Ads 468x60px

Thứ Năm, 19 tháng 2, 2015

Người Sài Gòn nhớ pháo Tết

Xác pháo đầu Xuân. Hình ảnh này,
 nay không còn nhìn thấy ở Việt Nam.
(Hình: Khôi Nguyên/Người Việt)
Phan Chánh
Lại thêm một cái Tết nữa Sài Gòn và cả nước vắng tiếng pháo. Nhiều người sinh sau năm chế độ cấm đốt pháo nay đã trưởng thành, có tư gia hoặc ở nhà mướn, nhưng không năm nào vào dịp Tết đốt được phong pháo rước tổ tiên ông bà cũng như mừng đón giao thừa.
Ký ức về pháo Tết gần như đã được chế độ cướp khỏi ký ức các thế hệ trẻ Việt.
Trước đây, khi chúng tôi có ý định viết bài về ký ức pháo Tết nhưng khi tìm đến xóm truyền thống làm pháo ở Gò Vấp, Biên Hòa... thì đều gặp phải bức tường câm nín tuyệt đối. Với người dân các làng nghề pháo, mỗi dịp cận Tết, không chỉ tiếng pháo nổ mà đến tiếng pháo phát ra từ miệng, họ cũng không dám nói.
Ở khu chợ Kim Biên, một đầu mối bán sỉ pháo cho cả Sài Gòn trước đây, việc người bán kẻ mua luôn lấm lét nhìn nhau. Không ai dám mở miệng nói có pháo hay mua pháo vì sợ công an gài bắt người.
Chúng tôi nhờ một người bạn vốn là dân bán ổ khóa, làm chìa khóa dò hỏi thử. Anh bạn giấu tên này vừa là người kinh doanh lại là tay “bụi đời Chợ Lớn” nên thường ăn nhậu với các thế lực mafia đỏ và đen. Anh nói, “Qua Tết hãy kiếm hàng, chớ bây giờ giáp Tết mà hó hé là bị hốt liền.” Chúng tôi cho anh biết là chỉ muốn kiếm phong pháo chuột về đốt, không mang ra đường, chỉ đốt trong nhà cho có mùi pháo, tiếng pháo Xuân thôi. Anh trợn mắt nói, “Mua một viên pháo cũng hết ăn Tết chớ nói gì một phong. Qua Tết tụi nó bớt rình rập, mua đem về nhà cất chờ tới Tết thì đốt.”
 
Chuyện chúng tôi bất lực trong việc tìm pháo thì đã đành, nhưng một blogger Sài Gòn, anh này, nhân trong năm có nhiều cao trào dân sự đấu tranh dân chủ khiến anh nảy ra ý tưởng là giáo dục cho con anh về tiếng pháo Tết.  
Anh nói, “Bây giờ không phải bàn chuyện đốt pháo lợi hay hại vì chế độ đã cấm. Mình cứ tìm cách giáo dục cho tụi nhỏ về tiếng pháo Tết của dân tộc, cũng là cách phản kháng chống lại thói răm rắp tuân lệnh như đàn cừu.”
Nhiều người nhớ lại mấy năm trước, một số quán nắm được tâm lý người Sài Gòn nhớ pháo Tết, họ chủ động treo dây pháo giả trang trí bên cạnh hình ảnh cây nêu, bánh chưng, dưa hấu... ban đầu công an không thèm quan tâm nhưng khi có quá nhiều cửa hàng bắt chước vậy là pháo giả bị bắt gỡ xuống. Có người chua xót nói, “Ðến việc tưởng tượng tiếng pháo cũng bị cấm thì ‘ủy’ tha hồ ám hại lương dân.”
Ở một bàn cà phê, cánh nhà báo trung niên “chính thống” ôn lại những kỷ niệm tưng bừng của một thời Tết tuổi thơ say tiếng pháo. Họ cung cấp kiến thức cho nhau về chuyện cộng đồng người Việt lưu vong được chính quyền các quốc gia văn minh cho phép đốt pháo đúng ngày, giờ xin phép trong mỗi dịp Tết cổ truyền, rồi nhận định:
“Trong tương lai, chính các thế hệ sinh ra ở nước ngoài sẽ phục sinh tiếng pháo Tết cho dân trong nước.” Ông Ð, một nhiếp ảnh gia nói. “Hay là mình mua pháo điện về cho nó kêu để trẻ con không quên tiếng pháo Tết.”
Về chuyện pháo điện, vài năm trước, các thương lái phía Bắc có “sáng kiến” đặt hàng các hãng làm đồ chơi bên Trung Quốc sản xuất loại pháo điện cho riêng thị trường Việt Nam. Họ hy vọng là pháo điện vượt được hàng rào cấm của chế độ Hà Nội và đáp ứng được nhu cầu mê tiếng pháo của người Việt để thành một phong tục Tết mới.
Nhiều gia đình Sài Gòn nhớ pháo quá cũng hưởng ứng mua về để nghe tiếng pháo cho đỡ ghiền; nhưng hỡi ơi, mua phải thứ hàng Trung Quốc thì chỉ có chết đến bị thương, đúng giờ đón giao thừa, nếu pháo điện nổ thì nghe không lớn hơn tiếng mèo ho, còn đa phần câm hay ấp úng, tiếng được tiếng mất như người phát ngôn Bộ Ngoại Giao VN mỗi khi lên tiếng phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền.
Nhưng để công bằng trước việc lợi và hại của việc cấm đốt pháo, chúng tôi làm một cuộc thăm dò nhỏ với những học sinh bậc tiểu học đang nôn nao chờ ăn Tết. Câu hỏi đơn giản là, “Cháu có nghe pháo nổ bao giờ chưa và có thích đốt pháo không?”
Những đứa trẻ hàng xóm và con cháu của bạn bè chúng tôi đều trả lời với ý chung chung: “Ðốt pháo nổ thì bị bắt, pháo điện hả, có gì hay đâu. Bắn nhau trên game đã lỗ tai hơn.” Việc trẻ con ở Sài Gòn ngày nay lầm lẫn tiếng pháo nổ với tiếng pháo điện mà có lúc chúng được nghe vốn là điều dễ hiểu.
Việc chế độ Hà Nội và chính quyền thành phố Sài Gòn hiện nay đang cố thay đổi diện mạo khu trung tâm để chuẩn bị cho việc đánh dấu bốn mươi năm ngày chiếm miền Nam bằng vũ lực; thì người Sài Gòn chân chính vẫn không hề quên chuyện người Cộng Sản ẩn núp trong tiếng pháo đón giao thừa, cúng tổ tiên để nổ súng vào các đô thị miền Nam Việt Nam trong Tết Mậu Thân 1968.
Những đám giỗ ngay trong ba ngày Tết của nhiều gia đình người miền Nam vẫn nhớ tiếng súng át tiếng pháo kinh hoàng đó và họ bao giờ cũng dễ dàng trả lời câu hỏi về nguyên nhân chính, ẩn giấu bên trong việc cấm cả dân tộc đốt pháo mừng Xuân. Ai biết họ biến tiếng pháo thành tiếng nổ của cái ác và sợ quả báo về việc đánh tráo tiếng pháo mừng Xuân thiêng liêng thành tiếng súng tai họa và hẳn lịch sử sẽ ghi chép minh bạch sự kiện đó.
Ngày nay, hầu hết các thị tứ tỉnh lỵ miền Nam đều biến thành các đô thị lớn vừa bừa bộn vừa hào nhoáng. Riêng về mức độ ô nhiễm tiếng ồn và hội chứng điếc thị dân thì hẳn nhiên Sài Gòn được xếp hàng đầu so với các đô thị lớn khác ở Châu Á và thế giới. Thế nên việc chế độ cấm đốt pháo ngày Tết được chế độ ra sức tuyên truyền mị dân là vì sức khỏe và tiền của quần chúng và đó là một quyết định “sáng suốt” hàng đầu của chế độ cầm quyền Hà Nội. Có thật vậy chăng? Tiếng pháo Tết chỉ chết dưới chế độ độc tài này. Nhưng hiển nhiên một khi đất nước bước vào kỷ nguyên dân chủ, tiếng pháo Tết trong khuôn khổ pháp luật văn minh sẽ lại là tiếng pháo biểu tượng của niềm hân hoan mừng Xuân cả dân tộc.
Phan Chánh/Người Việt

0 nhận xét:

Đăng nhận xét