Ads 468x60px

Thứ Bảy, 7 tháng 3, 2015

“Cướp có văn hóa”

Dưới con mắt của phó trưởng Ban Tuyên giáo, việc
vung gậy đánh đập người khác để cướp hoa tre là
“cướp có văn hóa”. Ảnh: Người Lao Động
Người Quan Sát
Trong khi dư luận đang rất lo lắng vì sự xuống cấp đạo đức, người dân sẵn sàng “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” dẫn đến đổ máu, thiệt mạng vì những việc rất vụn vặt.
Nhiều người còn đang muốn dẹp bỏ hoặc chí ít phải thay đổi những nghi lễ trong lễ hội nhuốm màu bạo lực, máu me như lễ hội chém lợn ở Ném Thượng, Bắc Ninh, thì ở góc độ của một người quản lý nhà nước, khi nói về vụ việc xô xát, dùng gậy gộc đánh nhau của cả hàng trăm người chỉ để cướp giỏ hoa tre trong lễ hội Gióng ở Sóc Sơn, Hà Nội, ông Phan Đăng Long- phó trưởng Ban Tuyên giáo thành ủy Hà Nội lại còn cổ súy cho bạo lực khi rằng, việc thanh niên đánh nhau chỉ vì “lộc thánh” là hành vi “cướp có văn hóa”. Việc phát ngôn tùy tiện của ông đã trở thành sự kiện để cho các báo có dịp thoải mái gièm pha.
Phát ngôn của ông phó trưởng Ban Tuyên giáo Hà Nội được diễn ra trong chiều 3/3/2015, tại buổi giao ban với báo chí. Những lời nói mang tính khuyến khích bạo lực diễn ra trong thời điểm mà ở bất kỳ lễ hội nào tại miền Bắc, người dân cũng sẵn sàng “choảng” nhau dẫn đến bị thương chỉ để làm sao cướp được “lộc thánh” mang về nhà. Tệ hại hơn, sự tùy tiện này đã giống lên hồi chuông cảnh báo về cái nhìn sai lạc của lãnh đạo về hành vi cướp bóc, khi so sánh nó với nét văn hóa của người dân.
Ông Long cho rằng, sở dĩ có chuyện cướp lộc thánh, đánh nhau chỉ vì nhiều người muốn được mang lộc thánh về nhà, vì người xưa quan niệm rằng, ai cướp được sẽ may mắn cả năm. Để bảo vệ cho ý kiến của mình, ông Long còn tỏ ra “hiểu biết” khi lên lớp dạy các phóng viên có mặt tại buổi giao ban báo chí rằng, không nên hiểu từ “cướp lộc” là lễ hội Gióng là “cướp giật”
“Từ cướp ở đây phải đặt trong ngoặc kép, là ‘cướp’ có văn hóa. Nhiều người bảo tại sao không phát lộc kiểu như phát ấn đền Trần. Vấn đề ở đây là phải ‘cướp’, có sự cố gắng, có dấu ấn cá nhân chứ không phải tự nhiên lộc thánh đến với mình”- Tờ Người Đô Thị dẫn lại lời lý giải của ông Long.
Nhưng, thánh thần nào dám phù hộ cho những hành vi bạo ấy?
Xem ra những người Cộng sản đã quen với hành vi cướp bóc nên dần dần xem việc đánh đập nhau chỉ vì những hoa tre, phết là điều bình thường. Tệ hại hơn, họ còn “nâng tầm” nó lên, trở thành “cướp có văn hóa”. Nhìn lại lịch sử, từ năm 1945, người Cộng sản đã thẳng thắn nhìn nhận rằng, việc chính quyền lọt vào tay họ là bởi hành vi cướp, nhưng nó được thêm vào từ “nhân dân” để phù hợp với ý thức hệ, trở thành “cướp chính quyền về tay nhân dân”. 
Đây là những việc làm hết sức có văn hóa dưới
cái nhìn của ông Phan Đăng Long. Ảnh: Lao Động
Cướp tức là tước đoạt đi, lấy đi tài sản của người khác không thuộc về mình. Từ việc đã quen dần với việc cướp nên tham nhũng trở nên tràn lan, vì rằng lãnh đạo Cộng sản không hề coi đó là hành vi đi ngược lại với đạo đức. Quan chức cấp cao thì tham nhũng, cướp từ những đồng vốn từ ngân hàng quốc tế, chính phủ nước ngoài cho vay, và người dân phải gánh nợ; cấp thấp hơn như cảnh sát giao thông thì cướp bằng cách nhận tiền mãi lộ; cảnh sát khu vực thì ép người dân phải đưa tiền “bảo kê” mới được yên ổn làm ăn; đến các công sở, người dân muốn nhanh việc thì phải đưa tiền cho viên chức. Tất thảy đều là hành vi cướp.
Nhìn những tòa biệt thự, lối sống xa hoa của các quan chức cấp cao, như: ông nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, ông Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền rồi so với mức lương mà họ nhận được hằng tháng mới thấy được mức độ cướp bóc của lãnh đạo CSVN kinh hoàng đến mức nào. Xem chừng, hành vi “cướp ngày” ấy cũng được coi là “cướp có văn hóa”.
Không phải đây là lần đầu tiên ông Phan Đăng Long mới có những phát ngôn để đời. Chỉ cần search trên Google, độc giả dễ dàng đọc được rất nhiều lời nói rất thiếu trách nhiệm. Nó cho thấy phần nào trình độ quan trí của lãnh đạo CSVN rất thấp.
Cũng cần nhắc lại, khi nói về việc cho ông Hoàng Văn Nghiên, nguyên Chủ tịch thành phố Hà Nội thuê căn biệt thự nằm ở vị trí đắc địa chỉ với giá 460 ngàn/tháng. Cho dù đã hết thời hạn và phải giao nộp lại cho nhà nước nhưng ông này vẫn ở lỳ và muốn biến tài sản công thành của riêng. Ông Long nói: “Công nhân thuê nhà tư nhân thì theo hình thức thuận mua vừa bán, còn nhà dành cho cán bộ công chức, có nhiều cống hiến cho nhà nước thuê phải có giá ưu ái hơn. Không thể so sánh quan chức nghỉ hưu với công nhân trong trường hợp này”.
Trong khi ông Long cổ súy cho hành vi“cướp có văn hóa”
thì lực lượng chức năng phải tìm cách ngăn cản để không
dẫn đến sự việc đáng tiếc. Hình ảnh Cướp phết diễn ra
ở Hiền Quan, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Vitalk.vn
Hoặc, khi nhiều người Hà Nội phản đối việc bắn pháo hoa trong bối cảnh đời sống kinh tế của người dân gặp rất nhiều khó khăn, nhiều ý kiến cho rằng nên lấy số tiền từ việc bắn pháo hoa ấy để giúp đỡ những người nghèo, ông Long nói: “Bắn pháo hoa là phục vụ cho nhu cầu của toàn dân, chứ đâu phải chỉ để phục vụ người giàu. Biết đâu, những người nghèo họ cũng khát khao được xem bắn pháo hoa, những lúc thưởng thức bắn pháo hoa giúp họ quên đi cái nghèo, cái khó”.
Bằng những lý lẽ hết sức ngây ngô, ông Long phần nào cho thấy sự vô tâm đối với người nghèo, đối với tầng lớp công nhân mà đảng Cộng sản của ông thường rêu rao là đại diện cho họ.
Cuộc hỗn chiến tại đền Gióng
Cướp dù với bất cứ hình thức nào cũng đều phải bị lên án. Thay vì bài trừ, tìm cách ngăn ngừa nó thì ở cương vị một phó trưởng ban Tuyên giáo thành phố Hà Nội, ông Long lại cổ súy cho hành vi cướp bóc nhuốm màu bạo lực trên. 
Hình ảnh thanh niên xăm trồ đầy tay vung gậy tre “choảng” vào những người lớn tuổi trong đoàn rước hết sức phản cảm. Không thể chỉ vì một chút quyền lợi, giành được “lộc thánh” lại hành hung, làm phương hại đến người khác. Đem chuyện hành hung người khác bằng gậy gộc để lấy cho bằng được hoa tre, mang lại may mắn cho mình trở thành “cướp có văn hóa” là điều không thể chấp nhận.
Nhưng với những người Cộng sản đã quen với việc cướp bóc thì chuyện “cướp có văn hóa” tại lễ hội Gióng âu cũng là điều bình thường.
Người Quan Sát

0 nhận xét:

Đăng nhận xét