Ads 468x60px

Thứ Hai, 10 tháng 8, 2015

'Chất cấm trong thịt heo tăng báo động'

Một trại chăn nuôi heo lớn ở huyện Vĩnh Cửu,
tỉnh Đồng Nai bị phát hiện có mẫu dương tính
với chất tạo nạc. (Hình: Tuổi Trẻ)
Càng ngày càng có nhiều cơ sở nuôi heo sử dụng các loại thuốc “tạo nạc” độc hại cho sức khỏe con người nhưng lại giúp cho con heo trở thành “siêu nạc”, bán được nhiều tiền.
Tờ Tuổi Trẻ hôm Chủ Nhật 9/8/2015 tường thuật kết quả thanh tra từ Tháng 6-2015 của Chi cục Thú y thành phố Sài Gòn từ 8 cơ sở giết mổ ở địa phương nói rằng “lượng heo sử dụng chất cấm và hàm lượng chất cấm trong heo ngày càng báo động.”
Lời báo động đưa ra sau khi đoàn kiểm tra đã “lấy 222 mẫu nước tiểu từ các đàn heo của tám tỉnh có lượng heo lớn nhập vào Sài Gòn là Đồng Nai, Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Bình Phước, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng và heo ở Sài gòn để xét nghiệm. Kết quả, lượng heo sử dụng chất cấm có nguồn gốc nhiều nhất từ Đồng Nai, đứng sau là Long An, Tiền Giang.”

Hóa chất được sử dụng làm chất “tạo nạc” cho con heo thuộc họ Beta-agonist (salbutamol, clenbuterol, ractopamine) là chất độc cấm sử dụng trong chăn nuôi tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Những hóa chất này đứng đầu trong danh mục 18 chất kháng sinh, hóa chất bị cấm sử dụng trong chăn nuôi.
Người ta thường không thấy hệ quả ngay của việc ăn loại thịt “siêu nạc” nhờ kích thích tác dụng của các thứ độc trên nhưng dần dần thì chúng sẽ “gây ra hội chứng ngộ độc gồm các triệu chứng như: run cơ, tim đập nhanh, tăng huyết áp, căng thẳng, đau đầu, đau cơ, choáng váng, buồn nôn, ói, sốt và ớn lạnh.”
Tìm đủ mọi cách để tăng lợi nhuận trong kinh doanh kể cả những cách bất hợp pháp được thấy báo chí tại Việt Nam đề cập không ít.
Theo bản tin tờ Tuỏi Trẻ kể trên, “kết quả kiểm tra cho thấy hàm lượng chất cấm tồn dư trong heo đưa về cơ sở giết mổ khá cao, dao động từ 34.4 – 1,391ppb (ppb là hàm lượng chất cấm trên một mẫu, theo quy định thì từ 2ppb trở lên đã là dương tính).” 
Số lượng heo được nuôi với các thuốc “tạo nạc” thấy nhiều nhất ở Đồng Nai, kế đến là Long An, Tiền Giang. Ngay cả một số nhà chăn nuôi ở Sài Gòn cũng nuôi với thuốc kể trên. Dù vậy, trước khi chúng được đưa đến các lò giết mổ, tờ Tuổi Trẻ nói rằng chi cục thú y tại các địa phương đều cấp “giấy chứng nhận kiểm dịch” và cho chở đi bình thường.

Đồ họa diễn tả tình trạng chất cấm tạo nạc độc hai được các người nuôi heo 
sử dụng ngày mỗi nhiều hơn trước. (Hình: Tuổi Trẻ)
Tuy là các chất bị cấm bán cho các cơ sở chăn nuôi, trong một bản tin khác điều tra về xuất xứ của thuốc “tạo nạc”, tờ Tuổi Trẻ nói rằng người ta “dễ dàng tìm mua chất tạo nạc để nuôi heo khủng”. Không những vậy, nếu là khách hàng quen thuộc của những người buôn lậu hàng cấm thì “muốn mua bao nhiêu cũng có”.
Theo ông Phạm Minh Đạo - giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai nói trên báo Tuổi Trẻ thì, vấn đề chất tạo nạc mà tỉnh Đồng Nai và các tỉnh thành khác đang đối phó như thanh tra và phạt nhà chăn nuôi “chỉ giải quyết phần ngọn”.
Theo ông này thì “Vấn đề lớn nhất là việc quản lý các chất này khi cho phép nhập vào VN, có sử dụng đúng mục đích không? Nếu nguồn nhập lậu thì xử lý như thế nào để ngăn chặn?”(TN)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét