Ads 468x60px

Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2013

Món ngon “hai mặt”

Đồ khô là thực phẩm quen thuộc và được nhiều người Việt từ thành thị đến nông thôn ưa chuộng vì có thể giữ lâu, hương vị đậm đà vừa miệng lại “bắt” cơm.  
Tuy nhiên, trên thực tế, thực phẩm khô tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe người tiêu dùng. Bởi nó vẫn là một thị trường bị bỏ ngỏ về việc kiểm soát chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm, khiến người dân… “tù mù” trong việc lựa chọn. Chính vì vậy, việc hiểu rõ về chúng, sử dụng sao cho ngon và không ảnh hưởng đến sức khỏe là điều người tiêu dùng nên lưu tâm.
“Tù mù” đi chợ đồ khô
Theo thông tin từ Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm TP. HCM, tổng cơ sở bị thanh tra hoặc kiểm tra trong lĩnh vực an toàn thực phẩm năm 2012 là 38.181 cơ sở, trong đó phát hiện vi phạm là 14.084 cơ sở và đã tiến hành xử phạt hành chính những cơ sở vi phạm này.
Thực phẩm khô rất đa dạng, được chia làm nhiều nhóm như nhóm khô tự nhiên truyền thống: tôm, cá khô.... nhóm khô phải qua chế biến gồm măng khô, mực tẩm… ra chợ chọn mua vài LOẠI ĐỒ khô thì dễ, Nhưng người tiêu dùng hiểu thị trường thực phẩm khô đến đâu thì vẫn là một dấu hỏi.
Trong vai một lái buôn tìm mua các loại hàng khô, chúng tôi được mục sở thị các cơ sở chế biến, bày bán đồ khô và đã mắt thấy tai nghe những sự thật bất ngờ về những sản phẩm này.
Nguồn gốc mập mờ, hạn sử dụng là... vô hạn
Nhiều mặt hàng khô không rõ nguồn gốc, xuất xứ được bày bán tràn lan ở các chợ. Tại một điểm bán khô bò B. H, chợ Bình Tây, Q. 6, TP. HCM, đủ loại khô mực, khô bò đều được đóng gói với tên H. M. Nhưng khi chúng tôi hỏi địa chỉ cơ sở sản xuất thì người bán lại không trả lời được và chỉ cho biết ở đây không trực tiếp làm, hàng được lấy từ nhiều nguồn khác nhau. Dù vậy, bà chủ cửa hàng vẫn cầm gói hàng quảng bá về gian hàng của mình: “Thương hiệu này là của gia đình trên 20 năm rồi, chú không để ý chứ mấy quán nhậu thường tới đây lấy hàng lắm”.
Khi chúng tôi hỏi mua các loại thực phẩm khô đã quá hạn, bà này chỉ: “Hàng không dùng được nữa tôi để lại cho những người bán ngoài chợ chồm hổm, hàng rong. Chú muốn mua tui chỉ ra ngoài đó, mối quen bao nhiêu cũng có”.
Chiều ngày 7-4, chúng tôi đến cơ sở sản xuất khô bò N. H (Âu Cơ, P. 8, Q. Tân Bình), bà chủ tên Tuyết giới thiệu: “Hàng của tôi thường xuất khẩu sang Campuchia, Lào nên đảm bảo về chất lượng”. Bà này còn đưa ra một số giấy tờ chứng minh rằng sản phẩm của cơ sở mình đảm bảo vệ sinh. Tuy nhiên, cách bàn bà Tuyết làm việc hơn 1m là 2 nhân công nữ tay không đang đóng gói khô bò, thi thoảng lại đưa tay lên quệt mồ hôi trên mặt, cổ. Hàng chục thùng chứa khô bò, khô nai chưa đóng gói được đặt dưới nền nhà đầy bụi bẩn, lần lượt được hai nhân công nữ không mang bao tay, bốc đặt lên một bàn cân, bốc ra bốc vào để đong đếm và đóng gói.
Bà Tuyết nói thêm: “Hàng của chúng tôi được Sở Y tế kiểm tra và cho phép sử dụng trong vòng một năm kể từ ngày sản xuất. Nhưng thực tế thì hơi khác”. Giải thích về điều này, bà Tuyết cho biết, không có sản phẩm nào có hạn 1 năm hết vì quá 3 tháng là chúng đã bị mốc và nhiễm nấm rồi. “Vậy lỡ sau 3 tháng không bán được hàng thì sao?”, chúng tôi hỏi. Bà này nói tiếp: “Hàng không bán được cứ trả về đây, tính 10% tiền chi phí hàng”. Bà này nói thêm: “Coi vậy chứ trước giờ chưa ai trả lại hết. Hàng hết hạn, bán ráng thêm vài tháng có sao đâu”.
 Người bán không dám ăn
Tại chợ Kim Biên, Q. 5, TP. HCM, chúng tôi gặp bà Hà, chủ một vựa măng ở chợ Q. 12 đang tìm mua chất bột màu trắng về làm măng khô. Thấy chúng tôi hỏi, bà này không ngại mà chia sẻ rằng, trộn chất này vào thì măng để lâu cỡ nào cũng không bị mốc, mọt.
Theo bà Hà về nơi sản xuất, bà này chỉ cho chúng tôi quy trình làm măng khô. Trong đó, theo bà quan trọng nhất là làm sao giữ măng khô thật lâu. Bà bảo mỗi năm chỉ có khoảng 2 tháng để bà nhập măng về, chế biến thành măng khô bán cả năm. Có những lô măng ngon, đẹp bà không bán ngay mà để dành tới mấy năm, khi nào được giá mới bán. Nhờ giữ măng bằng chất bột màu trắng, bà có được những món lời to.
Hóa ra loại bột mà bà Hà nói là lưu huỳnh. Chúng tôi thắc mắc nếu tẩm chất này vào thì măng có mùi hôi, hắc thì sao người ta dám mua. Bà này cười nói: “Tôi chỉ cho chú biết vậy thôi. Ai cũng biết là phải bỏ chất đó vô nhưng nếu không biết cách khử mùi thì có mà bỏ luôn hàng”. Lúc ra về, chúng tôi có ý mua một ít măng hàng đẹp về biếu người nhà, bà Hà xua tay: “Đã biết vậy thì mua làm gì, đến tôi còn không ăn”.
Sai phạm xuất phát từ lợi nhuận
Để hiểu rõ về những sai phạm của người bán thực phẩm khô, chúng tôi đã trao đổi với ThS. BS. Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm TP. HCM và được cho biết: Hiện nay, hệ thống kinh doanh thực phẩm khô trên địa bàn TP. HCM khá lớn với nhiều mặt hàng. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra thường phát hiện một số vi phạm phổ biến:
- Thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Người dân chưa quen với việc sử dụng hóa đơn, chứng từ khi buôn bán hoặc mua hàng hóa cũng không đòi hỏi về nguồn gốc. Người ta thấy hàng hóa ở đâu rẻ, chất lượng tương đối về mặt cảm quan hoặc do người tiêu dùng thấy thích sản phẩm này thì đặt hàng.
- Sản phẩm không bảo đảm đủ điều kiện bảo quản do nhà sản xuất hướng dẫn. Ví dụ các loại khô không bảo quản nơi thoáng mát như quy định mà đem để ngoài nắng.
Đối với những nhà kinh doanh có tính chất hộ gia đình hoặc nhỏ lẻ, có thể do việc chọn lựa sản phẩm đầu vào chưa đảm bảo chất lượng, dẫn đến tình trạng kinh doanh sản phẩm có những độc chất. Hoặc những sản phẩm đang yêu cầu tạm ngừng kinh doanh nhưng họ vẫn không hay biết thì dẫn đến sự vi phạm. Sự vi phạm này là do vi phạm kinh doanh sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ chứ bản thân người kinh doanh không bỏ những chất độc hại vào sản phẩm. Tức là họ chưa ý thức được vấn đề này sẽ nguy hại đến sức khỏe. Họ chỉ nghĩ đến việc mua rẻ và bán ra ở cái giá có lời.
Có thể thấy, từ thực tế thị trường thực phẩm khô và ý kiến của cơ quan chức năng, chất lượng thực phẩm khô hiện nay chưa thật sự đảm bảo. 
VĂN DANH - QUỐC VIỆT - HIỀN LỆ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét