Bất cứ ai cũng có thể dẫn trường hợp
của những người nổi tiếng, từ Vincent Van Gogh và Virginia Woolf hay
Tony Hancock cho đến Robin Williams, những người vô cùng sáng tạo nhưng
lại trải qua các vấn đề về tâm thần.
Có rất nhiều ví dụ rất rõ ràng về mối liên hệ giữa bệnh tâm thần và sự sáng tạo.
Và có lẽ các nghiên cứu sẽ ủng hộ giả thiết phổ biến này? Không hẳn vậy.
Trên
thực tế có rất ít dữ liệu về chủ đề này. Trong 29 nghiên cứu được thực
hiện trước năm 1998, có 15 nghiên cứu không tìm thấy mối liên hệ nào,
chín nghiên cứu tìm thấy và năm nghiên cứu cho rằng mối liên hệ này
không rõ ràng.
Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu trong số này trên
thực tế chỉ là các nghiên cứu các trường hợp, thay vì là nỗ lực nhằm
chứng minh thực sự là có mối liên hệ nào đó hay không.
Một trong
những khó khăn là việc xác định hoặc đo lường sự sáng tạo, vì vậy các
nhà nghiên cứu thường sử dụng những thứ trung gian.
Ví dụ, một
nghiên cứu từ năm 2011 đơn giản phân loại mỗi người bằng nghề nghiệp đã
cho rằng tất cả những người là hoạ sỹ, nhiếp ảnh gia, nhà thiết kế hay
nhà khoa học đều là những người sáng tạo.
Sử dụng thống kê của
chính phủ Thuỵ Điển, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng những người bị rối
loạn lưỡng cực thường có nhiều khả năng làm những nghề sáng tạo hơn
người thường gấp 1,35 lần.
Tuy nhiên bởi vì những nghiên cứu này chỉ bao gồm một số ít công
việc, dữ liệu này không thể nói lên rằng những người làm nghề sáng tạo
có dễ bị rối loạn lưỡng cực hơn những người khác, hay những người làm
nghề kế toán thì ít khả năng bị rối loạn hơn hay không.
Các nghiên
cứu này thường dẫn một nghiên cứu do Nancy Andreasen công bố vào năm
1987, vốn so sánh 30 cây viết với 30 người khác không làm nghề viết.
Những người làm nghề viết thường có khả năng bị rối loạn lưỡng cực hơn những người không viết.
Đó
là một nhóm nhỏ, với chỉ 30 cây bút được phỏng vấn trong 15 năm, và mặc
dù nghiên cứu này thường xuyên được trích dẫn, nó cũng bị chỉ trích
rộng rãi bởi vấn đề về thần kinh được xác định qua các cuộc phỏng vấn và
không rõ đã dựa trên tiêu chí gì.
Bên cạnh đó, những người phỏng vấn cũng ý thức được ai làm nghề viết, ai không, vốn có thể tác động đến kết quả.
Ngay
cả khi kết quả không nói lên nhiều, liệu sự sáng tạo mà bệnh rối loạn
lưỡng cực mang lại có khiến các cây bút nhiều khả năng chọn nghề của họ
hơn, hay nó khiến họ khó kiếm việc bình thường hơn? Điều này vẫn khó để
nói.
Có hai nghiên cứu khác cũng đề cập đến mỗi liên hệ giữa rối loạn thần kinh và sự sáng tạo.
Nghiên
cứu thứ nhất được thực hiện bởi Kay Redfield Jamison, được biết đến bởi
cuốn sách An Unquiet Mind. Nghiên cứu này cũng dựa trên các cuộc phỏng
vấn, nhưng với các nhà thơ, nhà viết tiểu thuyết, nghệ sỹ, viết tiểu sử.
Có
tổng cộng 47 người tham gia nghiên cứu này. Nhưng bà đã tìm ra một tỷ
lệ bị tâm thần khá đáng ngạc nhiên. Ví dụ, hết một nửa những nhà thơ đã
từng đi điều trị. Nghe thì có vẻ như là một tỷ lệ lớn, nhưng nó cũng chỉ
dựa trên chín người.
Một nghiên cứu khác của Arnold Ludwig đã xem xét một số lượng lớn hơn.
Ông
đã nghiên cứu tiểu sử của hơn một nghìn người nổi tiếng để tìm kiếm
những đoạn nói về các hội chứng tâm thần và nhận ra các nghề nghiệp khác
nhau có các vấn đề khác nhau.
Điều khó khăn ở đây là mặc dù nhiều người nổi tiếng vô cùng xuất chúng, họ cũng không phải nhất thiết là vô cùng sáng tạo.
Mặc
dù nghiên cứu khá dài của ông thường xuyên được trích dẫn như là tài
liệu đã đưa ra được một mối liên hệ, bản thân Ludwig thừa nhận rằng
nghiên cứu của ông không chứng minh được mối liên kết giữa bệnh tâm thần
và sự sáng tạo, cũng như không chứng minh được nó là điều thường thấy ở
những người làm việc sáng tạo.
Các nghiên cứu về những người nổi
tiếng thường được giới nghiên cứu sử dụng khá phổ biến, nhưng không phải
khi nào cũng mang lại cùng kết quả.
Vào năm 1904, Havelock Ellies
đã nghiên cứu hơn 1.000 người và không tìm ra sự liên kết nào giữa bệnh
thần kinh và sự thiên tài. Và một nghiên cứu vào năm 1949 đối với
19.000 nghệ sỹ và các nhà khoa học Đức trong ba thế kỷ đã có cùng kết
luận.
Vì sao giả thiết này vẫn tồn tại dù không có đầy đủ bằng chứng?
Một
số người cho rằng mối quan hệ giữa bệnh tâm thần và sự sáng tạo là một
mối liên hệ phức tạp hơn, và các vấn đề về thần kinh thường giúp người
ta sáng tạo hơn bình thường. Tuy nhiên sự sáng tạo này giảm xuống mức
trung bình hoặc thấp hơn trong các giai đoạn nghiêm trọng hơn của căn
bệnh. Đôi lúc bệnh thần kinh có thể khiến làm người ta không thể làm bất
cứ gì.
Có lẽ nhiều người tin vào mối liên hệ này bởi nó rất rõ ràng trong những trường hợp có những hiện tượng đó.
Nhà tâm lý học Arne Dietrich cho rằng chúng ta thường tập trung vào những gì ở ngay trước mặt.
Những
truyền kỳ về việc Van Gogh tự cắt tai mình trong lúc nổi cơn điên đã
khiến câu chuyện đó hiện ra rõ ràng hơn trong đầu chúng ta.
Chúng
ta thường ước tính khả năng xảy ra một điều gì đó dựa trên khả năng nó
xuất hiện trong đầu mình dễ dàng thế nào. Vì vậy khi chúng ta được hỏi
liệu bệnh thần kinh và sự thiên tài có liên hệ với nhau hay không, chúng
ta thường nghĩ đến những ví dụ điển hình mà mình biết đến ngay lập tức.
Việc
tin vào mối liên hệ này có thể có những tác động có hại. Một số người
có thể tin rằng bệnh của họ tăng khả năng sáng tạo, và không muốn chữa
trị vì sợ rằng điều này khiến họ không còn sáng tạo nữa.
Bên cạnh đó, người ta cũng có thể cho rằng sự thành công của mình là do bệnh, thay vì do tài năng thực sự.
Còn
những người bị bệnh tâm thần nhưng không thực sự có khả năng sáng tạo
thì sao? Liệu họ có cảm thấy áp lực phải trở nên xuất chúng và có cảm
thấy mặc cảm nếu họ không thể làm điều đó?
Tôi tự hỏi rằng giả
thiết này tồn tại lâu có phải bởi vì nó thuận tai? Bởi nó tạo cho chúng
ta sự lạc quan rằng nếu chúng ta có vấn đề về tâm thần, có lẽ nó sẽ mở
ra một khía cạnh lạc quan nào đó, hoặc khiến chúng ta an tâm nếu như
mình không thực sự giỏi, vì cho rằng sự tài giỏi đi cùng một cái giá nào
đó. Có lẽ sự liên hệ giữa bệnh tâm thần và sự sáng tạo tồn tại chỉ bởi
vì chúng ta muốn thế.
Theo BBC
Bản tiếng Anh bài này đã đăng trên
BBC Future.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét