm thì bảo đảm cũng hết 60 ngàn đồng nhân lên cho 3 thì cái túi lép kẹp đó sẽ bị mất tiêu 180 ngàn nhân thêm lên nữa cho một tháng lương thì trời ạ chỉ có đói nhăn răng.
Với nhu cầu sống thiết yếu như trên thì chợ nhỏ xuất hiện như một vị cứu tinh cho những cuộc chạy gạo chạy ăn từng bữa trên đất khách quê người. Không biết ai nghèo hơn ai nhưng chắc chắn một điều chợ nhỏ là một nơi không thể thiếu kế bên những siêu thị sạch đẹp to lớn.
Không những cho người nghèo mà ngay cả người giàu hay tầng lớp trung lưu trí thức và gần nhất sinh viên học sinh trọ học xa nhà. Chợ nhỏ như một cầu nối giao thương của những số phận trôi dạt, nhiều khi cũng từ nơi nầy mà họ đã chòi đạp lên để thay đổi kiếp nghèo hèn.
Nhiều người khi đã thành đạt rồi vẫn không bao giờ quên được chợ nhỏ. Khi đã nhà cao cửa rộng rồi họ vẫn thích đi chợ nhỏ vì không đâu thuận tiện bằng - Chỉ cần dựng chân chống hú lên một tiếng là thịt cá rau củ đã có sẵn tươi ngon móc lên xe chạy vù về nhà.
Vậy nên chợ nhỏ luôn luôn là kẻ thù của... chợ to. Nó cũng là cái gai của mấy ông kẹ “công an trật tự đô thị” phường xã. Nó luôn luôn được cần dọn dẹp bởi cái Nghị định 72 làm sạch lòng lề đường hè phố của chính phủ.
Người ta cũng không ngạc nhiên khi nhìn thấy những thúng mủng nồi niêu xoong chảo bàn ghế nhựa được quăng lên xe cùng với những khuôn mặt hằm hằm đen sì của mấy ông dân phòng vung dùi cui đe dọa tịch thu hết đem về phường ngâm cứu.
Chiến dịch “bốc hốt cướp” đuổi đầu này chạy đầu khác quen thuộc đến nỗi như phim truyện hoạt hình nhiều tập xem hoài không ớn của Tom và Jerry.
Quen thuộc đến nỗi khi hết phim rồi người ta lại ngóng chờ xem tiếp - cả hai phe đều thấy buồn vì “thất nghiệp” sẽ không có việc gì làm sẽ mong ngóng quạnh hiu khi một ngày nào không thấy phe kia xuất hiện.
Vậy nên khi thấy mấy ông kẹ từ xa là bà con đã hô lên “Cướp... cướp” là tự động hàng quán hai bên đường được kéo sâu vào trong nhà hay lập tức phải tẩu tán ngay trước khi chiếc xe ào tới như trốt đổ xịch nhanh như chớp phóng xuống là những cánh tay dài như rắn vung ra thu tóm tất cả những gì là có thể chiến lợi phẩm mang về.
Chợ nhỏ là vậy. Sẽ không bao gichấm dứt khi những người nông dân ở thôn quê đang vẫn ùn ùn đổ dồn về thành thị với một ước mơ một ngày nào đó sẽ được đổi đời.
Một ngày nào đó sẽ rời xa cái nơi hẩm hiu nầy để được đi chợ to, và rồi sẽ nhớ về đồng quê để thương cho ngày xưa... chợ nhỏ.
Nguyễn Sài Gòn/Người Việt

0 nhận xét:

Đăng nhận xét