Ads 468x60px

Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2015

Nhân vật lịch sử: THÁI ĐỨC HOÀNG ĐẾ: NGUYỄN NHẠC (? - 1793)

Ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ
Nguyễn Lộc Yên
Nguồn gốc anh em Tây Sơn: Tổ tiên ở làng Hương Cái, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. Khi chúa Nguyễn vượt Lũy Thầy đánh ra Nghệ An (1655); họ theo chúa Nguyễn vào Nam lập nghiệp. Ông cố của Nguyễn Nhạc là Hồ Phi Long vào giúp việc cho nhà họ Đinh ở huyện Tuy Viễn, Bình Định, cưới vợ sinh ra Hồ Phi Tiễn. Hồ Phi Tiễn đi buôn trầu ở ấp Tây Sơn, cưới vợ là Nguyễn Thị Đồng và định cư tại đó. Nguyễn Thị Đồng là con gái duy nhất nên họ của con cái đổi từ họ Hồ sang họ của mẹ. Người con là Nguyễn Phi Phúc cũng buôn trầu, và làm ăn phát đạt. Có tài liệu ghi là họ Hồ đã đổi theo họ chúa Nguyễn ngay khi vào Nam.
Anh em Tây Sơn được gọi là “Tây Sơn tam kiệt”, thụ giáo thầy Trương Văn Hiến, có tài liệu gọi là giáo Hiếu, thầy khích lệ: “Tây khởi nghĩa Bắc thụ công” (Khởi nghĩa ở Tây Sơn, thành công ở miền Bắc).
Nguyễn Nhạc làm biện lại. Năm 1771, thấy đất nước đang bị xâu xé, ông cùng hai em là Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ, đến núi Thượng Đạo, ấp Tây Sơn khởi nghĩa. Quân Tây Sơn đến các thôn làng, phố chợ có đủ khí giới nhưng không hại tính mạng và tài sản của dân. Trái lại, trừ khử bọn tham quan, những kẻ trọc phú lưu manh và trộm cướp. Họ lấy của người giàu phân phát cho người nghèo, chỉ dành cho họ một số ít thóc gạo mà thôi, nhờ đó quân Tây Sơn tiến đến đâu thắng đến đó.
Nguyễn Nhạc là người can đảm và mưu trí, lúc mới khởi nghĩa, ông ngồi vào cũi, giả bị nhân dân bắt đem nộp quan phủ để lấy thưởng. Tuần phủ là Nguyễn Khắc Tuyên tưởng thật, cho khiêng cũi vào thành nhưng đến nửa đêm, Nguyễn Nhạc tháo cũi chui ra mở cửa thành, cho quân của mình xông vào, đánh đuổi quân quan một cách bất ngờ. Thành Qui Nhơn lọt vào tay Tây Sơn, từ đấy anh em Nguyễn Nhạc có một căn cứ dùng để xuất phát đi các nơi khác.
Trong số người theo Tây Sơn, có Lý Tài và Tập Đình là người Tàu có tài. Quân Tây Sơn đặt xong đại bản doanh ở Qui Nhơn, tổ chức quân đội có qui củ. Khi chúa Nguyễn bị tướng của chúa Trịnh là Hoàng Ngũ Phúc đánh đuổi, chạy vào Quảng Nam, nương náu ở Bến Ván, chúa Nguyễn lập cháu là Nguyễn Phúc Dương lên làm Đông Cung, để phòng xa nếu mình bị rủi ro, sẽ có người kế vị. Chúa Nguyễn chạy vào Trà Sơn, sau đó cùng cháu là Nguyễn Phúc Ánh xuống thuyền chạy vào Gia Định. Đông cung Nguyễn Phúc Dương ở lại xứ Quảng, đóng đồn ở làng Câu Để thuộc huyện Hòa Vinh.
Tây Sơn phải đương đầu với quân của Hoàng Ngũ Phúc (quân Bắc Hà) khi đó đã vượt được qua đèo Hải Vân và lấy được đồn Trung Sơn và Câu Để. Nguyễn Nhạc cho Tập Đình làm tiên phong, Lý Tài làm trung quân, tự mình làm hậu tập. Tiền đội của Trịnh bị nao núng, Hoàng Ngũ Phúc cử ngay Hoàng Đình Thể và Hoàng Phùng Cơ đem kỵ binh đánh áp lại hai bên, quân Tập Đình phải rút về Bến Bản và Đông cung được đưa về Qui Nhơn (thuộc tỉnh Bình Định).
Đầu năm 1775, quân Trịnh chiếm Thuận Hóa, Tây Sơn bị lưỡng đầu thọ địch nên xin hòa với quân Bắc Hà, Hoàng Ngũ Phúc đồng ý, vì quan lại của Trịnh lo chỉnh đốn Thuận Quảng theo chính thể Bắc Hà. Tây Sơn phụ trách ba phủ Quảng Ngãi, Qui Nhơn, Phú Yên, và lo việc truy kích quân chúa Nguyễn mới vào Gia Định.
Hoàng Ngũ Phúc về lại Bắc Hà, giao cho phó tướng Bùi Thế Đạt giữ thành Phú Xuân. Nguyễn Nhạc muốn lợi dụng danh nghĩa Đông cung để thu phục quan lại và quân sĩ của chúa Nguyễn. Nhạc gả con gái là Thọ Hương cho Đông cung và ép Đông cung lên ngôi. Bất thình lình, Nguyễn Nhạc cử Nguyễn Huệ đánh úp Phú Yên. Năm 1775, tướng của chúa Nguyễn là Nguyễn Quyên và Nguyễn Khôi, ở lại Quảng Nam không đủ quân lương, Tây Sơn đánh chiếm Quảng Nam.
Qua năm sau, Nguyễn Lữ đánh lấy được Sài Gòn, Gia Định. Nguyễn Ánh chạy qua Biên Hòa, sau nhờ tướng Đỗ Thành Nhân chiếm lại được Sài Gòn. Nhưng lương thực và kho tàng ở đây đã bị quân Tây Sơn chuyển về Qui Nhơn hết sạch. Kể từ năm 1776, thanh thế Tây Sơn rất mạnh, Nguyễn Nhạc cho đắp lại thành Chà Bàn làm kinh đô, dựng cung điện, định triều nghi ngang nhiên xưng Tây Sơn Vương, phong Nguyễn Lữ làm Thiếu phó, Nguyễn Huệ làm Phụ chính.
Nguyễn Hữu Chỉnh là một mưu sĩ thất thế bên Trịnh chạy sang, Chỉnh xưa kia là thủ hạ của Hoàng Ngũ Phúc. Phúc chết, Chỉnh theo con nuôi Phúc là Hoàng Đình Bảo. Sau khi Kiêu binh đảo chánh ở Bắc Hà, giết chết Hoàng Đình Bảo thì Chỉnh lại theo Tây Sơn. Chỉnh đã đưa ra chiêu bài “phù Lê diệt Trịnh”, đưa Bắc Hà sang một khúc quanh khác của lịch sử.
Năm 1777, ông cử Nguyễn Lữ đem quân vào Nam tiêu diệt quân chúa Nguyễn, Nguyễn Ánh trốn thoát. Năm 1778, diệt được Đàng Trong, ông lên ngôi lấy đế hiệu Thái Đức Hoàng Đế. Vua Thái Đức, chia vùng đất phía Nam ra ba phần:
- Từ Hải Vân ra bắc, thuộc về Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ.
- Gia Định, miền Nam thuộc về Đông Định vương Nguyễn Lữ.
- Nguyễn Nhạc đóng ở Qui Nhơn, xưng Trung ương Hoàng đế.
Năm 1786, Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc, tiêu diệt trọn quân chúa Trịnh, vua Thái Đức gặp vua Lê, tuyên bố: “Họ Trịnh chuyên quyền, chúng tôi đem quân ra đây chỉ có ý giúp nhà vua mà thôi. Nếu đất Bắc Hà của Trịnh thì một tấc chúng tôi cũng lấy, nhưng của nhà Lê thì một tấc chúng tôi cũng không tưởng...”. Tiếc thay, sau đấy ông và vua Quang Trung, anh em lại bất hòa, ông lại cầu an hưởng lạc nên lực lượng của ông yếu dần, cuối năm 1788, ông từ bỏ đế hiệu Thái Đức, tự xưng là Tây Sơn vương và chỉ xin giữ Quy Nhơn mà thôi.
Năm 1793, Nguyễn Ánh vây thành Qui Nhơn, Nguyễn Nhạc viết thư cầu cứu Nguyễn Quang Toản, khi đuổi được quân chúa Nguyễn, Thái uý của Quang Toản là Phạm Công Hưng kê khai tài sản, thu lấy giáp đinh, Nguyễn Nhạc u uất quá bị bịnh mà chết.
Nguyễn Nhạc làm vua xưng hiệu Thái Đức hoàng đế 11 năm (1778-1788), xưng Tây Sơn vương 5 năm (1789-1793). Con là Nguyễn Bảo nối nghiệp, được vua Cảnh Thịnh phong Hiếu Công, sau này bị Gia Long bắt giết.
Cảm niệm: Thái Đức Hoàng Đế
Khắp nơi loạn lạc cảnh điêu linh!
Nguyễn Nhạc, lo toan tự khởi binh
Bình định trời Nam, tha thiết nghĩa
Lo lường đất Bắc, chứa chan tình
Anh em thân thiện, huy hoàng quá!
Ruột thịt bất hòa, lủng củng kinh!
Chúa Nguyễn hăm he, Tây hỗ trợ
Địch công dồn dập, khó tồn sinh!
Nguyễn Lộc Yên

0 nhận xét:

Đăng nhận xét