Ads 468x60px

Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2015

Xe thồ cùng với xe ôm

Một tài xế xe ôm đợi khách. (Hình: Getty Images)
Nguyễn Sài Gòn
Bạn tôi nói đó chỉ là một. Ở ngoải, miền Trung, người ta gọi là xe thồ. Ở trỏng, miền Nam, người ta nói đó là “xe ôm.” Nói chung đó là một phương tiện cực kì phổ thông để vận chuyển hàng và người bằng xe gắn máy hai bánh.
Một mô hình vận tải thời trang quen thuộc đã có từ thời chiến tranh từ khi nhãn hiệu xe honda của Nhật du nhập vào miền Nam Việt Nam. Thời đó mà có được một chiếc honda dame hay SS: 50 hoặc 67 là bạn coi như đã là một tay chơi có hạng.
Xe thồ không biết xuất hiện từ lúc nào nhưng không khó để có thể nhận thấy sự hiện diện nhẫn nại của nó từ những bóng mát của tàn cây trứng cá ven đường của những thị trấn thành phố miền trung nắng cháy.
Chỉ cần bật lệnh một tiếng kêu “xe thồ” là bạn đã thấy hắn lù lù trước mặt. Việc đầu tiên là nhảy thót lên yên sau vòng tay “ôm” eo ếch của bác tài rồi cho biết nơi cần đến. Chỉ vậy thôi là chiếc được nhả ga vọt lên phóng veo veo qua những đường phố đông vui bất tận.
Trước năm 75 xe thồ gần như là một “nghề ăn chơi” của những người rảnh rỗi buồn tình xách xe chạy chơi kiếm vài đồng café thuốc lá. Sau 75 khi mấy ông cách mạng mang “bobo lương khô mì lát” vào cho miền Nam thì chiếc xe Honda trở thành một nghề kiếm sống thứ thiệt.
Nói đúng hơn thì nó chính là “cân câu cơm” có một không hai trong thời buổi “ngăn sông cấm chợ” gạo châu củi quế. Quan trọng hơn nữa nó chính là một phương tiện cơ động nhanh chóng rẻ tiền nhất để di chuyển từ nơi này qua nơi khác trong cự li gần mà không có thứ gì có thể thay thế được.
Xe ôm hiện hữu ở Sài Gòn gần như tuyệt đối trên từng cây số, ở khắp các ngã tư, ngõ hẻm, lề đường gốc cây, trước các hàng quán siêu thị thậm chi ngay cả khi đi lang thang trên đường bạn cũng có thể hô lên “xe ôm” là có ngay như phép màu.
Nó đúng là một nghề mưu sinh của những người nghèo. Một cái nồi cơm của một ông thầy giáo nghèo sau những giờ lên lớp. Có nhà 4-5 miệng ăn sống nhờ vào những cuốc xe thồ trong những trưa hè nóng chảy.
Một cuốc chừng 20 ngàn cao nhất 50 ngàn, trừ đi tiền xăng nhót cũng còn được 10 ngàn, 20 chục ngàn. Một ngày dầm mưa dãi nắng cũng được 2-3 cuốc. Ngày khá khá hơn nếu gặp khách sộp chạy đường xa thì chỉ cần một chuyến thôi là đã đủ sở hụi.
T., một tay lái thâm niên ở bến xe miền Đông cho biết, xe thồ cũng có bến bãi bảo kê riêng của nó. Đậu xe đón khách lơ mơ láo ngáo là ăn đòn như không vì mọi xăng ti mét hè phố đều đã có chủ, ai muốn có chỗ đậu cố định phải được giới thiệu bảo đảm thông qua “anh em” nếu không muốn xe lốc hàng chạy “gió” không tải quanh năm.
Tranh thủ chợp mắt khi vắng khách.
(Hình: Nguyễn Sài Gòn/Người Việt)
Cá biệt cũng có người xách xe chạy rông rông đón khách “đi lạc” nhưng chỉ hên xui may rủi vì mọi cung đường đều đã có bến bãi dày đặc - chưa kể xe quay đầu về trên đường cũng “bắt khách” luôn thì “cạnh tranh” với mấy ảnh là đều không thể.
T. nói nghề này thì cũng trần ai cuốc chỉa lắm vì người làm thì quá trời mà người đi thì quá ít. Vì bây giờ ai cũng có xe đưa đón nên chỉ những ai chân ướt chân ráo mới tới thành phố thì mới cần còn không thì cũng khó vô cùng, một chiếc xe khách tấp bến thì cũng đã có một lực lượng hùng hậu ào tới với những tiếng la ơi ới: “Anh áo vàng là của tao. Chị áo xanh là của tớ. Bà già kia là của mà...” Và cuối cùng là những khuôn mặt tiu nghỉu khi khách lắc đầu quầy quậy từ chối.
Không có nỗi buồn nào giống nỗi buồn nào, nhưng nỗi buồn của dân xe ôm thì chỉ có một. Nhiều khi cả ngày chỉ chạy được một cuốc không đủ cho tiền xăng nhớt nên cả suất cơm trưa bình dân cũng không dám tới, những lúc ấy chỉ biết leo lên xe nằm ngủ vì chỉ sợ vắng bóng mình thì khách sẽ đi mất.
Buồn vì không có khách còn đỡ - có loại khách “ác hiểm” mang họa vào thân khi phải gặp cướp thì còn kinh khủng hơn khi bọn “vã thuốc” bất ngờ lộ mặt hung bạo đoạt mạng người như chơi.
Dân xe ôm sợ nhất là những cuốc đi xa đi đêm với giá không cần phải trả- những lúc đó thì “họa phúc khôn lường” đa số đều từ chối vì những “vụ án” thủ tiêu trên đường vắng để cướp xe là gần như chuyện thường ngày.
Nhưng không chạy thì lấy gì ăn, khách cần đâu thì mình phải đi đó, chạy càng xa thì tiền càng nhiều dĩ nhiên nguy hiểm rập rình cũng không phải ít.
Nhưng không ai có thể lường được trong khuôn mặt hiền lành đang ôm mình sau lưng kia bỗng dưng kề lưỡi dao lạnh ngắt vào cổ mình rồi bảo “hãy giao tiền bạc và xe ngay hay chết.”
Chỉ như vậy thôi trên những cung đường xa vắng - những cuốc xe ôm đã chạy mãi mãi không bao giờ có đường về.
Nguyễn Sài Gòn/Người Việt

0 nhận xét:

Đăng nhận xét