Ads 468x60px

Thứ Bảy, 14 tháng 2, 2015

‘Độc chiêu’ biến thịt heo nái thành thịt thú rừng

Thịt heo nái bẩn được chế biến thành thịt nhím cắt lát.
(Hình: Pháp Luật Sài Gòn)
Thấy dân nhà giàu Sài Gòn thích ăn thịt thú rừng và sẵn sàng trả giá cao, một người đã nghĩ ra chiêu độc biến thịt heo nái thành thịt thú rừng để trục lợi.
Theo Pháp Luật Sài Gòn, vào cuối tháng 1, 2015 Trạm Thú Y quận Thủ Đức kết hợp với cán bộ phường Hiệp Bình Chánh cùng các lực lượng liên quan bất ngờ kiểm tra một căn nhà ở phường này và phát hiện hơn 490 kg thịt heo nái không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy kiểm dịch, chủ số hàng này cũng không có giấy phép kinh doanh thực phẩm.
Điều đáng lưu ý, tại nơi chứa hàng, đoàn kiểm tra phát hiện có nhiều tờ rơi quảng cáo bán thịt nhím cắt lát, nhiều gói thịt heo sau khi qua chế biến cũng được gắn nhãn là thịt nhím.
“Theo trình bày của chủ lô hàng, anh ta mua thịt heo nái về cắt lát rồi rưới máu của con nhím lên để biến thành thịt nhím. Tại đây, có hơn 100 kg thịt heo được thui vàng da. Chắc chắn việc thui vàng da là nhằm mục đích làm giả thịt thú rừng. Tuy nhiên, do không có bằng chứng nên rất khó xác định hành vi làm giả thịt này,” ông Tuấn, một cán bộ phường tham gia kiểm tra tiết lộ.
Ông Nguyễn Đình Cương, nguyên chi cục trưởng Chi Cục Kiểm Lâm thành phố Sài Gòn cho rằng, hầu hết thịt rừng tại Sài Gòn là “thịt giả.” Theo ông Cương, “Khi bán cho khách hàng thì họ nói đây là thịt heo rừng, thịt nai, thịt nhím... Nhưng khi bị bắt thì họ nói đây chỉ là thịt heo nhà, việc thui cho vàng da chỉ nhằm mục đích làm cho thịt ngon hơn. Thực tế, đó chỉ là thịt heo nên chức năng xử lý thuộc về bên cơ quan thú y.”
Qua tìm hiểu của phóng viên Pháp Luật Sài Gòn, tại những điểm kinh doanh “thịt đểu,” các gia chủ đều nói đến chiêu thức “muốn làm giả thịt con gì thì phải rưới máu con đó lên.” Tuy nhiên, cách thức chế biến cụ thể ra sao thì chưa có ai bắt được quả tang.”
“Có thể họ dùng máu thịt thú rừng hay hóa chất để tẩm ướp vào thịt heo sao cho giống thịt thú rừng nhất. Tuy nhiên, các chất tẩm ướp này là chất gì thì đến nay vẫn chưa có đơn vị chức năng nào xác định được,” một cảnh sát môi trường, chia sẻ.
Nhiều cán bộ thú y cũng nhìn nhận, trong thời gian qua, hầu hết các vụ phát hiện làm thịt giả, cơ quan chức năng chỉ xác định được nguyên liệu là thịt heo nái không được kiểm dịch còn cách chế biến làm giả thịt ra sao thì vẫn chưa xác định.
“Nói ra có thể đụng chạm, nhưng theo tôi các đơn vị liên quan chưa làm hết trách nhiệm khi phát hiện các điểm kinh doanh ‘thịt giả.’ Đáng lẽ ra họ phải tiến hành lấy mẫu, phân tích xác định chất tẩm ướp làm giả thịt nhím, thịt nai ... là chất gì, có độc hại không. Nếu đó là chất độc hại thì phải xử lý nghiêm chứ không dừng ở mức xử phạt hành chính, tịch thu thịt nguyên liệu đưa đi tiêu hủy,” ông Cương bất bình.
Trước đây, tại quận Thủ Đức, Đội 2, Phòng Cảnh Sát Môi Trường Công An Sài Gòn cũng đã từng phối hợp với lực lượng thú y, phát hiện tại phường Linh Trung có ba điểm kinh doanh thịt heo nái không rõ nguồn gốc, phải tịch thu tiêu hủy. (Tr.N)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét