Nhìn lại lịch sử tranh chấp giữa hai khối tư bản và Cộng sản trong gần
suốt thế kỷ 20, nhận xét đầu tiên người ta có thể rút ra là: Không ai có
thể đánh bại được Cộng sản.
Nhận xét ấy được hỗ trợ bởi hai bằng chứng:
Thứ nhất, trên phạm vi toàn cầu, trong 70 năm đầu tiên, chủ nghĩa Cộng
sản phát triển cực nhanh, nhanh đến độ dường như không có ai và không có
cái gì có thể ngăn cản được. Ra đời tại Nga năm 1917, năm năm sau,
1922, Liên bang Xô Viết được thành lập với vai trò nòng cốt của Nga,
châu tuần bởi các nước láng giềng nhỏ của Nga, như Ukraine, Belarus,
Georgia, Armenia và Azerbaijan. Sau đó, một số nước khác bị sáp nhập vào
Liên bang Xô Viết, như Estonia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Latvia,
Lithuania, Moldova, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan. Đến giữa
thập niên 1980, Liên bang Xô Viết, với diện tích trên 22 triệu cây số
vuông và đường biên giới trên 60.000 km, chiếm đến một phần sáu diện
tích trái đất, rộng bằng cả Bắc Mỹ. Năm 1945, sau Đệ nhị thế chiến, một
số nước thuộc Trung Âu và Đông Âu lần lượt rơi vào tay Cộng sản:
Albania, Ba Lan, Bosnia, Bulgaria, Croatia, Đông Đức, Hungary,
Macedonia, Montenegro, Romania, Serbia, Slovakia, Slovenia, Tiệp Khắc,
Nam Tư. Sau đó nữa là các nước thuộc châu Á và châu Phi, như Trung Quốc,
Việt Nam, Bắc Triều Tiên, Afghanistan, Campuchia, Congo, Mông Cổ,
Yemen, Angola, Benin, Congo, Ethiopia, Somalia, Eritrea và Mozambique.
Vào giữa thập niên 1980, khối Cộng sản rất mạnh, chiếm một phần ba dân
số thế giới. Cho đến lúc ấy, câu khẩu hiệu chủ nghĩa Marx-Lenin hoặc chủ
nghĩa Cộng sản bách chiến bách thắng vang lên khắp nơi. Dân chúng ở các
nước Cộng sản, vốn bị nhồi sọ, tin điều đó, đã đành. Ngay phần lớn dân
chúng ở Tây phương, tuy biết tất cả những mặt trái đầy tiêu cực của chủ
nghĩa Cộng sản, vẫn không tin là Tây phương có thể đánh bại được Cộng
sản.